Văn nghệ sĩ đồng hành cùng Hội phát triển

Nếu so với toàn quốc, Hội Văn học – Nghệ thuật Lai Châu là một trong các Hội “sinh sau đẻ muộn” trong một hoàn cảnh đặc biệt. Sau khi thành lập, Hội Văn học – Nghệ thuật Lai Châu có vị trí, tầm quan trọng trong đời sống xã hội. Đây cũng là thời điểm trước công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986.

Những năm tháng đó, khi đất nước gặp muôn vàn khó khăn trong tình hình Việt Nam bị bao vây cấm vận, sản xuất đình đốn, kinh tế phát triển chậm, tiêu cực xã hội phát sinh trên tất cả các lĩnh vực. Đối với Lai Châu, là tỉnh miền núi, biên giới, dân tộc xa Trung ương lại càng khó khăn. Trong những tháng năm ấy, nỗi lên là cái đói, cái nghèo chiếm trên 90% dân số của tỉnh, trình độ dân trí thấp, sản xuất tự cung tự cấp còn lạc hậu. Có thể nói, Lai Châu là một trong số rất ít tỉnh nghèo nhất toàn quốc. Lúc bấy giờ Hội Văn học – Nghệ thuật mới có mấy chục anh em, số nhà văn, nhà thơ tiêu biểu đếm đầu ngón tay mới có nhà văn: Mạc Phi, Lương Quy Nhân, Vi Văn Phủ, Mào Ết… Nơi làm việc của Hội còn ghép với Ty văn hóa. Đến Đại hội lần thứ III, tức là 22 năm sau kẻ từ khi thành lập Hội mà điều kiện, phương tiện làm việc còn vô cũng khó khăn, mới được phân hai gian nhà luyện tập của Đoàn văn công tỉnh. Lãnh đạo Hội tối đến phải dọn bàn làm việc để làm giường ngủ.

 

Đến năm 2004, chia tách tỉnh Lai Châu (cũ) thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu (mới). Tất cả hội viên Hội VHNT từ Lai Châu (cũ) cũng chia tách, phần lớn ở lại tỉnh Điện Biên, còn vài ba người về làm nòng cốt như nhà thơ Đỗ Tấc, Hải Yến, Huỳnh Nguyên, Thanh Tú, Nguyễn Khắc Kiên. Hội viên chủ yếu là Chi hội Văn học – Nghệ thuật huyện Phong Thổ. Đến đại hội IV của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lai Châu (mới) năm 2005 mới có hơn 70 hội viên.

Trải qua 40 năm hoạt động của Hội, trong đó có 23 năm thuộc tỉnh Lai Châu (cũ). Đến nay, Hội Văn học – Nghệ thuật Lai Châu đã có 165 hội viên, Hội là tổ chức xã hội đặc thù nghề nghiệp có 7/8 chi hội các huyện và thành phố hoạt động có hiệu quả, đa dạng như: văn học dân gian, các ngành văn, thơ, âm nạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh. Đến nay đã có hội viên thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số, Văn học Dân gian, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội nghệ sĩ Múa, Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Điều đáng mừng và đặc biệt một tỉnh như Lai Châu, nơi có ngã ba biên ải – một tiếng gà gáy ba nước Việt – Lào – Trung nghe chung mà có một Hội Văn học – Nghệ thuật cũng là đáng phấn khởi lắm rồi. Dù xa xôi, khó khăn nhưng các thế hệ văn nghệ sĩ luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau, nhiệt huyết bám cuộc sống, bám nhân dân vượt qua mọi khó khăn trong sáng tác, sáng tạo nghệ thuật. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho đội ngũ văn nghệ sĩ làm công tác văn học nghệ thuật Lai Châu ngày một phát triển cả về số lượng và chất lượng sáng tác, đặc biệt là chất lượng tác phẩm để nâng bước từ tập san lên Tạp chí Văn nghệ Lai Châu ngày càng thêm khởi sắc, sánh vai cùng các Hội Văn học – Nghệ thuật khu vực Tây Bắc.

Văn học nghệ thuật Lai Châu 40 năm một chặng đường tuy chưa dài nhưng đã cho ra mắt bạn đọc trong, ngoài tỉnh và Trung ương hàng trăm đầu sách gồm nhiều thể loại như: thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, văn học dân gian.

Văn học nghệ thuật Lai Châu đã góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của 20 dân tộc anh em ở Lai Châu. Văn học nghệ thuật là “dòng sữa” tình đời, tình người bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc, đạo đức lối sống và nhân cách con người Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc Lai Châu nói riêng. Để nâng cao trình độ nghiệp vụ cũng như cái “tâm”, cái “đức” của người nghệ sĩ đã có hàng trăm lượt anh em đi dự các trại sáng tác do Trung ương tổ chức và địa phương tự tổ chức. Vì vậy chất lượng tác phẩm ngày càng được nâng lên, đội ngũ sáng tác trẻ này thêm dày dặn trong sáng tác, sáng tạo nghệ thuật. Hội có nhiều văn nghệ sĩ đạt giải thưởng văn học của Trung ương và của tỉnh, góp phần động viên khích lệ các văn nghệ sĩ đam mê, nhiệt tình gắn bó với nghề nghiệp. Với những cống hiến không mệt mỏi suốt thời gian qua, Hội Văn học – Nghệ thuật Lai Châu đã vinh dự được tỉnh, các ngành và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam khen thưởng cho các thành tích đạt được.

40 năm trôi qua, mặc dù Hội hoạt động trong điều kiện, hoàn cảnh nào, dẫu khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi ở các thời điểm khác nhau. Nhưng với truyền thống đoàn kết và thành tích đạt được, Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, trong đó đội ngũ văn nghệ sĩ đã một lòng một dạ hoàn thành sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong tình hình mới.


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.