Vài nét về nghệ thuật trong thơ ca dân tộc Mảng

Nghệ thuật trong thơ ca dân gian truyền thống của dân tộc Mảng vừa mang những nét chung của loại thể vừa mang những nét đặc sắc riêng, độc đáo. Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật trong thơ ca dân gian của dân tộc Mảng, chúng tôi chỉ tập trung vào hai yếu tố: ngôn ngữ diễn đạt và thể thơ.

Ngôn ngữ diễn đạt

Bên cạnh nội dung phản ánh cuộc sống thì thơ ca dân gian dân tộc Mảng chủ yếu đi vào thể hiện tâm hồn tính cách và những khát vọng của người Mảng. Vì vậy, ngôn ngữ trong thơ ca dân gian dân tộc Mảng là ngôn ngữ giàu chất biểu cảm, dễ hiểu gần gũi với quần chúng nhân dân lao động.

Các từ ngữ biểu thị hoạt động lao động sản xuất, các sinh hoạt dân gian, và trao đổi tư tưởng tình cảm… trong cuộc sống của những người dân bình thường được sử dụng phổ biến. Cách diễn đạt ưa thẳng thắn, chân thành, không cầu kỳ hoa mĩ. Để diễn tả thân phận côi cút không cha, không mẹ, các tác giả dân gian Mảng dùng những từ ngữ mang nghĩa gốc, đơn giản dễ hiểu:

                             Mình là con mồ côi, không cha không mẹ

Người con không có cha có mẹ, không nơi nương tựa

Sống không có chỗ dựa vào đâu

Để diển tả tâm trạng yêu thương, mong ước lấy được người mình yêu, các chàng trai Mảng cũng bộc lộ bằng những ngôn ngữ chân thành, mộc mạc:

Anh rất thích em

Không biết thế nào mới được sống bên cạnh em,

Gần gũi để anh yên ấm cuộc đời.

Để bày tỏ quyết tâm theo đuổi tình yêu đến cùng của mình, nam nữ thanh niên dân tộc Mảng cũng thể hiện bằng những lời lẽ thẳng thắn nhưng không kém phần chắc chắn, mạnh mẽ và đầy quyết tâm:

Trời không cho hai đứa mình sống bên nhau

Thì anh được vợ đừng bỏ quên em

Khi nào anh được vợ rồi

Thì dù có khó khăn bất kỳ ở nơi đâu

Em cũng sẽ giúp anh

Ngôn ngữ trong dân ca dân tộc Mảng vừa mang bản sắc riêng của dân tộc Mảng (Một số từ ngữ gọi tên các địa danh nơi người Mảng cư trú, các loài thú rừng, chim chóc: con chim “tếch vê”, con chim “bạch bong banh bọc”, con “Ma pỉnh”…) vừa mang phong vị chung của thơ ca dân gian các dân tộc miền núi nói riêng, văn học dân gian nói chung. Tìm hiểu ngôn ngữ trong thơ ca dân gian dân tộc Mảng, chúng tôi nhận thấy các từ ngữ thuộc trường nghĩa chỉ núi rừng, các công việc phát nương đốt rẫy, săn bắt thú rừng, hái lượm rau quả…được xuất hiện rất phổ biến. Đây cũng là những từ ngữ quen thuộc để chỉ môi trường sinh sống và các hoạt động lao động hàng ngày của đồng bào các dân tộc miền núi.

Độc đáo và gây ấn tượng mạnh trong thơ ca dân gian dân tộc Mảng là những cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh độc đáo, đậm đã bản sắc dân tộc để diễn đạt nội dung, tư tưởng, tình cảm của các tác giả dân gian Mảng. Chẳng hạn, dể nói về chuyện dở dang, không thành trong tình duyên đôi lứa, người Mảng có nhiều cách nói thật độc đáo:

Nếu ông trời ghi tên hai đứa mình cùng chung một quyển sổ

Thì hai đứa mình được ngồi bên nhau…

Dù ăn cơm chúng mình chưa được chung một nồi

Ngồi chưa được chung một ghế

Nhưng chúng mình vẫn mãi nghĩ về nhau.

Hay để nói về sự chênh lệch về thân phận về gia cảnh… giữa chàng trai và cô gái nên đã dẫn đến chuyện không thành trong tình duyên lứa đôi:

Gà trời không xuống trong bản,

Bố mẹ không đẻ trong một ngày,

Mẹ không đẻ trong ngày nắng cùng ngày

Mẹ không đẻ trong ngày dài nước tắm không té cho chim,

Nước ối không tung toé vào hang…

Hoặc để diễn tả vẻ đẹp cả về hình thức và tâm hồn của người con gái đang ở tuổi yêu đương, các tác giả dân gian Mảng sử dụng từ “trắng”. Cách diễn đạt này khá độc đáo, gây ấn tượng. Từ “trắng” không chỉ diễn tả vẻ đẹp về hình thức mà còn tả về vẻ đẹp của tâm hồn:

Làm trắng vỡ đá ven bờ,

Em trắng làm nước đá sỏi ở suối,

Em trắng như ánh nắng trên vùng cao,

Làm vỡ đá ven bờ chỉ có một mình em,…

Người em to cao đẹp, dáng trắng trẻo trong người,

Trắng leo lên cây chít cũng không chìm xuống,

Đi vào trong bụi rậm cũng không có dấu.

Chỉ có một mình em là xinh ơi là xinh, đẹp ơi là đẹp.

Trong các bài dân ca mừng nhà mới, các tác giả dân gian Mảng dùng công việc tra men vào cơm rượu để diễn tả sự tài giỏi hơn người của chủ nhà:

Khắp nơi người ta khen bằng cơm.

Khắp nơi người ta đồn tiếng giàu bằng của,…

Tại sao mày làm người được

Cho men vào rượu vẫn được yên,

Tại sao mày làm cho men vào cơm được rượu ngọt,

Vẫn yên ở trong gói, rượu đắng vẫn bằng chum,

Rượu cay như nước đái bọ xít, rượu cay như mật cá trê,

Để diễn tả nỗi tục nhục, oan ức không thể nói hết bằng lời của những người mồ côi trong xã hội, các tác giả dân gian dân tộc Mảng dùng hình ảnh: “ăn cơm không đến bụng/ uống nước không đi vào cổ” để diễn tả:

Ăn rau cho nó ăn ngọn, mình cho mình ăn gốc,

Uống nước phải nộp thuế cho người,

Cả lưng tôi ngủ không yên,…

Ăn cơm không đi đến bụng,

Uống nước không đi vào cổ,

Ăn cơm thành đá trong bụng,

Uống nước thành độc trong tim,

Hoặc diễn tả thân phận thấp hèn,  tủi nhục của những người mồ côi trong xã hội, tác giả dân gian đã ví thân phận những người mồ côi như những con sâu trên lá cây (con vật bị khinh ghét):

Ông trời làm hại tôi mất bố, mất mẹ…

Con là con sâu bố mẹ bỏ lại trên cành cây

Con sâu bố mẹ bỏ lại trên thân lá

Để nói về sự chân thành trong cư xử, đối đãi với mọi người. Khuyên dăn con người không nên ăn ở hai lòng mà phải ăn ở trước sau như một, các tác giả dân gian Mảng dùng hình ảnh dây hạt cườm cườm (một thứ hạt thường được người Mảng dùng làm đồ trang sức. Những người phụ nữ thường xâu những hạt này thành chuỗi và đeo ở cổ, cổ tay hoặc may đính kèm trên trang phục… dù dùng để làm gì thì những hạt cườm cườm này bao giờ cũng gồm nhiều hạt liên kết với nhau mới tạo thành những vật dụng có ích) để nói về mối quan hệ, tình đoàn kết gắn bó của những con người:

Phải ăn ở với nhau như dây chuyền ở trên cổ

Phải biết nói chuyện cho nó bằng nhau như hạt cườm đeo trên cổ 

Hoặc để diễn tả đám cưới được tổ chức linh đình, sang trọng của nhà giầu trong dân ca đám cưới, người Mảng dùng hình ảnh đám cưới mổ bò của người Tầu, trâu trắng của người Thái:

Lấy bò to từ đất của Tàu,

                             Đám cưới  phải lấy trâu trắng từ bản Thái.

Hay để diễn tả mong muốn bé thơ ngủ ngoan, ngủ say trong những bài hát ru, tác giả dân gian sử dụng hình ảnh so sánh độc đáo:

Em bé ơi ngủ đi em bé ơi

Ngủ say như ma ngủ im như rồng…

Riêng đối với tục ngữ, do xuất phát từ chức năng đúc kết kinh nghiệm để lưu truyền cho các thế hệ nên ngôn ngữ trong tục ngữ dân tộc Mảng bên cạnh tính chất giàu hình ảnh và dễ hiểu, nó còn rất xúc tích ngắn ngọn.

Có thể nói chính những cách sử dụng từ ngữ như trên, các tác giả dân gian Mảng đã đem lại cho thơ ca dân gian dân tộc Mảng những giá trị văn học đích thực, đã tạo cho thơ ca dân gian của dân tộc này một vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo, nổi bật, khác với các dân tộc khác trong vùng.

 

Thể thơ

Thể thơ trong thơ ca dân gian dân tộc Mảng chủ yếu là thơ tự do, lối thơ vắt dòng và thường được kết cầu trùng điệp để diễn đạt các ý nối tiếp, các giai điệu ngân nga, chậm dãi. Rất nhiểu từ ngữ, kiểu cấu trúc câu được sử dụng lặp lại trong một đoạn hoặc trong một bài dân ca:

Nghĩ nhiều nước mắt tôi chảy ra,

Nhớ khi nước miệng chảy ra,

Hai lần tôi nhớ trong tim

Hai lần tôi nhớ trong tình yêu,

Hoặc:

Khắp nơi người ta khen bằng cơm.

Khắp nơi người ta đồn tiếng giàu bằng của,

Khắp nơi người ta nhìn mình là tướng,

Khắp nơi người ta nhìn mày cao hơn tất cả.

Hay:

Nói ở trong cổ họng cho nó bằng

Nói sau lưng đừng quên là không thành

Nói cho bằng mồm câu nào thành câu đó cho dễ ở…

Tôi khôn trong bụng nhiều người

Tôi khôn trong tim mọi người

Nói để cho nó dẻo dẻo phù hợp với nhau

Các câu tục ngữ thường có cấu trúc ngắn gọn, xúc tích, chỉ bao gồm từ 1 đến 4 dòng thơ và thường là những nhận xét, những chân lí. Các bài dân ca cũng rất đa dạng. Có bài chỉ khoảng 10 câu (hát ru, đồng dao) nhưng có bài dài tới vài chục câu (dân ca kể về nguồn gốc loài người, nguồn gốc dòng họ, những bài dân ca đám cưới, đám ma…). Có những bài dân ca có cấu trúc đối thoại – đối đáp giữa hai bên (dân ca đám cưới, do các ông bà mối hát đối đáp trong các nghi thức cưới xin; dân ca giao duyên do các chàng trai và cô gái hát đối đáp khi đi làm nương, khi đi xúc cá…) nhưng cũng có những bài dân ca được cấu trúc theo kiểu độc thoại (những bài hát than thân, những bài dân ca hát trong lễ gọi hồn…).


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.