Tô Văn – nhạc sĩ của vùng biên

Lai Châu – miền đất của huyền thoại, đã gieo thương nhớ trong lòng nhiều thế hệ nhạc sĩ, bật lên thành những bài hát được lan tỏa đến đông đảo khán giả. Nhạc sĩ Tô Văn cùng những sáng tác gắn với đất và người Lai Châu, đã khẳng định được “thương hiệu” của mình với nhiều giải thưởng danh giá trong nước, tạo được hiệu ứng lan tỏa, góp phần đưa hình ảnh Lai Châu đến với nhiều khán giả trong và ngoài tỉnh.

Âm nhạc luôn là nghệ thuật giàu cảm xúc, có khả năng truyền tải cao đến khán giả. Lay động lòng người bằng ca từ, giai điệu cũng như tiết tấu. Gắn bó với Lai Châu từ năm 2011, thầy giáo dạy môn âm nhạc Tô Văn đã biến những rung động với cảnh sắc thiên nhiên nơi đây trở thành những ca từ tha thiết, thanh âm dìu dặt, lúc bổng lúc trầm để thăng hoa trong những sáng tác âm nhạc của mình. Am hiểu về miền đất mình sinh sống, nhạc sĩ trở về với những gì là văn hóa dân gian bản địa, với cội nguồn dân tộc trong những sáng tác: “Thương lắm inh lả ơi”, “Mời anh về Lai Châu”, “Chợ phiên vùng cao”… Không gian âm nhạc của Tô Văn có nhạc điệu của miền núi và tiếng lòng của thiên nhiên vùng cao: “Lời em hát/ Câu hát đưa anh về… Về Lai Châu đi anh/ Quê hương em đẹp lắm đó/ Một sắc màu chợ phiên… Đi chợ phiên, chạm sương mai, nhịp váy xòe tung đuôi ngựa/ Gà rừng còn chưa mở tiếng/ Điệu khèn môi dập dìu trong sương…/ Đi chợ phiên, đi cùng anh, đi từ khi rừng đang ngủ ngon/ Lối này: gạo trắng, tẻ râu, dãy kia nhuộm màu thổ cẩm/ Lối này thảo quả mật ong, dãy kia nấm hương, mận chín”– (Về Lai Châu ta đi chợ phiên). Lắng nghe giai điệu đã níu hồn khán giả, mời gọi trở về trong men say vòng xòe, trong dập dờn sóng lúa, tiếng nhạc ngựa khua vang nơi đầu dốc chợ phiên…

Gắn bó với Lai Châu, không chỉ lễ hội, dân ca dân vũ, dân tộc neo những cảm xúc trong hồn nhạc sĩ, Tô Văn còn trăn trở với từng con người đang ngày ngày hi sinh thầm lặng ở nơi biên giới. Đó là những thầy cô giáo miệt mài trong sự nghiệp trồng người ở ca khúc “Gieo chữ trên rẻo cao”; là hình ảnh người chiến sĩ công an trên vùng biên giới trong các ca khúc: “Bình yên nơi biên cương”, “Yêu anh chiến sĩ Công an”, “Hát về anh người con của Tổ quốc”. Là hình ảnh người mẹ tần tảo trong ca khúc “Lời ru mẹ tôi”… Trong sáng tạo nghệ thuật, cần nhất là hướng đến con người và sáng tác những tác phẩm có chiều sâu, ca từ thấm thía, chạm vào trái tim khán giả, thì chính đề tài này của nhạc sĩ Tô Văn đã phát huy được điều đó. Với những cống hiến sáng tạo không ngừng nghỉ, năm 2014, nhạc sĩ Tô Văn được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa là nơi sinh ra, trưởng thành của nhạc sĩ Tô Văn. Lai Châu trở thành quê hương thứ hai của nhạc sĩ, với công việc đời thường giảng dạy âm nhạc ở Trường Trung học cơ sở Đoàn Kết, thành phố Lai Châu. Là giáo viên âm nhạc, anh đã truyền tình yêu cháy bỏng với âm nhạc của mình cho các em học sinh. Đặc biệt là anh phát hiện ra những học sinh có tài năng âm nhạc thiên phú và đào tạo, bồi dưỡng nhiều em trở thành cây văn nghệ, có khả năng đàn, hát và tham gia nhiều giải thưởng trong và ngoài tỉnh, “gặt hái” nhiều huy chương đáng giá. Trong mỗi buổi học nhạc vào cuối giờ, các em sau thời gian ôn luyện kiến thức, đã được nghỉ ngơi khi đắm trong thanh âm trong trẻo và có dịp bộc lộ năng khiếu của mình. Ca nhạc khiến các em thêm tự tin, am hiểu về nghệ thuật, từ đó tinh thần được thoải mái để tiếp tục cập nhật các kiến thức khác. Không gian học nhạc của thầy và trò là một không gian mở, ở đó, cả thầy và trò đều thả lỏng và truyền cho nhau niềm đam mê từng giai điệu, tiết tấu, hòa trong câu ca, điệu nhạc.

Đa phong cách về đề tài sáng tác là những gì nhạc sĩ Tô Văn đang hướng đến. Không chỉ “nhốt” mình trong lối mòn, là một nhạc sĩ trẻ, anh luôn lắng nghe những chuyển động âm nhạc trong và ngoài nước, từ đó có những điều chỉnh, định hướng riêng cho con đường phía trước của mình. Không bất ngờ khi thấy anh có những tác phẩm bứt phá nổi trội, mang tính thời sự trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 đã trở thành “đề tài nóng”: “Những bông hoa nở giữa mùa dịch”, “Hát về những chiến binh thầm lặng”… được nhạc sĩ thai nghén và ra đời kịp lúc, không chỉ lan tỏa trong tỉnh mà cả nước đã biết tới, kịp thời ghi dấu cho nhạc sĩ Tô Văn những giải thưởng trong giai đoạn này.

Từng tấm bằng khen, giấy khen dù ở Trung ương hay địa phương đều được nhạc sĩ Tô Văn đặt trân trọng trên giá trong phòng sáng tác nhạc. Đó là những giải thưởng: Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Giải thưởng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Giải Thưởng Bộ Công An, Giải thưởng Trung ương Đoàn, Giải thưởng Tổng cục chính trị, Giải thưởng Báo giáo Dục thời đại, Giải thưởng Báo – Truyền hình Hà Nội, Giải thưởng VHNT tỉnh, Giải thưởng cuộc thi sáng tác ca khúc về Lai Châu… Với anh mỗi tác phẩm đoạt giải là một kỷ niệm riêng, và phần thưởng lớn nhất của người sáng tác chính là khi tác phẩm của mình được cất lên và được khán giả nhớ đến.

Hành trình viết tiếp theo với Tô Văn luôn gian nan khi phải vượt qua chính những thành công mình đã đạt được và tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới. Nghề viết cần sự lao động cực khổ và thầm lặng, nhưng tác phẩm khi ra đời chính là dành cho khán giả thẩm định và công nhận. Các tác phẩm trong thời gian tới của nhạc sĩ Tô Văn sẽ nối tiếp những hình ảnh núi rừng đại ngàn, nét đẹp của con người, bản sắc văn hóa nơi đây cùng với tiết tấu âm hưởng dân ca dân tộc và ca từ sâu lắng. Âm nhạc không chỉ là phút giây cho tâm hồn con người ngơi nghỉ và thăng hoa. Âm nhạc hiện nay còn tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Lai Châu, góp phần quảng bá, giới thiệu đất và người biên cương và đồng hành cùng những dịp lễ hội lớn của tỉnh. Du lịch muốn cất cánh, ngoài việc lan tỏa bằng hình ảnh, cũng cần đến những giai điệu đại ngàn mời gọi khách gần xa… Trong những đêm nhạc lớn của tỉnh, người nhạc sĩ thầm lặng đứng phía bên dưới, thưởng thức đứa con tinh thần của mình, lấy đó là động lực trong những sáng tác tiếp theo.

Một trong những trăn trở của nhạc sĩ, thầy giáo Tô Văn là việc nhen nhóm tình yêu âm nhạc cho những thế hệ trẻ. Trung tâm Piano Lai Châu được anh mở từ năm 2016, hiện đã có gần 60 lượt học sinh các lứa tuổi từ 5 – 14 tuổi theo học. Từ trung tâm này, năng khiếu các em thực sự được ươm mầm và chắp cánh, không chỉ  nâng cao hiểu biết, cảm thụ về âm nhạc cho các em mà còn là sân chơi thực sự để các em giao lưu, học hỏi với các bạn cùng sở thích với mình. Niềm vui lớn nhất là từ nơi đây, nhiều em đã thi đỗ và đang theo học âm nhạc tại các trường nghệ thuật lớn như: em Nguyễn Thái Hưng hiện là Sinh viên của Học viên Âm nhạc Quốc gia TPHCM, em Minh Nhật hiện là sinh viên khoa Âm nhạc của Trường Đại học sư phạm Hà Nội…

Những ánh mắt trẻ thơ đen tròn, trong trẻo, chăm chú dõi theo thầy dạy cách thẩm âm, từng nốt nhạc với sự điêu luyện của ngón tay, bật lên từng âm thanh tinh tế. Trong không gian âm nhạc chuyên nghiệp này, tâm hồn các em được bồi dưỡng thêm giàu có, mở lòng với thiên nhiên, con người bằng cách thức tinh tế, hiệu quả nhất. Biết lắng tai nghe mỗi thanh âm từ quê hương, xứ sở, thấy mắt nhìn cuộc sống thêm lý tưởng và tươi đẹp. Những cô, cậu bé hôm nay ngồi ở đây, mai sau mang trong mình một tâm hồn âm nhạc giàu có và thẩm mỹ âm nhạc tinh tế, sẽ có em trở thành ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ hoặc bất cứ nghề nào có ích cho xã hội và phát huy năng khiếu của mình để làm đẹp cho đời và cho môi trường mình sinh sống, làm việc.

Kết thúc những công việc hàng ngày với giờ dạy âm nhạc bổ ích trên lớp với các em học sinh và giờ dạy piano, cũng là thời điểm nhạc sĩ Tô Văn dành thời gian riêng cho việc sáng tạo tác phẩm. Trong không gian lao động nghệ thuật của mình, nhạc sĩ tiếp tục thực hiện những hoài bão, dự định sáng tạo trên hành trình sáng tác gian lao mà không kém những vinh quang. Nhạc sĩ Nguyễn Thành Chung – Chi hội Trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Lai Châu cho biết: “Những cố gắng không mệt mỏi của nhạc sĩ Tô Văn sẽ góp phần cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, khắc họa sinh động đời sống kinh tế – xã hội cùng truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc về vùng đất và con người Lai Châu trong quá trình hình thành, phát triển và hội nhập”.

MINH VĂN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.