Trường Sa, trong tim…

Những ngày đầu tháng 5, 15 đại biểu của tỉnh Lai Châu, do đồng chí Giàng A Tính – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn nhập cùng 15 đoàn công tác của các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương trong hải trình thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI/2 – Phúc Tần trên chuyến tàu KN-390 do đồng chí Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang – Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn.

Thiêng liêng những người giữ đảo

Đoàn công tác số 10 (do Bộ Tư lệnh Hải quân và T.Ư Đoàn tổ chức) gồm hơn 230 người từ khắp mọi miền đất nước trải qua hành trình dài 7 ngày mang tên “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2023”. Con tàu KN 390 thuộc của Hải quân vùng 3, cao 5 tầng, lừng lững, uy nghi chở đoàn công tác đến thăm 7 đảo: Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, Đá Đông B, Trường Sa Đông, Đá Tây B, Trường Sa và nhà giàn DK1/2 – Phúc Tần.
Trước vài ngày xuất phát, có tin áp thấp nhiệt đới, trong đoàn nhiều người lo lắng, chuẩn bị tinh thần trước những cơn say sóng. Nghe nói, nếu sóng to, gió mạnh thì chỉ đại diện đoàn được xuống thăm đảo. Nhưng thật may, áp thấp chỉ ảnh hưởng hôm đầu tiên, cập đảo Song Tử Tây, gió thổi mạnh, sóng biển dâng cao vài mét, ập vào mạn tàu. Những hôm còn lại thì thời tiết thuận lợi trời yên, biển lặng. Cả đoàn lần lượt theo những chuyến xuồng nhỏ xuống thăm các đảo nổi, đảo chìm. Mặt biển như tấm kính trong suốt, khổng lồ, soi rõ những dải san hô mềm mại, trải dài. Đảo Song Tử Tây là điểm dừng chân đầu tiên. Rồi đến các đảo Đá Thị, Sinh Tồn Đông, Đá Đông B, Trường Sa Đông… Lực lượng tiền trạm và các nhà báo được ưu tiên đi các chuyến đầu, rồi đến các đại biểu. Hàng và quà được chuyển lên đảo sau cùng, gồm rất nhiều rau củ quả, các loại nhu yếu phẩm. Những món quà này không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là tình cảm của các tổ chức, cá nhân, đơn vị trong cả nước … gửi tặng các cán bộ chiến sĩ. Các đảo tổ chức đón thủ trưởng và đoàn công tác theo đúng nghi thức trong quân đội. Nhiều cán bộ chiến sĩ ra tận nơi chân sóng để được là người đầu tiên đón khách đất liền lên đảo.
Đoàn đại biểu tỉnh Lai Châu chụp ảnh kỷ niệm tại cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa.
Một điều khiến chúng tôi khá bất ngờ là đảo nào cũng trồng nhiều cây xanh, nhìn từ xa, đảo giống như một ngôi làng trù phú, mái đỏ, cây xanh giữa biển cả mênh mông. Cây trên đảo chủ yếu là những loại cây chịu đựng khí hậu mặn mòi của biển, khắc nghiệt, khô cằn của đá sỏi như phong ba, bàng vuông. Thi thoảng, bắt gặp những thảm rau muống biển điểm những bông hoa màu vàng nhạt. Những bông hoa nhỏ bé này chắc hẳn có lúc làm dịu lòng những người lính mỗi khi nhớ đất liền. Xung quanh đảo được bao bọc bởi hệ thống bờ chắn sóng, có bến cập xuồng. Trên các đảo đều có nhà xây nhà kiên cố, bảo đảm nơi ăn, ở, làm việc cho cán bộ, chiến sĩ, nhiều đảo chúng tôi thấy có hệ thống năng lượng điện mặt trời, điện  gió phục vụ cho đời sống bộ đội. Thị trấn Trường Sa được anh em gọi là là thủ đô trên biển. Huyện đảo Trường Sa có UBND thị trấn, có cầu tàu, có làng chài để ngư dân vào tránh trú bão, các hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà xây kiên cố, lợp ngói đỏ xinh xắn dưới tán bàng râm mát. Trung tâm đảo có đường băng, nhà ga hàng không.
Sóng biển êm ả dội vào chân kè đá, xuyên qua màu xanh thăm thẳm, trong vắt của nước biển, chúng tôi thích thú ngắm nhìn những loài cá biển đủ màu, bơi thành đàn. Biển lặng sóng, trời trong vắt, cảm giác thanh bình và yên ả, xa tít tắp là đường chân trời như một sợi chỉ mảnh. Nếu không có tiếng hát, tiếng nói cười ồn ào, chắc hẳn, nơi đây dường như im lặng hoàn toàn. Nhưng lính đảo kể, ở đây luôn rình rập hiểm nguy, bão tố; đáng sợ nhất là những trận bão biển, có những trận sóng cao vài mét, ập vào đảo, rồi rút đi mọi thứ trên đường đi của nó. Cuối năm 2021, một cơn bão với gió giật mạnh chưa từng thấy, kèm theo sóng lớn, mưa to đã làm thiệt hại nhiều tấm pin năng lượng mặt trời, làm bật gốc và gãy hầu hết các cây xanh trên đảo Song Tử Đông; nhiều trận bão đã quật đổ các nhà giàn, có những chiến sỹ đã hy sinh….
Trên các đảo, chúng tôi nhận thấy, điều kiện sống thiết yếu như rau xanh, nước uống, tắm giặt…khá khó khăn. Nước trên đảo phụ thuộc nhiều vào mưa, Năm nay, biến đổi khí hậu nên mưa ít, nước ngọt phải chở từ đất liền ra. Đang vào mùa khô, chiến sĩ dùng nước hết sức tiết kiệm; tiêu chuẩn cho mỗi chiến sĩ chỉ có vài lít nước/ngày cho mọi sinh hoạt, từ đánh răng, rửa mặt, đến tắm, giặt… Nước dùng xong phải hứng lại để tưới cây. Những trận mưa trên biển là món quà tặng vô giá của đất trời. Sau mỗi trận mưa, những người lính phải đi múc từng ống nước đọng lại để dành tưới cây. Nhưng một điều thán phục là những vườn rau trên các đảo rất tươi tốt, nào rau muống, rau cải, bầu, bí… xanh tốt. Ở đảo Trường Sa Đông, chiến sỹ còn ươm rất nhiều những cây bàng vuông, cây phong ba để tặng khách từ đất liền ra thăm. Hầu hết các đảo đều nuôi gà, nuôi chó. Những chú chó trên đảo hiền lành, thân thiện. Chúng thường nằm áp tai xuống bờ cát, lặng yên nhìn những đợt sóng đánh vào bờ cát. Ở đảo, chó là bạn của những người chiến sỹ, chó thức cùng chiến sỹ trong những đêm đứng gác. Ở nhà giàn DKI/2 – Phúc Tần, ngoài trồng rau, nuôi gà trong thùng xốp, các chiến sỹ còn nuôi cả lợn. Những đảo chìm, không có đất, chiến sỹ mang đất từ đất liền ra trồng rau xanh trong chậu hoặc thùng xốp. Có ra đảo, mới biết, rau xanh là đặc sản.
Mỗi thành viên trong đoàn công tác đều được tận mắt chứng kiến những gian nan thử thách nơi đầu sóng, ngọn gió của những người lính đang canh giữ vùng biển rộng lớn của Tổ quốc. Những chiến sỹ tuổi đời còn rất trẻ, ánh mắt trong sáng, đẹp đẽ trong bộ trang phục hải quân, sau phút giây rụt rè, là những lời tâm tình, cởi mở. Chúng tôi gặp cậu lính trẻ Nguyễn Minh Quang ở đảo Trường Sa lớn. Quang quê Hải Phòng, tốt nghiệp lớp 12, mơ ước làm lính hải quân, nên tình nguyện ra đảo Hoàng Sa. Quang dự định, cuối năm nay, em vào đất liền, ôn thi và tương lai mong ước trở thành sỹ quan chuyên nghiệp. Chúng tôi nhìn em, chàng trai trẻ chưa một lần sống xa gia đình lại chọn Trường Sa là nơi đến, xa bạn bè, gia đình, xa đất liền, chắc hẳn em buồn lắm. Cậu thanh niên 18 tuổi hồn nhiên, trên tàu chở quân ra đảo, em say sóng khổ lắm, những ngày đầu ở đảo, cũng buồn vì nhớ nhà, giờ thì quen rồi, và cũng có nhiều bạn bè cùng trang lứa ở đây. Cuối tuần, chúng em hay mượn điện thoại cả chỉ huy gọi điện về gặp mẹ. Chúng tôi trêu, đi bộ đội rồi còn nhớ mẹ… Rồi chợt cay cay nơi sống mũi,
Tại vùng biển qua đảo Cô Lin, Len Đao vào thời khắc hoàng hôn, Tàu KH 390 có buổi lễ tưởng niệm tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Trong đoàn chúng tôi có Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy, hiện là cán bộ của Bộ Tham mưu Hải quân, là con của chiến sĩ Lê Đình Thơ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma. Năm 1988, Thủy vừa tròn 1 tuổi. Cô khóc nhiều mỗi khi có sự kiện gì gợi nhớ đến cha và các liệt sỹ.  Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang, đọc bài tưởng niệm. Nhạc Hồn tử sĩ mang âm hưởng trầm hùng.
Trời tối dần, nước biển ngả màu xanh sẫm, sóng vỗ dưới mạn tàu, những vì sao trên trời như sáng hơn, soi tỏ những khuôn mặt lặng đi, nhiều giọt nước mắt rơi xuống. Những ngọn nến, hoa cúc trắng, cúc vàng, những con hạc giấy… được thả xuống biển. Rồi sóng sẽ cuốn lễ vật đi, mang vào lòng biển, sóng là cầu nối, mang tấm lòng của chúng tôi đến với 64 chiến sỹ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma vào ngày 14/3/1988 lịch sử.
Đồng chí Giàng A Tính – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Lai Châu tặng quà cho cán bộ chiến sỹ đảo Song Tử Tây.
Tiếng chuông chùa trên đảo
Với một người đi Trường Sa lần đầu như tôi, thì thật bất ngờ khi trên các đảo có chùa. Mà ngôi chùa nào cũng rất đẹp. Những ngôi chùa đặc trưng của dân tộc Việt với mái ngói nhìn nghiêng cong cong và hàng cột gỗ nâu mộc mạc. Nhìn từ biển, ngôi chùa truyền thống có cái gì đó thiêng liêng mà thật gần gũi, ấm áp lạ thường. Các đảo: Sinh Tồn Đông, Song Tử Tây, Trường Sa Đông,… đều có chùa. Chùa trở thành một phần không thể thiếu của các đảo. Tất cả đều có kiến trúc truyền thống, toát lên dáng vẻ thanh tịnh, uy nghiêm, trầm mặc, nhưng cũng không kém phần ấm cúng. Nơi đây, giữa biển cả mênh mông ngày đêm rình rập hiểm nguy, ngôi chùa là biểu tượng của văn hóa và tâm hồn dân tộc Việt.  Vào các ngày rằm lớn hoặc các dịp Lễ Phật đản, Vu Lan,… các chùa cũng tổ chức các hoạt động với sự tham gia của các chiến sĩ trên đảo, thực hiện các nghi thức và cầu nguyện những điều tốt đẹp. Các chiến sĩ có thêm niềm tin, gửi gắm tinh thần và hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi sóng gió xa xôi.
Chùa ở Huyện đảo Trường Sa Lớn tọa lạc uy nghi giữa khu vực trung tâm, đối diện Đài tưởng niệm liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Chắc không phải ngẫu nhiên, những ngôi chùa trên đảo đều hướng mặt chính diện ra phía biển Đông, che chắn bão giông để người Việt đang canh giữ biển, đang bám biển được yên bình. Chúng tôi vào thăm chùa, thắp nén hương, ngồi dưới tán cây phong ba, cây bàng vuông to lớn che rợp một khoảng trời nắng, thấy lòng thanh tịnh, nhẹ nhàng, thấy dâng lên niềm tin rất thiêng liêng.
Cách đất liền cả ngàn hải lý, còn gì bình yên hơn việc được nghe một tiếng chuông chùa.
Vân Nguyễn

Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.