Trong phòng hậu phẫu

Mai tỉnh dậy trên chiếc giường trải ga trắng muốt. Cô khẽ mở cặp mắt nâu làm quen với ánh ngày và ánh sáng trắng hắt ra từ chiếc bóng đèn led trên trần nhà. Im lặng. Một sự im lặng mơ hồ. Toàn thân Mai đau ê ẩm. Có lẽ do Mai nằm lâu. Mai nhớ rất rõ là đôi mắt Mai chưa bao giờ thèm ngủ nướng. Mai sống nguyên tắc, ăn ngủ đúng giờ. Thế nên, nếu chỉ nằm rốn thêm khoảng nửa tiếng so với quy định là Mai thấy đau người. Giờ thì rõ rồi. Người ê ẩm, nó minh chứng cho việc Mai đã phải nằm trên chiếc giường này khá lâu. Mai lồm cồm bò dậy, có cái gì đó vướng víu ở phần bụng, hình như là dây dẫn. Mai cựa mình, vùng bụng đau thắt, Mai khẽ rên một tiếng nhỏ trong cổ họng.

Có tiếng mở cửa rất nhẹ. Người phụ nữ cổ đeo thẻ xanh, mặc áo người nhà bệnh nhân rón rén bước vào. Chị mừng quýnh: “Em tỉnh rồi à? Chị chỉ vừa chạy ù xuống căng-tin mua cho em vỉ sữa”. Vừa nói, chị vừa tiến lại phía giường bệnh, đặt vỉ sữa lên bàn, đỡ Mai ngồi dậy. “Nhẹ thôi em, đau lắm đấy! Để chị hâm nóng sữa cho em uống”. Mai hỏi, giọng yếu ớt: “Sao chị chưa ra bán hàng? Em tưởng…”. “Ôi dào, em lo gì cái gánh hàng rong cỏn con ấy. Chị gửi bà bán nước đầu phố nhờ bà bán hộ. Chị không nỡ để em ở đây một mình”. Mai quay mặt vào tường, giấu hai giọt hàng nước mắt lã chã rơi xuống gối. Mai cố nén cơn xúc động, lí nhí cảm ơn chị. Chị ép Mai uống hết hộp sữa. Cổ họng đắng ngắt nhưng Mai phải nhắm mắt nuốt như một đứa trẻ ngoan.

Uống xong hộp sữa, Mai tỏ ra mình đã rất khỏe mạnh. Nhìn Mai tươi tỉnh, chị thủ thỉ: “Chị ra bán hàng, cần gì em cứ alo, chị sẽ vào ngay”. “Em gửi thêm một chút gọi là đỡ đần chị!”. Vừa nói Mai vừa với tay mở chiếc túi nhỏ đeo bên người rút mấy tờ năm trăm ngàn dúi vào tay chị. Chị giãy nãy, bắt Mai cất đi. “Em để dành tiền mua thuốc, chị lấy đủ phần rồi. Em làm thế là chị giận có gọi chị cũng không vào nữa đâu. Em nhớ giữ gìn sức khỏe, nếu tối nay cháu không đến kịp thì chị ở lại đây trông em”. “Nhưng chị đã trông em cả đêm hôm qua”. “Em cũng trả công cho chị rồi mà”.

***

Gần trưa, một tiếng sấm kinh hoàng khiến Mai giật mình. Ngoài trời mưa đang to dần. Những hạt nước mưa xiên chéo dội vào mảnh kính cửa sổ phòng bệnh bắn ra vỡ tung tóe. Hạt trước chưa kịp vỡ, hạt sau lại dội vào hòa thành dòng lao xuống như chơi trò đuổi bắt.

Mai quay mặt vào tường, co ro trên giường. Ngoài kia mưa gió vẫn rít lên từng hồi. Mai lo con gái giờ này đang trên đường đi hay đang làm việc tại hiện trường, có trú mưa hay cứ mặc thời tiết mà làm việc quên thời gian như bố. Mai nấc lên thổn thức như đứa trẻ vừa bị mẹ mắng!

Có tiếng mở cửa. Mai với chiếc khăn giấy cạnh gối, lau vội khuôn mặt đẫm nước mắt. Tiếng chị đon đả: “Mưa quá, không có khách mua hàng. Chị vào xem em thế nào. Chị cứ xót ruột… Chị cũng đoán mưa to như thế này con gái em chưa ra đến nơi”. Chị nhìn Mai trân trân rồi buột miệng hỏi: “Em khóc đấy à. Ừ, khóc cũng phải. Thế này mà không khóc thì có gan cóc tía”. Ngưng một lát, chị hạ giọng ngậm ngùi: “Chị xót ruột vì mưa một phần nhưng một phần là vì… Em biết không? Mẹ chị ở quê vừa gọi điện nói chuyện con bé hàng xóm nhà chị vừa chết ở viện huyện!”.

Mai hốt hoảng toan ngồi dậy nhưng vết mổ khiến cô đau buốt. Chị đỡ cô nằm lại xuống giường và kể. Con bé mới hai mươi bảy tuổi, quá trẻ! Sinh con lần hai. Cưới nhau xong thì chồng bị tai nạn giao thông. May giữ được mạng nhưng bị ảnh hưởng não cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Tội lắm! Một mình vợ đi làm lương tháng ba cọc ba đồng mà phải chi phí cho cả gia đình mấy miệng ăn không thiếu sao được. Lúc trở dạ, đi viện, một đồng giắt ví không có. Cô ấy sang nhà mẹ chị mượn tạm tiền viện phí. Anh chồng chở vợ vào đến viện xong bỏ mặc vợ đi làm thủ tục nhập viện, anh ta ra gốc cây ngồi ngủ. Không biết sự thể ra sao, chỉ biết nhập viện nửa đêm hôm qua thì sáng nay báo cả mẹ và con không cứu được. Đau lòng em nhỉ! Chị nghe xong mà nổi da gà. Chị lo em trong này cũng một mình, nói dại mồm… nhỡ có thế nào… biết gọi ai nên chị bỏ hàng vào đây!

Nghe chị kể một thôi dài. Mai không dấu nổi cơn xúc động. Chị dỗ dành: “Nín đi em. Em có chị ở đây mà. Em cứ coi chị như chị ruột của em, cần gì cứ bảo chị”. “Chị tốt với em quá! Em thật không biết lấy gì cảm ơn chị!”. “Lại ơn huệ! Đã bảo rồi, là chúng ta tự giúp mình. Chị làm công, em trả công. Có ai giúp ai không đâu mà ơn với huệ”. Rồi chị dỗ dành Mai: “Thôi nào, để chị đi mua cháo cho em ăn kẻo đói”. Nói rồi, chị nhanh nhảu đi ra khỏi phòng. Còn lại mình Mai trong phòng bệnh, không gian nồng mùi thuốc khử khuẩn, thuốc kháng sinh. Mai rùng mình nghĩ đến những tiếng: Tùng beng… tùng… tùng xèng… vội vã trong đám ma người mẹ trẻ xấu số kia. Anh chồng khờ khạo đờ đẫn cười ngơ ngác đi từng bàn rót nước mời họ hàng, làng xóm. Đứa con thơ ôm di ảnh mẹ ti tỉ khóc đòi người ta trả mẹ cho nó… Trong lúc ấy, linh hồn người thiếu phụ cùng đứa con thơ chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời đang bay về cõi hư không.

Mai lại rùng mình nghĩ đến mình. Đêm qua, Mai lên cơn đau bụng dữ dội. Cô nhặt vội chiếc ví, vơ bộ quần áo nhét vào túi và trèo lên chiếc tắc-xi vừa đỗ xịch trước cửa nhà. Qua khám nghiệm, bác sĩ kết luận cô bị viêm ruột thừa phải mổ gấp. Bệnh viện yêu cầu phải có người nhà ký giấy mổ. Cũng không kịp gọi ai từ quê ra và cũng không biết gọi ai. Mai đánh liều ôm bụng ra cổng viện. Chị đang gánh hàng rong bước những bước nặng nề, mệt mỏi. Cả ngày hôm nay chị ế. Hàng buổi sáng lấy thì tươi ngon là thế mà không biết gặp phải vía dữ nào. Không ai hỏi đến. Có mấy khách hỏi rồi quay đi ngay. Hàng tươi để qua đêm thì xuống mã, ngày mai không bán được. Mất cả vốn lẫn lời. Lấy đâu tiền trả chủ nhà trọ. Tối qua, vừa đặt gánh vào phòng trọ, bà chủ đã ngó qua cửa sổ nhắc chị mai là hạn cuối nộp tiền nhà. Mấy đứa con ở quê gọi điện ra bảo con phải đóng học. Chị cố gắng quẩy gánh hàng bước về phía Mai với hi vọng bán được cân quả!

Nước mắt Mai chảy dài trên khuôn mặt đầy những ưu phiền. Nỗi tủi thân cứ trào lên, nghẹn ứ trong cổ.

Ở quê Mai cũng có anh chị ruột. Anh Nhất gần chạm thập tuần. Vài năm nay, anh rất yếu. Từ sáng tới tối anh ngồi trên chiếc ghế xoay trong phòng khách rộng mênh mông trong ngôi nhà cổ từ thời ông cụ thân sinh ra bố để lại. Cụ vốn là một nhà nho đã hết thời, sống thanh đạm ẩn mình trong làng. Trước khi mất, cụ căn dặn các con dù sống chết cố giữ nếp nhà. Đầu thập niên trước, cơn bão đất và những tư tưởng tân tiến ập đến làng xã. Chị dâu và hai thằng con trai anh nằng nặc đòi bán nếp nhà cho thương gia chơi đồ cổ lấy nửa tỷ xây nhà mới. Anh không đồng ý. Chị phụng phịu, hai thằng con bảo bố gàn dở. Sau vụ bán nếp nhà không thành, hai thằng con không chịu tu chí làm ăn mà suốt ngày theo bạn uống rượu, đánh bài bạc.

Anh ngồi đây, từ vị trí này, anh có thể quan sát người ra người vào trong nhà và ngắm cả khu vườn cây ăn quả của các cụ để lại với đủ thứ cây trái bốn mùa. Những năm trước còn khỏe, cả ngày anh cặm cụi trong vườn. Nào thì trồng mới, làm cỏ, bón phân, cắt tỉa cành sâu… Dưới đất, anh chăn một đàn gà trăm con cả trống và mái. Gần trưa, anh mang cái rổ ra chuồng gà nhặt trứng xếp vào trong thúng cái. Vài ngày trứng đầy ắp thúng. Vợ anh nhìn thúng trứng cười hềnh hệch. Chị mang trứng và mấy thứ quả trong vườn nhà ra chợ làng ngồi bán. Chị thích ngồi chợ hơn là chui vào vườn làm như anh. Không biết ở chợ chị nghe được gì nhưng về đến nhà là chị kể khó, than nghèo. Dường như anh muốn dịu lòng chị nên luôn tỏ ra chăm chỉ. Xong việc ở vườn là anh vào nhà quét dọn, cơm nước… để chị đi chợ về có thời gian nghỉ ngơi. Lâu dần dường như chị quên làm việc nhà. Anh tự an ủi mình: biết làm việc nhà là biết yêu thương, chia sẻ cùng vợ con.

Mỗi bận Mai đến thăm anh là mỗi bận cô nghe anh trút bầu tâm sự về bệnh tật, đau ốm vợ con không hỏi han gì tới; rồi nhà cửa, bếp núc anh không lau dọn thì ngập ngụa rác. Anh cũng lo, không biết nếp nhà giữ được đến khi nào. Càng ngày anh càng rầu rĩ. Mai khuyên anh giữ gìn sức khỏe, đừng cả nghĩ. Anh còn khỏe, chị, các cháu và chúng em còn niềm vui gia thế. Lẽ nào, Mai gọi điện báo anh là em mổ ở viện không có người trông nom. Như thế chả hóa làm cho anh suy nghĩ thêm. Mai không đành.

Chị Chi của Mai là người có tiếng ở làng. Chị đã không bằng lòng với ai thì chị nói như dao cắt vào lòng, như dùi đâm vào tai. Còn sự bủn xỉn của chị thì Mai có cảm tưởng chị chính là sự hóa kiếp từ lão Ogieni Grangde – nhân vật của nhà văn Pháp thế kỷ XVIII Honores de Banlzac, sau nhiều lần lăn lộn, lão được đức mẹ phù phép cho chui vào bụng mẹ Mai để bà sinh ra chị. Chị chỉ có một cô con gái. Cưới nhau được vài tháng thì chị bị anh chồng hất ra khỏi cuộc đời anh ta vì sự keo kiệt của chị. Cô bé sống với mẹ trong sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Học hết lớp chín, chị bắt con bé bỏ học đi kiếm tiền mang về cho chị theo tháng.

Thương con bé thông minh, không muốn cháu lỡ dở việc học, Mai đón cháu về nhà, cho cháu học tiếp nhưng chị nhất quyết không. Chị giấu giấy khai sinh của con bé. Mai đành lấy cớ nhà thiếu người làm, thuê cháu về giúp việc. Ở nhà Mai, cháu giúp việc là phụ, việc chính của cháu là học thêm tiếng Anh. Hằng tháng, Mai phải trả chị vài triệu, như thế chị mới đồng ý cho con giúp việc nhà Mai. Điều này chỉ có Mai và chị biết.

Con bé giỏi giang, giàu lòng tự trọng và đầy nghị lực. Tròn mười tám tuổi, nó nhất quyết xách ba lô lao vào cuộc sống. Mai lo lắng can ngăn nhưng con bé không đổi ý. Cũng may, số phận ưu ái con bé ngoài sức tưởng tượng của Mai. Bằng vốn tiếng Anh vững vàng học được, việc kiếm sống của nó khá thuận lợi. Tiền kiếm được nó chi tiêu dè sẻn còn lại để gửi về biếu mẹ dưỡng già và cũng là để thi thoảng nếu nó về thăm nhà không bị mẹ mắng mỏ. Chị coi đồng tiền con bé biếu chị như một nghĩa vụ nó phải làm. Trong mắt chị, con bé như một cái gai. Hễ nhìn thấy nó là chị thấy lại hình ảnh anh chồng đã ruồng bỏ chị. Chị trút hận lên đầu con bé. Có khi nửa đêm chị cũng gọi điện thoại mắng con bé. Nó về, chị không cho con dùng điện thắp sáng, tết cũng không nằm ngoài thông lệ. Ngày hè nóng rực người cũng không được bật quạt điện. Chị bảo, quạt tay cho khỏe. Có lần nó vừa bước chân vào sân, chỉ vì chưa có tiền đưa cho chị như mọi lần mà chị xông ra đánh nó. Nó đến nhà Mai gục vào vai Mai nức nở. Mai khuyên nó: cuộc đời mẹ cháu cũng quá cơ cực. Có lẽ khổ quá nên mẹ cháu mới vậy, dù sao mẹ cháu cũng là người sinh ra và nuôi dưỡng cháu. Nó thổn thức: Cháu thương mẹ cháu một mình khó nhọc nuôi cháu nhưng hình như mẹ cháu không thương cháu. Sáng hôm sau, trước khi đi làm, nó mua sâm, thuốc bổ nhờ Mai mang về biếu mẹ giúp nó. Mai thương cháu thắt ruột.

***

Mai không muốn hay nói đúng hơn cô không dám hé răng nhờ chị ra trông nom cô. Cô lo ở viện, bệnh nhân cần sự yên tĩnh thì chị lại bô bô mắng cô là ngu, ốm đau không biết gọi chồng con về chăm.

Nước mắt Mai chảy thành dòng. Không phải Mai không muốn gọi cho anh, chỉ là vì anh đang thực hiện chuyên án mới. Mai muốn khi anh đã vào công việc thì để anh toàn tâm toàn ý cùng anh em đồng đội thực hiện nhiệm vụ. Mọi việc ở nhà Mai có thể tự xoay xở được. Hơn hai chục năm chung sống, đã mấy khi Mai được hưởng niềm vui chồng vợ nhưng chưa ai nghe được một nửa lời than vãn từ cô. Quanh năm chồng đi công tác xa nhà, chuyên án này vừa xong thì chuyên án khác lại tới. Có khi cả tháng vợ chồng không ăn chung nổi một bữa cơm. Có năm đêm ba mươi tết, chuẩn bị đón giao thừa, Mai mừng thầm trong bụng nghĩ năm nay anh được đón năm mới cùng vợ con thì đùng một cái, chuông điện thoại reo vang. Anh tất tả vơ vội bộ quân phục và chiếc mũ lao ra xe. Khi đi làm việc, anh không muốn đồng đội phải đợi mìn một giây, một phút. Lúc nào anh cũng sợ, lỡ mình chậm vài phút, tội phạm chạy trốn thì bao nhiêu công sức của anh em đồng đội quay về số không. Nhìn anh bước vội ra con ngõ nhỏ khi tiếng pháo mừng năm mới đã đì đùng đây đó, Mai lặng lẽ gạt thầm nước mắt.

Cô con gái Hoàng Anh của Mai giống bố như hai giọt nước. Từ khuôn mặt, màu da, nét mặt, cử chỉ. Những ngày ở nhà ít ỏi, anh chơi với con và dạy con chơi cờ, đánh vật. Hết chơi cùng con, anh lại cụng đầu mình vào trán con, day day nựng: “Con gái rượu ngô nếp của bố! Sau này lớn, con sẽ làm nghề gì?”. Con bé bẽn lẽn nép vào ngực bố trả lời: “Con thích làm chiến sĩ an ninh Nhân dân như bố”. Càng lớn nó càng chăm chỉ phấn đấu học tập để đạt được ước mơ từ nhỏ. Nó theo nghề bố thật. Khi con đỗ Học viện Cảnh sát Nhân dân cả gia đình mừng vui khôn siết. Mai tôn trọng quyết định của con nên dù có chút phiền lòng, lo lắng con sẽ vất vả nhưng Mai không dám nói ra. Hôm qua, lúc bác sĩ quyết định mổ, Mai gọi điện thoại cho con gái. Cô chưa kịp nói câu nào thì con bé đã nói vội: Con đang đi thực tập tại một huyện ngoại thành. Các chú bác cho con đi làm quen hiện trường, phá án truy tìm cô gái bị mất tích. Mẹ ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe. Xong việc, con sẽ gọi điện nói chuyện với mẹ ngay. Bye mẹ yêu!

Mai khóc hu hu từ bao giờ. Trong phòng bệnh, chị bán hàng rong đang ríu rít kể chuyện với anh, cháu Hoàng Anh, anh Nhất, chị Chi. Chị kể: “Mai can đảm lắm! Mổ đau thế mà không kêu rên một tiếng”. Anh cảm ơn chị. Vuốt tóc Mai, anh nói lời xin lỗi. Anh thầm thì: “Chuyên án của anh đã thành công. Sếp cho anh nghỉ phép một tuần. Tuần phép này nhất định anh không rời em nửa bước”.

Không gian trong phòng không còn mùi kháng sinh, thuốc khử khuẩn. Mai thấy thoang thoảng đâu đây hương thơm dìu dịu của loài hoa tình yêu. Mai đưa mắt tìm nơi tỏa ra thứ hương quyến rũ. Một lọ hoa hồng hồng – loài hoa Mai rất yêu thích, tươi rói được đặt trên bàn tự bao giờ. Mai khẽ reo lên thích thú. Xung quanh cô, mọi người cùng cười, nụ cười ngập tràn hạnh phúc tình thân!

THANH TÁM

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.