Thế vững nơi “phên giậu” Tổ quốc

Trên miền biên cương phía Bắc, có một đơn vị tiền tiêu mang tên Đồn Biên phòng Pa Ủ – thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu. Hơn nửa thế kỷ qua, đây là nơi quây quần của nhiều thế hệ người lính biên phòng, trong sứ mạng gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc…

Mấy chục năm rồi, 32.982ha diện tích tự nhiên Đồn Biên phòng Pa Ủ quản lý vẫn thế, như hoa ban vẫn thuỷ chung khi mỗi năm chỉ nở một lần, con suối Hà Xi – Hà Nê vẫn lặng lẽ khiêm nhường tạo ra những đường nét trong vắt, thủy chung như lẫn vào hơn một trăm sông to suối nhỏ trên toàn tuyến biên giới Việt – Trung. Đây là nơi gắn kết chúng tôi với nhau trong màu xanh áo lính. Nghe nói mấy chục năm trước, thế hệ những người lính biên phòng đầu tiên đến đây trong cảnh tiêu sơ và hoang dại đến nao lòng. Thế rồi, trên nền trời biên cương xanh thắm, một lá cờ đỏ sao vàng đột ngột hiện ra và cứ thế kiêu hãnh tung bay trong mây ngàn gió núi suốt mấy chục năm qua. Chúng tôi là người của mười quê chín tỉnh, nhưng chung một lý tưởng là lấy 28 km đường biên với 5 cột mốc Pa Ủ, làm nơi thử thách chí trai của những người lính “Tây tiến” thời bình.

Lẽ thường, nói đến địa bàn biên phòng miền núi là người ta nghĩ đến sự gian truân vất vả, song ở Pa Ủ có nỗi vất vả riêng mà nếu không đến đây thì thật khó cảm nhận hết. Là một trong những xã nghèo nhất của gần 800 xã nghèo thuộc chương trình 30a/CP, người dân Pa Ủ hầu hết là người dân tộc La Hủ. Đó là 1 trong 4 tộc người mà ngày 08/01/2010 tại Hà Nội, Uỷ ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo xây dựng “Dự án bảo tồn và phát triển kinh tế – xã hội các dân tộc: Mảng, Cống, Cờ Lao và La Hủ”.

Xuân về trên biên cương.Ảnh: Khánh Vân

Công tác ở địa bàn mà bản nào cũng nghèo, gia đình nào cũng nghèo thì dĩ nhiên, đời sống VH – XH không lấy đâu mà giàu cho được. Vậy là một ngày nọ, nhiệm vụ “vực” xã Pa Ủ lên được các ngành, các cấp tin cậy đặt lên vai người lính biên phòng Lai Châu và ở đây, người lính biên phòng Pa Ủ được giao sứ mạng tiên phong.

Nói thì đơn giản thế nhưng lúc nhập cuộc, bao nhiêu khó khăn lần lượt đặt ra. Bấy lâu, người lính biên phòng mới được học cách truy tìm dấu vết lạ ở đường biên, cách tổ chức trận địa mai phục…; chứ chưa ai dạy cho họ kỹ năng sư phạm, kinh nghiệm mở trang trại vườn rừng, đào mương làm thuỷ lợi, hoặc tiêm phòng cho trâu bò…

Thiếu tá Trần Hà Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pa Ủ – một sỹ quan trẻ nổi tiếng “bốn cùng” với người La Hủ, cho biết: “Không chỉ giúp người dân ổn canh, ổn cư mà nhiều năm nay trong tất cả các hoạt động của đồng bào các bản người La Hủ ở xã Pa Ủ, đều in dấu tay, dấu chân của cán bộ, chiến sĩ của đồn. Bộ đội biên phòng tham gia khám chữa bệnh, vệ sinh làng bản; vận động, hỗ trợ con em đến trường, đến các hoạt động vui chơi, văn hóa văn nghệ… từ đó thặt chặt tình đoàn kết quân dân, tình làng nghĩa xóm”.

Từ những năm đầu thế kỷ này về trước, xã Pa Ủ lúc đó không điện thắp sáng, không đường giao thông, không trường học và không trạm y tế. Từ xã về trung tâm huyện phải gần một ngày leo núi, rồi đi tiếp gần một ngày đường bằng ôtô. Hệ thống chính trị cơ sở mỏng và yếu, đời sống đồng bào gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn”…

“Phải giúp đồng bào, đúng vậy, nhưng giúp bằng cách nào?”. Đó là câu hỏi làm người lính biên phòng Lai Châu nhiều đêm chợt giật mình thức giấc. Năm 2012, thực hiện chủ trương của lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, một kế hoạch giúp đỡ đồng bào La Hủ được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và bài bản. Ông Phản Phu Lô, Nguyên Bí thư Đảng bộ xã Pa Ủ – một người La Hủ chính gốc nên hơn ai hết, ông cảm nhận một cách thấm thía nhất niềm hạnh phúc mà CBCS biên phòng mang lại cho người dân Pa Ủ. Ông khẳng định: “Có 34 căn nhà và 2 lớp mẫu giáo được anh em biên phòng giúp. Bà con Pa ủ vui lắm, họ bảo các anh đúng là bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân thật rồi!”.

“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, để hiện thực hoá chủ trương ấy, nhiều năm qua lực lượng biên phòng Đồn Pa Ủ đã thực hiện “3 bám, 4 cùng” với bà con các dân tộc trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Để làm được điều này trên một địa bàn còn hạn chế về nhiều mặt, đòi hỏi người cán bộ tăng cường cơ sở phải có năng lực nhất định và nhất là phải thật tâm huyết và sẵn sàng chia sẻ với dân trong bất cứ lĩnh vực nào.

Địa bàn Đồn Pa Ủ quản lý chỉ có duy nhất một tộc người La Hủ với những đặc trưng, riêng biệt về văn hoá truyền thống, cả trong tín ngưỡng và tập quán lao động sản xuất. Từ thực tiễn khách quan đó, đòi hỏi người lính biên phòng phải am hiểu những phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, để có thể vận dụng linh hoạt, sáng tạo các tình huống nảy sinh trong công việc hàng ngày.

Với những nguyên tắc đúc kết trong công tác dân vận: “Chân thành – tích cực – thận trọng – kiên trì – tế nhị – vững chắc”, cùng với đó là phong cách: “Trọng dân – gần dân – hiểu dân – học dân – có trách nhiệm với dân”, người lính biên phòng Đồn Biên phòng Pa Ủ đã và đang hoà quyện chân thành và gắn bó hữu cơ vào đời sống nhân dân, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – văn hóa – xã hội.

Hàng ngày trên những triền núi Pa Ủ với địa hình hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt, ta dễ dàng gặp ở đâu đó những chiến sỹ biên phòng đã và đang hăng hái và lặng lẽ “nhập vai” bác sỹ, kỹ sư, thầy giáo, cán bộ khuyến nông khuyến lâm… đem yêu thương nồng ấm về với nhân dân.

Các xã biên giới là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, đặc biệt trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đồng thời, đó là địa bàn có vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái; có tiềm năng về nông – lâm nghiệp, phát triển thủy điện, kinh tế cửa khẩu, là vùng có đa số đồng bào các dân tộc sinh sống. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước kinh tế – xã hội miền núi và vùng đồng bào các dân tộc nói chung, các xã biên giới của tỉnh nói riêng, từng bước có sự chuyển biến khá tích cực… Tuy nhiên, các xã biên giới của tỉnh còn rất khó khăn bởi kinh tế – xã hội chậm phát triển, cơ sở hạ tầng thấp kém, thông tin liên lạc mới đầu tư xây dựng được phần nào, tỷ lệ đói nghèo cao, trình độ dân trí thấp, cơ sở chính trị còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các xã biên giới hiện đang là nơi nghèo nhất, khó khăn nhất của tỉnh, khoảng cách về kinh tế – văn hoá – xã hội giữa các xã biên giới với các xã vùng thấp có xu hướng ngày càng lớn thêm.

Lực lượng biên phòng nói chung và lực lượng biên phòng Lai Châu nói riêng, xác định xoá đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, nhằm cải thiện đời sống cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền trên toàn quốc.

Chương trình cũng là chất kết dính miền xuôi và miền núi, thành thị và nông thôn; hoà quyện ý Đảng – lòng dân, xây dựng khối đại đoàn kết quân – dân – doanh, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo.

Cùng với chính quyền và các ngành các cấp, lực lượng biên phòng có vai trò nòng cốt, chuyên trách bảo vệ đường biên, cột mốc và quản lý địa bàn các xã vùng biên giới. Để phát huy cao nhất sức mạnh toàn dân trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền cương thổ quốc gia, Đồn Biên phòng Pa Ủ từng bước xây dựng nền biên phòng gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên địa bàn biên giới.

Tự hào thay trong lịch sử hình thành và phát triển, chính dân quân người La Hủ ở Pa Ủ đã hơn một lần phối hợp cùng lực lượng Công an Nhân dân Vũ trang, đánh tan nhiều toán quân địch khi chúng xâm nhập lãnh thổ nước ta (5/1954). Khi lòng dân đã giăng thành thế trận thì mỗi cánh rừng, góc núi hoá một thiên la địa võng. Quá khứ cũng như bây giờ, bây giờ cũng như mai sau, đất Pa ủ là của quân và dân Pa ủ – của Tổ quốc Việt Nam nghìn năm cương thổ vẹn toàn! Câu nói nổi tiếng: “Dốc cao bao nhiêu cũng nằm dưới bàn chân người La Hủ”, không chỉ thể hiện ý chí bất khuất tộc người, mà còn thể hiện niềm tin sắt đá và khát vọng vươn lên, như câu chuyện nghìn đời của 50 người con mẹ Âu Cơ quyết chí lên rừng lập nghiệp và giữ đất miền biên ải.

Tuần tra biên giới. Ảnh: Văn Thắng

Với các đội công tác, Cấp ủy – Ban chỉ huy Đồn biên phòng Pa Ủ quán triệt nhiệm vụ “Xây một biên cương vững chắc ngay trong lòng nhân dân”. Muốn vậy, trước hết phải nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, hiệu quả điều hành của chính quyền địa phương trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội. Bên cạnh đó là nhân rộng điển hình làng, bản, khu dân cư văn hóa; vận động bà con không di cư tự do, không phá rừng làm nương; không tin theo luận điệu tuyên truyền tín ngưỡng nhảm nhí; không buôn bán, tàng trữ, sử dụng các chất ma tuý; lễ lạt hoặc cưới xin theo nếp sống mới, đơn giản mà vẫn trang trọng…

Ông Trịnh Đình Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cho biết: “Người La Hủ có được như ngày hôm nay, công lớn nhờ những người lính biên phòng. Sau những giờ huấn luyện, những cuộc tuần tra biên giới, cán bộ, chiến sĩ đã tới từng bản giúp bà con thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, vận động học sinh đến trường rồi mở lớp dạy xóa mù. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn triển khai hiệu quả các chương trình “nâng bước em đến trường”…              

Kết quả mà tập thể CBCS Đồn Pa Ủ giành được không nằm ở những con số khô khan về xây dựng được bao nhiêu nhà ở, lớp học, đường giao thông, mương tưới nước, khám chữa bệnh miễn phí, cấp cây con giống… cho nhân dân địa bàn. Mà cao hơn hết và quan trọng hơn cả, ý nghĩa hơn cả là tạo lập được niềm tin trong nhân dân, xây dựng được mối quan hệ quân – dân bền vững và thực chất, cụ thể như chính những mái nhà, những con đường, những viên thuốc mà CBCS trong đơn vị tự nguyện san sẻ từ đồng lương không nhiều của mình, từ chính khẩu phần ăn hàng ngày của mình để trao tặng nhân dân.

Đại tá Nguyễn Tất Hậu, Phó Chính ủy BDDBP Lai Châu, cho biết: “Chúng tôi chỉ cảm thấy thực sự hoàn thành nhiệm vụ khi giúp đỡ đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới vượt qua được khó khăn trong cuộc sống và không gì hạnh phúc hơn mỗi ngày khi tận mắt nhìn thấy đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới của tỉnh ăn đủ no, mặc đủ ấm, con trẻ được cắp sách đến trường, khuôn mặt của đồng bào luôn vui vẻ, nụ cười nở trên môi”.

Từ chuyến đi ấy, chúng tôi nhận ra chân giá trị cuộc sống qua những điều mà người lính hằng tâm niệm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Ngày lại ngày các anh lặng lẽ trong nhiệm vụ, lặng lẽ trong hiến dâng, lặng lẽ trong lo toan trước cuộc sống nhân dân. Có một triết gia từng viết: “Trong những trường hợp cụ thể, bản thân sự im lặng lại nói nhiều hơn cả” – Đó là sự im lặng có linh hồn, có trách nhiệm và hoài bão, như Pa ủ mấy mươi năm với những người lính can trường, lặng lẽ trong sắc áo xanh muôn thủa núi rừng…

Đức Duẩn


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.