Phương rất ít khi đi ra khỏi nơi mình sinh sống do điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, nhưng cô lại rất yêu những ngả đường ở thành phố miền núi này. Niềm yêu sao mà nhỏ bé, giản dị như chính con người Phương. Dù là quãng rẽ qua nhà sàn nhà văn hóa tổ dân phố có những cây ô sa ka đỏ rực hay lối đi ngang tháp truyền hình có dãy muồng hoàng yến vàng rực rỡ, trong lòng Phương vẫn hay suy nghĩ những chuyện đẩu đâu, lộn xộn này kia. Ánh mắt cô luôn vui vẻ khi nhìn thấy cô bé bán quả bí non đầu dốc hoặc những tốp người đeo lu cở trên tuyến phố đầy cây xanh. Hôm nay cũng thế, đang là buổi sáng ngày cuối tuần, Phương trên đường đi chợ về. Trên xe còn treo đủ thứ thức ăn quen thuộc, cô muốn dành thời gian nhiều hơn để chế biến các món cầu kỳ một chút cho con trong ngày nghỉ, bù đắp những bữa ăn nấu vội vì còn bận chở con đi học, còn phải kịp đến cơ quan đúng giờ. Con đường cô đi từ chợ về nhà không quá xa, chỉ vài cây số thôi nhưng cô vẫn mở lòng lắng nghe những âm thanh cuộc sống vang lên, ánh mắt chăm chú nhìn mọi vật, và những suy ngẫm mông lung lại tiếp tục hiển hiện trong đầu…
“Bây giờ con bé Hoa đã thôi học trường mầm non tư thục, chuyển sang học trường mầm non công lập. Mỗi tháng từ đóng hơn hai triệu tiền học phí với tiền ăn cho con, giờ chỉ còn vài trăm tiền ăn. Số tiền dư ra đấy có nên cho thằng Nam đi học thêm môn tiếng Anh cho bằng bè bằng bạn không nhỉ? Nó đã học lớp ba rồi mà môn tiếng Anh đuối quá, làm chẳng năm nào có giấy khen mang về để bố mẹ mát mày mát mặt với đồng nghiệp gì cả”… Ối, có cái xe rẽ ngược chiều mình đây này. Mà chạy xe nhanh thế, lại còn cua sát rạt thì có mà đâm nhau à? Cái ông này. Đầu nghĩ thế, tay Phương cũng mau mắn bóp phanh xe máy đi chậm rồi dừng hẳn. Xoẹt. Xoẹt. Rầm… “Ối giời ơi! Đã dừng hẳn xe mà vẫn đâm sầm vào người ta như thế đấy à? Cái anh này vô lý nó vừa vừa thôi chứ”. Phương kêu oai oái. Cả người nằm xoài dưới đất, cái xe đè lên chân của cô, cảm thấy đau rát. Tay ga đập vào má thế này, dễ phải bị bầm tím cả chục ngày không tan. Người dân sinh sống hai bên đường xô ra, ưu tiên dựng xe cho cái cô mặc váy tím đang nằm kêu ầm ĩ dưới nền đường. Rồi họ mới quay sang anh thanh niên ăn mặc tuyềnh toàng, nhếch nhác, không quên trách cứ. Ô hay! Cái anh này không thuộc đường giao thông à? Đến đoạn rẽ phải cua rộng ra chứ? Cua hẹp thế. Sai luật lè lè ra đấy nhé. Đâm cả vào người ta như thế này. Anh chàng vẫn đang nằm dưới cái xe máy cũ, miệng không ngừng phân bua. Chị thông cảm cho em nhé! Em mới ở bản xuống chợ. Đi đứng không cẩn thận. Các bác thông cảm cho cháu nhé! Đấy, có ai muốn đâm nhau đau như thế đâu nào. Thái độ biết lỗi của anh ta khiến cho mọi người cảm thông. Phương lúc này đã dựng xe lên, cái bìa đậu vỡ nát rồi, nhưng may vẫn trong túi bóng nên không bị bẩn. Thế này tí về phải bóp cho nát hẳn rồi cho thêm trứng, hành vào rán lên cho bọn trẻ con ăn trưa vậy. May mà các loại rau, hoa quả và nửa con vịt vẫn còn nguyên vẹn. Cô xoay cổ tay thì thấy đau nhức. Lại liếc nhìn sang góc xe anh chàng nọ văng ra, cô thấy tấm áo chàm cũ cáu bẩn. Đúng là người Mông vừa ở trên bản xuống thật. Có vẻ anh ta còn đau hơn cả cô, nhưng đàn ông đàn ang nên nằm chẳng kêu la một tiếng nào. Miếng thịt nửa nạc nửa mỡ đã bụi bẩn nằm sõng xoài dưới bánh sau xe anh ta. Cô vội chép miệng cám cảnh cho hoàn cảnh của anh. Mình ngã cũng ngã rồi. Ở lại đôi co mất thời gian, nhà cửa còn bừa bộn, bao nhiêu việc phải dọn, cần đến bàn tay phụ nữ trong ngày cuối tuần. Mà cô cũng chẳng nghĩ đến việc bắt đền người ta. Họ đã bị như thế, cũng có muốn như vậy đâu nào. Cô phủi tay, phủi sạch bụi bẩn trên quần áo, dọn lại mớ rau, thức ăn vừa mua rồi lên xe phóng đi. Đằng sau, mọi người lại xúm vào giúp anh chàng người Mông kia đứng dậy. Đi được một đoạn nữa, Phương mới thấy miếng inox bảo vệ xe long ra. Cô nghĩ đến cảnh chiều nay phải đi sửa xe và mất thêm một khoản nữa rồi. Lại mất thêm một buổi chiều ngày nghỉ không được đưa con đi chơi. Bọn trẻ đã lâu lắm rồi không được đi chơi công viên, không được đi nhà bóng. Mẹ thì lúc nào cũng hứa, rồi mẹ rảnh, mẹ sẽ đưa đi. Cuối cùng mẹ chẳng khi nào ngơi tay để làm cái việc phụ huynh nào cũng làm được. Có lúc mẹ bận bịu còn hay nổi cáu với các con. Có khi cáu quá, chúng nó nhìn mặt mẹ cũng sợ như những câu chuyện ma hay đọc cũng nên. Thở dài. Cô lại tự động viên: Ờ thì vẫn còn may chán vì nếu hôm nay chở hai đứa trẻ đi cùng, lại bị tông xe như thế còn khổ hơn nhiều. Chúng nó bé thế, bị đau một tí, mẹ xót xa lắm chứ!
Phương đã gặp nhiều phiền phức chỉ vì cái tật vừa đi vừa ngẫm ngợi của mình. Dù suy nghĩ của cô vẫn chỉ là những suy nghĩ vẩn vơ không làm ảnh hưởng gì ai cả. Phương tự thấy mình tuy không xấu không đẹp, không giàu và còn nghèo nhưng cô luôn nhủ lòng “đói cho sạch, rách cho thơm”. Trong mọi công việc cũng thế, có thể lúc này lúc kia có va chạm với người này, người kia, cô vẫn luôn nhường nhịn và không khi nào muốn to tiếng, mặt nặng mày nhẹ với ai. Từ bé, bố mẹ hay khen cô hiểu chuyện vì hay nhường anh trai thì ra ngoài với bất cứ ai, cô cũng hành xử như thế. Quan điểm sống “cơm sôi bớt lửa” lại hợp với chồng cô vì anh là người nóng giận. Nóng giận là thế mà gặp người vợ không quá so đo nên hai người cũng có thể coi là hạnh phúc. Anh chỉ hay chê cô lành tính. Người đâu mà lành đến thế? Có khi cả đời chẳng nghĩ đến hại ai. Cô lại cười, hại ai để làm gì hả anh? Em cái gì cũng lo, cái gì cũng hay e sợ. Chỉ muốn được sống yên ổn bên anh và gia đình nhỏ của chúng ta thôi. Không muốn tranh đấu đợi mưa giông, gió giật ùa đến đâu.
Hồi còn chưa lấy chồng, bố mẹ thường chê Phương hậu đậu, làm đâu hỏng đó. Chẳng bù cho anh trai cô nhanh nhẹn lại giỏi giang, làm đến chức vụ này kia ở cơ quan lớn của tỉnh. Vẫn may tuy chỉ học hành lẹt đẹt, ra trường, Phương còn kịp xin vào một cơ quan nhà nước qua mối quan hệ của bố mẹ. Công việc tạp vụ kiêm văn thư cũng có thể nói là không quá bận bịu, phải suy nghĩ nhiều về đầu óc, tính toán – vốn là những thứ “khắc tinh” của cô. Để khắc phục tính hậu đậu của mình, cô luôn cố gắng cẩn thận, tỉ mỉ từng li, từng tí một nên cũng được cấp trên và chị em trong phòng thông cảm, thương yêu. Mỗi tội công việc nhà nước lương ba cọc ba đồng, cô cũng tự thấy mình không đủ tháo vát để làm thêm này kia nên tạm hài lòng với cuộc sống hiện tại. Chồng Phương trước đây đi xây thuê cho các công trình xây dựng, sau này tích cóp vốn đi học bằng lái xe rồi mua xe chở vật liệu xây dựng cho các công trình. Lúc mới có bé Nam thì công việc của chồng Phương cũng ổn định, thu nhập dư dả, Phương dành dụm đủ trả hết nợ mua xe và xây được một căn nhà cấp bốn với hai phòng ngủ. Hai vợ chồng tự nhủ với nhau có nhà đã là sướng hơn khối người rồi. Bằng tuổi Phương vẫn nhiều gia đình phải đi thuê nhà ở còn gì. Còn so với những người khá giả thì biết thế nào mà so sánh được. Thế mà giờ xây dựng ít dần việc đi, có lúc chủ thầu chẳng trả tiền luôn nên tiền do chồng làm ra cũng chỉ đủ để tết về thăm quê hoặc thăm hỏi họ hàng, lối xóm mỗi khi có việc hiếu, hỉ. Giờ có thêm bé Hoa, thu nhập hơn bốn triệu sau mười năm đi làm của Phương trở thành nguồn thu chính cho chi tiêu của cả gia đình. Phương lúc nào cũng lẩm nhẩm nghĩ xem hôm nay mua gì, ngày kia chi gì, làm sao để vừa vặn cả tháng mà không bị thiếu trước hụt sau. Cô cũng nghe những người đồng nghiệp kể về người này, người kia thu nhập có bốn, năm triệu một tháng mà mua sắm quần áo hàng hiệu nhiều lắm! Nợ nần khắp nơi. Rồi cả chuyện họ chơi tiền ảo trên mạng internet, vay nợ hàng trăm triệu, hàng tỷ. Đến lúc vỡ nợ. Bị đuổi việc. Phương vốn nhát lắm nên tất cả những câu chuyện ấy luôn ám ảnh cô. Giờ thì ngay cả việc nghĩ đến vay ai vài trăm, vài triệu đồng, cô cũng chưa từng nghĩ đến ấy chứ. Bởi vì ngại lắm. Ừ thì mình có thể nghèo thật, nhưng mà không thể hèn… Cô vẫn dạy hai con của mình như thế đấy!
Chính việc nghĩ nhiều dẫn đến tính cách vừa đi vừa ngẫm nghĩ của Phương. Cô cũng hay cả nể và từng bị hố vì tính cách này nhiều lần. Mới tháng trước thôi, cô đang làm việc thì nhận được tin nhắn của chị dâu trên mạng xã hội. “Em ơi, còn tiền không? Cho chị vay ba triệu nhé, xong sáng mai chị hoàn trả ngay cho em”. Cô đắn đo quá! Lương vừa đổ xong mà đầu năm học mới của con, còn bao nhiêu chuyện phải chi tiêu. Quần áo mới này, sách vở, bút mực… Nhưng chị Doan thì tốt với gia đình cô lắm! Chị ấy luôn quan tâm từ lúc Phương sinh đứa lớn đến đứa bé. Chẳng như Trường – chồng Phương. Đàn ông thì luôn không để ý chuyện nhỏ nhặt và thăm nom như phụ nữ mà. Chị Doan lại còn chu đáo nữa! Với lại Phương biết tính cách chị Doan rất sòng phẳng, chẳng qua chị ấy đang cần mới cậy nhờ đến mình thôi. Với ai chứ bác Doan thì làm gì Phương phải lo thiệt. Nghĩ vậy, Phương hỏi lại bác số tài khoản chuyển đi thì được bác gửi một số lạ hoắc. Đào Nguyên Hy là ai hả chị? À, bạn chị em ạ! Vâng thế em chuyển luôn. Vừa chụp màn hình chuyển cho chị Doan xong, chị ấy lại bảo. Em còn tiền không? Nếu tài khoản còn thì gửi cho chị thêm hai triệu nữa nhé. Ô, chị này hôm nay lạ thế nhỉ? Phương liền gọi điện vào số chị Doan, chị nghe máy luôn. Chị ơi, sao em chuyển cho chị ba triệu rồi, mà giờ chị lại bảo phải chuyển thêm thế chị? Chuyện gì đấy Phương? Chị có gọi em đâu. Thôi chết rồi em không xem zalo chị à? Chị vừa nhờ bạn bè thông báo trên facebook và chị ghi trên zalo là chị mất facebook, đừng ai cho vay tiền rồi còn gì. Phương thấy trống ngực mình đập thùm thụp. Thế là mất tiền oan rồi! Tự trách sao mình dại dột thế. Chị Doan lại bảo, em buồn cười nhỉ? Lẽ ra phải gọi cho chị rồi mới chuyển chứ? Bạn bè chị bao nhiêu người bị vay đều hỏi chị, sao em không hỏi. Khổ thân chưa?
Mất tiền đâm ra lẩn thẩn. Trưa hôm ấy, dù đã quyết định không kể với Trường, nhưng Phương cứ ngẩn ngơ suy nghĩ mãi. “Ơ kìa mẹ, sao mẹ lại đổ hết ruột hến vào thùng rác thế kia?”. Chỉ đến lúc Nam vào nhắc mẹ, Phương mới giật mình. Khổ không cơ chứ, đãi mãi được cân hến, cuối cùng cái rổ đựng vỏ giữ lại, Phương lại mang cái rổ ruột hến đổ cả vào thùng rác rồi. Thiếu mỗi nước òa khóc trước mặt con trai thôi. Phương đành mang lạc ra rang tạm với súp để cả nhà ăn cùng rau lang luộc cho qua bữa trưa vậy. Tháng này đâm ra lại làm khổ cả nhà vì cái việc mất tiền không đâu vào đâu. Phương tự trách mình và lại tiếp tục xiết chặt chi tiêu vì khoản dư còn quá eo hẹp.
Lại có lần mẹ chồng nhờ cô mua cho hai chục cân gạo nếp để bà mang về quê lo việc giỗ chạp. Vì theo lời mẹ chồng thì gạo nếp ở miền núi hạt to, thơm, dẻo, giá lại rẻ. Chẳng như gạo ở quê, nấu thì nát bấy mà chẳng thấy hương vị đâu. Phương mua hai trăm nghìn được hai mươi cân, xởi lởi bảo với cô bán hàng, chị đặt đằng sau xe cho em cũng được. Hôm nay mua đồ ăn mời khách nữa nên đằng trước không còn móc treo rồi. Vừa đi cô lại vừa tính. Lần này mẹ về, ngoài gạo nếp, còn phải gửi năm trăm nghìn thăm bà cố nội, tiện thì mua thêm ít miến dong với măng lưỡi lợn đặc sản địa phương cho bà. Tất cả cũng gần một triệu rồi. Nhưng chẳng mấy khi mẹ lên. Phải làm thế Trường mới mát mặt với gia đình chứ… Phương dựng xe ở cổng, mẹ chồng đon đả ra đón. Cô quay lại đằng sau mới hớt hải. Bao gạo nếp của con đâu rồi? Mẹ hỏi, thế con không bảo họ chằng cho à? Vâng, con thấy bà ấy bảo để đây chắc chắn lắm rồi! Giờ thì làm sao biết đã rơi ở đoạn nào? Đây, mẹ mang đồ ăn vào giúp con làm cơm trước, con quay xe lại xem rơi ở đoạn nào. Mẹ chồng chặc lưỡi. Giờ thì làm sao tìm được hả con? Con cứ quay lại xem tí mẹ ạ! Mẹ chồng nói đúng, Phương lủi thủi quay lại cả chặng đường không thấy. Cô vào quán đã mua gạo nếp, mua lại đúng hai mươi cân và lần này nhờ chằng dây cẩn thận. Lúc về cô hồ hởi bảo với mẹ chồng, may quá, con rơi ngay ở quán nên họ trả lại luôn. Trong lòng không khỏi xót xa, giận mình vì luôn xảy ra những chuyện làm thấu chi tiền tiêu của cả gia đình như thế!
Cái tính vừa làm vừa nghĩ còn gây ra cho Phương nhiều việc tréo ngheo khác. Nhưng mà cô vẫn chẳng bỏ được. Đại để như chuyện hôm nay, vừa đi chợ về. Lẽ ra thì đã vui. Vậy mà lại bị ngã đau. Phương tấp tểnh bước xuống dắt xe vào sân và lần lượt lấy thức ăn ra khỏi móc để vào nấu và giật mình thêm lần nữa. Cái túi trắng bị rách. Cô chợt nhớ miếng thịt ba chỉ lem luốc đằng sau xe của anh chàng đã đâm sầm vào mình. Nhất định là ba lạng thịt cô mua để kho tàu cho các con đã văng ra. Thế mà lúc ấy, cô lại chưa nghĩ đến…
Phùng Hải Yến