Ngỡ như có thể chạm tay đến trời, mây cuồn cuộn vờn lưng núi, mây sà xuống bản làng, mây rượt bắt nhau trên mặt sông xanh biếc… Pú Đao miền đất chưa có nhiều du khách đặt chân tới, nên nơi này còn giữ được vẻ nguyên thủy hoang sơ của cảnh quan, sự chất phác mộc mạc của con người xứ núi…
Pú Đao – địa danh được hãng du lịch Gecko Travel (của Anh) bầu là một trong năm điểm leo núi hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Còn trang web du lịch quốc tế gonomad.com, Siobhan McGeady cũng ca ngợi Pu Dau (Pú Đao) là một điểm đến đẹp bất ngờ và thân thiện. Muốn leo lên đỉnh Pú Đao, du khách phải phải bắt đầu từ bản Nậm Đoong, rồi men theo con đường bạt ngàn hoa nghệ đen mà dân bản thường gọi là “đường chó chạy”. Người dẫn đường của đoàn lên Pú Đao hôm nay là già bản Giàng A Khua, dân tộc Mông ở bản Nậm Đoong. Từ lâu, già bản Giàng A Khua được bà con trọng vọng gọi là “bố”, bởi việc làng, việc bản chưa khi nào thiếu, xuân này “bố” đã gần 75 tuổi mà bước chân cứ vâm vâm như trai tráng. Theo tiếng Mông, Pú Đao nghĩa là “điểm cao nhất”, và câu nói của người Mông vùng này chưa bao giờ sai: “Không có đỉnh núi nào cao hơn đầu gối người Mông” – đó cũng là khát vọng chinh phục những đỉnh cao và thể hiện tập quán thích định cư trên núi cao của người Mông ở Pú Đao là như thế.
Lên tới đỉnh Pú Đao, cả đoàn ngỡ ngàng trước khung cảnh đẹp thơ mộng còn hoang sơ như miền cổ tích. Có lẽ đến giờ này, già bản A Khua là một trong những chứng nhân lịch còn lại của vùng đất Pú Đao xưa. Ông kể: “Lúc nhỏ ta đã thấy có một sân bay dã chiến ở đây, nghe các cao niên trong bản kể là do người Pháp xây dựng, lâu chẳng ai để ý, giờ cỏ cây mọc um tùm hết cả”. Rồi ông giới thiệu cho chúng tôi biết các vị trí mà trước đây ngổn ngang những công sự bằng đá, tất cả giờ chỉ còn là phế tích. Có lẽ, ngoài sự độc đáo khám phá văn hóa bản địa của người Mông Pú Đao thì tới đây du khách được tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ cùng cảm giác mạo hiểm khi uốn lượn theo cũng đường ngoắt ngoéo đến mê hồn của vùng đất “kín tiếng” trong ngành du lịch. Anh Quách Văn Thu – cán bộ kiểm lâm huyện Nậm Nhùn, người có gần 20 năm mòn gót trên những con đường rừng với công việc hàng ngày trông giữ, bảo vệ rừng. Có lẽ do tính chất công việc hàng ngày tuần tra kiểm, đếm; không biết từ khi nào cái thú đam mê chinh phục những điểm cao ngấm vào không rõ. Anh tâm sự: “Trước đây muốn leo lên đỉnh Pú Đao phải đi bộ từ lúc trời còn mờ tối đến khi hoàng hôn mới lên tới đỉnh, mệt nhưng thú vị lắm. Khi ấy mặt trời sắp lặn, những tia nắng cuối ngày nơi chóp núi, cùng với mây luồng, nắng lọt xuyên thẳng xuống mặt sông đà như một chiếc gương khổng lồ lấp lánh; hẳn sẽ là “trúng mánh” cho các tay máy thích độc chiếm những khoảng khắc riêng có”.
Lên Pú Đao du khách được mãn nhãn khi ngắm nhìn từng đàn bò béo mầm đang nhẩn nha gặm cỏ trong khung cảnh thanh bình. Con đường mòn bé tí một bên là núi cao, một bên là vực sâu, có những đoạn đường dốc thẳng đứng, chúng tôi phải kéo tay nhau mới qua nổi, càng lên cao không gian liên tục thay đổi theo sự quanh co của cung đường. Đặt chân lên điểm cao nhất ở Pú Đao mới cảm thấy ý nghĩa thực sự của hành trình, cảnh sắc bao la, hùng vĩ với bốn bề núi sông hội tụ. Từ điểm này nhìn xuống mới thấy được sự kỳ vĩ của sông Đà, con sông đã đi vào lịch sử, vào văn chương, nhạc họa, con sông mà ngòi bút của nhà văn ưa chủ nghĩa “xê dịch” Nguyễn Tuân ngoài miêu tả vẻ trữ tình, lãng mạn, thì có lúc nó như những con “thủy quái” hung tợn. Bởi sự hùng vĩ của sông Đà còn ở tiếng gầm của thác: hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gầm ghè suốt năm. Âm thanh của tiếng nước đổ nghe như tiếng người. Cũng oán trách, cũng kêu van rồi lại khiêu khích giọng gằn mà chế nhạo… Nay dòng sông “hung bạo” kia đã bị chế ngự bởi bàn tay của những con người yêu lao động, đang ngày ngày dựng xây, kiến thiết cho đất nước thêm cường thịnh, phát triển xứng tầm với thời đại. Cũng từ điểm cao này nhìn xuống, sông Đà hòa chảy cùng dòng Nậm Na tạo nên một ngã ba sông huyền thoại với những địa danh lịch sử một thời như: Lai Hà, Hang Tôm, Đồi Cao, Mường Lay, Lê Lợi…
Điều đặc biệt ít ai biết khi lên Pú Đao là vào sắp hoàng hôn nhìn xuống lòng sông, khi ấy dòng Đà giang cắt ngang hai dãy núi tạo thành một chữ V lớn. Người dân nơi đây cho biết: Trong một năm, có vài ngày mặt trời lên chính giữa chữ V, khi ấy sự hồi quang ánh sáng hắt lên bề mặt những dãy núi tạo thành cảnh tượng kỳ thú, phía trên còn mờ tối mà phía dưới đã sáng lấp lánh. Những tia nắng đầu tiên ló rạng từ lưng chừng núi, bình minh nơi đây thật huyền ảo. Ban mai của một ngày mới xuyên qua màn sương mỏng rọi xuống mặt sông Đà ví như những chiếc dây cáp được làm bằng pha lê trong suốt. Và từ đây, đứng trên điểm cao Pú Đao nhìn chếch về phía bên trái, cạnh dòng Nậm Na là những cánh đồng màu mỡ chạy dài tít tắp như đang bồi đắp, ôm ấp lấy vùng đất trù phú xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ). Phía bên phải dòng Đà Giang là công trình nhà máy Thủy điện Lai Châu có công suất 1.200MW với 3 tổ máy, khởi công xây dựng ngày 5 tháng 1 năm 2011 và khánh thành tháng 12 năm 2016, sớm hơn 1 năm so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Thủy điện Lai Châu là công trình thủy điện cấp Quốc gia có vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, không chỉ cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo cơ hội phát triển – kinh tế xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh – quốc phòng khu vực Tây Bắc. Phía bên trái có một dãy núi thoải xuôi theo hướng sông Đà, rồi bất ngờ thẳng đầu vươn dậy như một chú chim đại bàng với chiếc đầu dũng mãnh. Nhìn nghiêng sang bên phải núi ta sẽ mường tượng toàn cảnh nơi này như một chú hổ phục. Đó chính là vị trí đỉnh núi Pú Huổi Chỏ bên bờ sông Đà, thuở xưa nơi đây, thân chinh Vua Lê Thái Tổ trực tiếp chỉ huy các đạo quân lên dẹp loạn phương Bắc. Sau khi dẹp xong quân phản loạn, nhà vua đã đề thờ khắc bia tạc vào sử sách, nơi hội tụ linh khí đất trời, đánh dấu chủ quyền cương thổ của nước Đại Việt ta. Trong khung cảnh nên thơ ấy, chúng tôi quây quần bên mâm cơm rải lá rừng và nghe bà con kể những câu chuyện thời xưa, khi người Mông khai hoang ruộng nước, chinh phục những đỉnh núi cao để lập bản, dựng mường. Những năm gầy đây, bà con chung tay cùng các cấp chính quyền xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ hơn, những ngôi nhà kiên cố, khang trang được xây dựng, những con đường trải bê tông phẳng lỳ nối tới tận các bản. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên, người dân phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự, các nét văn hóa truyền thống được lưu giữ. Việc tích cực trồng và giữ rừng đã giúp Pú Đao được đánh giá là một trong những xã của huyện Nhậm Nhùn làm tốt công tác bảo vệ môi trường rừng.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV nhiệm kỳ 2020 – 2025 là: “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, phát triển văn hóa gắn với du lịch…”. Chia tay bà con khi những cánh hoa đào, hoa mận đang rung rinh trong gió xuân càng làm cho Pú Đao trở nên thơ mộng huyền ảo. Pú Đao – cái tên “điểm cao nhất” thật xứng danh là một trong những điểm khám phá hấp dẫn nhất nhì vùng Tây Bắc.
MINH HÀ