Tục thờ cúng ma nhà của người Dao Tuyển

Việc thờ cúng tổ tiên được người Dao đặc biệt quan tâm. Hàng năm, cứ vào dịp Tết nguyên đán, những dịp lẽ tết đặc biệt, các thành viên trong gia đình lại tổ chức cúng tổ tiên, ma nhà tại nhà ông trưởng họ hoặc tại gia đình.

Trong một năm có 12 thàng thì có 3 tháng đồng bào Dao tổ chức ăn tết là: tháng 3 âm lịch (mùng 3 tháng 3), tháng 7 (14 tháng 7) âm lịch và tết Nguyên đán. Lễ tết là dịp để các thành viên trong gia đình, dòng họ ở khắp gần xa trở về sum họp bên gia đình trong không khí đầm ấm, vui vẻ và hạnh phúc.

Dịp tết là thời điểm con cháu người Dao làm lễ thắp hương cúng bái tổ tiên, dâng lên tổ tiên những chiếc bánh gù thơm ngon, thịt, rượu với tất cả lòng thành kính, bày tỏ sự biết ơn của mình đối với tổ tiên. Nhưng đồng bào Dao Tuyển chỉ thờ cúng ma nhà mỗi năm một lần vào sáng ngày mùng một tết. Sáng ngày đầu tiên của năm mới, gia đình người Dao phải dậy sớm để chuẩn bị đồ cúng để cúng ma nhà. Họ quan niệm rằng, thần hộ mệnh luôn trú ngụ trên bàn thờ, đến tết phải cúng cho thần hộ mệnh sớm mới không làm thần giận giữ, thể hiện được sự tôn kính đối với thần hộ mệnh. Cho nên, ngay từ canh ba, chủ gia đình đã dậy để sắp đồ cúng. Đồ cúng là 6 chiếc bánh mật được làm từ bột nếp gói bằng lá chuối, bánh hình chữ nhật, mỏng, người ta kiêng không cúng thịt hay thực phẩm là rau sống hoặc rau luộc mà đồ cúng chỉ có bánh. Bởi đồng bào quan niệm, ngày đầu năm mới tất cả sự sống là để nuôi con người nên ngày mùng một người Dao ăn chay và thần hộ mệnh là thuộc về hệ thống các thần linh nên thần chỉ ăn chay, không ăn những đồ thịt mỡ. Cúng ma nhà ngày tết là bánh mật, được làm từ bột nếp, trộn đường nhưng không có nhân (vì nhân có dính đồ mỡ), bánh được gói bằng lá chuối rừng. Cúng thần hộ mệnh là linh thiêng nên người chủ gia đình là người thực hiện lễ cúng. Khi chuẩn bị xong đồ cúng, ông chủ gia đình sắp bánh đặt lên bàn thờ, đặt bánh lên bàn thờ người ta bọc 3 cái bánh chồng lên nhau bằng tờ giấy bản nền màu vàng bạc trong là màu đỏ, bánh được đặt ở hai bên trái và phải của bát hương, mỗi bên là ba chiếc bánh (con số 3 gắn với ý niệm may mắn, sung túc, đầy đủ), ba chén rượu. Chủ gia đình kính cẩn đọc bài cúng với nội dung thỉnh mời ma nhà xuống hưởng lễ, cảm tạ thần đã phù hộ, bảo vệ cho gia đình trong năm cũ tai qua nạn khỏi, lợn gà không dịch bệnh, làm ăn phát triển; sang năm mới này cầu mong ông phù hộ độ trì cho các thành viên trong gia đình mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn, trẻ nhỏ không ốm đau, hay ăn chóng lớn, chăn nuôi được nhiều trâu, lợn, gà… cúng xong ông rót rượu vào ba chén đặt trước bát hương trên bàn thờ. Cúng ma nhà người Dao Tuyển thờ cúng đến hết ngày rằm của tháng giêng.

      Người Dao Tuyển trong ngày hội bản

Thờ cúng ma nhà vào những dịp vận hạn, đen đủi xảy ra trong gia đình: Ngoài việc thờ cúng ma nhà vào ngày tết dầu nam mới, người Dao Tuyển còn cúng thần hộ mệnh khi gia đình có những điềm xấu, trong gia đình có người đi xa, con cái đi thi cử, gia súc bị dịch bệnh.

          + Khi gia đình có điềm báo xấu, không hay: Người Dao quan niệm rằng thờ cúng ma nhà là để mong được bảo vệ, phù hộ không cho các ma quỷ đến nhà làm hại con người. Ma nhà chắn không cho các ma xấu vào nhà làm hại.

Họ quan niệm, trong nhà có con rắn vào nhà – cụ thể là rắn bò lên bàn thờ hay dưới ngầm giường hay chim bay vào nhà, họ cho đó là bất thường, là điềm xấu, ma nhà báo mộng cho gia đình rằng gia đình sẽ có tai họa, có thể là con người ốm đau, gia súc bị chết hay mất mát tài sản.  Do đó, phải cúng ma nhà để giải hạn, cúng ma nhà để cầu mong thần phù hộ và bảo vệ cho gia đình. Gia đình thấy điều bất thường như vậy, chủ gia đình đến nhờ thầy cúng xem sách, khi đi chủ gia đình mang một gói thuốc lào và một đôi đồng xu đến nhà thầy. Ông thầy cúng xem sách “Rạp Giàng” bói ra rằng gia đình có người sắp gặp nạn (hoặc trong nhà mất tiền của..). Ông thầy cúng xem ngày tốt để gia đình làm lễ cúng ma nhà để giải điểm xấu, cầu mong sự may mắn và an lành. Chọn được ngày tốt, gia chủ mổ gà (một hoặc hai con), thịt lợn là đồ cúng ma nhà và mời thầy cúng đến giúp gia đình thực hiện lễ cúng. Ông thầy cúng thắp hương lên bàn thờ và chỉ  đạo gia chủ sắp mâm để bày đồ cúng và thực hiện nghi lễ cúng. Thầy cúng thắp hương cắm vào bát hương, rồi lấy hạt gạo rắc lên mâm cúng, sau đó miệng lầm bẩm bài cúng. Bài cúng với đại ý: Hôm nay, ngày…tháng…năm…âm lịch. Gia đình ông A tên âm là…vợ tên…trú tại tỉnh…xã…thôn.., có tổ tiên tứ đại là…(tên tuổi của từng đời tổ tiên. Gia đình có điềm báo xấu là gia đình có người sắp gặp nạn (bị mất tiền của, gặp nạn),sắm thịt, rượu, nay bảo tôi tên… (tên âm), ông thầy cấp sắc cho tôi là… đến giúp gia đình làm lễ thỉnh báo với ông…(tên của ma nhà) xuống hưởng lễ và phù hộ độ trì, che chở, bảo vệ cho gia đình thoát khỏi khiếp nạn, không ai bị ốm đau, ra đường may mắn không tai nạn, gia đình chăn nuôi phát triển”. Khấn thỉnh xong, ông thầy làm các động tác mời thần hộ mệnh thụ lễ. Sau khi cúng xong, đồ cúng được mang đi chế biến để các thành viên trong gia đình và con cháu cùng ăn. Để trả ơn thầy cúng, gia đình sẽ biếu ông thầy một nửa thịt gà luộc vừa được đem cúng.

Theo lệ, người Dao khi đi nhờ thầy cúng đến giúp đều phải đem theo đôi đồng tiền xu ngày xưa và gói thuốc lào làm quà biếu thầy mong được thầy giúp đỡ và khi đã kết thúc lễ cúng xong thì gia đình cũng phải trả ơn thầy nhưng không phải là tiền mà biếu thầy xôi thịt. Họ cho rằng, thầy cúng là người duy nhất có khả năng giao tiếp với thế giới thần linh cho nên, phải thể hiện lòng cảm tạ đối với các thầy cúng đã đến giúp họ.

Khi gia đình chăn nuôi gia súc bị dịch bệnh thì người Dao cũng phải chuẩn bị lễ cúng ma nhà phù hộ cho gia súc không dịch bệnh. Ma nhà là thần có tài bảo vệ không chỉ con người mà còn bảo vệ cho cả gia súc, vì vậy khi gia  súc dịch bệnh thần hộ mệnh cũng sẽ phù hộ và xua đuổi các loại ma quỷ gây bệnh cho gia súc.

Nhìn chung, quan niệm về việc thờ cúng tổ tiên của đồng bào Dao Tuyển không không quá là khắt khe hay cầu kỳ, ngay cả việc kiêng khem trong thờ cúng cũng chỉ là những kiêng kỵ chung nhất, có phần nào tương đồng vớ các dân tộc láng giềng như: Mông, Giáy, Nùng.

Phong tục người Dao thờ cúng tổ tiên không bao giờ cúng thịt sống. Họ quan niệm thịt sống chỉ dùng để cúng ma ngoài, ma đói, còn tổ tiên thì là nguồn gốc, là ông bà, cụ kỵ. Tổ tiên cũng giống như con cháu sống ở dương thế ăn, uống đều phải nấu chín nên đồ cúng cho tổ tiên cũng phải là thực phẩm qua chế biến, được nấu chín.

Đặc biệt đáng lưu ý là người Dao Tuyển kiêng không được cúng thịt chó vì người ta cho đó là phạm đến ông tổ của người Dao mà có gắn có với truyền thuyết về nguồn gốc của người Dao. Đồ cúng tổ tiên là gà thì nhất thiết phải để nguyên con không được chặt thành miếng, còn các loại thịt khác thì có thể chặt miếng sắp như mâm cơm rồi cúng cũng được.

Người Dao Tuyển không cúng ông bà, tổ tiên bằng rượu màu hoặc nước trắng, khi thắp hương cúng tổ tiên cũng như vái các thần linh người Dao Tuyển không vái mà chỉ chắp tay khấn sau đó cắm hương vào bát hương chứ không vái lạy. Vào ngày cuối cùng của năm cũ thắp hương thờ cúng tổ tiên, từ ngày này đến ngày mùng một tết người Dao Tuyển kiêng quan hệ nam nữ và sang ngày mùng một tất cả mọi người phải ăn chay. Ngay cả khi trong gia đình có người chết, tổ chức cúng giỗ cũng kiêng không cho vợ chồng ngủ chung giường, trai gái không được trêu đùa. Người Dao Tuyển quan niệm rằng, vợ chồng ngủ chung, trai gái nô đùa trong thời gian có đám chay là coi thường các thầy đến hành lễ, không tôn trọng người đã chết, cố tình reo rắc uế bẩn cho tổ tiên và các thần linh đến dự lễ, do vậy sẽ làm tổ tiên, các thần linh và người chết phật ý, sẽ gây tai họa cho con cháu về sau.

Vân Thanh


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.