Tình yêu biên giới

Đất trời biên cương một chiều đầu xuân ấm áp. Sắp đến hoàng hôn, những đám mây bạc tản ra trên triền núi thâm u.

Hữu Thi – tên anh bộ đội biên phòng đi công tác qua đường nhìn thấy đôi chim chào mào chuyền nhẹ trên cành xoan. Anh nghĩ: “Hạnh phúc đơn sơ giữa cây cỏ đất trời cho ta thêm tin yêu cuộc sống, tình yêu của người cũng tựa đôi chim”.

Hôm ấy, Hữu Thi gặp Thào Sinh vai mang lu cở, vác cuốc, chân lê lết trên nương xuống, không bước nổi vì bị thương do cây nhọn xuyên thấu bàn chân. Chiều muộn đang loay hoay không biết làm sao thì ông Nhận đi tới nhìn thấy nói: “Đau thế này không đi được thì chỉ cõng thôi!”. Thi liền cõng Sinh về nhà ông Nhận, đun nước rửa vết thương băng bó cho Sinh. Rồi Thi lên đồn biên phòng lấy ngựa đưa Sinh về bản.

Ông Nhận là cán bộ trạm khí tượng thủy văn, hàng ngày theo dõi ghi chép lại diễn biến của thời tiết, đo nhiệt độ, lượng mưa. Ông chuyển vợ con lên định cư, vợ ông bán hàng tạp hóa. Ông Nhận quen biết nhiều người, từ anh chiến sĩ biên phòng, anh cán bộ nông lâm, thầy giáo…  Phố nhỏ đông vui, ngày chợ phiên người ta bày bán nhiều sản vật, thắng cố ngựa, bánh bao… Có những ngày không khí vùng biên không được êm ả cho lắm. Những chuyện vặt vãnh làm cho dân bản bên này biên giới căng thẳng, chuyện bản trên, bản dưới mất trâu, chuyện dân bên kia biên giới sang xâm canh đất bản bên này. Tuy người dân biên giới luôn tôn trọng tình hữu nghị nhưng họ không lơ là cảnh giác bởi đó là bài học truyền thống bao đời cha ông.

Sau ngày vui tết, mùa xuân hiện hữu trên cây đào, cây mận. Những chùm quả non tơ hẹn ngày cho trái ngọt… Buổi chiều muộn, đoàn dân quân và bộ đội biên phòng diễn tập hợp đồng tác chiến trở về qua phố. Ông Nhận từ trong nhà bước ra cửa gọi:

– Chú Thi, chú Quảng… cả các bạn dân quân xã kìa, cô Sinh, cô       Mẩy nghỉ chân vào tôi uống chén nước!

Đoàn  người vẫy tay chào ông Nhận mà vẫn đi. Anh Thi dừng lại trả lời:

– Cám ơn bác, giờ chúng cháu xin phép vì cũng muộn rồi. Các đoàn về trước đang chờ rút kinh nghiệm trên đồn.

Ông Nhận nói:

– Ừ, thì tôi biết là bận rồi nhưng phiên chợ mời chú xuống chơi, nhà tôi có việc!

– Tình hình bây giờ không hứa trước được. Tuần này cháu cũng còn dạy lớp xóa mù chữ bản dưới nữa, dịp khác bác Nhận ạ!

Thi vội chạy nhanh theo đoàn. Ông Nhận thầm nghĩ: “Thấy chú ấy khang khác, có vẻ khẩn cấp, chắc là xảy ra chuyện gì đây!”

Bộ đội biên phòng và dân quân địa phương họp trên đồn đã giải tán. Trăng thượng tuần gác núi mờ ảo. Người bước nhanh lặng lẽ trong sương mờ, trời biên cương là vậy. Hai người đi bên nhau, bộ đội biên phòng Thi tiễn cô dân quân Sinh về bản. Họ nói chuyện chỉ hai người nghe. Thi hỏi:

– Sinh nói với bố mẹ là gia đình anh dưới xuôi lên xin dâu chưa?

– Em nói rồi! Bố mẹ sẽ đồng ý thôi!

– Tối nay em có đi học bổ túc nữa không?

– Có chứ, bận mấy em cũng học mà, chỉ nghĩ lo chuyện khác thôi.

– Anh cũng mong sao được bình yên để đến mùa thu cha mẹ anh lên bản thăm gia đình em, còn tính chuyện tương lai cho chúng mình…

Trời lạnh, gió núi lùa về và sương sa ẩm áo. Những ngôi sao khuất trong mây lúc ẩn, lúc hiện như trời đất dõi theo hai người. Đến ngã ba  đường, họ chia tay nhau, Sinh sắp rẽ sang đường về bản. Thi nắm chặt tay Sinh dặn:

– Em nhớ có thế nào cũng giữ vững tinh thần nhé!

– Vâng, em nhớ rồi mà!

Vẫn khoác khẩu súng trường trên lưng, Sinh đi như chạy. Thi đứng nhìn, khi bóng Sinh khuất sau ngôi nhà đầu bản, Thi mới yên tâm trở về đồn.

Trời rét, Thi ngủ mơ màng nhưng giấc ngủ của người lính biên phòng luôn có phản xạ: Từ ngọn gió lùa qua mái nhà, tiếng chim vỗ cánh trong đêm, tiếng ngựa hí… đều có thể cảm nhận được. Vào một đêm, đang trong giấc ngủ bình yên, khoảng gần sáng, có động Thi bừng tỉnh giấc, nghe tiếng ngựa của đồn hí vang, móng ngựa nện xuống mặt nền lộc cộc, nghĩ ngựa sổng chuồng Thi bật dậy, cả doanh trại bộ đội thức giấc! Lạ thế, không phải ngựa sổng chuồng, trời sáng tinh mơ.

Bỗng nghe như tiếng sấm vang rền, mặt đất rung chuyển, mỗi khắc như lại gần thêm, rồi đất bụi tung mịt mù. Tiếng đạn pháo, súng trường liên thanh cấp tập trên một dải đất rộng dài suốt dọc biên cương. Từng loạt pháo nổ ùng ùng chát chúa, xới tung mặt đất phá tan chuồng ngựa, sập một góc đồn. Nhưng mấy con ngựa đã chuyển đi ngay trước đó. Trên đồn biên phòng không còn ai. Bộ đội đã vận động lên trận địa. Một toán dân bản trên chạy sơ tán cho biết có lính giặc đông lắm. Bộ đội địa phương, biên phòng cùng dân quân du kích kiên cường bám trụ, tiêu diệt sinh lực địch. Dân quân lâm trường Pa so, Sin Cai, dân quân tự vệ Nông trường Tam đường chi viện phối hợp tạo nên một phòng tuyến vững chắc. Dân quân Ma Ly chải, Vàng Ma Chải dựa vào địa hình hiểm trở tăng cường hoạt động du kích làm cho địch thêm hoang mang. Tổ chiến đấu của Thi giữ chốt trên điểm cao. Trong một trận chiến đấu dũng cảm giữ chốt, Thi bị thương, anh đang bò thì sảy chân bị rơi xuống vực thẳm….

Ngày quân xâm lược rút đi, người dân đi lánh nạn quay trở về. Người từ rừng sâu ra, người từ huyện Than Uyên, Tam Đường trở lại. Có vui mừng, nhưng trên mặt mỗi người cũng hằn lên nỗi vất vả gian truân và cả sự lo lắng. Vợ chồng ông Nhận sơ tán trở về, đứng trước ngôi nhà bị đánh sập, bà khóc rưng rức. Ông Nhận an ủi vợ:

– Thôi đừng khóc nữa bà, cả vùng này tan hoang, đâu chỉ riêng nhà  mình, giờ ta sẽ làm lại!

– Thì vậy, nhưng bây giờ cho con ở đâu?

– Không lo, tôi che cái lán bên kia nghỉ tạm chờ dựng lại nhà.

Ông Nhận đi bộ đội phục viên về chuyển sang ngành khí tượng thủy văn mới lấy vợ. Ngoài bốn mươi, ông mới có mụn con gái còi cọc, ông bà rất yêu quý con. Ông Nhận nghĩ: “Đây là một thử thách, nhất định phải vượt qua”. Phố núi đã dần rộn ràng, tấp nập trở lại.

“Chiến sự qua rồi, có mấy người sao vẫn biệt tăm như anh Thi, anh Quảng. Hay các anh đã hi sinh? Mới tối hôm nào anh còn bảo đi bản dạy xóa mù chữ mà…”. Ông rơm rớm nước mắt tự nhủ: Chắc là bộ đội biên phòng trên đồn cũng bận rộn, cứ chờ xem!

Thời gian trôi qua, cuộc sống vùng biên ải được khôi phục dần. Nhưng một tháng… rồi ba tháng… vẫn bặt tin.

Một buổi chiều, mấy anh bộ đội biên phòng đi qua phố, trong đoàn có một anh thương binh bị cụt một tay và cô gái người Mông luôn gặp người quen chào hỏi. Họ dừng lại trước nhà ông Nhận phân vân, có thể vì nhà ông dựng lại nên mất dấu xưa. Bà Nhận ở trong nhà bước ra hỏi:

– Các chú hỏi nhà ai đấy?

– Chúng tôi hỏi nhà ông Nhận.

– Nhà tôi đây ạ! Ông Nhận ơi – bà gọi – Có các chú bộ đội trên đồn xuống chơi này, mời các chú vào nhà thôi, ông nhà tôi ở đằng sau đang vào đấy.

Cả đoàn người bước vào nhà, hoàng hôn buông xuống trong nhà tranh tối tranh sáng. Từ cửa sau bước vào ông Nhận tươi cười:

– Mời các chú ngồi.

Ông loay hoay tìm đèn, lấy chè pha ấm nước và nói:

– Hôm nay may mắn cho nhà tôi, có các chú biên phòng vào chơi, không biết ở trên đồn đây hay nơi khác!

Anh Phàn bộ đội trên đồn hỏi:

– Bác Nhận có nhận ra ai đây không? – và chỉ vào anh thương binh cụt tay.

Ông Nhận đứng lên nhìn, miệng ấp úng. Cô Sinh cũng đứng lên chỉ người đàn ông và hỏi:

– Có phải anh Thi không ạ?

Ông Nhận ngạc nhiên bước sang bên Thi:

– Chú Thi đây rồi! Đúng chú Thi rồi, sao lại thế này?

Ông xúc động bỏ chiếc mũ trên đầu người khách, ôm lấy Thi rồi khẽ sờ cánh tay cụt.

– Chúng tôi nhớ đến chú mãi, tưởng chú đã hy sinh. Tôi buồn quá!

Sinh kể:

– Tối hôm ấy tổ dân quân chúng cháu làm nhiệm vụ chốt ở đoạn lùm cây sơn tra bên con suối cạn cạnh núi yên ngựa. Về khuya, tổ dân quân nữ ba người đang cảnh giới thấy động. Chúng cháu tiếp cận thì gặp anh Thi bị thương gãy cẳng tay, ngất lịm, toàn thân trầy xước. Chúng cháu liền báo xã đội chuyển anh về cấp cứu ở trạm phẫu thuật tiền phương ở Khăm Bon, quyết định cháu đi cùng chăm sóc anh. Vết thương của anh Thi nhiễm trùng nghiêm trọng nên lại chuyển về tuyến trên. Vết thương lành, anh được đi giám định thương tật rồi chuyển về viện điều dưỡng thương binh ở Nam Hà. Cháu vẫn luôn ở bên anh ấy…

Ông Nhận nói:

– Thế thì chú Thi biến cái rủi thành cái may rồi!

– Tôi nhớ đơn vị, nhớ anh em quá muốn lên ngay, nhưng đến nay viện trưởng mới đồng ý cho đi. Cũng một công đôi việc. Tôi có kể chuyện với bác rồi, bác còn nhớ không.

– Cái chuyện chú với cô Sinh đấy phỏng?

– Đúng rồi, là thế này bác à, có cô Sinh giúp đỡ suốt thời gian dưỡng thương, tôi chóng hồi phục sức khỏe. Gia đình tôi ở xuôi có dịp biết Sinh, gia đình họ hàng tôi đã đồng ý tình yêu của chúng tôi. Bố mẹ tôi lên bản gặp bố mẹ Sinh, các cụ cũng nhất trí và cho chúng tôi tổ chức thành hôn ở trên này trước. Chúng tôi đến thăm hai bác, ngày một ngày hai ông, bà tôi sẽ đến thăm, mời hai bác lên bản dự đám cưới!

Ông Nhận:

– Thế thì phấn khởi quá, chúc cô chú hạnh phúc!

Có đôi chim chào mào ở đâu bay đến đậu trên cành đào trước nhà ông Nhận. Không gian biên giới lãng đãng phủ bình yên.

Huỳnh Nguyên

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.