Người La Hủ sống trong môi trường rừng núi, cuộc sống hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, kể cả những hoạt động được xem là sản xuất cũng phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên, cuộc sống bấp bênh, đói no do “trời”. Người La Hủ đã gửi gắm niềm tin của họ vào các thế lực siêu nhiên, với họ các thế lực đó chính là lực lượng quản lý mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Theo ông Thàng Phí Xè bản Pa Ủ- Xã Pa Ủ cho biết: người La Hủ chia rừng thành năm loại gồm rừng cấm, rừng già, rừng tái sinh, rừng cỏ ngựa và rừng chôn người chết.
Rừng cấm (xa kha cờ): người La Hủ ở Pa Ủ bây giờ còn biết tới 3 khu rừng cấm là rừng trên đỉnh núi Mô Ca thuộc bản Pa Ủ, núi Đe Du (thôn Cờ Lò 1), Mô Khô Đô- hố khói (thôn Cờ Lò 2); các khu rừng cấm được chọn là rừng đầu nguồn, rừng cấm thường ở đầu bản, không được khai thác. Các khu rừng cấm được biết tới thông qua các câu chuyện ly kỳ và mang tính thiêng hóa, gắn cho khu vực này những linh hồn, các loại ma có thể gây hại. Như núi Mô Khô Đô câu chuyện về khu rừng nhìn từ trên cao như hố khói, có thể nuốt chửng mọi vật khi tới gần hoặc chỉ cần lên gần đỉnh núi người đã bị ốm, không thể chữa được, nếu ai dám chặt một cây rừng thì một người trong Họ phải đền mạng, …. nên không ai dám xâm hại tới rừng. Rừng cấm là các khu rừng ở đầu nguồn, góp phần giữ gìn bảo vệ diện tích rừng, rừng cấm được bảo vệ nghiêm ngặt, không được chặt cây rừng, thậm chí cả củi khô cũng không được vào lấy và tất nhiên cũng không ai dám lên rừng cấm để khai thác các nguồn lợi tự nhiên. Tại đây người La Hủ không thực hiện nghi lễ cúng rừng cấm.
Rừng già (xa kha ná): Hiện nay tại Pa Ủ người dân còn biết nhiều tới các khu rừng già ở bản Pa Ủ, bản Hà Xi, Xà Hồ, Cờ Lò 1, Cờ Lò 2, …. Các khu rừng già cũng là những khu rừng ở đầu nguồn, giữ nước, bảo vệ môi trường; rừng già là nơi có nhiều sản vật thu hái được nên người dân chủ yếu tới rừng già để hái lượm, khai thác sản vật trên rừng già; rừng già được quản lý bởi người dân và chính quyền địa phương, hiện nay người dân chỉ được lên lấy củi khô, hái nấm, hái thuốc, … không được chặt cây gỗ tươi và săn bắt thú.
Rừng cỏ ngựa (dơ sợ phó): khu rừng sản xuất của người dân, rừng nghèo nàn tài nguyên, chủ yếu là rừng cây chuối, cỏ bụi, cỏ gianh, … người dân lên khai thác làm nương, chăn thả gia súc và ít có sản vật thu hái.
Rừng tái sinh (xa gô): Rừng trồng mới, không khai thác; được sự quản lý và bảo vệ của chính quyền địa phương và người dân.
Rừng chôn người chết (tủ pu đe): Khu rừng chọn cách xa bản, thường ở hướng nam của bản, không chọn hướng Đông và hướng Tây. Chôn người chết ở khu rừng này phải để đầu quay về hướng bản, không để hai cánh tay hướng về bản sợ hai cánh tay của người chết sẽ đè lên bản, bản không trồng trọt chăn nuôi được; Khu rừng này, người dân cũng không tới thu hái các sản vật tự nhiên.
Người La Hủ có những hiểu biết về rừng được hình thành và tích luỹ trong quá trình ứng xử lâu dài với rừng, tồn tại với nhiều hình thức khác nhau như tín ngưỡng, kinh nghiệm, luật tục…., đồng thời được lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng trí nhớ và thực hành xã hội. Tri thức địa phương đã hình thành một cơ chế quản lý rừng, bảo vệ rừng tương đối hiệu quả bao gồm cơ chế thiêng hoá niềm tin về rừng, về vai trò của rừng với cộng đồng, rừng có linh hồn, là thành viên của cộng đồng; Họ tạo dựng rừng cấm nhằm bảo vệ rừng; Xây dựng Luật tục, hương ước, quyền sở hữu đến chế tài xử phạt đều dựa theo quyền lợi của cộng đồng, được cộng đồng tôn trọng và tổ chức quản lý rừng và quyền sở hữu đất rừng của cộng đồng; những yếu tố này có quan hệ khăng khít, hữu cơ tạo thành cơ chế quản lý rừng bền vững.
Rừng (xa kha) với người La Hủ đặc biệt quan trọng, là một phần trong cộng đồng, bản thân từng thành viên gắn liền với rừng trong mối quan hệ gần gũi với cây cỏ, động vật là các thần linh trong rừng; các thế lực siêu nhiên tác động đến đời sống của con người có ma rừng (va chá nê), ma suối (ự cạ nê), ma cỏ gianh (khạ gừ nê), ma đá (hả nê), ma cây đa (xư chẹ nê), ma đất (mô nê), …. Các loại ma trong quan niệm của người La Hủ là người bảo vệ rừng và có khả năng trừng phạt những kẻ xâm phạm tới rừng bằng cách bắt hồn con người; Mỗi khi bị ma bắt mất hồn phải nhờ thầy cúng (a gờ) bói tìm xem ma nào bắt hồn để dâng lễ cho ma chuộc hồn về. Quan niệm về rừng như vậy đã đưa người La Hủ có tri thức đặc biệt quan tâm đến rừng, có thái độ kính trọng, sợ hãi và luôn bảo vệ rừng; Mặt khác, không chỉ có quan hệ chăm sóc, thương yêu rừng như người thân mà người La Hủ còn tạo ra cơ chế thiêng hóa nhằm bảo vệ rừng, sở hữu và quản lý rừng bởi lực lượng siêu nhiên. Con người muốn sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, phải cầu xin sự cho phép của các thần linh cai quản cũng như không được làm tổn hại, xâm phạm tới các ma xấu trong rừng.
Người La Hủ gắn cho rừng một linh hồn, một thành viên của cộng đồng; rừng cho con người cái ăn, mặc, ở; rừng là của chung, các mối liên hệ gần gũi, bình đẳng giữa con người và môi trường tự nhiên, sống trong rừng họ hình thành nên hệ thống các hành vi ứng xử, thích ứng với môi trường; kinh nghiệm về rừng và thu hái các sản vật tự nhiên trong rừng chính là quá trình nhận thức của người La Hủ về môi trường tự nhiên.
Người La Hủ quan niệm vạn vật hữu linh, tất cả mọi vật hiện hữu quanh con người đều có hồn hay linh hồn và gọi chung là ha. Trong các loại hồn, người La Hủ phân biệt thành nhiều dạng, ngoài hồn người (Trso ha) còn có hồn trâu (Nhù phú ha), hồn lợn (Vạ ha), hồn gà (Gạ ha), hồn vịt (A pe ha); thú rừng như hồn hổ (La ha), hồn lợn rừng (Vạ tý ha), hồn hoẵng (Xi dà ha), hồn chuột (Pha chà ha), hồn sóc (Pha lo ha), hồn nhím (Pha pù ha); thậm chí cả hồn của những con vật dưới nước như hồn cá (Ngà ha), hồn lươn (Ti za vờ ha), hồn trạch (Ngà vừ ha)…; Tuy nhiên, người La Hủ không cho rằng những hồn ấy là những thế lực siêu nhiên bởi chúng không ảnh hưởng nhiều đến con người và cũng không có sức mạnh siêu phàm khiến cho con người phải sợ hãi.
Do quan niệm về hồn người quan trọng như vậy nên người La Hủ rất chú ý trong việc bảo vệ hồn người; Việc bảo vệ hồn thường được chú trọng ở người già và trẻ nhỏ; Đối với trẻ nhỏ, họ quan niệm hồn chúng rất yếu ớt và hay mải chơi mỗi khi đi xa. Vì vậy, mỗi khi cần địu trẻ nhỏ đi đâu xa, người ta thường đeo vào cổ chúng một củ gừng (chà chụi) hoặc một mẩu lá cây ọ mé (một loại cây thuộc họ sa nhân mọc nhiều ở vùng cao Mường Tè) để làm vật kỵ ma.
Một số những quy tắc khi lên rừng hiện nay người La Hủ còn nhiều người biết tới và còn thực hành như vào dịp tết dân tộc đầu tháng 10 hoặc tháng 11 âm lịch, kiêng 3 ngày không vào rừng hái rau, chặt cây trong rừng với ý nghĩa bảo vệ rừng, cầu cho quanh năm cây cối xanh tốt để cung cấp thực phẩm cho con người.
Người La Hủ luôn tin rằng có ông bà cha mẹ đã khuất theo giúp các thành viên trong gia đình, họ kiêng đi rừng và săn bắt vào ngày mất của ông bà, bố mẹ: vào ngày họ mất mọi thành viên trong gia đình không ai ra khỏi nhà, lên rừng hoặc đi xa nhà vì sợ ông bà không đi theo phù hộ; Ngoài kiêng ngày ông bà, bố mẹ mất người La Hủ còn kiêng ngày Hổ vì họ cho đó là ngày xấu, kiêng không lên rừng, đi xa.
Lên rừng nếu gặp con rắn còn sống nằm ngang đường mà đuổi nhiều lần không đi thì người đi rừng cũng quay trở về nhà mà không cố tình bước qua; con rắn là điềm báo những điểm gở, không may theo quan niệm của người dân. Sự tích kể lại rằng: Một ngày nọ, có một người đàn bà đi làm nương để con nhỏ ở nhà. Khi bà ta đi làm nương về gần đến nhà, thấy một con rắn nằm chắn ngang liền lấy cây gậy đập chết con rắn; về đến nhà, thấy con mình đang dãy dụa như con rắn rồi lăn ra chết. Từ đó, người La Hủ coi con rắn nằm chắn ngang đường là chuyện rất kỵ, phải kiêng. Nếu người đó đang làm việc quan trọng thì phải quay về hôm sau đi; nếu việc không quan trọng thì chỉ xua đuổi cho rắn đi chứ không được đập chết vì nó là linh hồn của người nhà mình.
Cho đến nay, người La Hủ vẫn bảo lưu khá bền vững hệ thống tín ngưỡng cùng các lễ nghi, nghi thức truyền thống của mình; các yếu tố tín ngưỡng của người La Hủ tương đồng với một số tộc người trong vùng như người Hà Nhì và người Thái; Tuỳ theo mỗi vùng mà mức độ ảnh hưởng và vấn đề ảnh hưởng có khác nhau. Nếu người Hà Nhì ở các xã sát biên giới Việt – Trung: Ka Lăng, Pa Ủ và Pa Vệ Sủ ảnh hưởng một số sắc thái tín ngưỡng của người Hà Nhì thì người La Hủ ở các xã sâu trong nội địa như Mường Tè xã, Nậm Khao, Bum Tở lại chịu một số tàn tích tín ngưỡng cổ của người Thái. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng chỉ diễn ra trong một số chi tiết nhỏ trong đời sống tín ngưỡng của họ; còn xét về tổng thể, người La Hủ ở các xã trong huyện Mường Tè vẫn khá thống nhất về tín ngưỡng dân gian, từ những quan niệm về lực lượng siêu nhiên và hồn cho đến các lễ nghi tín ngưỡng được thực hiện trong các gia đình và cộng đồng.
Đoàn Trúc Quỳnh