Trong ánh mắt vốn đã có nụ cười

Nếu trong thời chiến, hình ảnh của anh lính cụ Hồ là những chiến binh thầm lặng, vượt trên nỗi sợ hãi bản thân để làm nên những huyền thoại bất hủ thì thời bình, khi đất nước lâm nguy, truyền thống bất khuất ấy lại tiếp tục được phát huy để cùng với dân tộc kết thành khối đại đoàn kết đưa Việt Nam băng qua mọi thử thách của thời cuộc. Những ngày này, khi cả nước hướng về miền Nam yêu thương bởi những mất mát, thiệt hại do dịch bệnh Covid-19, tất cả nguồn lực của dân tộc này một lần nữa lại dành cho trận chiến sinh tử với thứ giặc vô hình mà có sức công phá mạnh mẽ, ghê gớm. Trước sự lâm nguy trong cuộc chiến ấy, để dành lấy sự sống cho nhân dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, trong đó có cả những đoàn binh mang trong mình trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc, non sông năm nào, trách nhiệm chung tay cùng dân tộc chống giặc Covid-19.

“Bộ đội cụ Hồ” không chỉ là danh xưng mà còn là giá trị, nguồn gốc tạo nên sức mạnh quân đội. Thật vậy, trên thế giới này, hiếm có quân đội của đất nước nào lấy tên lãnh tụ tối cao để đặt cho quân đội như Việt Nam. Điều đó còn là biểu tượng cho những giá trị thiêng liêng, cao đẹp được hun đúc qua suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dành độc lập dân tộc của thời đại Hồ Chí Minh cao đẹp. Hôm nay, khi nước nhà có biến bởi một thứ giặc vô hình, không có bờ chiến tuyến, không vũ khí mà sự chết chóc tang thương cũng thảm khốc, ám ảnh. Giặc Covid-19 làm cả thế giới lao đao trong trận mạc phòng chống, Việt Nam cũng oằn mình với những làn sóng dịch mà chưa có hồi kết. Một lần nữa, tinh thần đoàn kết trỗi dậy, sức mạnh quật khởi của một dân tộc chưa bao giờ gục ngã trước gian nguy. Khi ấy, hình ảnh người lính cụ Hồ lại trở nên đẹp đẽ hơn bao giờ hết.

Không hiểu sao những ngày này, tôi cứ bị ám ảnh bởi hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Cũng là mùa thu của miền Bắc, đó có thể là Lai Châu địa đầu của Tổ quốc hay Hà Nội hào hoa lãng mạn, có hình ảnh của người lính tay mang ba lô lỉnh kỉnh những tư trang cá nhân, mà sau đó là dáng kiều thơm, là những chia ly, những nụ hôn vội, những ánh mắt, nụ cười… Những đoàn binh ấy, hành trang ra trận là niềm tin tất thắng là những gửi gắm, chờ mong của người ở nhà. Mà lạ thay, ở dân tộc này, mỗi khi nước nhà có biến, chẳng ai bảo ai, tất cả đều chung ý chí, chung sức mạnh, phải chăng vì thế mà cộng hưởng tạo sức mạnh quật khởi, kiên cường vượt qua bao sóng gió, chông gai.

Chuyến xe đưa các anh đến với nơi đầu sóng ngọn gió là tâm dịch miền Nam. 312 xã, phường ở thành phố Hồ Chí Minh là 312 pháo đài chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ kiên trung trên mặt trận ấy nhưng dường như thành phố Hồ Chí Minh cần thêm nữa “chất thép và cả trái tim hồng” để trận đánh cuối cùng tổng lực này sẽ mang lại chiến thắng vang dội như năm nào mà dân tộc ta đã từng chiến thắng. Sài Gòn và Bình Dương sẽ vững tin hơn khi có các anh, những màu xanh yêu thương trên khắp các ngả đường, ngõ xóm. Lực lượng tuyến đầu sẽ vững tin hơn khi đồng hành cùng họ là những chàng trai rắn rỏi, can trường vì đã qua tôi luyện. Dòng người ngược xuôi ngoài kia bởi những lo toan cuộc sống hàng ngày sẽ yên tâm ở yên một chỗ bởi đã có các anh hỗ trợ.  Hình ảnh những chiến sĩ áo xanh cần mẫn xách giỏ đi chợ giúp bà con, cùng lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm, quản lý thắt chặt việc di chuyển ngoài cộng động để kịp thời truy vết, ngăn chặn những F0 gây lây lan dịch bệnh. Những giọt mồ hôi lăn dài trên nền da rắn rỏi màu nắng Sài Gòn những tháng hè gay gắt. Dẫu khẩu trang có che đi nụ cười thân thiện, nghĩa tình thì trong mỗi ánh mắt vốn đã có những ấm áp nụ cười nơi các anh. Tình quân dân gắn bó qua những nghĩa cử cao đẹp đó như tiếp thêm niềm tin, động lực cho mỗi người dân để họ mạnh mẽ hơn trong trận chiến khốc liệt dành sự sống cho chính mình và cho cộng đồng. Với tính kỷ luật, nghiêm khắc, bài bản của lực lượng quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó có một lực lượng lớn các bác sĩ quân y đã có hiệu ứng tích cực trong việc lan tỏa niềm tin, động lực để cộng hưởng tạo sự diệu kỳ trong cuộc chiến sinh tử này. Bên cạnh những lực lượng vòng trong ngăn chặn và dập dịch thì những chiến sĩ vòng ngoài đã bao ngày bám biên giới, bám rừng, ăn gió nằm sương, kề vai cùng đồng đội và những lực lượng khác kiên cường trên tuyến đầu chống dịch, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh từ những vùng biên viễn xa xôi cho tới từng khu ấp, thôn xóm. Có những chiến sĩ nén nỗi đau mất cha để tiếp tục trọng trách vinh quang trên vai vì Tổ quốc, vì dân tộc và vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Vậy đấy, trong những ánh mắt rắn rỏi, hồn hậu của các anh có niềm tin rạng ngời truyền lửa, có những nỗi buồn và cả nước mắt nhưng trên hết đó là ánh mắt của hi vọng của tương lai, ánh mắt đó gieo vào trong lòng mỗi chúng ta một lòng trắc ẩn, thức tỉnh trách nhiệm, tự tôn để hành động và hành động.

Với mệnh lệnh của trái tim, các anh chung tay chia lửa để tổng lực trong chận triến cuối cùng này. Chúng ta có niềm tin mạnh mẽ vào sự tất thắng của trận chiến khốc liệt ấy. Sự thiên biến vạn hóa khôn lường của kẻ thù giấu mặt rồi sẽ gục ngã trước tinh thần chiến đấu của dân tộc Việt Nam như sự gục ngã của quân đội Nguyên Mông thiện chiến năm nào hay như sự ê chề của kẻ thù xâm lược Mỹ, Pháp,… Bởi dân tộc ta có sức mạnh của truyền thống đoàn kết từ ngàn năm cha ông để lại, có sự gắn kết quân dân keo sơn khăng khít. Nên dẫu khiêm tốn nhưng có thể khẳng định rằng Việt Nam nhất định sẽ thắng lợi.


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.