Nhớ da diết mùa hoa ban Tây Bắc

Tháng tư này, lên Tây Bắc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa ban nở trắng khắp lưng núi đồi, khám phá nét văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc thiểu số. Bao đời nay, hoa ban mặc nhiên đi vào đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Thái, là một trong những sản vật của núi rừng Tây Bắc. Với tôi, nỗi nhớ bản mường, nhớ người thân, nhớ về ký ức tuổi thanh xuân với những trò chơi thú vị hái hoa ban và chế biến các món ẩm thực từ hoa ban càng thêm da diết mỗi khi mùa ban nở.

Hoa ban được người dân bản địa giành cho sự ưu ái mệnh danh là loài hoa vua của núi rừng. Những chùm hoa ban trắng xòe cánh tinh khôi hay hồng tím nhẹ nhàng khoe vẻ đẹp thanh tao, thơ mộng cùng mùi hương thơm quyến rũ ngây ngất làm đắm say lòng người. Ai đã từng đặt chân lên vùng núi mà không ngắm nhìn hoa ban thì coi như chưa đến Tây Bắc. Hoa ban có năm cánh xòe thành hình quạt nhiều sắc màu như: ban tím, ban trắng, ban đỏ, nhưng phổ biến nhất vẫn là hoa ban trắng và mang theo nhiều điều thú vị, hấp dẫn. Màu trắng hoa ban thường được những thi sĩ ví von như vẻ đẹp tinh khôi trong sáng của những thiếu nữ nơi miền sơn cước. Khắp các nẻo đường, những cánh hoa ban trắng muốt sắc màu sặc sỡ rung rinh trước gió như mời chào những bước chân lãng du.

Vẻ đẹp của hoa ban và hình ảnh con người núi rừng tô điểm cho loài hoa này thêm sắc hương rực rỡ. Đối với giới văn nghệ sỹ, mùa ban nở thực sự là nguồn cảm hứng sáng tác những bài hát và phác họa qua những chùm thơ về hoa ban Tây Bắc như: Tác giả Nguyễn Văn Pứ với bài “Hoa ban miền Tây Bắc”:

“… Cô gái Thái cánh tay ngà thon thả
Váy hoa xoay, điệu múa Thái dân gian
Tiếng pí, tiếng khèn và trống chiêng rộn rã
Níu chân người vào Lễ hội hoa ban”.

Những tình cảm của núi rừng Tây Bắc được các tác giả gửi gắm vào những bài thơ hay và ý nghĩa. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã viết trong bài “Gửi Lai Châu”:

“Trái tim đập không một ai nhìn thấy

Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu

Hoa ban nở thành người con gái Thái

Đám mây bay trong thau nước gội đầu.

… Em đứng đó mỉm cười khi anh hỏi
Như hoa ban chỉ nở lúc sang mùa”.

Hoa ban được ví như linh hồn của núi rừng Tây Bắc, vừa là một phương tiện hữu hiệu để phản ánh hiện thực, vừa là bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc nơi đây, giúp cho con người thêm gắn bó, đoàn kết cùng chung tay xây dựng quê hương, bản mường thêm giàu đẹp. Hoa ban là nét riêng của Tây Bắc và đi vào văn hóa đời sống sinh hoạt của người Thái. Từ xa xưa có rất nhiều truyền thuyết kể về hoa ban như: truyện Chàng Khum – Nàng Ban; truyện Cầm Đôi -Hiến Hom và truyện Bun Trai – Bun Nhinh (truyện hai Bun). Cách kể và tên nhân vật của các truyện tuy có khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ dùng hoa Ban làm biểu tượng cho sự thủy chung trong tình yêu đôi lứa.

Theo truyền thuyết hoa ban kể rằng: “Thuở ấy, có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn. Ban thì khéo tay dệt vải lại có giọng hát làm say đắm nhiều chàng trai. Nàng Ban cũng đáp lại chàng một tình yêu say đắm. Thế nhưng, cha nàng Ban vì ham giàu nên đã đem gả nàng cho con trai nhà tạo mường, vốn là một thanh niên lười nhác, lại có tật gù lưng. Và ngày cưới đã được thống nhất giữa cha nàng và gã nhà giàu nọ. Không còn cách nào khác, nàng Ban đã chạy sang bản của Khum gặp chàng để cầu cứu. Nhưng chẳng may chàng đã theo cha đi mua trâu ở bản xa. Nàng lấy chiếc khăn piêu của mình, buộc vào nơi cầu thang nhà người yêu rồi bươn bả đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này, đến rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa tít nào có nghe thấy. Cuối cùng vì kiệt sức nàng đã gục ngã. Rồi nơi nàng nằm xuống mọc lên một cây mang hoa trắng muốt như mối tình thủy chung của nàng với chàng Khum. Và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban, tên nàng. Khi chàng Khum trở về nhà, thấy chiếc khăn piêu của người yêu vắt nơi cầu thang, biết là có chuyện chẳng lành, chàng liền vội vã đi tìm nàng. Dò hỏi bà con bên bản người yêu, chàng mới biết mọi việc. Thế là chàng lên đường đi tìm người yêu, đi mãi hết bản này qua mường khác mà vẫn không tìm thấy bóng người yêu. Cuối cùng chàng kiệt sức, gục xuống gốc một cây hoa màu trắng. Rồi chàng hóa hân thành con chim sống lẻ loi trong rừng, và cứ đến mùa hoa ban nở, lại hót vang như tiếng gọi người yêu tha thiết từ năm nào. Người ta gọi chim đó là “nộc chôm bók” (chim mừng hoa)”.

Chuyện tình hoa ban Tây Bắc của dân tộc Thái kể về tình yêu của đôi trái gái dù bị cha mẹ ngăn cấm nhưng vẫn một lòng chung thủy son sắt. Chính vì vậy hoa ban có màu trắng tinh khiết của cô gái và màu tím thủy chung của tình yêu lứa đôi. Hoa ban tượng trưng cho người con gái Thái, biểu tượng của tình yêu đôi lứa, đồng thời là sự hiếu thảo và biết ơn trân trọng. Giữa bầu trời xanh vời vợi của miền non cao, dù trên mảnh đất khô cằn hay vách đá cheo leo, những cánh hoa cứ thế trỗi dậy khoe sắc. Thế mới thấy tại sao hoa ban được ví như tâm hồn, cốt cách và sức mạnh tiềm tàng cũng như sự chân chất, mộc mạc của người dân nơi đây từ ngàn đời xưa.

Mỗi mùa xuân sang, hoa ban như một tấm áo mới phủ kín khắp núi rừng Tây Bắc, tạo cho nơi đây một vẻ đẹp lãng mạn. Hoa len lỏi trong từng ngóc ngách từng mái nhà, hoa điểm tô trên nếp nhà sàn cổ kính, dưới ánh nắng ban mai, hoa hòa nhịp cùng làn sương giăng mắc trên ngọn cây, hoa lấp ló sau tấm màn khói lam chiều. Du khách đến với Tây Bắc có thể dễ dàng bắt gặp những cành hoa ban khoe sắc ở khắp mọi nơi.

Một trong những ký ức của tuổi thanh xuân để lại trong tôi sâu sắc nhất là sau mỗi buổi lên nương được cùng các anh, chị đi hái hoa ban: lạc vào rừng ban như chìm vào chốn bồng lai tiên cảnh. Những bông hoa mãn khai nhặt gom đầy chiếc gùi. Cành đẹp nhất để giành trang trí tô điểm cho ngôi nhà sàn thêm lung linh, sang trọng, có lần hái được nhiều còn đem biếu ông bà, cô, bác hàng xóm và đồ rồi phơi khô làm thực phẩm dự trữ ăn dần.

Trên bếp nhà sàn bập bùng lửa đỏ cùng với: xôi ngũ sắc, cá nướng, thịt sấy… còn chế biến hoa ban thành rất nhiều món: hoa ban nộm với mầm giềng, măng ngọt hoặc rau rừng hay hoa ban xào tỏi, hoa ban nấu canh chân giò, hoa ban đồ chấm chẳm chéo nước măng chua… hoa ban kết hợp với mùi thơm của tỏi, giềng, vị cay của ớt, má khén hay vị chua của nước chấm tất cả đã tạo thành món ăn mỹ vị đặc trưng được lưu truyền từ bao đời nay mà chỉ có ở người Thái miền Tây Bắc. Những món ăn này rất dễ ăn, không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn chữa trị một số bệnh như: bệnh đường ruột, bệnh gan, giải nhiệt cơ thể. Trong mâm cơm hàng ngày của gia đình người Thái hay bữa tiệc đón khách phương xa món đặc sản hoa ban đã để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai đã một lần được thưởng thức. Cây ban còn có rất nhiều công dụng đối với người Thái. Vỏ cây ban dùng nhuộm vải chàm giữ được màu bền đẹp; hoa và lá ban sao vàng hạ thổ, là vị thuốc quý trị chứng ho khan hoặc viêm họng, bệnh kiết lỵ rất tốt; quả cây ban bóc lấy hạt luộc hoặc nấu cũng rất ngon. Búp ban non ăn sống hoặc luộc chẳm chéo cũng là món ăn quen thuộc của người Thái.

Hoang sơ, huyền bí nhưng rừng hoa ban vẫn toát lên vẻ đẹp yêu kiều khiến ai cũng muốn nâng niu, khát khao chạm đến. Nếu bạn là người yêu hoa, thích khám phá, không ngại đèo cao, muốn hòa mình vào thiên nhiên thì nhất định không thể bỏ qua mùa hoa ban nơi vùng cao Tây Bắc. Đây cũng là dịp đồng bào người Thái mở ra nhiều lễ hội như: xên bản, xên mường, lễ hội Nàng Han, Then Kin Pang đặc biệt là lễ hội Hoa Ban. Tất cả các lễ hội đều có liên quan đến hoa ban, họ dùng hoa ban để trang trí làm đẹp và chế biến các món ẩm thực, dâng lễ cầu mùa, cầu phúc và gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về một cuộc sống thanh bình, no ấm nơi bản mường, đồng thời cũng là dịp nam nữ thanh niên đua tài, khoe sắc, vui chơi các trò dân gian, thể hiện các làn điệu dân ca, dân vũ, trao và đón nhận tình yêu.

THÚY NGOẠN

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.