Xuống núi

Đó là một ngôi nhà cũ, những bụi cây xấu hổ xù xì toàn gai sắc nhọn với những cành mập mạp, vươn ra dài ngoẵng. Tôi chưa khi nào thấy loài cây xấu hổ tốt như thế. Những cây xấu hổ mọc lẫn với những đám cây chó đẻ và một số loài cỏ dại không tên nưa thành một mớ hỗn độn và tươi tốt làm cho lối nhỏ dẫn vào ngôi nhà bị bịt kín. Đó là một ngôi nhà gôc hai gian, hai cánh cửa cũng bằng gỗ đã mốc thếch với ổ khoá han gỉ, xộc xệch. Đây là một ngôi nhà hoang. Tôi kết luận sau nhiều lần đi vòng quanh. Tôi còn phát hiện nơi bức vách đằng sau nhà có một lỗ thủng lớn, bằng cả một người chui lọt. Một ngôi nhà hoang, tôi khẳng định lại một lần nữa với nỗi thất vọng cứ lớn dần. Vậy mà người ta đã cho tôi cái địa chỉ này để đến nhờ cậy. Địa chỉ rõ ràng tôi còn nắm trong tay, cái mảnh giấy nhỏ bằng nửa bàn tay, tôi cẩn thận cất nó dưới tận đáy cái túi vải, khi xuống xe ở trung tâm thị xã tôi mới lấy ra để tìm đường.

Tôi, một thằng con trai 19 tuổi. Nhà tôi ở trên núi. Từ bến xe trung tâm thị xã lúc tôi xuống xe là buổi chiều tà, nhìn về phía mặt trời lặn, một quầng sáng giao nhau giữa trời và đất. Một dy núi mờ mờ, nhà tôi ở đó. Tôi đoán thế, tôi có cảm giác thế mặc dù xung quanh thị xã toàn núi là núi. Lần đầu tiên tôi đi ra khỏi núi, xuống thị xã. Từ nhà tôi đi đến đây mất hai ngày đi đường, một ngày đi bộ và một ngày đi xe ô tô. Tôi nhìn về phía ấy, nơi có những đám mây xếp thành hình con hổ và có cảm giác rằng, mẹ tôi đứng ở đó, vẫn mặc chiếc váy mới mà mà đã khâu nó ròng rã trong hai năm. Bà vẫn đứng ở gốc cây mận tiễn tôi. Tôi vẫn nhìn thấy những vòng màu đỏ và vàng cong cong uốn lượn trên gấu váy. Tôi hoa mắt, không chắc đó có phải là mẹ tôi hay những đám mây đang chuyển màu sắc hay là cầu vòng vì hình như khi đó trời sắp mưa.

Tôi được bản Hừa Ngài chọn đi học ở Trường Y của tỉnh là nhờ bố tôi. Tôi không biết bố đã rèn bao nhiêu con dao đi rừng, bao nhiêu cái cuốc, lưỡi cày để biếu tặng  những người trong xã. Bố tôi, một người Mông không biết đi săn nhưng là người giỏi cơ khí. Người đàn ông Mông nào cũng giỏi cơ khí. Bố tôi là người giỏi nhất trong số những người giỏi cơ khí. Dao bố tôi rèn ra, chặt cây rừng một năm không phải mài lại, cuốc bố tôi làm ra, cuốc trên đá núi cũng phải toé lửa. Bố tôi rèn dao cho gần hết các nhà trong bản. Bố chưa hề xin của họ cái gì nên khi xin trưởng bản để cho tôi được đi học y tá thì trưởng bản đồng ý ngay. Chỉ mất hai chai rượu và một con gà trống. Tôi khi đó đang thái chuối rừng cho lợn nghĩ rằng không mất bữa rượu cũng được đi. Bố tôi bảo nếu không đi thì ở nhà ông sẽ dạy tôi thành một tay thợ cơ khí giỏi nhất vùng, còn giỏi hơn cả ông nữa. Sau bữa rượu, trưởng bản cho tôi địa chỉ của một người cán bộ mà năm năm trước lên bản tôi công tác, người ấy bảo khi nào xuống thị xã thì nhất định đến. Trưởng bản hỏi tôi có nhớ con người ấy không. Tôi không biết mặt người ấy nhưng tôi nhớ hôm đó. Hôm đó, tôi đi rừng đến tối mới về, tôi đào hang và bắt được một con dúi. Bố tôi có mang sang nhà trưởng bản một đĩa thịt dúi bảo là để đãi cán bộ.

Tôi chỉ có chỗ này để đến. Nhưng nó lại là một ngôi nhà hoang. Ngôi nhà này gần Trường y, là nơi tôi sẽ nhập học vào ba ngày nữa. Trường Y gần bệnh viện. Lúc tôi đi ngang qua cổng viện thấy người ta mang một hình người bọc trong mảnh ly nông màu xanh ra khỏi cổng. Đó là một đứa trẻ, chắc nó đã chết. Thi thoảng, ở vùng tôi cũng có một đứa trẻ được mang về như thế từ bệnh viện. Khi đó, nó đã chết, và bọn tôi lại đi qua cả khoảnh rừng rộng để đến xem nhà họ làm ma.

Trời tối, tôi chui vào nhà qua lỗ thủng. Tôi không có nơi nào khác để đi. Trong nhà, có cái giường không có chiếu, có cái bàn nhỏ nhưng không để cái gì trên đó cả, một bóng điện nhỏ treo lủng lẳng giữa nhà. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được thực sự sống dưới đèn điện. Tôi vào bếp, chỉ có một cái nồi đen đúa như cái nồi ở nhà mẹ tôi vẫn thường luộc cá khi tôi bắt được cá ở suối về. Tôi ăn ngô sống mà tôi bẻ lúc đi qua nương ngô. Tôi dải lên giường tấm áo mưa màu xanh mang từ nhà đi để ngủ. Tôi thức dậy khi đã sang ngày hôm sau nhưng trời vẫn còn tối mịt. Từ nhỏ cho đến lớn, ngày nào tôi cũng thức dậy như thế. Đêm hôm qua, tôi mơ thấy mình bị gói trong tấm áo mưa và mang về bản. Xa của tôi xúng xính trong bộ váy áo mới chạy từ rừng về, trông xa như một đoá hoa dại đủ màu biết đi, theo sau Xa là một thằng thanh niên tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Nàng đập đầu vào gốc cây mận trước sân, cái gùi trên lưng nàng rơi xuống, tôi thấy rất nhiều măng đắng. Là người rừng nhưng tôi từ nhỏ cho đến lớn chưa ăn nổi một miếng măng đắng nào. Tôi nhớ buổi sáng tôi đi, Xa không đến, chúng tôi chia tay nhau từ tối hôm trước. Xa bảo vậy là từ nay Xa phải đi rừng một mình. Mùa vả đã bắt đầu chín, sẽ không có ai dám trèo lên cây cao như thế để hái vả cho Xa ăn. Xa bảo ngày mai Xa không đến được vì phải theo trâu thồ gỗ  về. Gỗ để tận rừng sâu. Xa phải đi từ lúc nửa đêm về sáng.

Tôi ở ngôi nhà hoang mà không thấy ai đến hỏi han gì. Đám cây xấu hổ lẫn chó đẻ lẫn cây linh tinh khác vẫn tươi tốt như thế. Cửa vẫn khoá bằng chiếc khoá xộc xệch. Tôi vẫn chui ra chui vào bằng lối tường thủng. Tôi đi từ sáng đến tối mới về. Tôi ăn cơm trưa ở trường. Một xuất cơm rẻ nhất là năm nghìn đồng, đắt nhất là mười nghìn đồng. Tôi ăn loại cơm năm nghìn đồng nhưng nhiều cơm lên bằng cách bớt thức ăn đi. Hôm nào ít người ăn, bát cơm của tôi phải bằng hai bát cơm của người khác, vậy mà tôi vẫn muốn gặm ngô sống vào những đêm không ngủ. Tôi thèm cá. Ba tháng rồi tôi chưa được ăn cá. Xuất cơm năm nghìn xin thêm cơm của tôi không bao giờ có cá. Cá ở thị xã rất đắt. Từ nhỏ cho đến lớn, tôi luôn luôn được ăn cá. Đêm có trăng là tôi đi bắt cá, phải đi rất xa mới tới suối. Những đoạn suối có nhiều cá thì phải đi xa nữa, nhưng đêm nào tôi đi thì đầy một chậu cá mang về. Tôi đi thị xã, có khi bố mẹ và lũ em ba tháng rồi cũng không được ăn cá. Tôi mong về để đi bắt cá đêm.

Tôi vẫn thường nhớ tới Xa. Nàng mười tám tuổi. Nàng khoẻ mạnh và to hơn tất cả bọn con gái cùng lớp tôi. Khi học xong trở về bản, tôi sẽ bảo bố tôi sang hỏi nàng cho tôi. Bố tôi nhất định sẽ đồng ý. Từ năm ngoái đã giục tôi ưng đứa nào thì đi hỏi vì nhà tôi không có người làm. Nếu bố tôi cứ rèn dao mà không lấy tiền như thế thì lấy đâu ra tiền cưới. Nếu là ngày xưa, tôi sẽ bí mật kéo nàng về làm vợ mà không tốn tiền. Bây giờ không ai làm thế. Những đứa có tiền thì còn mang người yêu đi chụp ảnh ở dưới huyện. Không có tiền thì mang gạo xuống đổi, một cân gạo nương bằng một kiểu ảnh. Tôi đã tính làm thế nhưng mùa nương nào nhà tôi cũng không đủ ăn. Cuối mùa, bố thường trộn lẫn ngô vào cơm. Ngô non nên cũng dễ ăn. Nếu tôi cưới Xa về làm vợ thì có thể nương nhà tôi sẽ rộng ra, lúa sẽ nhiều hơn. Tôi nhớ tới nàng trong những giờ học. Học đối với tôi thường khó khăn, vì ở trên núi, tôi học đến lớp cao nhất là lớp năm. Vậy mà tôi đã viết hộ các loại đơn từ  cho cả bản.

ở lớp, tôi thường phải nhờ đến Ngân. Ngân là cô gái ngồi cạnh tôi, được thầy giáo phụ trách lớp phân công giúp đỡ vì tôi là người dân tộc ít người. Ngân nhỏ người và không nói to bao giờ. Cô hay tự lấy sách của tôi ra chép bài hộ mà không cần hỏi. Tôi bao giờ cũng chỉ chép đến phần đầu khi thầy giáo đã kết thúc bài học. Tôi không sao nhớ nổi những câu dài thầy giáo nói. Tôi mong đến ngày đi thực tập ở bệnh viện, khi đó tôi không phải chép bài mà chỉ phải nhìn người ta dạy cho cách băng bó vết thương, cách cầm máu, phân biệt các loại thuốc uống với thuốc tiêm. Ngân bảo thế. Cái gì chứ cách cầm máu thì tôi sẽ học rất giỏi. ở trên rừng có một loại cây cầm máu rất tốt. Tôi đã có lần chặt một gốc cây to lấy củi nhưng trượt dao vào chân, tôi đã cầm máu bằng loại cây đó.

Tôi nói dối Ngân rằng nhà tôi có hai quả đồi. Một quả đồi để ở và một quả đồi để làm nương. Bố tôi có ba vợ, làm ba nhà khác nhau, mỗi nhà cách nhau chừng một quăng dao. Ngân bảo thế bố anh là vua mèo à. Bố tôi không là vua nhưng trên núi người ta vẫn lấy nhiều vợ như thế và tôi có một lũ em. Ngân tin vì tôi thật thà nhất lớp. Nhưng có mỗi một điều đúng là nhà tôi có một lũ em. Còn nương nhà tôi chỉ là một khoảnh bằng ba cái chiếu, ở xa đến nỗi phải đi cả ngày mới đến. Bởi vậy, sau mùa nương, bố tôi không biết làm gì ngoài việc ngồi rèn dao, mẹ tôi đi từ các cánh rừng sơ sinh đến rừng đại ngàn chặt củi, phá những mảnh con con để trồng ngô, trồng sắn. Tôi không nhớ hết những mảnh nương mẹ tôi đã vỡ. Lũ em tôi, đứa biết đi thì tự đi, đứa chưa biết đi thì được cõng trên lưng theo mẹ ra khỏi bản từ lúc mặt trời vừa thức giấc đến lúc mặt trời đi ngủ. Ngân bảo nếu anh mang đất của nhà anh về đây thì anh sẽ là tỉ phú. Bố Ngân làm trưởng phòng địa chính thị xã mà nhà cô cũng chỉ rộng chừng chín mươi hai mét vuông. Cô bảo lẽ ra cô phải học để làm việc ở phòng địa chính ấy nhưng mẹ cô đi xem tử vi bảo cái số cô phải học để thành bác sĩ. Cô đã thi Đại học Y nhưng trượt, bố cô phải mất tiền cho người ta thì cô mới vào được lớp y tá này.

Sáu môn học thì tôi chỉ có thể chép đủ bài một môn. Ngân làm các câu hỏi thành những đoạn băng bằng giấy dài ngoằng, nhỏ xíu. Ngân bảo đứa nào cũng làm thế cả rồi đưa tôi sáu đoạn của sáu môn, chỉ dặn cặn kẽ đoạn nào là của môn nào… Tôi căng óc ra cố nhớ hết nhưng rồi thất vọng khi thấy rằng tôi không có khả năng viết nổi một câu cho đúng ngữ pháp chứ đừng nói đến đánh vần và chép lại những dòng nhỏ li ti ấy. Hôm thi, tôi xin thầy mở sách. Thầy giáo biết rằng nếu không cho tôi chép thì tôi không có cách nào đỗ được. Tôi được bản cử đi học, học xong lại về bản. Điểm trung bình của tôi bao giờ cũng là năm. Có lẽ thầy giáo chấm sự thật thà của tôi. Sự thật thà của tôi được năm điểm.

Tôi cứ chui ra chui vào qua cái lỗ hổng của ngôi nhà hoang ấy cho đến hết kỳ thi học kỳ. Một buổi tối, tôi trở về. Tôi biết đã có người đến đây. Cái túi của tôi vẫn treo trên mắc bị để ra bức tường phía ngoài, cạnh lỗ thủng, sách vở không bị vứt ra nhưng rõ ràng là có người xem. Tôi sợ quá. Mảnh giấy ghi địa chỉ của trưởng bản tôi vẫn giữ nhưng ngộ nhỡ không phải nhà của người đó thì sao. Thế là tôi vơ vội sách vở, quần áo đi khỏi đó. Ngân nhờ người quen làm trong bệnh viện xin cho tôi được ở trong cái nhà kho bỏ không. Tôi suy nghĩ mãi, ban đầu định trả cho họ hai nghìn đồng một ngày nhưng sau không biết đưa cho ai nên lại thôi. Bù lại, tôi làm lao công, ngoài thời gian thực tập, tôi tự nguyện dọn dẹp về sinh. Tôi lau dãy hành lang dài hun hút và quét sạch cái sân rộng của bệnh vện. Người nào không biết tưởng tôi là người nhà đi chăm sóc bệnh nhân. Một lần tôi gặp một người ở vùng tôi xuống chữa mắt. Anh ta đi rừng, bị một cành cây đâm vào mắt. Anh ta hỏi nhà tôi ở bản nào, tôi bảo bản Hừa Ngài. Anh ta bảo Hừa Ngài một hay Hừa Ngài hai. Tôi bảo Hừa Ngài một. Anh ta bảo bản đó có người vừa bắn được một con hoẵng non, ngay lập tức có người dưới huyện mang tiền lên mua ngay. Bản đó lại vừa có một đứa con gái lấy chồng ở bản anh ta. Tôi hỏi đám cưới có to không, là đứa nào thế. Anh ta bảo không biết tôi có biết đứa con gái ấy không. Tôi biết chứ. Đó là Xa.

Đêm đó, tôi quét lá suốt đêm. Tôi cứ quét xong thì  lá lại rụng đầy sân và tôi lại quét lần nữa. Những cái lá xà cừ còn tươi nguyên nhưng cuống thì đã thối. Chắc tại mưa nhiều quá. Những bác sỹ trực đem đã quen với việc tôi quét lá nhưng thấy lạ khi tôi quét lá đêm giục tôi nghỉ, bảo tôi không cần phải làm thế đâu và tôi muốn ở trong kho đến bao giờ cũng được. Về khuya, tôi quét lá như người mộng du. Tôi biết có một căn bệnh gọi là mộng du. Người ta làm mọi điều khi ngủ. Tôi ước tôi mộng du để đòi lại cái vòng bạc mà tôi đã cho Xa. Tôi đã đi bộ một ngày xuống chợ huyện đổi hai chai mật ong để có cái vòng bạc ấy.

Ngân lo sợ thật sự. Tôi không đến lớp được. Tôi cũng không thể đi thực hành. Tôi im như đá núi. Ngân không biết chuyện gì xảy ra với tôi. Cô do dự mãi rồi mời tôi về nhà ăn cơm. Nhà Ngân chín mươi hai mét vuông nhưng nhân lên ba tầng. Bố Ngân không có nhà. Mẹ Ngân lạ lùng nhìn tôi. Các em Ngân nhìn tôi như nhìn một loài thú lạ. Sau nhiều đêm không ngủ, đôi mắt vốn hoang dã của tôi sưng húp, tóc tôi rối bù không thể nào gỡ được, hình như có cái gì vương vướng nơi mặt tôi. Khi vào rửa mặt trong phòng vệ sinh, tôi thấy hình như có một hàng râu đen đen, mọc lún phún ở ria mép. Tôi thấy như không phải khuôn mặt của mình. Có rất nhiều thức ăn mà Ngân tự tay làm lấy, riêng món cá hấp thì mua ở nhà hàng. Khi nào về núi, tôi nhất định sẽ làm món cá hấp này cho bố mẹ và các em tôi ăn. Tôi vẫn thường bắt được những con cá to hơn thế này nhiều. Mẹ Ngân hỏi tôi định xin về đâu khi ra trường, cũng sắp ra trường rồi còn gì. Trong một lúc, tôi không hiểu bà nói gì. Ngân nhà bác chắc lại học tiếp thôi, mà cái bằng trung cấp thì ở đâu người ta nhận. Con sẽ lên núi làm y tá bản. Gớm, mẹ đố cô đấy. Ngày xưa chúng tôi còn thấy khổ nữa là bây giờ các cô… à, mà bác chưa hỏi, cháu chắc là ở huyện, huyện nào thế? Nhà cháu ở bản Hừa Ngài. Hừa Ngài là xã nào nhỉ. Là bản Hừa Ngài thuộc cụm Ngài Thầu, xã Mường Sa huyện Mường Nưa.

Sau vài lần họp, Hội đồng nhà trường quyết định cho tôi cùng một chục đứa nữa đỗ vì  chúng tôi là những học sinh được ưu tiên đặc biệt. Một tháng chờ để lấy bằng, tôi vẫn kiếm chỗ ngủ bằng cách dọn dẹp trong bệnh viện. Ngân thường hay vào chơi. Cô nói ở nhà không có việc gì làm. Có lẽ, lấy bằng xong, cô phải đi đâu đó một thời gian. Hay là đi về nhà tôi chơi. Cô chưa bao giờ đi đâu ra khỏi thị xã và cô muốn đi xa một lận. Cô nói thế. Tôi làm rơi chiếc chổi xuống đống lá khô. Anh đồng ý chứ. Tôi không biết. Anh không tin là tôi đi được à. Tôi không biết, thi thoảng cũng có những người cán bộ lên công tác ở bản tôi. Như cái người mà trưởng bản đã cho tôi địa chỉ. Nếu Ngân lên, tôi không biết tôi có đi rừng bắt được con dúi nào không.

Nhưng mà Ngân không lên núi. Một tối mắt cô đỏ như mắt tôi dạo nọ vào tìm tôi ở bể nước khi tôi đang giặt mấy tấm khăn trắng sặc mùi thuốc kháng sinh. Cô bảo cô đã nói dối là tối nay phải thực tập đột xuất vì bệnh viện cần y sỹ. Cô không muốn ở nhà. Bố cô đã về và cho rằng cô bị bệnh tâm thần. Ngân bảo trông cô có giống người bị bệnh tâm thần không. Tôi lắc đầu. Ngân khóc, cô tựa đầu vào vai tôi. Nước mắt cô chảy qua cằm cô thấm qua vai áo làm tôi thấy buồn buồn. Đó là một đêm không trăng. Lâu lắm rồi trời không mưa, nhưng sao lá xà cừ lại rơi nhiều như thế… Anh nhất định phải về bản Hừa Ngài à. Vâng, bố tôi bảo thế. Bố anh là vua à. Không. Nhưng không về thì tôi không có chỗ ở, tôi không biết lấy gì để sống. Hay nhờ bác em xin cho anh về trung tâm y tế thị xã.

Bố tôi nhờ người mang tin xuống. Đó là một người đàn ông ở cùng bản. Tôi nghĩ hoá ra người trên núi cũng xuống thị xã nhiều. Khi nào trở về núi, một năm tôi cũng phải xuống thị xã chơi mấy lần. Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng dân tộc. Bố gửi cho tôi hai trăm nghìn đồng và một lá thư. Hai trăm nghìn là mẹ tôi phải cho ngựa thồ bao gạo cuối cùng trong nhà xuống chợ huyện bán.

Trong thư, bố tôi còn nói, tôi đã sắp học xong, nếu tôi ở lại được thị xã thì tốt. Đôi chân con đã đi được ra khỏi núi thì hãy cố mà đi nữa. Còn trưởng bản thì để bố nói chuyện. Con với cái Xa quan hệ thế nào mà nó đưa em con chiếc vòng bạc bảo gửi trả lại con…

Chữ bố tôi xấu, nguệch ngoạc những nét bút chì. Chắc bố tôi phải nghỉ rèn dao hai, ba tối để viết cho tôi bức thư này.

Thanh Vân


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.