Tục xăm cằm của dân tộc Mảng

Trong chu kỳ vòng đời của một đời người phụ nữ dân tộc Mảng, xăm cằm là nghi thức đánh dấu sự trưởng thành mà bất kỳ người  nào cũng phải trải qua. Theo tập quán,  xăm cằm là nghi thức đánh dấu tuổi trưởng thành cho các thành viên trong cộng đồng – một nghi thức bắt buộc phải được thực hiện trước khi đi lập gia đình. Vì vậy, những người bước vào độ tuổi cập kê (13 – 15 tuổi) sẽ được cộng đồng tổ chức xăm cằm vào cùng một dịp. Sau khi đã được xăm cằm, những người này được xem là người trưởng thành, có thể lập gia đình và tham gia các công việc của cộng đồng.

Cũng như nhiều tộc người khác, người Mảng tin vào sự tồn tại của vũ trụ ba tầng, bốn thế giới được xếp theo trục dọc gồm: tầng trời, tầng đất và tầng dưới mặt đất. Trong vũ trụ ba tầng ấy tồn tại bốn thế giới là thế giới trên trời, thế giới trên mặt đất, thế giới dưới lòng đất và thế giới dưới nước. Hình xăm cằm cho thấy các thế giới trong trục vũ trụ quan hệ với nhau trong một chỉnh thể thống nhất, không tách rời.

Ở hình xăm, hai cột dọc chạy đến đỉnh hai gò má là biểu tượng của tầng trời, được người Mảng gọi là Plỉnh (có nghĩa là ở trên). Trong vũ trụ luận của người Mảng, đây là thế giới cao nhất, là nơi ngự trị của các vị thần và linh hồn các thế hệ tổ tiên đã chết. Tầng giữa của trục vũ trụ được thể hiện bằng cặp đường đường kẻ ngang thẳng tắp chạy song song giữa vành môi trên và cuống mũi – qua huyệt nhân chung. Trong quan niệm của người Mảng, thế giới mặt đất được gọi là Muổng Tể (có nghĩa là mường bằng phẳng), là xứ sở của con người, muông thú, cỏ cây… Trong quan niệm của họ, Muổng Tể là những nơi họ đã cư trú cả ngàn đời nay, là không gian cụ thể của cảnh quan với núi, rừng, sông, suối, nương rẫy và các bản làng… Cặp đường thẳng ngắn chạy song song từ huyệt nhân chung đến sát vành môi trên là biểu tượng cho điểm thông giữa thế giới mặt đất và thế giới trong lòng đất – một cửa hang tối om mà trước khi ba tầng vũ trụ bị đẩy ra xa nhau – nó không dài lắm, là nơi để người trên mặt đất và người dưới lòng đất qua lại với nhau.

Ở tầng dưới cùng của trục vũ trụ tồn tại hai thế giới là thế giới dưới lòng đất (Tuổng tể) và thế giới dưới nước (Đô gium). Quan niệm ấy được thể hiện ở 2 khoảng trống giữa 3 cặp đường thẳng chạy song song dọc từ đuôi cằm lên đến sát vành môi dưới. Mỗi khoảng trống ấy tượng trưng cho một thế giới nhưng sự phân biệt thì trừu tượng, mơ hồ, không rõ bên nào là thế giới nào. Trong quan niệm của người Mảng, thế giới dưới lòng đất cũng giống hệt với thế giới trên mặt đất. Ở đó cũng có các bản làng, có núi rừng, sông suối. Con người cũng làm làm lụng kiếm sống, cũng sinh ra, lớn lên, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái rồi về già và chết đi. Chỉ khác là mọi thứ ở thế giới này rất nhỏ. Con người ở đây bé tí mà người Mảng gọi là Lùng ha (người lùn). Không biết kích thước cụ thể của những người lùn ấy là bao nhiêu, chỉ biết rằng con trâu của họ chỉ to bằng con chuột, cột nhà của họ chỉ bằng nửa cái đũa… Còn thế giới dưới nước cũng có thế lực đứng đầu là loài rồng (ma nuổng). Cư dân của thế giới dưới nước là cá bống (à là) cùng các loại cá thân vàng (à lản). Ngoài ra, ở thế giới ấy cũng có các loài động thực vật như thế giới trên mặt đất. Đó chính là các loài thuỷ sinh như rong rêu và các loài tôm, cua, cá, ốc khác… Hai thế giới này lại có đường thông với nhau được thể hiện trên các đường chéo đối xứng.

Hình xăm là lá bùa phòng thân trước những hiểm hoạ từ thiên nhiên.

Trước những hiểm hoạ từ thiên nhiên mà không thể lý giải, người Mảng đã qui kết cho những thế lực mơ hồ, trừu tượng mà đồng bào gọi là pli (ma). Vì thế, trong thế giới quan của người Mảng, bên cạnh quan niệm về vũ trụ ba tầng, bốn thế giới còn có quan niệm về các loài ma. Có ma trên trời, ma dưới nước, ma xung quanh con người… đâu đâu cũng có ma. Thống kê sơ bộ cho thấy trong quan niệm của người Mảng có tới 101 loại ma thuộc 29 họ trong 04 bộ. Trong đó chỉ có 4 loại ma nhà là pli xóc há (ma trên xà nhà), pli xóc háp (Ma trên thành miệng cối giã gạo), pli chẳng giảng (ma ở kho thóc trên nương), pli on ma (ma bố mẹ vợ) là những ma lành phù hộ cho con người. Còn lại là những ma ác, chuyên rình rập để bắt hồn khiến cho người ốm, phải dâng lễ chuộc hồn mới khỏi; thậm chí có nhiều loài ma to còn rình ăn hồn người làm cho người chết mà không thể cứu chữa.

Để đối phó với những hiểm hoạ luôn rình rập, người Mảng đã sử dụng bùa chú yểm ngay trên mặt người. Đó là hai cặp hình vẽ các đường thẳng xoè đều theo hình nan quạt ở trên đỉnh hai cột dọc trong hình xăm. Trong quan niệm của người Mảng, đó là cỏ gà để lừa ma bằng cách đánh lạc hướng, không cho ma đuổi theo người để bắt hồn.

Ngày nay phong tục này đã bỏ gần hết, chỉ còn một số người già, cao tuổi là còn hình xăm quanh miệng, nhưng những vết hình xăm quanh miệng và dưới mắt đã mờ hết mực. Nếu nhìn thật kỹ chỉ thấy mờ mờ. Xăm miệng là một tập tục lạ và độc đáo của cộng đồng Mảng, nó có ý nghĩa trong hôn nhân và cả trong tang lễ.

Sự mai một của tục săm cằm còn dẫn theo nguy cơ thất truyền của các bài hát, các câu truyện kể, các sự tích, huyền thoại liên quan đến tục xăm cằm và ý nghĩa các hình xăm. Người Mảng ở  Lai Châu hầu hết  đều không thể giải thích được ý nghĩa của các hình xăm. Tục xăm cằm, một phương diện quan trọng làm nên nét đặc thù trong diện mạo văn hoá tộc người Mảng đang có nguy cơ thất truyền.

Nguyễn Thanh


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.