Về Ngài Chồ gặp anh hùng Vàng A Sình

Chàng trai người Mông Vàng A Sình được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVT) khi mới 21 tuổi. Là người trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, Binh nhất Vàng A Sình thuộc Đại đội 18 – Tiểu đoàn 2  – Bộ đội địa phương huyện Sìn Hồ.

Nuôi quân giỏi – Đánh giặc hay

Về Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) hỏi thăm anh hùng người Mông trắng, bà con nơi đây ai cũng biết về ông. Họ kể chuyện về ông và những việc làm của ông cho bản. Ông là Vàng A Sình – AHLLVT nhân dân, nguyên trưởng bản Ngài Chồ (xã Phìn Hồ).

AHLLVT Nhân dân Vàng A Sình kể chuyện cho bà con nghe về lịch sử, về các anh hùng dân tộc.

Trong cái bắt tay chắc nịch của người cựu binh năm xưa, già bản Vàng A Sình đón chúng tôi trong căn nhà gỗ truyền thống có phòng khách rộng, không gian này chính là địa điểm bà con họp bàn công việc của bản. Bên ấm trà nóng, già bản Vàng A Sình bồi hồi nhớ lại những thời khắc hào hùng của 46 năm về trước. Tháng 10 năm 1976, Vàng A Sình tròn 18 tuổi, từ biệt bản làng lên đường nhập ngũ, lúc ấy Sình nhỏ thó, cả quần áo vỏn vẹn 39kg. Biết tin A Sình nhập ngũ cả bản Ngài Chồ vui lắm, vui bởi bao năm, bản Mông này chưa có ai đi bộ đội.

Sau 3 tháng huấn luyện, Vàng A Sình được điều về Đại đội 18, bộ đội địa phương huyện Sìn Hồ. Ông còn nhớ như in ngày bàn giao tân binh về đơn vị, nhìn ánh mắt vị chỉ huy mà A Sình “thót tim”, đi quanh A Sình mấy vòng, không nói gì, rồi chỉ huy thở dài: “Thấp bé, nhẹ cân thế này thì đánh đấm nổi không? Bổ sung vào hậu cần nhé!”. Hai năm làm anh nuôi, lúc nào cơm cũng ngon canh cũng ngọt, anh được đơn vị khen, đồng đội cảm mến, phải nỗi lâu ngày không được sờ vào súng ống thấy nhớ. Cuối 1978, khi tình hình biên giới Việt – Trung căng thẳng, A Sình gặp chỉ huy nói thẳng: “Cán bộ cho mình ra biên giới đi, làm việc gì cũng được, nghĩa là phục vụ trực tiếp anh em chiến đấu!”. Thế là Sình được ra biên giới, lại vẫn chân anh nuôi, nhưng là hậu cần, phục vụ trực tiếp tại điểm cao, chốt 1262 Pô Tô (xã Huổi Luông).

Ông chậm rãi kể cho chúng tôi nghe: 4 giờ sáng 17/2/1979, pháo binh bên kia biên giới ầm ầm đổ đạn, bắn phá các trận địa của bộ đội ta và các bản làng dọc biên giới. Điểm chốt của Đại đội 18 nằm ngay đầu cầu Hữu Nghị, cạnh sông Nậm Na (huyện Phong Thổ) bị bắn phá dữ dội khiến đơn vị thương vong nặng, hầm hào công sự bị phá nát tan hoang. Hết pháo, binh lính chen nhau xông lên đen đặc. Binh nhất Vàng A Sình lúc này vừa gánh cơm lên trận địa, trước tình thế, anh bỏ quang gánh, lao ra nhặt khẩu B41 bắn trả kẻ thù. Đạn hết, A Sình bò về hầm vũ khí đại đội kéo cả hòm lựu đạn ra công sự đánh trả địch. Buổi chiều hôm đó, Binh nhất Vàng A Sình tập hợp được 3 chiến sĩ còn sống ở trận địa và dùng lựu đạn đánh chặn cho đồng đội rút lui. Hết đạn, anh lao mình xuống vách đá, quyết không để địch bắt sống. Cũng may, mắc vào cành cây và nhờ thông thạo địa hình nên anh sống sót. Đêm ấy, A Sình tìm đường về hậu cứ gặp đồng đội nước mắt vỡ òa!

Tháng 3/1979, khi đang đào công sự ở Phong Thổ thì Binh nhất Vàng A Sình được triệu tập về Hà Nội báo công chiến đấu với Bộ Quốc phòng. Ngày 20/12/1979, Vàng A Sình được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký phong tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân. Cứ tưởng công việc báo công đã xong, chuẩn bị khăn gói ngược Tây Bắc thì anh bất ngờ nhận lệnh Bộ Quốc phòng đi công tác. Thế là anh một mạch đằng đẵng mấy ngày trời trên xe U-oát qua cửa khẩu Tây Trang, rồi sang Oudômxai, Phôngsali để nói chuyện chia sẻ kinh nghiệm chiến đấu bảo vệ biên giới với bộ đội nước bạn Lào.

Anh hùng giữa đời thường

Sau 12 năm phục vụ trong quân đội, năm 1988 Trung úy Vàng A Sình xuất ngũ, trở về địa phương. Bao năm xa quê mà bản làng chẳng đổi thay là bao, đêm nằm vắt tay lên trán, anh nghĩ, tất cả cũng tại đói nghèo bủa vây. Muốn phát triển được phải có đất canh tác, nghĩ là làm, Vàng A Sình khai hoang không biết mệt. Trong 2 năm, A Sình có trong tay 4 mảnh nương to trồng ngô, trồng lúa và thế là bài toán cái đói được giải. Thấy anh chăm chỉ lao động bà con làm theo, A Sình được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản.

Nghe bà con trong bản kể lại, ngày trước người Mông nơi này sống rải rác trên sườn núi Ngài Chồ, thuộc dãy núi Pu Sam Cáp có độ cao hơn 1500m so với mực nước biển, nhà nhà xa cách nhau. Nhận thấy bà con sống thưa thớt, việc canh tác, trao đổi công việc của bản hết sức khó khăn. A Sình quyết định đưa gia định xuống chân núi Ngài Chồ định cư, mới đầu chỉ vài nhà cùng đi. Thời ấy (những năm 90 của thế kỷ trước) chưa thành bản, chưa có đường nước 135 của Chính phủ, A Sình ngày đêm lặn lội luồn rừng đào rãnh, ghép ống tre kéo nước sạch về nơi ở. Năm 2004, ông vận động 15 hộ về định cư lập bản, dưới sự chỉ huy của ông, bằng sức trâu kéo, cả bản đồng lòng san lấp, cải tạo để có một mặt bằng bản như ngày nay.

Sau này, bà con người Mông ở trên núi kéo về định cư, đến nay Ngài Chồ có 38 nóc nhà lớn, hơn 200 nhân khẩu. Tuy Ngài Chồ đã khá hơn xưa, nhưng vẫn là bản nghèo, xa trung tâm, xa đường quốc lộ. Mỗi khi nhìn cảnh các thầy cô giáo về dạy chữ cho con em lầy lội trên con đường đất ông buồn lắm. Nhờ chính sách của nhà nước bằng nguồn vốn 30a/CP và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Việc đầu tiên ông đề xuất với xã là làm con đường bản nối đường quốc lộ. Khi chương trình được phê duyệt, ai cũng vui, nhưng khi thực hiện gặp phải một số trở ngại bởi phần đất đường rơi vào đất của bà con, nhiều hộ không đồng ý hiến đất. Trước tình hình trên, bằng uy tín của một người lính, một già làng gương mẫu, ông cùng cán bộ xã đến nhà phân giải lợi ích con đường mang lại, bà con đã hiểu và thông tỏ. Nay về Ngài Chồ ô tô vào tận bản bằng con đường bê tông hóa gần 5km.

Người dân Ngài Chồ mỗi khi hái quả mận tam hoa ăn lại nhớ công ơn ông Sình, họ bảo: “Mận ông Sình cho đấy!”. Chuyện là năm 2005, khi có chuyến tham quan ở Mộc Châu (tỉnh Sơn La), thấy có cây mận quả giòn, ngọt, ông quan sát khí hậu thổ nhưỡng vùng này xem ra khá tương đồng với Ngài Chồ bản mình. Thế là A Sình mua ít giống về trồng, rồi nhân giống cho cả bản. Nay Ngài Chồ có vài trăm gốc mận, đến vụ thương lái lại tấp nập vào mua mang về thành phố bán lẻ.

Bao năm là già làng uy tín, là trưởng bản, nay công việc bản làng ông giao phó lại cho lớp con cháu đảm nhận. Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ Lý A Phử chia sẻ: Phìn Hồ là xã 98% là dân tộc Mông, bà con nơi đây rất tự hào vì quê hương không chỉ có một anh hùng trong thời chiến, mà thời bình bác Sình cũng là anh hùng. Từ lâu, người Mông Phìn Hồ luôn lấy bác Sình để học tập, răn dạy con cái, bác Sình là hình ảnh tiêu biểu trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Chia tay người lính già, vị anh hùng tuổi đôi mươi năm xưa, chúng tôi trở về trong lòng bao chộn rộn. Chiến tranh đã lùi xa, có thể danh hiệu anh hùng của ông nhiều người không biết nhưng những việc làm của ông sẽ còn mãi với thời gian, với bản làng.

 

Bài, ảnh: Hà Minh Hưng

 

 

 

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.