Trên đỉnh Tả Phìn

Đã hơn bốn mươi năm có lẻ, ông Sìn Sù Heng không đón tết ở quê.

Ngày mùng sáu tết, trong ngôi nhà trình tường ấm sực của cao nguyên Tả Phìn, ông Heng ngồi bên bếp lửa, lim dim mắt nhớ lại những ngày đón tết trên quê hương vừa qua. Càng ngẫm càng hiểu vì sao các cụ già thường bảo: “Chả đâu bằng đón tết trên quê mình”. Kể từ khi ông Heng được bố mẹ cho đi học xa, rồi làm việc cách nhà đến hơn nghìn cây số, tết của ông năm thì khóa cửa nằm nhà xem tivi. Năm lại ngập trong màu hoa mai, hoa đào tạo thế, dáng đủ kiểu và các loại rượu ngoại, đồ ăn sẵn. Ông ít về quê phần vì đã quen lối sống thị thành, phần do mặc cảm vợ con không ưng đón tết bình dị ở quê mình, phần vì cha mẹ ông khuất núi ngay từ khi ông bắt đầu học xong, chẳng ai trách nếu ông không về quê ăn tết. Lại có năm do ông thường xuyên phải nhận trực tết ở cơ quan. Huống chi cứ nghĩ đến ăn tết ở quê, lòng ông lại chạnh buồn. Ông viện cớ này nọ mãi, rồi lại thôi chặc lưỡi chẳng về…

Chẳng biết có phải do tính hay lần nữa của ông Heng hay không mà ngay cả đã nghỉ hưu vài năm, ông cũng chưa về ăn tết quê được. Mới qua tết cúng Táo Quân ngày hăm ba, cháu Sìn Lèng Sơn xuống tận nhà ông chúc tết nài nỉ:

– Bác về đón tết với nhà cháu một năm. Bố cháu năm nào cũng nhắc lâu lắm rồi không được đón tết bên anh trai. Hội nhập rồi nhưng tết quê mình vẫn giữ nguyên bản sắc như xưa nên cũng nhiều khách du lịch muốn đến chơi tết, ăn tết ở quê, bác ạ!

Ông Heng quyết định đón tết quê nhanh đến chính ông cũng ngỡ ngàng với bản thân mình. Gấp vài ba bộ quần áo, ông cùng cháu Sơn về quê đón tết. Ngay trên con đường cách quê hương mấy chục cây số, ông đã cảm thấy tim đập rộn ràng khi ánh mắt chạm phải những rừng hoa đào thấp thoáng sườn núi. Con đường bắc qua các rẻo núi cao chon von, lúc lại uốn lượn xuống thung lũng sâu hun hút. Màu hoa đào rừng hồng nhạt, hoa lê, mận trắng tinh khôi bao năm qua ông Heng chưa từng quên. Còn những vườn đào càng mọc trên cỗi cằn sỏi đá lại càng hồng rực, sắc màu ấm như muốn xua bớt lạnh giá cao nguyên. Khung cảnh thơ mộng gợi trong lòng ông Heng những mảng ký ức từ ngày còn niên thiếu…

 

Đó là ngày trong trái tim chàng thanh niên trẻ Sìn Sù Heng không thể nào quên. Đã đi chợ phiên bao lần. Rồi cũng bao lần qua dòng suối Hoàng Hồ thơ mộng, lần đầu anh Heng nghe thấy tiếng hát trong leo lẻo như thế! Giọng hát đối đáp của thiếu nữ Dao cũng đã nhiều lần anh Heng nghe rồi chứ! Nhưng lần này tiếng hát thật lạ. Như con bướm sặc sỡ đủ màu đậu vào vai áo, nghe rồi thì bước chân cứ ngẩn ngơ bước tới.

Bên kia suối là một cô gái trong màu áo chàm dung dị. Cô không vấn đầu mà thả tóc xõa che đi những đồng bạc và dây chỉ đỏ sau lưng. Chẳng để ý gì đến xung quanh, cô vẫn mải mê hát. Nhìn từ phía này, nửa gương mặt cô hồng lên vì bị nẻ mùa đông hay vì ánh nắng soi vào không rõ. Anh Heng ngồi bên này suối ngẩn ngơ theo tiếng hát mãi không thôi.

– Này, hôm nay tao bắt được quả tang mày cũng ngắm con gái nhé!

Heng giật mình quay lại, thì ra là Páo – bạn Heng. Heng bảo:

– Tao chưa gặp cô gái này bao giờ. Người ở bản nào vậy nhỉ?

– Bản Hoàng Hồ chứ bản nào. Nghe nói cô ấy tên là Thim. Hay mày sang bên kia suối hát đối với cô ấy đi. Mày đẹp trai thế, cô ấy ưng cái bụng ngay à!

– Thôi, tao về nhà đã. Hết mùa xuân, sang mùa hè, học xong lớp mười hai, tao sẽ bảo bố mẹ mang bạc đến hỏi cưới cô ấy…

Xuống trường rồi, anh Heng vẫn tơ tưởng mãi giọng hát của Thim và không thôi mường tượng dáng vóc thoải mái của cô gái hát đối bên suối. Chỉ đến khi bố mẹ anh báo về nhà ngay vì Phù – em trai anh cưới vợ vào những ngày tháng tư, mùa hoa ban nở thì anh mới nghĩ đến việc vào bản Hoàng Hồ tìm Thim.

Mới sáng sớm mà nhà trong, nhà ngoài đã ồn ã tiếng chiêng trống của đoàn rước dâu. Cô dâu vóc người thon lẳn trong trang phục truyền thống. Dàn cúc bạc trắng xóa hình chữ nhật nổi bật trên màu áo chàm đen. Chiếc khăn quấn đầu dài những mười mét được xếp theo hình tam giác, trên đó quấn một tấm màn đỏ. Đã quen với phong tục của dân tộc mình nên Heng không cảm thấy lạ lẫm. Chỉ khi bàn tay Phù run run mở tấm vải đỏ, gương mặt xinh xắn, hồng hào của Thim hiện ra, Heng mới cảm thấy đau tức hết vùng ngực. Anh ôm ngực lảo đảo bước ra bên ngoài. Những dãy cỗ bàn ẩm thực vùng cao chỉ khiến anh thêm hoa mắt. Anh dặn lại với mẹ rằng do có việc nên anh phải xuống trường gấp, không kịp dự hết ngày vui của người em…

Sau những ngày ôn miệt mài, Heng đỗ đại học và là người con đầu tiên của bản đi học xa như thế! Tháng năm thấm thoắt như những mùa lịch tết gỡ xuống, treo lên tấm mới. Heng vẫn nhớ như in lần đến thăm nhà em trai, tặng quà cho bốn đứa cháu lít nhít, sàn sàn nhau khi anh còn chưa chịu lập gia đình. Bữa cơm của dân tộc Dao, phụ nữ, trẻ em ngồi trong gian bếp. Ít khi anh chạm mặt, nói chuyện với Thim. Chỉ biết cô ấy làm việc quần quật, hết lòng chăm sóc gia đình, con cái. Có đôi khi cô ấy như cũng lén nhìn anh, rồi thôi! Cô gái có giọng hát đối đáp ngọt lịm ấy ra đi cũng trong một ngày trời mù sương. Khi nghe được tin báo, trong lòng ông Heng không khỏi bồi hồi. Búi chỉ rối trong lòng ông như đã tự gỡ ra tự thuở nào… Trong lòng ông không còn nổi sóng cồn vì mỗi năm mỗi tuổi, ai rồi cũng chọn cách sống trầm lặng đi.

Trước ngày tết, ông Heng cùng cháu Sơn đi chọn cành mận, cành đào để trang trí bàn thờ tổ tiên. Cẩn thận thắp hương trước gốc cây để xin lộc, ông Heng chọn tìm những cành đào, cành mận có nhiều chồi, búp cho nhiều lộc trong năm mới. Chiều ba mươi tết, ông Heng có dịp ôn lại chuyện của trong bữa cơm sum họp của gia đình và được giới thiệu lại về con, cháu dòng họ Sìn, có những người trong năm tháng xa quê, ông Heng thậm chí còn chưa gặp mặt lần nào. Ngày mùng một, thức dậy bên bếp lửa ấm, Phù húng hắng hỏi anh trai:

– Anh còn nhớ khi còn sống, mẹ mình dặn những gì phải kiêng trong ngày hôm nay không?

Ông Heng bật cười:

– Xa quê nhưng anh vẫn chưa quên. Mẹ bảo hôm nay kiêng không ăn rau để năm sau cỏ không mọc nhiều trên nương rẫy, kiêng không ăn canh vì sợ khi cấy lúa sẽ gặp mưa, kiêng không đi chơi xa và không ăn cơm ở nhà người khác.

Ông Phù vui mừng nhìn ông Heng, ánh mắt đã răn reo bỗng sáng hơn ấm áp nhìn anh. Anh trai là niềm tự hào của cả họ. Nhưng quá lâu rồi anh ấy không về thăm quê. Còn may là anh ấy nhớ mọi phong tục tập quán của dân tộc mình…

Mùng hai tết. Ông Heng có buổi gặp mặt bạn cũ sớm. Ở độ cao hun hút so với mực nước biển, bản Tả Phìn sáng mùa xuân từ những cọng cỏ, vườn rau xanh um sau vườn, cây thông trước cửa nhà… đều trắng xóa sương muối. Trong cái lạnh của mùa xuân còn níu kéo mùa đông, không gian vang lên tiếng hát thiết tha, đằm thắm, câu hát giao duyên trong mùa gọi bạn làm lòng người xao xuyến, bâng khuâng. Trên bếp lửa rực hồng, ông Heng cùng bạn cũ mời nhau thứ rượu “chưa uống đã mềm môi” – đặc sản bản ông. Rượu nặng, lại được cất ủ dưới đất nên khi bàn tay to bè của ông Páo – bạn đồng niên của ông Heng mở bình rượu nào, mùi thơm lựng của ngô cũng tỏa lan khắp nhà. Ông Páo khoe:

– Bao năm qua mình chỉ cất, ủ rượu ngô men lá quê mình mà đủ nuôi các con học xong đại học, Heng ạ! Giờ thì rượu ngô quê mình đã ngon nổi tiếng khắp vùng. Rượu ngô men lá được đóng chai cẩn thận, có cả thương hiệu rồi bán khắp các cửa hàng, mỗi phiên chợ.

Ông Heng chỉ cười nhẹ, đôi mắt lim dim say sưa thưởng thức vị rượu thơm hảo hạng quê mình cùng những người bạn từ thời còn trai trẻ. Ông thử bật xòe ngọn lửa trên cốc rượu, cốc rượu nặng cháy lên, hơi rượu nồng nồng làm hồn người chếnh choáng. Chén rượu ngô thơm lừng, nhịp nhàng, sóng sánh truyền tay chủ, khách. Mùa xuân lạnh giá bỗng ấm sực lên trong đáy mắt long lanh. Bên chén rượu ngô, ông Heng xúc động khi lại được thưởng thức đặc sản quê hương mình: đó là món bánh chưng đen được làm từ những hạt gạo nếp trắng, mẩy, khi gói trộn gạo với than cây màng tang giã nhỏ, nhân bánh là một miếng thịt mỡ thái dài được ướp thảo quả, khi ăn để lại nơi đầu lưỡi vị béo ngậy. Bánh mật ở quê lại được các chị, các bà làm bằng bột gạo nếp xay nhuyễn trộn với đường phên rồi đồ lên, sau đó đổ ra phên để cắt từng miếng ăn dần trong dịp tết. Ngoài các loại bánh, những món ăn: canh gừng đập dập nấu với thịt gà chặt miếng to, đậu phụ thái hình tam giác rồi nhồi thịt băm đã ướp gia vị rán vàng ươm, gạo nếp trộng cùng tiết sống và bột thảo quả nhồi lòng lợn rồi luộc… gợi nhớ bàn tay người mẹ của ông Heng tảo tần sớm khuya ngày nào.

Chơi xuân ở quê ông Heng không giống với bất cứ thú vui tao nhã nào ở nơi thành thị. Bao năm trôi qua rồi mà ngày mùng ba tết, khi cùng ông Páo đến sân bóng rổ của bản, ông Heng vẫn rực trong lòng hồi ức thuở ấu thơ cùng bố ra sân. Gọi là sân bóng rổ cho oai chứ đó chỉ là một khoảng đất bằng để mọi người trong bản rèn luyện thể dục. Ông Heng chăm chú theo dõi các đội thi tài và tâm trạng thêm phần vui tươi, phấn khích trong tiếng reo hò, cổ vũ của bà con trong bản. Ông chợt nhớ hình ảnh bố mình – một cầu thủ bóng rổ cừ khôi có tiếng của vùng, mẹ gặp bố, rồi nên duyên cũng từ sân bóng rổ…

Nghĩ về quê mình, ông Heng thấy lòng ngập tràn bao xúc cảm, bâng khuâng, xao xuyến. Dịp tết quê vừa rồi, ông đã tìm lại được tất cả tuổi thơ, kỷ niệm, những xao xuyến đầu đời và có thêm những niềm vui mới. Vùng quê cao nguyên với những áng mây trắng bồng bềnh nơi đầu núi, mùa xuân phủ lên cảnh vật màu xanh non, tươi mới; cảnh sắc thanh bình, con người nơi đây gần gụi, chân chất, thuần hậu … khiến ông Heng chợt hiểu vì sao sau những vất vả mưu sinh, ai cũng cố gắng thu xếp thời gian, công việc để trở về quê hương bản xứ ăn tết với gia đình.

Phùng Hải


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.