Sự viết và tâm thế viết

Văn chương không giới hạn tuổi tác. Thực tế đã có nhiều nhà văn nhà thơ khẳng định tên tuổi của mình khi còn trẻ. Và cũng không ít nhà văn nhà thơ chỉ phát lộ tài năng, được công chúng đón nhận khi đã toan về “già”. Dù xuất hiện ở tuổi nào, điều cốt yếu với người viết là tâm thế “viết đến cùng” và khảm cá tính của mình lên mỗi trang viết.

Tâm thế viết đến cùng

Văn chương là hành trình lao động nghệ thuật đầy khổ ải. Muốn “thai nghén”, “sản sinh” những tác phẩm để đời, đòi hỏi người viết phải bền lòng, nhẫn nại bật phá mọi khó nhọc, cam go. Có vậy, hoa mới thơm, quả mới ngọt. Dẫu rằng con đường văn chương không phải lúc nào cũng êm đềm, thuận buồm xuôi gió, song chính lòng ham mê sẽ giúp người viết dấn thân đến cùng.

Sở hữu một tâm hồn tự do là điều cần thiết nhưng để trở thành một người sáng tạo, người viết cần hơn thế. Trái tim phải biết yêu thương, mở rộng để đón nhận cuộc sống. Khi người viết thực sự sống với những giá trị, người viết mới có thể tạo ra những giá trị đích thực. Tự do không thuần túy là không gian rộng lớn cho tâm hồn người viết bay lượn mà còn là hành trình nhận thức, nơi người viết ý thức được những lựa chọn của mình. Để trở thành một người sáng tạo đích thực, người viết cần biết cân bằng giữa sự tự do bản năng và sự tự do có ý thức. Viết lách là cuộc phiêu lưu đầy thử thách đòi hỏi sự kiên trì và sự dấn thân. Nhà thơ Trương Đăng Dung đã từng nói: “Ngôn từ như con tắc kè hoa, có đời sống riêng và không ngừng thay đổi”. Muốn làm chủ ngôn từ, người viết cần “lưu đày” bản thân trong thế giới chữ nghĩa, không ngừng khám phá và sáng tạo.

Cuộc sống hiện tồn vô vàn khúc quanh, ngã rẽ. Đó là quy luật tất yếu của tạo hóa. Người bản lĩnh là người biết cách làm chủ và thích ứng những khúc quanh, ngã rẽ ấy phục vụ mục tiêu, khát khao của mình. Người viết hãy xem những biến cố, đổi thay trong cuộc đời như mảnh đất màu mỡ làm dày ý tưởng. Đặc biệt, khi điều chỉnh được sự tương đồng giữa những khúc quanh trong cuộc đời và những ngã rẽ trong sự nghiệp viết lách, người viết sẽ thấy được hiệu quả vận động của đề tài, cảm hứng, thể loại, hình thức nghệ thuật trong các tác phẩm của mình.

Cánh cửa văn chương rộng mở với bất kể lứa tuổi nào nhưng nếu con chữ mãi “trẻ con”, không chịu “trưởng thành” theo thời gian thì khó tạo ra tác phẩm có giá trị. Người viết cần cẩn trọng trong lao động nghệ thuật, trách nhiệm trước ngòi bút của mình. Đành rằng người viết không thể ôm đồm nhiều thể loại, xử lý tốt mọi đề tài song tác giả có thể chứng tỏ thế mạnh của mình trong lĩnh vực yêu thích. Bởi khi đã toàn tâm toàn ý, gọi được nguồn cảm hứng dồi dào về, tác giả sẽ có kết quả khả quan.

Khảm cá tính trên trang viết

Sáng tác của người viết luôn gắn bó mật thiết với vùng đất mà họ sinh ra và lớn lên. Chiều sâu cội nguồn ấy là cái nôi, là gốc rễ nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách, thấm vào trang văn như một lẽ tự nhiên, hình thành nên cảm thức, lối viết và khai mở “đặc sản” văn hóa trong sáng tạo. Nhưng người viết không chỉ sáng tạo dựa trên vốn kinh nghiệm văn hóa bản địa mình có, mà còn kết nối/hợp văn hóa bản địa với những nền văn hóa khác để tạo ra những tác phẩm đa dạng, độc đáo và có chiều sâu. Để hiểu sâu sắc và sở hữu không gian nguồn cội nguyên bản, lấy ra được giá trị riêng mình, ngoài sự kế thừa, đòi hỏi người viết một năng lực sáng tạo nhạy bén và trữ lượng đi đường dài. Nguồn cảm hứng đôi khi cũng cạn kiệt, khó lấy lại, buộc người viết phải vin vào nhận thức, trải nghiệm văn hóa để dồi dào cảm xúc, tạo ra những tác phẩm mới, không lặp chính mình và người khác.

Nhà văn Nguyễn Tuân từng quan niệm: viết văn phải cố viết cho hay và viết đúng cái tạng riêng. Quả vậy, “cái tạng” là yếu tố tạo phong cách riêng có của mỗi người viết và thiết tạo những tác phẩm đậm nét đặc thù, khác lạ, có sức sống lâu bền. Viết ngoài “cái tạng”, giọng văn dễ sáo rỗng, nhạt nhẽo, khó tạo được sự đồng cảm và nhanh chóng bị lãng quên. “Cái tạng” của người viết cũng là chìa khóa để người đọc phát hiện cách nhìn, quan điểm của mỗi nhà văn.

Viết những gì mình quen thuộc là lợi thế nhưng không phải tất cả. Văn chương luôn đòi hỏi người sáng tác phát kiến những ý tưởng mới. Để đạt được điều này, người viết cần biến những gì thông thuộc thành cái khác lạ, tươi mới. Bởi lẽ, trong lòng người viết luôn tràn ngập niềm ham muốn ấp ủ tác phẩm đa tầng đa nghĩa, thôi thúc tư duy phản biện, khuấy động suy tư và đồng cảm của người đọc. Mục đích của họ là tìm lời giải đáp cho những câu hỏi muôn thuở về kiếp người, về thăng trầm của cuộc sống. Tâm thế sẵn sàng lên đường là hành trang quý giá dìu dắt người viết dũng cảm đương đầu với mọi áp lực, biến trở ngại thành bàn đạp, trui rèn bản lĩnh và trưởng thành.

Trong Đời nhẹ khôn kham, nhà văn Milan Kundera đã từng nhận định: “khi hệ lụy càng nặng thì đời sống càng bị kéo gần đến mặt đất và chúng ta càng sống thật hơn”. Hệ lụy đời sống cho người viết cách sống thật. Sống thật là điều kiện tiên quyết viết thật. Chỉ những cảm xúc, cảm hứng xuất phát từ trái tim nóng hổi, tha thiết với người, rung động với đời mới đạt đến hiệu lực của nghệ thuật quyến rũ, nghệ thuật cấp cao. Chỉ người viết chân chính mới ràng buộc mình trong cuộc đày ải vô cùng của trí tuệ, biết khởi tạo “hoa tay”, kích hoạt sự đọc, tưởng tượng của độc giả.

Giọng điệu như dấu sinh trắc học độc nhất giúp người đọc nhận diện nhà văn. Để có được giọng điệu, người viết cần thường xuyên tích trữ vốn sống, kiến thức và tôi giũa kỹ năng viết lách. Khúc dạo đầu, hẳn ai cũng có trong lòng “thần tượng”, “người thầy” của mình. Nhưng để sống còn với văn chương, theo nghiệp văn chương, người viết cần chủ động đổi khác, thoát khỏi những bản sao, học cách lưu đày trong tâm hồn và lưu đày trong trường trận ngôn từ để bảo vệ căn-cước-văn của mình.

Khi đắm chìm trong nỗi cô đơn của sự viết, người sáng tác mới có thể định vị giọng điệu riêng có. Chỉ ở những điểm đau, nút thắt tê tái, buốt xót thì con chữ có độ lan tỏa, tác động mạnh đến người đọc. Trong tận cùng cô đơn, tuyệt vọng, người viết mới thực sự vật lộn kịch liệt với cái tôi để truy tìm bản thể. Và cũng chỉ có con đường này, người viết mới đối diện trọn vẹn nhất cái tôi của chính mình, không bị trộn lẫn giữa nghìn trùng cá thể, mới phát tiết cái riêng, cái lạ, cái độc. Ý thức bản thể lớn chừng nào thì sáng tạo thăng hoa chừng đó. Nỗi buồn, nỗi cô đơn, do vậy, là đặc ân, món quà vô giá mà tạo hóa trao tặng cho người viết.

Viết văn là một hành trình dài đòi hỏi người viết ngoài tài năng bẩm sinh còn cần sự kiên trì, giũa mài để tạo nên những tác phẩm có giá trị. phê bình. Nhãn quan tinh sắc, am hiểu rộng cùng sự linh hoạt về ngôn ngữ, giọng điệu sẽ chuyển được cảm xúc, thế giới quan của người viết vào tác phẩm.

HOÀNG THỤY ANH

 

>>> Xem thêm: Tạp chí văn nghệ Lai Châu

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.