Xuyến xao những cánh hoa ban

Bông hoa ban từ xa xưa đã trở thành biểu tượng của núi rừng Tây Bắc mỗi dịp tháng tư về. Trong những cánh rừng, trên những dải đồi, dưới những thung sâu hay dọc những tuyến phố, ban đang thầm thĩ gọi mời chim chóc về làm tổ, ban rủ rỉ thúc giục đôi chân anh, ban vương vấn bước chân em. Ban mang đến cả bầu trời đầy sắc hương trong sáng tinh khôi.

Truyền thuyết kể rằng: chàng Khum khỏe mạnh, chăm chỉ và nàng Ban khéo léo dịu dàng yêu thương nhau say đắm. Họ đẹp đôi vừa lứa như thể sinh ra để dành cho nhau, quấn quýt chẳng rời xa. Có ai ngờ chỉ vì tham tiền hám của, cha nàng nỡ tâm chia rẽ đôi bạn trẻ. Trong nỗi lo lắng ngập lòng, nàng Ban vượt núi băng rừng đi tìm chàng Khum, hy vọng chàng cứu mình khỏi đám cưới do cha nàng cùng nhà Tạo mường sắp đặt. Núi rừng trùng điệp mênh mông, chàng tìm nàng, nàng tìm chàng đến kiệt sức. Nơi nàng gục xuống mọc lên cây, cây nở hoa vào mùa xuân, tô thắm núi rừng, tô thắm những mối tình đẹp miền sơn cước. Những cánh hoa trong trắng tinh khôi như người con gái Thái sắt son. Cánh hoa trắng điểm tím hoặc hồng đỏ như con tim chung tình của nàng và chàng kết lại. Người dân cảm mến nàng, đặt tên cho loài cây ấy là cây ban. Chả mấy chốc, ban lan khắp cả một vùng, đẹp đến lạ kì, xao xuyến, rung rinh. Còn chàng Khum, chàng tìm nàng đến chút hơi tàn rồi cũng gục xuống mà chết. Xác của chàng hóa thành con chim lẻ loi sống trong rừng xanh. Mỗi mùa xuân, con chim ấy lại hót vang như tiếng gọi tìm người yêu năm nào của chàng vọng về.

Hoa ban năm cánh xếp hình dẻ quạt quây tròn, bọc trong cánh những hương, những sắc. Năm cánh hoa búp trắng xinh xinh bao bọc năm chỉ nhị nhỏ nhoi, thanh mảnh rung rinh trong làn gió nhẹ. Những cánh hoa còn ủ cả hương sắc nồng nàn. Nhờ gió gom hương, thả vào không gian. Hương bay theo gió. Vấn vương lữ khách đường xa, xốn xang con tim các cô sơn nữ, làm hồng đôi má, căng mọng bờ môi dịu dàng các cô trên những nếp nhà sàn.

Những bông ban đẹp lung linh là thế nhưng đâu phải chỉ để ngắm nhìn, mơ mộng. Ban có nhiều công dụng đối với bà con miền núi. Nếu muốn có mảnh vải chàm thật tốt, thật đẹp màu thì các bà, các chị không thể không dùng vỏ cây ban nhuộm vải. Còn nếu muốn đem yêu thương chăm sóc sức khỏe cho gia đình người thân thì hãy dùng hoa và lá ban sao vàng hạ thổ làm thành vị thuốc quý chữa chứng ho khan, viêm họng. Những búp ban non còn được chế biến thành món ăn dân dã mà đậm đà như: món hoa ban nộm với mầm giềng thơm cay nhè nhẹ, hoa ban xào tỏi thơm lừng, hoa ban nấu canh chân giò béo bùi, hoa ban đồ chẩm chéo nước măng chua ngọt cay nồng… mê hoặc vị giác, khứu giác người thưởng thức.

Du khách đến Tây Bắc đúng mùa ban nở, ngoài được ngắm ban, còn được  các dân tộc miền sơn cước thết đãi các món đặc sản chế biến từ hoa ban. Trao tay nhau chén rượu ngô chất ngất men nồng. Quyện trong vị nồng nàn của rượu là hương vị ngọt ngào chắt chiu những tinh túy dồn lại trong búp ban và cả tấm chân tình xởi lởi của con người xứ núi.

Một lần đến để rồi nhớ. Nhớ cánh ban rung rinh vẫy chào, nhớ áo em xinh màu ban trắng, nhớ chiếc lá có gốc hình tim rụng tả tơi trên hè phố… Những bông hoa trắng trong tinh khiết bừng lên sức sống diệu kì, mãnh liệt, kiên cường, dù trong khó khăn, khắc nghiệt vẫn trong trẻo, tinh khôi, tỏa hương dịu nhẹ.

Rừng ban lại đang bung nở dịu dàng, khoe sắc, tỏa hương trong tiếng chim líu lo đâu đây như lời tự tình của nàng Ban, chàng Khum năm xưa được gió đưa từ thuở xa xăm về với bản mường. Những lễ hội mùa ban năm nay có thể sẽ không được tổ chức vì đại dịch toàn cầu nhưng âm vang của ban, hương sắc của ban vẫn dìu dịu bay cao, bay xa, lắng đọng trong lòng người dân yêu loài hoa đẹp đẽ, thanh tao này của núi rừng biên ải.

THANH TÁM


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.