Văn nghệ sỹ có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển văn hóa

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014, được thông qua tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã khẳng định sự nghiệp phát triển văn hóa gắn chặt với sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam và với sự phát triển bền vững của đất nước. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Trong đó, “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Để đưa tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 33-NQ/TW vào cuộc sống, ngày 8/9/2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2030, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó ngành quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời) đạt khoảng 3.200 triệu USD; ngành du lịch văn hóa chiếm 15 – 20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch….
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, trong đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và cải thiện kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh trong các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường liên kết, hợp tác để các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu tham gia có hiệu quả vào phát triển nguồn nhân lực nói riêng cũng như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói chung. Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan; thường xuyên tập huấn chuyên môn về bảo vệ bản quyền và thu phí bản quyền có hiệu quả; hình thành đội ngũ chuyên gia trong các ngành công nghiệp văn hóa và lĩnh vực bản quyền. Có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm chuyên môn từ các nước có trình độ phát triển cao về công nghiệp văn hóa đến Việt Nam làm việc.
Như vậy, có thể thấy rất rõ rằng Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng sự quan tâm mạnh mẽ và những kỳ vọng lớn lao. Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa ngày càng được đề cao, các giá trị văn hóa đang được bổ sung, bồi đắp, nhằm phát huy hết sức mạnh, vai trò là nguồn lực xây dựng nền tảng xã hội, tâm hồn, đạo đức con người.
Do đó, sức mạnh, giá trị của văn học, nghệ thuật càng cần được nhận thức, đánh giá đầy đủ và thấu đáo hơn. Văn học, nghệ thuật với khả năng tác động vào suy nghĩ, tình cảm, tâm hồn, nhận thức công chúng, sẽ tạo nên nguồn năng lượng dồi dào bồi đắp xã hội văn hóa, tư cách và phẩm chất văn hóa của con người, đề cao bản chất và mục tiêu nhân văn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Văn học, nghệ thuật, do vậy, xứng đáng được đề cao, trân trọng hơn cũng như cần được lan tỏa rộng rãi hơn vào cuộc sống. Dĩ nhiên, đó phải là những tác phẩm có giá trị đặc sắc, được tôn vinh thông qua sự thẩm định về chuyên môn. Và để góp phần vào hành trình tạo nên các tác phẩm mới đặc sắc, độc đáo, thì sự hỗ trợ thiết thực hơn, xứng đáng hơn từ chính sách đầu tư của Nhà nước, ngành văn hóa, hội nghề nghiệp là rất cần thiết.
Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được ban hành tạo hành lang pháp lý quan trọng giúp văn học, nghệ thuật có điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển. Từ đó, Chính phủ đã phê duyệt nhiều đề án về chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, văn nghệ sĩ; đặt hàng, hỗ trợ, khuyến khích sáng tác và công bố các tác phẩm có giá trị…, được các văn nghệ sĩ hết sức hoan nghênh, ủng hộ, đánh giá cao. Yêu cầu đặt ra là làm thế nào để việc đầu tư, hỗ trợ này hợp lý, xứng đáng, phát huy hiệu quả tốt hơn trong giai đoạn hiện nay.
Để khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ sáng tác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào việc định hướng, tổ chức và huy động sức sáng tạo trong nhân dân, cùng với các nguồn lực khác hiện thực hóa các mục tiêu trong chiến lược phát triển.
Đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật hay còn gọi là các văn nghệ sĩ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc góp phần sáng tạo ra tác phẩm văn hóa nghệ thuật đảm bảo đúng định hướng, mục tiêu của Đảng, Nhà nước.
Trong những giai đoạn, thời kỳ lịch sử nhất định, các văn nghệ sĩ đã đảm đương nhiều vai trò – vừa hoạt động chính trị, vừa là nghệ sĩ trực tiếp sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có sức cổ vũ lớn, đồng thời là những chiến sĩ cách mạng trung thành với Tổ quốc, với Đảng. Hình ảnh, sức ảnh hưởng của các văn nghệ sĩ trong những năm kháng chiến như “ngọn đuốc soi đường”, cổ vũ, động viên và tập hợp quần chúng nhân dân đi theo lời hiệu triệu của Đảng, đoàn kết đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Ngày nay, đội ngũ văn nghệ sĩ với trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng được nâng cao không chỉ sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật đem lại nguồn lực cho các ngành công nghiệp văn hóa mà còn góp phần nâng cao tri thức, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Trong điều kiện hiện nay, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân thì việc kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển con người toàn diện được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Để khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước thì việc phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ sáng tác văn học, nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là nhân tố “then chốt của then chốt”, góp phần khơi thông những mạch nguồn văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, là “sức mạnh mềm” trong phát triển đất nước hiện nay.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra một nhiệm vụ lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam là: “Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”.
Trong những năm qua, với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật không ngừng được bổ sung, gia tăng về số lượng lẫn chất lượng; bộ máy quản lý văn học nghệ thuật từ trung ương đến địa phương được kiện toàn, tạo mạng lưới cán bộ văn hóa rộng khắp trên mọi miền, giúp cho lĩnh vực văn hóa, nhất là đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng phong phú đa dạng. Đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật có tâm, có tầm, có trách nhiệm đã có những đóng góp quan trọng vào việc khai thông, “mở đường” phát triển văn hóa.
Nhìn nhận, đánh giá về thực trạng đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật thời gian qua với những ưu điểm và những bất cập, hạn chế đang đặt ra là việc làm cần thiết, có ý nghĩa, từ đó xây dựng được đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật đáp ứng tốt yêu cầu sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay.

HỒNG VÂN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.