Xứ người

Đêm đông, gió hun hút thổi qua sườn đồi, len vào gian bếp nhỏ bé, ọp ẹp của nhà Sòi. Anh co ro, rụt thêm mấy cành củi cho bếp cháy to hơn. Không gian tĩnh mịch, không một tiếng côn trùng kêu đêm. Lạnh quá nên chắc chúng cũng đi trú đông trong lòng đất cả rồi, hoặc đợi ngày ấm áp mới ra khỏi chiếc kén rồi bay lượn, rả rích suốt đêm hè, đêm thu. Lúc này chỉ còn tiếng lửa lép bép nổ và những thanh âm ồn ào trong lòng anh. Anh không vào gian ngủ, dù trong đó có chăn ấm, đệm êm. Vì trong đó, Lanh vợ anh không mong đợi anh vào.

Sòi mới đi làm xa về. Vậy mà, Lanh thành ra đổi tính. Cô không còn thích nói chuyện với anh, thích ăn nhanh cho xong, thích đi ngủ sớm, quay mặt vào tường, quay tấm lưng vô cảm ra ngoài. Sòi có hỏi thì vợ kêu mệt. Vậy mà vẫn đòi lên phố. Chẳng là, lúc Sòi đi làm xa thì Lanh ở nhà cũng buồn nên xin phép bố mẹ cho theo các chị lên thị trấn làm thêm, làm mướn. Ờ nhà, ruộng vườn, đồi nương có vài ba khoảnh, cuốc chưa đủ ướt lưng thì đã hết đất để làm rồi. Mùa vụ cũng chỉ có mấy hôm rồi hết, lúc nông nhàn thì biết làm gì. Trong khi bố mẹ ngày một già yếu, có lúc ốm còn không mua được thuốc. Thằng Quân, cái Dân đi học xa cũng không mua nổi cái xe đạp cũ mà đi. Cứ lếch thếch đi bộ, dép tổ ong vài hôm bị đứt, quần áo lấm lem, xộch xệch, mặt mũi nhem nhuốc. Nhất là mùa lạnh thế này, đứa nào cũng thò lò mũi, mặt đen nhẻm lại quệt ngang mũi dãi. Trông đến là khổ. Thế rồi Lanh cũng phải đi, nhờ ông bà nội coi con rồi đi. Lanh không biết cộng số nên không đi bán hàng được, cũng chỉ đi rửa bát, dọn dẹp thuê ở quán ăn trên phố thôi. Hồi đầu, cứ một tuần Lanh về nhà một lần vì nhớ con. Sau dần, phải cả tháng Lanh mới về cho đỡ tốn kém. Mà cũng hết tháng mới được trả công. Lanh tranh thủ ra chợ huyện mua cho con cái áo rét, mua cho bố chồng gói thuốc bằng lá chữa đau lưng. Số tiền còn lại, Lanh đưa cho mẹ chồng mua bán khi cần. Bình thường, mẹ chồng Lanh vẫn chịu khó ra suối bắt cá bống, mò cua, mò hến cho bữa ăn có vị. Nhưng vào mùa khô, con suối chạy qua bản Nà Hỳ vốn nhỏ lại càng nhỏ hơn, khô cạn, trơ ra những viên đá cuội buồn bã, vô hồn. Không có nước, con suối không còn là chính nó nữa. Vườn tược bên cạnh cũng trơ ra. Bà già rồi cũng không gánh nước từ xa về tưới được. Mảnh vườn cũng cứ thế mà cằn cỗi ra, đợi có cơn mưa nào thì may cơn mưa đó. Chỉ có vạt rau cải đắng mà bà gieo ở sườn núi đá bên cạnh là cố gắng vươn lên, nên bà cháu ăn tạm qua ngày… Cũng may, có Lanh đi làm về, đưa cho vài đồng chi tiêu mà ông bà với hai cháu cũng qua ngày qua tháng. Sắp Tết rồi, thằng Sòi với cái Lanh không về thì Tết cũng chẳng có cái gì trong nhà. Ngôi nhà qua mùa đông dường như càng trống trải, đầy gió. Bà vừa phơi vài củ cải khô, vừa thở dài hướng đôi mắt ra đầu ngõ ngóng đợi.

Sòi cũng biết vợ vất vả. Đi làm xa, thi thoảng anh tiết kiệm lấy tiền gọi điện thoại cho vợ. Sòi biết Lanh làm ở đó cũng tốt, có chỗ ăn, chỗ ngủ với chị Hịa, chị Pâng… Thì cũng chỉ biết bảo Lanh cứ đi làm nhưng phải giữ gìn sức khoẻ, rồi khi nào Sòi về ở hẳn nhà thì Lanh cũng về, đừng đi làm nữa. Sòi sẽ mang tiền về, không nhiều nhưng cũng đủ sống. Nói là vậy, nhưng Sòi lại về tay trắng. Không phải là Sòi không đi làm đâu. Sòi chăm chỉ, làm bằng thật, hết cả ba tháng trời. Vậy mà không mang về đồng nào. Nên Lanh giận cũng phải thôi. Lanh hỏi thì Sòi không nói. Sòi bảo, đã hứa giữ kín cho người ta rồi, không nói được. Thế là Lanh lại càng nghi ngờ. Hay Sòi đi sang vùng Thuận La, ở làm cho cái Len – cái đứa con gái Sòi đi thổi khèn bè tán nó suốt thời trai trẻ. Nay nó đi làm xa, nghe nói ăn nên làm ra, có cả trang trại lớn trồng bao cây ăn quả, thu hoạch bán ra cả nước ngoài. Hay anh chán nhà, chán Lanh rồi! Không phải Lanh ơi. Đúng là anh có đi thu hoạch nông sản, nhưng không phải cho Len. Ô, thế thì cho ai mà anh phải giấu giếm… Cứ thế nên Lanh càng giận, càng muốn bỏ đi. Lanh mà bỏ đi mãi thì gia đình nhà Sòi sẽ thế nào. Rồi lên phố, biết đâu lại như cái Chiêu, lại chê chồng, đòi bỏ chồng, lên ở hẳn với người ta… Sòi đau đầu quá! Đang nghĩ miên man bên bếp lửa yếu ớt thì Sẳn đến.

– Sòi à! Thấy mày chưa ngủ nên anh rẽ vào. Lạnh quá! Thêm cây củi to này đi.

Sẳn vừa nói vừa tự lấy thêm củi đưa vào bếp như đang muốn đầu hàng, tắt rụi trước cái lạnh .

– Anh uống nước khúc khắc này. Ấm đấy, cũng đỡ đau lưng.

– Sòi này, anh đang định rủ chú, sau Tết đi làm với anh. Cũng là anh em lớn lên cùng nhau, đi học lớp một, đi rừng cùng nhau nên anh mới kể. Chứ ở nhà không có gì mà sống. Đất đai toàn đá, biết trồng cây gì, nuôi con gì. Lên phố đi phụ xây thì cũng ít việc dần.

– Anh định đi làm gì, ở đâu?

Sẳn ghé vào tai Sòi nói nhỏ, không nhỡ người già biết không đồng ý cho đi. Ngay lập tức, Sòi hiểu ý của Sẳn.

– Không được đâu anh Sẳn ơi.

Đến lúc này thì Sòi không giấu được anh nữa. Sòi là bài học xương máu đây. Chẳng lẽ không nói ra để anh đi vào vết xe đổ của mình.

– Anh Sẳn ạ, phải đi thật mới biết. Chứ nghe người ta nói không tin được đâu. Em cũng nghe lời ngon ngọt của bạn rồi giấu giếm người nhà sang làm. Cũng mong kiếm được tiền về tiêu tết. Cuối cùng anh biết thế nào không?

Ánh mắt Sòi khi đó như lưỡi dao. Nhọn hoắt. Ném cay đắng vào khoảng không vô định ngoài kia bởi không thể hét ầm lên được sự tức tưởi này.

 

***

 

Phàng dắt theo một toán người, trong đó có Sòi. Phàng bảo để tiết kiệm, chúng ta phải đi theo cách này (tức là đi bộ qua rừng). Nơi làm việc hơi xa một tí. Cố gắng! Nhớ đi theo đoàn và không để lạc nhau, không ầm ĩ, ồn ào, nhỡ bộ đội biên phòng bắt gặp. Phàng bảo “hơi xa một tí” thế mà cũng đi mất hai ngày một đêm đường rừng, rồi lên chiếc thuyền máy nhỏ, đi thêm nửa ngày nữa mới đến chỗ làm. Nào ai có biết làm cụ thể chỗ nào, với ai, làm cái gì. Chỉ biết Phàng bảo cũng làm thuê như ở nhà mình thôi, nhưng nhiều việc, nhiều tiền hơn. Thế là mấy anh em lên đường. Nhưng sao phải tránh bộ đội, tránh kiểm lâm. Cũng thấy bất ổn nhưng lỡ rồi, đành đi tiếp.

Phàng phân công toán mười người đi cùng thành ba tốp. Phàng dẫn từng tốp đi giao cho ông chủ họ Triệu. Tốp của Sòi đi sau cùng. Phàng nói chuyện với ông chủ bằng thứ tiếng “hảo lớ” mà Sòi nghe không hiểu. Việc của nhóm Sòi được Phàng phiên dịch lại là: đi thu hoạch nông sản (mùa này có sắn, có đỗ, ngô). Lương được hẳn tám triệu đồng một tháng. Nghe vậy thì Sòi thấy lòng dạ lâng lâng. Gì chứ thu hoạch ngô, sắn thì đúng là ở nhà Sòi vẫn làm, chỉ sợ không có nương để mà thu hoạch. Lương lại còn cao nữa. Cả năm trời nhà Sòi cũng chẳng đào đâu ra được tám triệu, chưa nói một tháng. Phàng dặn luôn là làm việc ở đây với ông chủ phải chăm chỉ, chịu khó, thật thà, không được ăn cắp vặt, không được nghỉ việc, trốn việc khi chưa hết giờ làm. Gì chứ, cái này Phàng cũng chẳng cần dặn. Cả đời Sòi có biết ăn cắp là gì, mà ở đây ăn cắp thì mang đi đâu.

Thế là Sòi và nhóm bạn chăm chỉ dậy sớm đi làm từ sáng đến tối. Thu hoạch rồi đóng bao, khuôn vác từ đồi dốc đến một khu mà xe có thể vào chở hàng đi được. Thời tiết dù có lúc khắc nghiệt, nắng gắt, mưa rào cũng không được nghỉ. Buổi trưa ăn nhanh ở khu nông trại. Tối về ngủ trong khu nhà kho. Được cái còn sức trẻ, đi làm về mệt lăn ra ngủ nên cũng chẳng quan trọng giường chiếu phải sạch đẹp, cứ không dột nát, gió thốc là được. Tồng ngồng một lũ đàn ông ngủ với nhau, có nhớ vợ cũng đành chịu. Ở nơi đất khách này, không biết tiếng, không có tiền, làm kín thời gian còn đi thăm thú đâu, còn kịp nghĩ tới cái gì.

Ông chủ Triệu người xứ khác, không hiểu ông nói gì, nhưng nhìn thái độ và cái roi bằng cao su đen nặng trịch ở tay ông là hiểu. Đã nhiều đứa bị đánh nếu ngủ quên giờ làm, chậm chạp, hoặc làm rơi, đánh đổ nông sản… Trời lạnh thì cứ gọi là thấu xương. Nhưng mà cũng không khóc được, chắp tay xin rồi làm tiếp, chứ có kêu thì cũng biết kêu ai. Đúng là đời đi làm thuê khổ nhục. Nhưng nghĩ đến tám triệu một tháng nên ai cũng cắn răng chịu đựng cho qua, rồi lại chăm chỉ hơn vào ngày hôm sau. Có bao nhiêu sức lực thì dành hết cho công việc. Hết khu điền trang này thì lại di chuyển sang khu khác. Cứ thế rồi cũng hết một tháng. Phàng lại đến, dẫn theo một toán người khác. Phàng và ông Triệu lại nói chuyện, tay Phàng lại loạt xoạt đếm những đồng tiền nhìn là lạ. Phàng rẽ về phía Sòi.

– Chào người anh em! Các anh em làm ở đây tốt chứ! Đúng như tôi nói phải không? Công việc đơn giản lắm, chỉ có thế thôi, như mình làm nương ở nhà thôi mà, lại được nuôi ăn, nuôi ở. Sướng nhé!

– Anh Phàng ơi, anh hỏi giúp chúng tôi tiền công. Hết một tháng rồi mà chưa được trả đồng nào.

Sòi mon men lại gần, nói nhỏ, sợ ông chủ nghe tiếng.

– Được rồi. Yên tâm! Tôi hỏi rồi. Ông chủ bảo bây giờ chưa xong đợt thu hoạch, chưa thanh toán được. Đợi xong việc nhé. Gạo chưa ăn thì còn đó, đi đâu mà lo.

Thì Sòi với các anh em đành biết vậy. Làm tiếp đến hết hai tháng cũng chưa nhận lương. Thấy người phiên dịch qua khu công nhân nói là làm cố nốt vựa ngô kia là xong mùa vụ năm nay rồi. Lúc đấy tha hồ mà lĩnh tiền ba tháng rồi nghỉ. Đã cố đến đây thì cố nốt.

Một sáng nọ, khi trời còn chưa tỏ thì Sòi và mấy chục nhân công đã được yêu cầu trật tự đi lên xe một thùng xe tải kín mít. Khi thùng xe được mở ra, thì mặt trời cũng đã lại bắt đầu xuống núi. Sòi thấy quang cảnh một khu nông trại khác nhưng tiêu điều. Có vẻ ở đây chẳng còn gì để thu hoạch nữa. Không khí im ắng. Thi thoảng vài tiếng quạ kêu chiều khiến Sòi bất an. Ngày hôm đó, ông chủ Triệu không tới, mà sai một tên khác trẻ tuổi hơn đến cai quản nhân công. Tên ấy quát tháo một hồi, rồi lùa hết mọi người vào một khu nhà hoang. Tên trẻ tuổi nói lơ lớ tiếng Việt:

– Đêm nay, chúng mày ở yên đây. Rạng sáng mai, chúng mày phải rời khỏi đây. Nếu không thì sẽ bị công an bắt trục xuất về. Lúc đó thì chúng mày sẽ bị tống vào tù và không bao giờ được quay trở lại đây làm việc nữa.

– Thế là thế nào?

Mọi người nháo nhác.

– Chúng mày không hiểu là chúng mày sang đây bằng đường tiểu ngạch à? Là vi phạm hiểu chưa? Giờ chỉ có cách chúng mày im lìm về nước, hoặc là công an sẽ tới bắt. Vì trang trại nhà ông Triệu đã bị báo với công an rồi.

 

***

 

Mặt Sòi căm hận khi nhớ lại những tiểu xảo của lũ tiểu thương xứ lạ. Khi chúng không muốn trả là chúng bày trò thôi mà.

– Thế là phải về đấy anh Sẳn ạ. Không khác gì nó lừa mình, bóc lột mồ hôi nước mắt của mình.

– Ra thế à? Vậy là anh cũng không đi nước ngoài làm việc kiểu đấy được nữa?

– Hay anh đi xuất khẩu lao động như cán bộ giới thiệu. Đi đúng ngạch, không phải tiểu ngạch đâu.

– Đi như vậy thì lâu quá. Đi như kiểu của chú, mấy tháng thôi thì hợp với anh. Lúc nào thích về thì về. Chứ đi lâu quá, không ổn. Chỉ tiếc là… họ không tử tế. Rủi ro quá!

– Đi lâu thì nhiều tiền. Em cũng đang nghĩ hay đi như vậy đây.

– Nhưng lấy tiền đâu để nộp phí trước khi đi?

– Nhà nước cho vay lãi suất rất thấp rồi mà. Đi một, hai tháng là trả được thôi.

– Nhưng đi nước nào thì phải học tiếng nước đó, chứ không thì biết đâu mà lần. Mà chắc anh không học được đâu.

– Phải học giao tiếp thông thường thôi. Chứ anh em mình không có học thì chỉ đi làm việc chân tay thôi: thu hoạch, đứng dây chuyền sản xuất, thuyền viên bắt cá…

– Ừ. Nhưng mà đi lâu thì vợ tao ở nhà nhỡ phải lòng thằng nào mất.

Sòi im lặng chẳng nói gì. Thì đến Sòi đi về cũng thấy gia đình không yên đây. Còn biết khuyên ai. Kiếm được thêm đồng tiền mà mất vợ thì thà chẳng kiếm còn hơn. Chuyện cái Chiêu lại váng vất trong đầu anh. Nhưng mà Lanh không thể giống Chiêu được. Cái Chiêu lười làm, chỉ thích ăn ngon mặc đẹp. Chứ Lanh của anh thì hiền lành, chịu thương, chịu khó, có biết đua đòi bao giờ đâu. Nếu mà tham giàu thì đã chả đồng ý lấy Sòi rồi. Nhưng mà trách nhiệm người chồng cũng phải lo cho vợ, cho con được sung sướng. Kể ra thì cái Chiêu nó thích ăn sung mặc sướng cũng chẳng có gì là sai. Nó đẹp thế, mà phải ở với thằng Hòi kệch kỡm vậy cũng chả hợp. Thôi thì, nó tốt hơn cũng là mừng cho nó. Vợ Sòi chắc cũng thích thế thôi, chẳng qua là Sòi không làm được tiền thì Lanh đành chịu. Rồi Lanh cũng phải ra ngoài làm, vất vả hơn vợ người ta. Nhìn vợ, Sòi cũng thương lắm chứ. Nhưng giờ còn trẻ, không nghĩ cách làm thì đến lúc già sao làm được nữa. Thời buổi này rồi, cũng phải cho thằng Quân, cái Dân đi học đầy đủ cho bằng bạn bằng bè, rồi thay đổi cuộc sống đi. Chứ không thể để chúng như bố mẹ được. Không được học đủ cái chữ, đến giờ lâu không viết, có khi cũng quên cả cách viết, cách cộng rồi. May Sòi có cái điện thoại mang ra bấm bấm cũng tính được số để mà tự tin ra ngoài làm việc, không lo bị lừa. Mà rồi, cuối cùng vẫn bị lừa! Cay cú thật! Cũng tại mình kém hiểu biết. Sòi lặng lẽ, chẳng muốn nói chuyện với ai. Lanh thì ngủ toàn quay mặt vào tường. May hôm nay có anh Sẳn tới, Sòi mới được nói ra mà vẫn cái bụng chưa thấy nhẹ  hơn.

– Kể nghĩ cũng ngu anh Sẳn ạ. Mình muốn đi làm xa. Cán bộ chỉ đường cho đi làm thì không tin, không nghe, sợ vất vả. Thế rồi lại đi tin cái thằng không đâu. Cuối cùng mất trắng.

– Thôi, coi như ba tháng đó là bài học đắt giá. Cũng may còn người.

– Vâng! Giờ làm gì cũng phải nghĩ kĩ. Bàn bạc gia đình rồi làm anh ạ. Cứ đúng mà làm. Không thì chết!

Đêm về khuya. Sẳn về nhà. Sòi cũng rời khỏi bếp lửa đi vào gian giữa, không dám vào gian ngủ, sợ làm Lanh thức giấc. Đêm chơi vơi với bao suy nghĩ bộn bề trong lòng hai người đàn ông. Người Nà Hỳ xưa nay không thích rời khỏi bản làng đi đâu cả. Đi xa là thấy bất an, lo lắng. Họ nhất định phải ở gần gia đình, dòng họ, làng bản. Có người dám rời đi thì cũng chỉ đi làm thuê gần gần, cùng lắm là lên phố phụ xây, khuân vác… Mãi sau này mới có mấy trai bản được đi học về, tư duy đổi mới, mới dám bước chân ra khỏi mảnh đất nghèo nàn ấy. Họ đi theo các chương trình việc làm của nhà nước. Những căn nhà xây đầu tiên trong bản đều là do có con đi lao động xa hoặc lao động ở nước ngoài gửi tiền về. Nhưng mà cũng chỉ vì vợ chồng xa nhau rồi có nhà bỏ nhau. Người dân tộc Thái của Sòi chung thủy lắm, sống cho nên đôi, chỉ khi một trong hai người mất đi, thì người còn lại mới có thể đi bước nữa. Vậy mà, giờ mọi chuyện cũng khác nhiều… Chung quy cũng chỉ tại cái nghèo, cũng chỉ tại phải tìm ánh sáng le lói cho cuộc đời nhằm thoát khỏi cái tối tăm, lạc hậu. Giờ biết đi hay ở, ở lại thì làm gì khi ruộng nương ít, đất đại cằn cỗi, vốn không có. Bài toán nuôi con gì, trồng cây gì ở quê Sòi bao người nghĩ, đâu phải chỉ riêng Sòi… Sòi miên man thì tiếng gà le te báo sáng…

 

***

 

Anh Sẳn lại tới. Mặt hớn hở, tất bật chân nọ đá chân kia:

– Sòi này! Đợt này nhà nước có dự án trồng chè trên khu đồi trọc ở xã ta đấy.

– Thế à anh? Chè cũng phải mất vài năm mới thu hoạch ổn định được. Nhưng quan trọng là cây chè có hợp đất mình không?

– Có kĩ sư nghiên cứu đất đai rồi. Chắc phải phù hợp mới cho dân trồng chứ. Sau một thời gian biết ngay mà.

– Vâng. Nhà anh có khoảng đồi rộng hơn mọi nhà. Chăm chỉ vài năm theo hướng dẫn của cán bộ là tốt rồi anh. Em thấy mấy người anh em ở huyện bên làm chè tốt lắm. Thu nhập cao hơn trồng cây lương thực đấy.

– Ừ, cũng mong là vậy. Thế chú làm cùng với anh.

– Nhà em, ông bà tổ tiên để lại ít đất. Nên không đủ đất trồng chè đâu. Anh Sẳn này…

Sòi bỗng ngập ngừng:

– Em quyết định đi Malaysia làm việc.

– Chú nghiên cứu kĩ chưa? Chứ không lại như lần trước thì không được đâu.

– Em làm việc với cán bộ tư vấn của huyện mà. Em nghĩ kĩ rồi. Đi vài năm kiếm đủ vốn rồi về nghiên cứu tiếp công việc ở nhà.

– Nhưng cô Lanh đồng ý chưa?

– Đợt này Lanh đi cùng em luôn. Hai vợ chồng công việc khác nhau nhưng được sắp xếp ở cùng chỗ trong công ty.

– Thế tốt quá rồi! Không phải lo lắng vợ ở nhà nữa nhé!

Sẳn vừa nói vừa cười vừa vỗ vai đánh bốp một cái vào vai Sòi.

Lâu lắm người ta mới thấy hai người đàn ông nói chuyện hồ hởi, vui vẻ thế trong ngôi nhà lụp xụp này. Lanh ngồi phía trong cũng mỉm cười. Cô sẽ đi đến một nơi xa lắm, nhưng có Sòi rồi, có cán bộ hướng dẫn rồi, cô không sợ nữa. Chỉ đi vài năm thôi để cuộc sống khấm khá hơn. Lúc cô và Sòi về, thằng Quân lên lớp sáu là vừa. Nó sẽ có một chiếc xe đạp mới để đi học xa hơn.

Thùy Lê


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.