Vũ trụ quan và phân tầng thế giới trong quan niệm của người La Hủ

Người La Hủ cho đến nay vẫn bảo lưu khá bền vững hệ thống tín ngưỡng cùng các lễ nghi, nghi thức truyền thống của mình. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy các yếu tố tín ngưỡng của người La Hủ khá tương đồng với một số tộc người trong vùng như người Hà Nhì và người Thái. Tuỳ theo mỗi vùng mà mức độ ảnh hưởng và vấn đề ảnh hưởng có khác nhau. Nếu như người Hà Nhì ở các xã sát biên giới Việt – Trung: Ka Lăng, Pa Ủ và Pa Vệ Sủ ảnh hưởng một số sắc thái tín ngưỡng của người Hà Nhì thì người La Hủ ở các xã ở sâu trong nội địa: Mường Tè xã, Nậm Khao, Bum Tở lại chịu một số tàn tích tín ngưỡng cổ của người Thái. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng chỉ diễn ra trong một số chi tiết nhỏ trong đời sống tín ngưỡng của họ; còn xét về đại thể, người Hà Nhì ở các xã trong huyện Mường Tè vẫn khá thống nhất về tín ngưỡng dân gian, từ những quan niệm về lực lượng siêu nhiên và hồn cho đến các lễ nghi tín ngưỡng được thực hiện trong các gia đình và cộng đồng.

Theo truyền thuyết về sự hình thành trời đất, muôn loài và các dân tộc thì trời đất do con chim én (U mà tchà gờ a lơ) sinh ra. Có trời có đất rồi mới có muôn vật. Loài người lúc ấy chỉ có rất ít, sinh sống ở vùng Nà Ma À Mé. Có người con gái bỏ các thứ hạt giống vào vạt áo dài đem gieo lên đất mẹ thì sinh ra các loài cây cỏ. Một hôm, con nhện nước là mẹ của nước không biết vì lẽ gì làm nước dâng lên mãi, ngập hết cả mặt đất, muôn loài đều chết hết. Hai anh em chui vào vỏ quả bầu khô trôi lênh đênh trên mặt nước cho đến khi nước rút hết, hai anh em chui ra nhưng loài người đã bị diệt vong. Hai anh em đành phải lấy nhau và sinh ra các loài ma và con người. Mỗi đứa con của họ là tổ tiên của một dân tộc. Hai anh em đó sau này đã hoá thân thành các vị thần tối cao cai quản bầu trời và chi phối đến cuộc sống của con người: người anh hoá thân thành hai vị thần sáng tạo vạn vật là Mô ma (Quản trời) và người em hoá thân thành Thò po à ma (Đức mẹ thổ phồn – Bà mẹ sinh nở, nuôi dưỡng).

Trong quan niệm của người La Hủ, vũ trụ gồm có ba tầng được phân theo trục dọc. Tầng cao nhất là tầng trời (Mô thả), tầng giữa là mặt đất (Mô mì) và tầng dưới cùng là dưới đất (Mì hố).

Cõi trời trong quan niệm của người La Hủ được cai quản bởi ông trời (Gừ ma). Nhân vật này được người Hà Nhì trong vùng gọi là Gà ma, có nghĩa là Núi đá. Trên thực tế, khu vực người La Hủ và người Hà Nhì sinh sống đều là các sườn núi đá. Vì vậy, Gừ ma hay Gà ma (cùng một nghĩa) đều có ý nghĩa là bao hàm toàn bầu trời, mặt đất và muôn loài sinh sống trong không gian đó. Nhưng trong quan niệm của người Hà Nhì, Gà ma lại mang tính chất là một danh từ dùng để chỉ một khu vực như vừa miêu thuật và có vị thần cai quản có tên gọi là D’ló Pứ thì đối với người La Hủ, đó lại là một danh từ dùng để chỉ một vị nhiên thần sáng tạo, có sức mạnh vô song, có quyền uy tối cao, cai quản cả vũ trụ.

Ông trời có hai vị thiên thần phụ tá là Mô maThò po à ma. Cặp thiên thần này vốn là những nhân vật trong thần thoại anh hùng ca chắc hẳn xưa kia đã từng được tiền nhân người La Hủ xướng ca trong những trường ca dài nhưng cho đến nay chỉ còn là những chi tiết vụn vặt, rơi rớt được kể lại theo lối văn xuôi. Nhưng cho dù là như thế, cốt truyện cũng giúp chúng ta hình dung được quan niệm của người La Hủ về quá trình hình thành vũ trụ: Bắt đầu từ một cơn đại hồng thuỷ – vạn vật trên mặt đất bị nước cuốn sạch trơn, muôn loài bị huỷ diệt nhưng còn sót lại hai người: một nam, một nữ. Qua một cuộc hôn phối lịch sử, họ cũng sinh sản nhưng là một kiểu sinh sản bất bình thường – những cục thịt mọc đầy trên cơ thể người chồng rồi rụng ra thành con cái. Kiểu nuôi con của họ cũng không bình thường với hai vũ trước ngực người vợ để nuôi người, bảy vú sau lưng để nuôi ma. Đàn con của họ sau đó toả đi các nơi thành tổ tiên mới của loài người – thế giới hồi sinh và cặp vợ chồng ấy trở thành những thiên thần sáng tạo.

Mô ma có chức năng sáng tạo ra mọi thứ, qui định số phận cho từng con người, cho ai giàu thì được giàu, cho ai nghèo thì phải nghèo, bắt ai chết thì phải chết… Quan niệm này của người La Hủ trùng khớp với quan niệm của người Hà Nhì được phản ánh trong trường ca Xa Nhà Ca về số phận của con người và muôn vật đều do thần thánh định đoạt:

Càng cua biết cắp do thần thánh tạo ra

Bọ ngựa biết chém do thần thánh tạo ra

Sừng con dê bị vếch do thần thánh tạo ra

Đuôi con lợn nái có đốm do thần thánh tạo ra

Trâu thích đầm vũng bùn do thần thánh tạo ra

Cựa con gà trống nhọn do thần thánh tạo ra

Người mồ côi bất hạnh do thần thánh tạo ra

Người con gái xấu xí do thần thánh tạo ra

Người giàu có đẹp đẽ do thần thánh tạo ra

Người răng vẩu như sóc do thần thánh tạo ra

Như vậy, quan niệm của người La Hủ về đấng thần linh tối cao cai quản ở cõi trời cũng khá tương đồng với quan niệm này của người Hà Nhì. Vị thần ấy với sức mạnh siêu nhiên của mình đã tạo ra tất cả – từ sự sống cho muôn loài cho đến hình thù bề ngoài, tính cách bên trong cho đến cả số phận của họ. Vì vậy, để cầu xin ông trời phù hộ cho gia đình mình được tốt đẹp, tránh được những tai ương, rủi ro, hàng năm vào ngày mùng một tết, các gia đình đều phải sửa một mâm cúng để cúng ông trời.

Giúp việc cho ông trời (Gừ ma), bên cạnh Mô ma còn có Đức mẹ thổ phồn (Thò po à ma). Theo quan niệm của người La Hủ, Đức mẹ thổ phồn sau khi cho phân chia đàn con đi lập nghiệp ở mọi nơi trên mặt đất vẫn luôn quan tâm theo dõi hậu duệ của họ – chính là con người ngày nay. Và vì thế, bà trở thành vị nữ thần chuyên phân định số phận của con người – ai được làm việc gì; và qua sự phân định, sắp xếp này thì mỗi người sẽ được “xác định nghề nghiệp” ngay từ khi lọt lòng. Vì thế mới có người có số làm thầy cúng, có người có số làm thợ rèn nhưng số đó ít; còn tuyệt đại bộ phận người dân chỉ có số làm nương, đào củ. Ngoài ra, Đức mẹ thổ phồn còn là vị nữ thần quản việc sinh nở. Với hai vú ở ngực – bà quán xuyến việc sinh đẻ cho con người và các loài vật nuôi. Với bảy vú ở lưng – bà chăm lo việc sinh nở của các loài ma (hồn các sự vật và các thế lực siêu nhiên) và muông thú trong rừng. Người La Hủ quan niệm, Đức mẹ thổ phồn chuyên đẻ ra những đứa con rồi phân phát cho con người các dân tộc và muôn loài (kể cả các loài ma). Vì thế, bất kỳ ai đó (hay con vật gì đó) có đẻ được hay không, con đẻ ra có sống hay không đều phụ thuộc vào Đức mẹ thổ phồn có chia con cho hay không? Bởi Đức mẹ thổ phồn chia con cho ai thì người đó mới có. Người La Hủ cũng quan niệm, Đức mẹ thổ phồn sống ở trên trời, bên một hồ nước lớn, người phụ nữ nào đã tắm ở hồ nước đó thì mới đẻ ra con và nuôi con lớn được. Nếu ai sợ nước bẩn không tắm thì cho dù có đẻ nhiều con nhưng con cũng chẳng sống được đứa nào. Đức mẹ thổ phồn cũng có một cây đào. Ai không có con cứ xin được quả đào của Đức mẹ thổ phồn thì sẽ lập tức có con ngay. Nhưng nếu người đó chỉ ăn quả đào nhỏ thì con cái đẻ ra sẽ ốm yếu, khó nuôi, thậm chí là không nuôi được; còn nếu ai xin được quả đào to thì đẻ con ra mới nuôi được, con cái mau lớn, khoẻ mạnh, đẹp đẽ, ngoan ngoãn, giỏi giang. Cuối cùng, Đức mẹ thổ phồn còn có quyền năng làm cho con người chết trước số phận hoặc sống lâu hơn số phận của mình. Vì thế, những ai muốn sống lâu thì phải làm lễ cúng Đức mẹ thổ phồn – lễ cúng ấy, tiếng La Hủ gọi là Dì xe xá.

Cõi trời trong quan niệm của người La Hủ cũng là một bản, ngoài nhà của Ông trời (Gừ ma), Thần quản trời (Mô ma) và Đức mẹ thổ phồn (Thò po à ma) thì còn có các bản của linh hồn các thế hệ tiền nhân La Hủ, mỗi bản của một dòng họ riêng. Ở mỗi bản đều có hai ngôi nhà to đẹp – một dành cho các thầy cúng; và một dành cho các thợ rèn – hai nghề được xem là cao quí trong xã hội cổ truyền của người La Hủ.

Cuối cùng, bản nhà trời còn có hai ngôi nhà dành cho hồn của những người đang sống thỉnh thoảng lên trời có chỗ nghỉ. Trong hai ngôi nhà ấy, có một ngôi nhà xấu xí, tạm bợ, không thể ở lâu mà chỉ dành để nghỉ tạm nên nếu hồn ai vào nhà đó thì chỉ nghỉ một vài hôm rồi về. Trong lúc hồn nghỉ ở đó, thể xác sẽ ốm đau nên người La Hủ gọi đó là nhà ốm (Nà dề). Còn ngôi nhà kia to đẹp, hồn ai đã vào ở nhà đó thì không muốn về nên khi hồn mới đi người cũng ốm đau nhưng sau một thời gian hồn không trở về, thầy bói xem biết nguyên nhân không chữa được và người ấy sẽ chết. Vì vậy, người La Hủ gọi ngôi nhà ấy là Nhà chết (Xơ dề).

Dưới cõi trời là cõi trần gian – là nơi sinh sống của con người và muôn loài muông thú, cỏ cây. Cõi này, người La Hủ gọi là Mô mì, có nghĩa là mặt đất. Theo quan niệm của người La Hủ, cõi mặt đất từ lâu lắm rồi đã có con người và muôn loài động thực vật. Con người ngày ấy sống trong các trso khá (bản) đông vui, cuộc sống sung túc, đầy đủ, hạt gạo to như quả bí đao, hạt ngô to như quả bí ngô, không trồng cũng tự mọc, không gặt cũng tự lăn về nhà. Con người ngày xưa chỉ còn thiếu mỗi một điều là không được sống mãi nên ước ao cuộc sống sẽ kéo dài vĩnh cửu liền cầu xin ông trời (Gừ ma) cho kiếp sống được vĩnh hằng. Ông trời chấp thuận, liền sai con chim lợn (lo búk) bay xuống báo cho con người biết ý trời rằng: “con người được sống mãi, không bao giờ chết”. Ấy là vào một đêm hè tháng tư, tháng năm gì đó. Con chim lợn tính hay đãng trí lên cứ bay được nửa đường lại quên, lại bay về hỏi trời, trời nói rồi nó bay đi được nửa đường lại quên, lại quay về hỏi… Sau vài lần như thế, ông trời bực mình liền gắt: “Thấp cũng chết, cao cũng chết”. Thế là chim lợn nhớ được câu ấy, lại thấy trời giận nên không dám đáng trí nữa nhưng để không quên, nó vừa bay vừa kêu câu ấy. Xuống đến trần gian, nó bay khắp nơi, lượn trên đầu các trso khá và kêu liên hồi: “Thấp cũng chết, cao cũng chết” như ông trời đã nói. Từ đó, con người không được sống vĩnh cửu nữa mà sẽ phải chết bất cứ khi nào: kể cả khi đã về già hay khi còn trẻ.

Các trso khá của con người khi đó tập trung sống ở vùng Nà ma à mé – Theo ký ức của những người già thì đó chính là đất mẹ (à mé/à ma), cùng với người Hà Nhì sinh sống ở bản giữa, được bao bọc bởi cánh đồng () rộng lớn (ma) được tưới nước bởi mười hai con mương. Theo ký ức của những người già thì đó chính là thượng nguồn của con sông Đà. Ngày ấy, muôn loài trên thế gian còn ít giống loài, chưa phong phú như bây giờ nhưng sau một biến cố sảy ra ở khu vực xã Pa Vệ Sủ ngày nay do lời nguyền của một phụ nữ trẻ vào cây gậy chống cắm bên đường khiến cho cây này vươn cao, toả tán rộng che kín cả bầu trời, các dân tộc họp nhau chặt đổ cây. Sau khi cây đổ xuống, cành lá văng đi khắp nơi. Mười hai cành cây sinh ra các loại hoa màu, lương thực. Mười ba rễ cây sinh ra các loại củ rừng. Một trăm ba mươi sáu cái lá sinh ra các loài cây cỏ khác nhau trên mặt đất.

Cuộc sống thế gian cứ thế yên bình trôi đi nếu không có một đại hoạ khác ập đến, nguyên nhân là bởi con nhện nước dâng nước làm cho úng ngập khắp thế gian. Trận đại hồng thuỷ đã khiến cho nhân loại bị triệt tiêu, chỉ còn hai anh em – chính là hai nhân vật huyền thoại đã được đề cập ở phần trên hồi sinh nhân loại và muôn loài.

Cũng từ các mẩu truyền thuyết rời rạc thu thập được trong quá trình điền dã, sưu tầm cũng cho chúng ta hình dung ra rằng: thế gian – trong quan niệm của người La Hủ không chỉ có con người cùng muôn loài cỏ cây, muông thú mà còn có cả các loài ma. Truyền thuyết về cơn đại hồng thuỷ và sự tái sinh của muôn loài kể rằng người phụ nữ duy nhất sống sót sau cơn đại hồng thuỷ (sau hoá thân thành Đức mẹ thổ phồn) có hai cái vú trước ngực để nuôi người, bảy cái vú sau lưng để nuôi ma. Sau khi chồng bà “mang bầu” là những cục thịt mọc khắp mình và rồi những cục thịt ấy rụng xuống thành các giống người (các dân tộc) và các loài ma, bà phải đi nhặt về cho các giống người bú đằng trước, các giống ma bú đằng sau. Khi con cái khôn lớn, bà cho con đi khắp nơi làm ăn sinh sống và ban cho các con các loài vật. Loài người thì được các loài vật nghe và hiểu được tiếng người (vật nuôi); còn ma thì được những con vật chỉ biết kêu chứ không thể nghe và hiểu được tiếng người (thú rừng), vì thế mà thú rừng nhiều hơn vật nuôi.

Từ truyền thuyết ấy, chúng ta thấy rằng người La Hủ quan niệm trên thế gian có rất nhiều ma. Không biết ma nhiều thế nào, chỉ biết rằng chúng đông hơn con người nhưng khác với quan niệm của các dân tộc khác, người La Hủ cho rằng ma cũng là anh em với con người vì đều chung một mẹ sinh ra. Tuy nhiên, người La Hủ quan niệm, ma cũng có nhiều loại, có ma lành, có ma ác, có ma đáng sợ, có ma đáng kính. Các loại ma có sức mạnh siêu việt thì thuộc về các thế lực siêu nhiên; nhưng số ấy không nhiều; còn đa số các loài ma đều chỉ là những tinh linh ở quanh quất đâu đó quanh con người nhưng chúng cũng có cuộc sống riêng, có gia đình, có cộng đồng, cũng ở thành các trso khá mà con người không thể nhìn thấy được và chúng không thể làm hại và cũng chẳng có sức mạnh gì mà phù hộ cho con người. Còn một số loại ma có sức mạnh siêu việt, có thể gây ảnh hưởng tới cuộc sống của con người bằng cách phù hộ cho cuộc sống của con người tốt đẹp hơn hay gây ra những tai ương cho con người đều được con người cúng bái, dâng lễ để cầu xin.

Tầng thấp nhất trong trục vũ trụ trong quan niệm của người La Hủ là tầng dưới đất, tiếng La Hủ gọi là Mì hố. Nếu như trên mặt đất là ban ngày thì ở dưới đất là ban đêm vì theo giải thích dân gian, khi mặt trời lặn xuống khỏi mặt đất là chui xuống lòng đất và tiếp tục soi sáng cho thế giới dưới lòng đất..

Cũng như nhiều tộc người khác trong vùng, người La Hủ cũng quan niệm ba tầng thế giới trước kia đều thông được với nhau. Từ tầng nọ đến tầng kia rất gần, chỉ một tý là tới nơi. Nhưng rồi sau này không hiểu vì lý do gì mà ba tầng thế giới ấy trở lên cách biệt, không qua lại với nhau nữa.

Những người già người La Hủ hiện vẫn kể cho con cháu nghe về truyền thuyết con người lên trời gặp ông trời (Gừ ma) để ông trời chia cho của cải là những công cụ lao động và hạt giống; đồng thời dạy cho họ cách thức làm ăn. Truyện kể rằng: xưa kia, con người trên thế gian được trời nuôi, không phải làm gì mà vẫn có ăn. Một ngày kia, trời mệt mỏi vì phải nuôi con người nên quyết định gọi con người lên trời để chia của về làm tự làm lấy nuôi thân, không phải đợi trời nuôi nữa. Và trong ngày hôm ấy, các tộc người lên đến nơi, nhận được công cụ, hạt giống và được dạy cho cách làm ăn rồi về luôn trong ngày.

Một truyền thuyết khác lại kể về mối liên hệ giữa tầng mặt đất và tầng dưới lòng đất. Truyện kể rằng có hai anh em nhà nọ đi săn. Khi đang đi, người em bất thình lình bị rơi vào một cái hố tối đen. Anh ta rơi xuống một bản của người dưới lòng đất. Mở mắt nhìn thì anh ta ngạc nhiên thấy những con người ở đây bé quá. Người trưởng thành chỉ cao có tầm một gang tay và đeo dao ở bắp chân. Nhà của họ cũng rất bé và làm toàn bằng thức ăn: cột nhà làm bằng cây mía, mái nhà lợp bằng bánh bột ngô. Người dưới lòng đất thấy có khách liền giữ anh ta lại ăn cơm và nói sẽ mổ trâu đón khách quí, bảo anh ta ngồi chờ rồi đi bắt trâu về. Nhưng lạ thay, trâu của họ không gì khác lại chính là con chuột. Họ mổ trâu rồi mời anh ta ăn. Anh ta ăn vèo một cái đã hết cả con chuột khiến cho cả bản chẳng còn gì để ăn. Nhưng ăn rồi anh ta vẫn đói. Đói quá, anh ta liền ăn hết mái nhà và cột nhà của họ. Người dưới lòng đất rất tức giận nhưng chẳng biết làm thế nào vì họ không dám động đến một người to lớn như thế. Sau đó, họ họp bàn với nhau phải tìm cách đưa anh ta trở về thế giới trên mặt đất chứ không thể để anh ta ở dưới này. Trong khi không ai nghĩ ra được một cách gì hữu hiệu thì một người già trong bản của họ bày cách mang anh ta đến chỗ con đại bàng thường hay đến săn mồi để cho đại bàng cắp anh ta lên. Và thế là anh ta được đưa đến một bãi trống, gần miệng lỗ rồi đại bàng xà xuống, cắp lấy anh ta bay lên, thế là anh ta được trở về thế giới của mình.

Ngoài ba tầng thế giới trong trục vũ trụ, người La Hủ còn quan niệm về một thế giới dưới nước. Nhưng quan niệm này của họ khá mờ nhạt, bởi không một người nào có thể cung cấp được cho chúng tôi những quan niệm cụ thể hay những truyền thuyết để có thể dẫn ta đến một sự hình dung dù là mơ hồ nhất về một thế giới dưới đáy nước. Trong quan niệm của họ không có thuỷ thần hay hà bá, trong vốn từ của họ cũng không có từ nào tương ứng với quan niệm ấy. Thậm chí, những loài thuỷ sản, thuỷ sinh trong quan niệm của họ cũng chỉ là những con vật thuần tuý chứ không phải là cư dân của một thế giới riêng biệt.

Thanh Vân

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.