Kèn lá – nhạc cụ độc đáo của người Mông  

 

Có lẽ trong các loại nhạc cụ của người Mông thì kèn lá là nhạc cụ giản dị và đơn sơ nhất, thứ nhạc cụ ta có thể tìm thấy bất cứ nơi đâu mà không phải chế tác. Nhưng sự đơn giản ấy không làm mất đi vẻ đẹp thuần khiết của thứ âm thanh trong trẻo, mượt mà cao vút cất lên nơi thượng nguồn của núi rừng Tây Bắc.

Kèn lá còn được gọi là “họa mi” của núi rừng, kèn dành cho các cô gái Mông là chủ yếu. Khi tiếng kèn cất lên cũng là lúc lời tâm tình, nỗi lòng của người thiếu nữ Mông được trao đi. Tiếng kèn cao vút vang vọng khắp núi rừng, tiếng kèn bay qua các ngọn núi, rừng cây mong chờ lời đáp lại của chàng trai. Cô gái mượn tiếng kèn lá để gửi gắm mong ước, khát vọng của mình về một tình yêu lứa đôi hạnh phúc. Nhiều người băn khoăn về nguồn gốc của tiếng kèn lá, không biết kèn lá có từ bao giờ, chỉ biết người già trong bản vẫn thường kể lại cho con cháu nghe về tích chuyện xưa: Cảm thông, thấu hiểu được nỗi lòng của đôi trai gái khi tình yêu bị chia cắt, tiên ông đã ban tặng cho chàng trai con vua thủy tề và nàng công chúa con gái của vua Mông chiếc lá để họ bày tỏ tâm tình với nhau trong lúc công chúa bị giam giữ bởi sợi dây thần của quỷ. Nàng đã đặt chiếc lá trên môi thì thầm vào đó những lời yêu thương, nỗi khổ đau và niềm mong mỏi chàng trai trở lại cứu mình. Âm thanh cao vút của tiếng kèn lá chứa đựng tiếng lòng nhớ thương, nỗi đợi chờ khắc khoải của cô gái. Tiếng kèn lá vang xa hòa mình vào gió núi, vào cây rừng lay động tới trái tim con người. Nhờ đó mà chàng trai đã cứu được người mình yêu ra khỏi nanh vuốt của quỷ thần và họ bên nhau hạnh phúc. Đến nay, kèn lá đã trở thành lời tỏ tình của đôi trai gái trong đêm trăng, hay là lời tâm sự của các cô gái khi chờ nhau xuống chợ, là lời giãi bày tâm tình của mỗi người dân sau vụ mùa thắng lớn. Tiếng kèn cứ thế vang xa mãi và trở thành người bạn tâm giao của đồng bào dân tộc Mông.

Có thể nói kèn lá là loại nhạc cụ đơn giản dễ tìm dễ thấy nhất trong các loại nhạc cụ. Chỉ cần một cái với tay ta có thể tìm thấy được một chiếc lá còn tươi, nhưng chỉ người biết thổi mới có thể chọn được chiếc lá phù hợp nhất. Thiếu nữ Mông đã từng tâm sự về cách thổi kèn lá: lá phải tươi dày vừa phải, có bề mặt rộng, nhẵn, không có răng cưa như lá chuối, lá nghiến, lá thảo quả… có nhiều cách thổi kèn lá nhưng về cơ bản có hai cách thổi, một là ngậm chiếc lá ngang giữa hai môi, sử dụng lưỡi đẩy hơi qua kẽ hở của môi. Hai là, dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái giữ hai đầu lá, đặt lá giữa hai môi, lưỡi và môi kết hợp đẩy hơi tạo âm thanh, dùng hơi điều chỉnh âm thanh cao, thấp, trầm, bổng. Dù là cách nào thì quan trọng nhất vẫn là tài năng của người nghệ sĩ thổi kèn lá. Âm thanh kèn lá cao, vang xa bao nhiêu phụ thuộc vào kỹ thuật người thổi. Nốt trầm trong một bản nhạc khi đến với kèn lá sẽ được nâng lên một tông bởi kèn khó tạo ra âm trầm. Tiếng kèn lá là sự mô phỏng lại âm thanh tự nhiên của núi rừng, là tiếng chim hót lảnh lót trong rừng sâu, là tiếng suối chảy róc rách bên khe suối, tiếng gió rì rào qua kẽ lá, là tiếng gầm của những trận cuồng phong qua khe núi, tiếng chim muông ríu rít gọi bầy… tất cả như vẽ lên bức tranh tuyệt đẹp của núi rừng, lúc thì hiền hòa êm ái, cũng có khi giận dữ sục sôi.

Kèn lá được mệnh danh là “sứ giả của tình yêu”, bởi tiếng kèn thay cho lời hẹn hò của các chàng trai cô gái. Dù cách xa nhau vài quả đồi hay vài nương rẫy họ vẫn mượn tiếng kèn nhắn nhủ tâm tư, tình cảm, những lời thương mến và nhận lại tiếng kèn đáp lại của đối phương. Các chàng trai cô gái thổi kèn lá như muốn hỏi xem nơi xa kia có ai ở đó không? Nếu tiếng kèn phía bên kia được đáp lại là câu trả lời thay cho lời nói. Cứ như vậy tiếng kèn được trao đi đáp lại như lời tâm sự của đôi lứa yêu nhau, khoảng cách không gian không thể ngăn cản được khoảng cách của lòng người. Giai điệu tình tứ, mê say của kèn lá khiến cho mỗi ai một lần được nghe âm thanh của kèn lá thì trọn đời chẳng thể quên. Để người du khách một lần nghe tiếng kèn lại trăn trở tìm lời giải đáp của thứ âm thanh kỳ diệu ấy.

Khi chàng trai cất lên tiếng kèn lá tìm bạn thì trái tim người thiếu nữ được rung lên, không thể kìm lòng mà đáp lại bằng tiếng kèn duyên dáng, tình tứ cứ vậy tiếng kèn “Gọi tình yêu về từ lòng em…”.

Kèn lá xuất hiện thường xuyên trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào người Mông. Khi lên nương rẫy lao động sản xuất tiếng kèn lá vút cao, lảnh lót trong mỗi giờ nghỉ ngơi xua đi bao nỗi nhọc nhằn vất vả. Trong những đêm trăng, tiếng kèn lá hòa chung tiếng đập lúa mùa gặt trên nương. Kèn lá thường mô phỏng các làn điệu dân ca của dân tộc Mông để bày tỏ nỗi lòng tình cảm với thiên nhiên, cuộc sống con người. Trong các buổi văn nghệ giao lưu văn hóa, thiếu nữ Mông còn thổi kèn lá các bài hát như: Người Mông ơn Đảng, Nhớ ơn Bác Hồ, Người Mông trên núi cao… giai điệu nhẹ nhàng vui tươi đã kết nối tình đoàn kết giữa các dân tộc. Cuộc sống hiện đại nhưng người Mông vẫn không quên việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt việc lưu giữ bảo tồn và phát huy cách thổi kèn lá, một nhạc cụ mộc mạc nhưng thuần khiết, để tiếng kèn lá mãi bay xa khắp núi rừng.

Thời gian trôi đi, cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng trong các lễ hội và đời sống hàng ngày kèn lá vẫn xuất hiện bất kỳ nơi đâu, bất kỳ thời điểm nào. Tiếng kèn cất vang trong các buổi giao lưu gặp gỡ, vẫn thánh thót trong các dịp cưới hỏi, lễ hội, vẫn âm vang khắp nương rẫy. Tiếng kèn lá làm bung nở những cánh hoa đào, hoa mận khoe sắc rợp núi rừng. Tiếng kèn lá trở thành phương tiện để mỗi người Mông bày tỏ nỗi lòng trước thiên nhiên và cuộc sống. Vì vậy tình yêu với chiếc kèn lá là mãi không thể đổi thay, dù mai này có rất nhiều loại nhạc cụ mới thay thế nhưng đồng bào dân tộc Mông vẫn lưu giữ và phát huy loại nhạc cụ độc đáo này.

LAM GIANG

 

 

 

 

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.