Vượt khó mùa tựu trường

Tháng 9 đã về đến ngõ mà những trận mưa lớn vẫn còn ở vùng đất lắm sông nhiều núi Lai Châu. Hầu hết những tuyến đường đi các huyện vùng cao hàng ngày vẫn ách tắc bởi mưa lớn, đất đá sạt lở… Ngày tựu trường không còn xa, biết bao khó khăn chồng chất với bà con vùng lũ có con em trong độ tuổi cắp sách. Với lòng nhiệt huyết và mục tiêu không để học sinh nào vắng mặt trong ngày khai giảng, chính quyền địa phương cùng giáo viên nơi đây đang nỗ lực hết mình chuẩn bị cho năm học mới.

          Nỗ lực vượt khó

Sau 3 tiếng đồng hồ chúng tôi nghỉ giải lao giữa đường, cuối cùng thì tỉnh lộ 129 đoạn Tà Ghênh – Sìn Hồ cũng thông tuyến. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn chúng tôi là xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ). Nơi mà cách đây 2 tháng, người dân Sìn Hồ bị cô lập hoàn toàn bởi trận lũ quét. Bà con vẫn chưa hết bàng hoàng bởi trận sạt núi ngày 27/6 tại bản Sáng Tùng. Tuy không xảy ra chết người, nhưng đến bây giờ và thậm chí mãi sau này người dân ở đây vẫn khó quên được nỗi ám ảnh. Cũng may trước đó, một số bà con đi nương phát hiện thấy có vết nứt trên vách núi sau bản đã kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương nên việc di tản tiến hành một cách nhanh chóng, đảm bảo an toàn tính mạng.

Thời gian vừa qua, đài báo liên tục cập nhật thông tin về xã Tả Ngảo làm trong tôi không hết những lo lắng. Nhưng khi đặt chân đến đây, tôi hết sức ngạc nhiên bởi giữa bốn bề gió núi mây ngàn có một lên ngôi trường hai tầng khang trang. Cùng với đó là tiếng trống đội nghi thức rộn ràng, giọng hát của đội văn nghệ vang vang trên loa phóng thanh, chúng tôi thấy niềm vui chuẩn bị ngày khai giảng hiện rõ trên từng gương mặt học sinh.

“Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, đến giờ này sách vở viết, áo ấm, của các em đã tạm ổn, nhà trường sẵn sàng cho một năm học mới” – thầy Phạm Ngọc Duy – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học xã Tả Ngảo chia sẻ. Năm học 2018-2019, Trường PTDTBT Tiểu học xã Tả Ngảo có 32 lớp/763 học sinh, trong đó hơn 363 học sinh bán trú. Đến thời điểm này, số học sinh ra lớp đạt trên 99%, chỉ còn 3 em theo gia đình đi nương chưa về.

Trưởng bản Sáng Tùng, Hạng A Mềnh phấn khởi nói: “Không kể mưa gió, hàng ngày các thầy cô đến từng nhà vận động, đón học sinh về lớp, sự nhiệt tình của các thầy cô làm bà con ai cũng quý, giờ thì các cháu đi học đủ cả rồi”. Tại đây, chúng tôi gặp các thầy cô giáo đang giúp bà con dựng lại nhà mới. Sau trận lũ quét, bản Sáng Tùng đã di chuyển đến nơi ở mới, mỗi hộ được nhà nước trợ cấp 30 triệu đồng làm nhà, chưa kể sự quyên góp tiền, đồ dùng và thực phẩm từ cá nhân và các tổ chức xã hội khác. Về nơi ở mới, cuộc sống của bà con ổn định trở lại, mái nhà, cánh cửa giờ vững chãi hơn xưa.

Nhìn các em học sinh ríu rít về bản sau một ngày đến lớp, giờ tôi mới hiểu ngôi trường khang trang 2 tầng kia là điểm trường trung tâm, thực tế trường tiểu học xã Tả Ngảo có đến 14 điểm bản nằm cách xa nhau, và hiện nay còn 5 điểm học tạm thưng ván, điểm xa nhất đi bộ mất 4 giờ đồng hồ, gần 40km đường rừng không có đường xe máy, thầy cô nào cứng tay thì lốp xe cứ phải bó xích như mặc áo giáp. Những con đường nhỏ chỉ lối đi duy nhất mà bà con gọi là đường “chó chạy”. Nghe bà con kể và chứng kiến tận mắt, chúng tôi mới thấy hết sự vất vả, khó khăn của giáo viên vùng cao và sự gian truân trong hành trình mang con chữ đến với các em.

 

Gian nan con đường đến trường của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Mù Cả, huyện Mường Tè

          Gian nan chuyện đến trường

Để đón được Phàn Tả Mẩy và Tẩn Ú Mẩy ở bản Nậm Tàng (xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn) về điểm trường trung tâm học, thầy giáo Nguyễn Gia Cường phải mất cả ngày đường dong duổi trên “con ngựa sắt” với quãng đường dài hơn 80km. Thầy Cường chia sẻ: “Phần lớn nhà các em ở trên núi cao, đường xa, tâm lý bố mẹ chỉ muốn con đi nương, làm việc nhà. Nhiều khi giáo viên đến bản rồi cũng chưa đón được các em ngay đâu. Có khi thầy cô phải “phục” cả tuần, theo gia đình lên nương, cùng làm, cùng ăn, động viên, khuyên nhủ dần dần gi đình mới thông và chịu cho các em ra lớp”.

Năm học này, thầy Cường được điều chuyển về dạy ở trung, đảm nhiệm lớp 3B với 17 học sinh gồm các 5 dân tộc: Dao, Mảng, Mông, Hà Nhì và Si La. Thực tế một lớp học với số lượng học sinh như vậy không nhiều. Nhưng để các em hàng ngày làm quen với mặt chữ không phải là dễ. Theo quy định học sinh cách xa trung tâm trường 3km đường vùng núi thì được hưởng chế độ bán trú, nghĩa là được ăn, ở tại trường và cuối tuần các em về gia đình. Nhưng đặc biệt các em học sinh ở đây lại ở trường hết năm mới về nhà. Bởi quãng đường dài cả trăm km, nên trường học, thầy cô như gia đình thứ hai của các em.

14 năm cắm bản, thầy Cường đã uống quen thứ nước bản, quen ăn hạt gạo bản và thuộc nếp sống của bà con mất rồi. Anh vốn là chàng trai Thạch Thất (Hà Nội), cứ tưởng lên vùng cao mang cái chữ ổn ổn cho các em rồi về, nào ngờ bén duyên luôn, giờ thì cắm rễ chẳng muốn rời xa nơi này nữa. Tạm ngưng tay kìm, tay búa thầy giáo Bùi Văn Nhiệt – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) đón chúng tôi khi đang mải miết cùng các giáo viên sửa chữa lớp học tạm. Thầy Nhiệt nói trong niềm vui: “Đến nay, nhà trường đã vận động 288/290 em ra lớp, chỉ còn 2 em chưa ra lớp được vì nhà xa, mưa to kéo dài, các thầy cô vẫn cắm tại bản đợi hết mưa là đưa các em ra”.

Ngay tại trung tâm có phần khang trang hơn các điểm bản, nhưng thực tế ở điểm trường chính vẫn còn 3 lớp học ngăn bằng ván. Cứ sau hè lên các lớp bằng gỗ bị mưa lại mục rữa cả, và thế là thầy trò gom góm từng tấm bạt che chắn, nhiều thầy cô bớt tiền lương mua đồ trang trí lớp học, làm sao đón các em về học có lớp mới, đó cũng là tâm lý ban đầu để các em yêu cái chữ hơn. Đúng là đã khó lại càng khó hơn. Hua Bum vốn là xã có nhiều dân tộc, nhiều điểm bản xa trug tâm, địa hình phức tạp, như bản: Nậm Tảng, Nậm Cười đường đi chỉ suối với đèo, nhưng công tác vận động học sinh luôn đảm bảo. Có được điều này là cả một câu chuyện không hề dễ, đó là tình yêu, lòng nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người của các thầy, cô giáo vùng cao.

Sau quãng đường gian nan mưa gió sụt sùi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Trường PTDTBT Tiểu học xã Mù Cả (huyện Mường Tè). Thầy Trần Xuân Hạnh – Hiệu trưởng nhà trường đón chúng tôi khi anh và các thầy cô đang bận rộn với ngổn ngang những thùng quà từ khắp nơi gửi về hỗ trợ chia sẻ với trường. Được biết, nhà trường mới chia tay đoàn Kho bạc Nhà nước Việt Nam tặng quần áo ấm, vở viết và 50 triệu đồng tiền mặt để tu sửa lớp học. Thật may với món quà này, nhà trường không phải lo sách vở, quần áo cho các em.

Tại điểm trường lẻ bản Gò Cứ, thuộc trường chính Tiểu học Mù Cả các thầy cô: Bùi Thị Danh, Nguyễn Văn Duy, thầy Ma Xá đảm nhiệm 31 em (khối 1, 2, 3), 100% dân tộc La Hủ. Những năm trước đây các thầy cô và học sinh học ở điểm trường bản Phìn Khò, nhưng trận mưa lớn từ cuối tháng 6 vừa qua tại xã Mù Cả đã khiến cho 24 ngôi nhà bị sạt lở, 1 nhà bị đổ sập hoàn toàn, giao thông bị chia cắt, nhiều tài sản của bà con bị lũ cuốn trôi. Trong trận lũ ấy, điểm trường bản Phìn Khò bị lũ xóa sổ hoàn toàn 3 lớp học, 3 phòng tập thể của giáo viên, cũng may thời điểm đó là dịp nghỉ hè. Cô giáo Bùi Thị Danh kể: “Ban đầu chúng tôi vận động không gia đình nào cho con cháu về đây học. Các thầy cô lại cùng trưởng bản đến từng gia đình, vận động chia sẻ với bà con về việc không thể học được ở nơi cũ vì rất nguy hiểm và thế là dân bản nghe theo”.

Trước thực trạng trên, nhà trường cùng các cấp các ngành xã vận động các em học sinh ở bản Phìn Khò về trung tâm học, trừ các em khối 1, 2, 3 còn nhỏ sẽ học nhờ tại Trường Mầm non điểm bản Gò Cứ.

“Bằng khoản tiền các nhà hảo tâm trợ giúp, các thầy cô trong trường đã tu sửa, lát nền được 7 phòng học tạm. Vậy là hơn 40 em học sinh ở các bản ảnh hưởng lũ về trung tâm học không còn phải lo chỗ ở. Tuy phòng ở còn chật chội (20 em/phòng), nhưng thầy trò cùng cố gắng sẻ chia vượt qua khó khăn trước mắt” – thầy Hạnh tâm sự.

Hà Minh Hưng


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.