Truyền thuyết về chín ngọn núi và chín cái ao

Truyện cũ kể lại rằng, vào thuở xa xưa, khoảng cách giữa mường Lúm (Trần gian) và mường Bun (Tiên giới) rất gần nhau, chỉ cách nhau bằng mấy chiếc cầu thang nhà sàn. Người sống ở mường Lúm và mường Bun vẫn thường hay qua lại chơi bời, thăm hỏi lẫn nhau. Mỗi khi bếp tắt lửa, người mường Lúm có thể lên mường Bun xin lửa, hoặc ngược lại, người mường Bun cũng có thể xuống mường Lúm để xin lửa hay than về nhóm lại bếp.

Cũng vào thuở đó, sống dưới mường Lúm có một bà góa nghèo, ngày ngày phải cơ cực vất vả làm lụng để nuôi con. Bà thường phải tranh thủ thức dậy giã gạo từ rất sớm, để ban ngày còn có thời gian làm việc khác. Không ngờ, tiếng giã gạo của bà gây ồn ào, khiến cho người mường Bun mất ngủ. Họ bèn đến kiện với vua Then. Vua Then liền cho người gọi bà goá tới để hạch tội. Bà giá phân bua, bày tỏ mọi sự tình tại sao phải làm như vậy. Vua Then thương cảnh ngộ của bà goá, nên không bắt tội, mà tìm cách hóa phép đưa mường Bun chuyển hẳn lê cao, để cho người mường Bun không bị ảnh hưởng bởi tiếng chày giã gạo của bà góa nữa. Từ đó, mặt đất và bầu trời mới cách nhau xa như bây giờ.

Lại kể tiếp chuyện về bà góa. Do chỉ có một mình lao động nên bà không đủ gạo nuôi con. Vì thế bà phải tìm thêm củ mài về nuôi những đứa con của mình. Nhưng củ mài hồi đó treo lủng lẳng ở trên cây, chứ không mọc ở trong lòng đất như hiện nay. Là đàn ông khỏe mạnh, giỏi leo trèo thì hái mài còn dễ chứ như bà goá thì mỗi lần hái củ mài rất vất vả. Bà phải dùng sào để chọc hái củ mài. Có lần, bà ngửa mỏi cả cổ, chọc mãi mà chỉ được có mỗi một củ mài con con. Vừa bực, vừa tủi thân, bà goá cầm củ mài đâm mạnh xuống đất, rồi khấn xin Then hãy để cho củ mài mọc ở dưới đất cho dễ lấy. Từ đó, củ mài mới mọc ở trong lòng đất.

Lại xin kể tiếp về câu chuyện dưới mường Lúm.Những nhóm người Thái sống ở các khu vực Mường Lự San Thàng, đều muốn người mường mình được đứng ra làm tạo lớn cai quản toàn bộ các công việc ở trong vùng. Chỉ có người Thái Mường Xo là tự nhận khu vực của mình nhỏ hẹp, nên không dám đứng ra tranh giành địa vị làm tạo lớn. Người ở Mường Lự và San Thàng tranh giành nhau không nơi nào chịu nhường nơi nào. Vậy là họ cùng mổ trâu làm lễ cúng, xin vua Then đứng ra phân xử cho công bằng. Sau đó vua Then mới nghĩ ra một cách.

Vua Then bảo:

– Ta sẽ làm trời đất tối đen trong ba ngày. Trong ba ngày đó, người Mường Lự phải đào cho xong một trăm cái ao. Người San Thàng phải đắp cho xong một trăm ngọn núi. Người nơi nào làm xong trước thì sẽ được làm tạo lớn cai quản cả vùng.

Dân của cả hai nơi nghe lời, cùng nhau thắp đuốc, ra sức đào đắp cho đủ một trăm ngọn núi và một trăm cái ao. Đến gần hết đêm ngày thứ ba, thì nhà bà goá hết sạch gạo. Mấy đứa trẻ đói quá, khóc đòi ăn ầm ĩ. Bà goá bèn bỏ thóc vào cối giã rồi đem ra sàng sẩy. Trong đêm, tiếng sẩy gạo của bà goá vang lên nghe như tiếng gà trống vỗ cánh chuẩn bị gáy. Bầy gà trống trong bản vốn đã gần ba ngày ba đêm không được gáy, nay đang tức họng, nghe thấy tiếng sẩy gạo liền đồng thanh cất tiếng gáy rộn vang. Mặt trời nghe thấy tiếng gà gáy thì chiếu sáng ngay lập tức. Đúng lúc này, người Mường Lự mới chỉ đào được chín chín cái ao, người San Thàng mới chỉ đắp được chín chín ngọn núi, mọi công việc đều vẫn đang dở dang chưa kịp hoàn thành.

Vua Then thấy vậy, liền phán rằng người Thái sống ở hai khu vực Mường Lự và San Thàng không có phúc được làm tạo lớn. Then chọn người ở Mường Xo đứng ra làm tạo lớn cai quản tất cả mọi công việc ở trong vùng, kéo dài từ mạn Mường Than (Than Uyên hiện nay), cho đến sát tận khu vực Mường Lay. Cũng vì thế mà từ thuở ấy, khu vực Mường Xo trở thành trung tâm quan trọng của người Thái trong vùng(1).

  • Mường Lự hiện nay thuộc huyện Tam Đường; San Thàng thuộc thị xã Lai Châu; Mường So thuộc huyện Phong Thổ.  ĐỖ THỊ TẤC 

Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.