Truyền thuyết về chia đất, chia rừng (Tuyện cổ dân tộc Mảng)

Ngày xửa ngày xưa, các dòng họ của người Mảng do mâu thuẫn với nhau nên đã tổ chức phân chia lại ranh giới đất, rừng. Dòng họ nào nhận được khu đất nào sẽ được toàn quyền cai quản khu đất đó mà không được xâm phạm sang phần đất, rừng của dòng họ khác.

Khi đó họ Lý đông nhất, độc chiếm toàn bộ đất, rừng ở bên phía hữu ngạn của suối Nậm Ban nên không tham gia chia đất chia rừng. Họ Lùng (tiếng Mảng gọi là ằng lọt, nghĩa là đẻ non) sinh sau đẻ muộn nên không có mặt trong lần chia đất chia rừng này. Do đó, chỉ có ba dòng họ: họ Pàn; Họ Anh và họ Chìn tiến hành chia đất ở khu vực tả ngạn suối Nậm Ban thành ba khu vực khác nhau.

Các trưởng họ của ba dòng họ: Anh, Pàn và Chìn họp mặt và thống nhất với nhau để tiến hành chia đất. Bản của họ Pàn được chia ở khu vực cao nhất, gần đầu nguồn suối Nậm Plảng. Đây là con suối chảy song song với suối Nậm Ban ở phía thượng nguồn và nhập vào suối Nậm Ban ở địa vực bản Pa Pảng. Nguồn nước dành cho bản của họ Pàn dùng để sinh hoạt ăn uống là khe Gum tể đặng (suối đất đỏ). Suối Gum tể đặng chảy từ trên dãy núi cao và nhập vào suối Gum Plảng ở chân đồi Muồng xà lô (đồi sạt lở), gọi là sắp tể đặng.

 

Giáp với khu vực của họ Pàn là đất, rừng của dòng họ Anh. Họ Anh được nhận phần đất bắt đầu từ bên tả ngạn của suối Nậm plỉ. Con suối này chính là ranh giới đất, rừng giữa họ Pàn và họ Anh. Nguồn nước dành cho bản của họ Anh là khe Gum pô, một khe suối nhỏ bắt nguồn từ đồi Muồng xà lô, chảy theo sườn của quả đồi này, hạ dần độ cao và nhập vào suối Nậm Ban ở vị trí phía sau bản Nậm Ô.

Cuối cùng là phần đất của dòng họ Chìn, bắt đầu từ tả ngạn của suối Nậm chô hất về phía hạ lưu suối Nậm Ban. Nguồn nước dành cho bản họ Chìn là khe Nậm sẻ, khe nước này chảy vòng phía sau bản Nậm Ô và nhập vào dòng Nậm Ban ở địa bàn bản Nậm Nó 2.

Sau khi các dòng họ thống nhất với nhau về vị trí mà bản mình đựơc hưởng thì các trưởng họ lại họp nhau lại rồi nghĩ cách phân định rõ ranh giới giữa các bản. Họ bàn nhau dùng đá ở cửa suối Nậm Ban cắm xuống đất làm mốc. Các dòng họ đều nhất trí và cử người đi lấy đá về làm mốc. Mỗi dòng họ đều mong muốn vác được hòn đá thật to để cắm mốc cho dòng họ mình. Khi đó, chỉ có họ Chìn  biết cách dùng phép thuật nên đã vác được tảng đá lớn về, còn những họ khác không biết nên chỉ vác được hòn nhỏ. Hiện nay trên hòn đá cắm mốc của họ Chìn vẫn còn dấu vết lõm in hình vai người. Trước khi vác đá về, hai dòng họ Anh và họ Chìn lại thách đố nhau. Họ thách nhau xuống suối (nơi ngã ba suối Nậm Ban đổ ra sông Nậm Na) bắt cua cá, nướng ăn rồi vác đá cắm mốc. Họ nào xong trước sẽ được vác đá đi cắm mốc trước và sẽ được nhiều đất hơn. Thế là cuộc thi tài giữa 2 dòng họ này diễn ra. Họ Chìn xuống suối mò được con cua (a tảm) bèn lên bờ đốt lửa nướng ăn. Họ Anh thì mò được con cá xương (a chằng), cũng lên bờ đốt lửa nướng. Nhưng vì cua nhanh chín nên họ Chìn ăn xong trước và vác đá đi trước. Họ Anh nướng mãi mà cá vẫn không chín cứ nhỏ máu đỏ ra[1]. Cuối cùng vì sốt ruột, trời lại sắp tối nên họ Anh quyết định ăn cá còn sống để vác đá đi cắm mốc cho kịp với họ Chìn. Họ Chìn vác đá đi được nửa đường thì trời xế trưa nên dừng lại nghỉ ngơi và ăn cơm rồi mới đi tiếp. Không may cho họ Chìn, sau khi ăn cơm xong họ quên mất cách làm phép nên không thể nào vác được hòn đá to nặng  nữa đành vứt lại giữa đường. Vì thế, hòn đá mà họ Chìn vứt lại trở thành mốc của họ mình trong cuộc chia đất chia rừng đó.

Lại nói về họ Anh, nướng cá mãi đến sẩm tối mà vẫn không chín nên vội vàng ăn sống và vác đá đi. Nhưng do trời tối mà vẫn không thấy họ Chìn đâu, biết rằng họ Chìn đã đi rất xa nên cũng vứt đá cắm mốc ở giữa đường. Do vậy, hòn đá cắm mốc của họ Anh ở thấp nhất và đất của họ Anh cũng được ít nhất.

Trong khi họ Anh và họ Chìn thách đố nhau thì họ Pàn đã vác đá đi cắm mốc xong trước nên được chỗ đất cao nhất và rộng nhất.

Sau khi cắm mốc xong, các dòng họ tiến hành thả gà ở ngay tại hòn đá cắm mốc. Việc thả gà do các ông trưởng họ đảm nhiệm. Gà được chọn là một con gà trống lông đỏ. Ông trưởng họ thả gà vào khu đất mà dòng họ mình vừa được chia. Trước khi thả, ông ta dùng lời nói dặn con gà bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt mà không ai nghe được. Tuy nhiên, sau khi thả thì ông có giải thích cho cả dòng họ là ông đã dặn con gà phải trông coi khu đất của dòng họ mình, không cho người dòng họ khác đến xâm phạm. Nếu có người dòng họ khác đến xâm phạm thì hãy lao vào kêu to lên và mổ cho đến chết.

Từ đó đến nay, các dòng họ người Mảng không ai dám xâm phạm vào khu đất mà không phải là của dòng họ mình vì họ sợ bị gà thần mổ chết. Hơn nữa, trong khi thống nhất chia đất, các dòng họ đã đưa ra quy định rõ ràng về ranh giới giữa các dòng họ. Khi đã chia đất, rừng rồi thì mỗi dòng họ cai quản một khu đất riêng, một mảnh rừng riêng. Không dòng họ nào được chặt phá cây trong rừng và làm hỏng nguồn nước của dòng họ khác. Khi đi hái rau rừng, trồng nương rẫy cũng không được làm hại đến dòng họ khác. Mỗi dòng họ khi đã có một quả đồi, một rừng già, một nguồn nước thì phải tự bảo vệ, không để người khác xâm phạm, phá phách. Trước kia chưa chia đất, rừng thì việc bảo vệ đất của người Mảng là chung, nhưng từ nay dòng họ nào phải bảo vệ đất, rừng của dòng họ đấy. Làm nương, làm ruộng, uống nước chặt củi cũng chỉ trong phạm vi của bản mình, không xâm phạm sang bản khác.

[1] Con cá xương: Là loại cá sống ở suối, nướng rất khó chín, càng nướng càng nhỏ máu tươi ra, chỉ nấu có nước mới chín được.


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.