Phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, các đơn vị bộ đội biên phòng (BĐBP) đóng quân trên địa bàn biên giới tỉnh Lai Châu đã chủ động triển khai toàn diện trên các mặt công tác theo phương châm: phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng, an ninh. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn cùng với sự đổi thay hàng ngày của đời sống bà con nơi đây chính là động lực mạnh mẽ để những người lính phát huy hơn nữa, xây dựng “phên dậu” biên cương vững chắc nơi địa đầu Tổ quốc.
Nằm ở địa đầu phía Tây Bắc của Tổ quốc, với đường biên giới dài hơn 265km, Lai Châu là vùng đất có địa bàn chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Thấm nhuần quan điểm “dựa vào dân, lấy dân làm gốc”, những năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh Lai Châu đã nỗ lực không ngừng cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp toàn diện nhằm xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong tình hình mới. Theo đó, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Cùng với đó, đơn vị cũng đã triển khai nhiều chương trình giúp dân xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt đối với các xã biên giới vùng cao.
Một trong những biện pháp cốt lõi để xây dựng “thế trận lòng dân” trên tuyến biên giới ở Lai Châu là xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Đây là cơ sở để triển khai, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh ở các địa phương trên tuyến biên giới. Trong đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thực hiện tốt công tác tuyển quân, gắn với lựa chọn, bồi dưỡng nguồn cán bộ cho các cơ sở vùng sâu, các xã biên giới, đặc biệt khó khăn.
Cùng với việc xây dựng kế hoạch tạo nguồn cán bộ cho các xã, huyện biên giới, các đơn vị đóng quân trên địa bàn tăng cường cử các cán bộ tham gia sinh hoạt chi bộ tại các thôn, bản; phân công các đảng viên tại đồn biên phòng phụ trách từng hộ dân tại các khu vực vùng biên. Đứng chân trên địa bàn biên giới tỉnh Lai Châu, nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã cử hàng trăm lượt cán bộ, đảng viên xuống các thôn bản, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Ðảng ở địa phương. Đến nay toàn xã có gần 30 chi bộ với trên 300 đảng viên, trong đó có nhiều đảng viên là người đồng bào dân tộc. Các đoàn thể được củng cố. Nguồn cán bộ xã được bổ sung nhiều cán bộ trẻ tuổi, có trình độ, có thể đáp ứng yêu cầu công việc khi cán bộ tăng cường rút về đơn vị. Kết quả này đã phản ánh sự chuyển biến sâu sắc trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại Huổi Luông.
Trung tá Lê Văn Quyết, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông, BĐBP tỉnh Lai Châu cho biết: “Hiện nay đơn vị chúng tôi thành lập các tổ, đội tự quản đường biên, cột mốc; phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới để vừa tuyên truyền vừa vận động, hướng dẫn bà con tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, đấu tranh tố giác tội phạm góp phần vào việc đảm bảo an ninh trật tự địa bàn; BĐBP có các hoạt động thì bà con tham gia rất tích cực”.
Thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn rộng với 23 thôn bản, cuộc sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Huổi Luông đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và thúc đẩy kinh tế phát triển. Các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được những người lính biên phòng triển khai và nhân rộng tại nhiều thôn, bản như mô hình trồng chuối thương phẩm, nuôi bò, lợn sinh sản, trồng ngô lai… giúp đời sống bà con ngày được nâng cao. Anh Giàng A Sù ở bản Hồ Thầu là một trong những hộ thực hiện mô hình trồng chuối đầu tiên theo sự hướng dẫn của những người lính biên phòng Huổi Luông. Chỉ sau một thời gian ngắn, gia đình anh đã nhanh chóng thoát nghèo và trở thành hộ kinh tế khá giả trong bản. Mô hình trồng chuối nhanh chóng được nhân rộng và trở thành sản phẩm hàng hóa, cũng như mang lại thu nhập chính cho bà con các dân tộc nơi đây, trở thành cây chủ lực của xã, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã. Khi người dân có điều kiện phát triển kinh tế, con em được đến trường và có thể trưởng thành, làm giàu trên dải đất biên cương thì bà con sẽ gắn bó và tích cực góp phần bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
“Gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”- phương châm đó đã trở thành tâm niệm với mỗi người lính biên phòng Huổi Luông. Với Đại uý Phan Thành Nam, Đội trưởng Đội vận động quần chúng dường như đã quen với từng con dốc, từng ngôi nhà khu vực anh phụ trách. Không ngại khó, ngại khổ thường xuyên thâm nhập địa bàn để nghiên cứu, nắm tình hình thực tế là cách thức để Đại uý Nam thực hiện hiệu quả công tác dân vận. Và cũng với cách làm này, Đại uý Nam đã kịp thời giúp đỡ anh Chẻo Lao Lù rời xa ma tuý, vững tin làm lại cuộc đời. Gia đình anh Chẻo Lao Lù là một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo trong bản, Lù nghiện lâu năm, gia đình lại đông con. Thời gian đầu, Đại uý Nam luôn sắp xếp công việc, kịp thời có mặt thường xuyên để giúp anh vượt qua những cơn thèm thuốc. Không chỉ động viên anh Lù quyết tâm làm lại cuộc đời, người lính biên phòng trẻ còn là điểm tựa vững chắc của 5 đứa nhỏ – con anh Lù. Khi sức khoẻ anh Lù dần hồi phục, Đồn biên phòng Huổi luông đã hỗ trợ con, cây giống để gia đình anh ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Cuộc đời của một con người, của một gia đình như được hồi sinh, nụ cười quay trở lại trên môi của những thành viên trong gia đình.
Bám dân, bám bản, chia sẻ khó khăn, vui, buồn cùng lời nói đi đôi với việc làm nên bà con dân bản đều đặt trọn niềm tin vào những người lính bộ đội cụ Hồ và xem những người lính như anh em ruột thịt trong nhà. Chính điều đó đã giúp Đồn biên phòng Huổi Luông tạo được điểm tựa vững chắc. Mỗi tháng 2 tới 3 lần, bất kể nắng, mưa, bà con sát cánh cùng lực lượng bộ đội biên phòng tích cực tham gia tuần tra đường biên, cột mốc. Những người dân nơi đây đã trở thành “cột mốc sống” bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.
“Lòng dân yên, biên giới vững”, hiểu rõ điều đó, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu có mặt ở hầu hết những địa bàn khó khăn để triển khai, tổ chức thực hiện các dự án giúp dân xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt xóm làng biên cương của Tổ quốc. Nhiều điểm trường, điện lưới, đường giao thông, trạm y tế quân dân y kết hợp được xây dựng lên. Trước đây, bà con thường làm nhà cheo leo trên sườn núi cao, với sự kiên trì vận động của những người mang quân hàm xanh, đã đưa được hàng chục hộ dân ra sát đường biên. Đến nay, trên địa bàn 8 xã thuộc khu vực bắc Dào San có hàng trăm hộ dân sinh sống ổn định trên tuyến biên giới. Cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư xây dựng kiên cố, vững chắc, người dân yên tâm lao động sản xuất phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính ủy BĐBP Lai Châu cho biết: “BĐBP Lai Châu đã xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia”. Sự no ấm, trù phú, bình yên đã và đang hiện hữu trên các bản làng tại vùng biên giới Lai Châu. Với sự kế thừa sáng tạo tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người lính bộ đội cụ Hồ nơi vùng Tây Bắc xa xôi đã “thắp sáng” vùng biên, tạo môi trường thuận lợi, ổn định dân cư phát triển lâu dài ở khu vực biên giới. Đời sống nhân dân nơi ngày càng phát triển, tình hình an ninh trật tự từng bước ổn định, khối đoàn kết quân và dân ngày càng được củng cố, đó là nền tảng để xây dựng thế trận lòng dân trên biên giới ngày càng vững mạnh, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
ĐỨC DUẨN