Then Kin Pang là một trong những di sản văn hóa đặc biệt trong nghệ thuật diễn xướng của người Thái trắng vùng Mường So, Phong Thổ (Lai Châu). Lễ hội được tổ chức hàng năm vào dịp tháng 3 âm lịch.
Lễ hội Then Kin Pang năm nay được chính quyền địa phương và ngành Văn hoá tổ chức từ ngày 20 đến 21/4 (tức mùng 9 và 10/3 âm lịch) tại xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ. Tham gia lễ hội có 6 đoàn đến từ các xã, thị trấn có đồng bào dân tộc Thái sinh sống trên địa bàn huyện Phong Thổ.
Truyền thuyết của người Thái Trắng kể: Vua Trời phái các thần Then xuống hạ giới đầu thai thành người phàm trần để cứu nhân độ thế. Ai đau ốm thì được Then cho thuốc. Người nào gặp rủi ro, vận hạn, Then sẽ cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Then cũng là người đại diện để cầu nguyện các vị thần linh trên trời tạo phúc cho dân, ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản Mường yên vui no ấm. Đây cũng là ngày các Lụ liệng – Lụ hương (người con nuôi được Then cầu hồn, chữa bệnh) dâng lễ tạ ơn Then. Và trong ngày lễ này, tất cả những người ốm đau bệnh tật, gặp rủi ro trong cuộc sống được ông, bà Then là đại diện của người nhà Trời cầu cúng, làm thuốc cứu giúp sẽ làm lễ tạ ơn.
Lễ hội Then Kin Pang gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Trong phần lễ tổ chức dâng hương tại nhà Then. Phần hội có rất nhiều các hoạt động phong phú, đa dạng: Thi văn nghệ và trình diễn trang phục dân tộc Thái; thi không gian văn hóa dân tộc Thái; thi ẩm thực; thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian, gồm: Đẩy gậy, kéo co, tung còn, én cáy, tó má lẹ, té nước…
Nghi thức hành lễ cúng Then.
Mâm lễ trong Then Kin Pang
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện dự lễ hội Kin Pang Then
Bà con các dân tộc dâng hương tại nhà Then.
Chương trình văn nghệ trong lễ Then Kin Pang
Trò chơi dân gian Tó má lẹ trong Lễ hội
Ẩm thực một trong những phần thi hấp dẫn trong ngày hội Then.
Người dân và du khách tham gia té nước tại Lễ hội.
Các cô gái Dao trong trang phục truyền thống tại Lễ hội.
Bà Vương Thị Dính (60 tuổi), bản Cang, xã Khổng Lào, người được dân bản chọn làm chủ lễ Then (Me Then) năm nay. Trong nghi thức hành lễ Then, ngoài bà then chính còn có 4 bà then phụ, còn gọi là “Me Đa” (người giúp việc cho Me Then). Bà Dính cho biết: Trước đây, Then Kin Pang chỉ tổ chức trong phạm vi thôn bản. Từ văm 2003 được chính quyền khôi phục và tổ chức hàng năm vào dịp tháng 3 âm lịch. Đây là một nghi lễ quan trọng đối với người Thái trắng ở Lai Châu nói chung và vùng Mường So nói riêng. Nên ngày này, ngoài các xã lân cận như Mường So, Nậm Xe, Hoang Thèn còn có rất nhiều đoàn đến từ các huyện khác của tỉnh như Tam Đường, Sìn Hồ. Có năm còn mời các đoàn nước bạn Trung Quốc đến dự, thắp hương, múa hầu trước nhà Then, giao lưu văn hóa…
Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: Khu vực Mường So, Khổng Lào, huyện Phong Thổ là cái nôi văn hóa của đồng bào dân tộc Thái trắng. Những năm gần đây, huyện Phong Thổ đã đưa ra nhiều chương trình, đề án phát triển văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn, trong đó có đồng bào dân tộc Thái. Là địa bàn có rất nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có phong tục tập quán, đời sống riêng biệt, huyện Phong Thổ chủ trương phát huy văn hóa cộng đồng của đồng bào để phát triển du lịch. Huyện đã động viên nhân dân trên địa bàn giữ gìn và phát huy bản sắc của mỗi dân tộc; xây dựng các tổ, đội văn nghệ và gây dựng lại các phong tục, tập quán tốt đẹp… Qua đó, kích thích được người dân đổi mới tư duy làm du lịch và tăng thu nhập cũng như quảng bá hình ảnh huyện Phong Thổ đến với du khách gần xa.
Lễ hội Then Kin Pang là một sinh hoạt văn hoá mang tính tâm linh của đồng bào dân tộc Thái ở Lai Châu. Hoạt động này đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Đồng thời, khơi dậy tiềm năng, những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái ở Lai Châu.
Tin, ảnh Minh Hà