Tỉnh thức mùa ngâu

Từ ngày con ma men nhập vào người Pử, ngôi nhà sàn dựng bằng gỗ nghiến vững chãi, trải qua hàng trăm năm hứng gió, đội mưa bỗng chênh vênh như cành cây khô chìa ra vách núi. Pử như cái xác di động, chỉ còn trơ bộ khung xương. Người bản Hin ai nhìn thấy Pử cũng lắc đầu ngao ngán.
Pử không còn tha thiết chơi với ai. Nơi yêu thích nhất của gã là quán rượu cô Lài ở đầu bản. Bạn bè dần xa lánh gã vì không ai chịu được hơi men tích tụ lâu ngày trong người Pử bốc ra thứ mùi kinh tởm. Khi đã uống say sưa, Pử luôn về nhà tìm mọi cớ chửi vợ, đánh con. Ngôi nhà sàn cổ không ngày nào yên ắng. Dân bản đã quen với điệp khúc mắng chửi vang lên mỗi ngày. Biết bao lần, Nhình khóc cạn nước mắt. Cô tiều tụy, héo hon theo những cơn chửi của chồng.
Nhình không biết Pử nghiện rượu khi nào. Cô chỉ thấy anh hay uống rượu suông sau khi đi làm phu vàng ở lũng Nọi về. Nhiều lần cô muốn khuyên Pử nhưng anh chẳng bao giờ tỉnh để nghe. Không những thế, cô còn bị Pử chửi mắng như tát nước với muôn ngàn lời cay hơn ớt hiểm, độc hơn lá ngón.
Ngày nào Pử cũng ôm khư khư chai rượu như báu vật cuộc đời. Gã chỉ uống mà không ăn gì cả. Lúc nào đầu óc Pử cũng lơ mơ như dạt trên chín tầng mây. Số tiền Pử dành dụm được khi làm phu vàng cứ dần vơi theo từng cút rượu.
Thương chồng, Nhình đã nhiều lần đến gặp Lài đề nghị không bán rượu cho Pử nữa. Lài ừ à cho qua chuyện, nhưng khi Pử đến mua, cô vẫn bán. Vì lợi nhuận, Lài bỏ qua lời thỉnh cầu của Nhình. Cô nghĩ: “Đàn ông trong bản này ai chẳng uống rượu. Mỗi ông Pử nhương vợ con thôi”.
Ngay cạnh ngôi nhà sàn của Pử có một cây mơ cổ thụ. Cây mơ được trồng từ đời bố Pử. Mỗi mùa xuân, từng chùm hoa trắng như tuyết nở bung trước hiên nhà tựa bức tranh thủy mặc. Một đôi chim sẻ từ đâu bay về xây tổ giữa những cành mơ. Chúng ríu ran suốt ngày khiến Pử điếc tai. Gã muốn lấy cây sào chọc chúng xuống nhưng hai tay run run vì rượu của Pử làm sao nhấc nổi chiếc sào để chọc.
Một hôm, Nhình đang trên đường đi nương về thì gặp thằng Nhất, con trai cô Lài đang ngồi khóc bên đường, hai tay nó ôm lấy bắp chân sưng tấy. Nhình gặng hỏi, Nhất kể lại việc đang dùng ná cao su bắn chim trong bụi rậm thì bị con gì cắn vào bắp chân. Nó nhói một cái nên Nhất không để ý vẫn mải mê đuổi theo đàn chim chào mào đang chuyền cành trong bụi. Nhình vội vạch bắp chân Nhất ra xem thì hoảng hốt thấy đó là vết rắn độc cắn. Chỗ vết cắn đang sưng to và tím tái lại. Nhình vội lấy dao cắt tay nải thành sợi dây vải buộc bắp chân nhất để ngăn chất độc lan ra. Cô tìm hái lá cây rừng trị rắn cắn đưa vào mồm nhai nát, đắp vào vết cắn. Băng bó xong chỗ đắp thuốc. Nhình cõng Nhất chạy một mạch về bản. Ra đến đường lớn, cô gặp xe máy đi ngang qua liền chặn lại nhờ họ chở Nhất đến bệnh viện. Khi Lài nghe tin chạy đến bệnh viện thì Nhất đã qua cơn nguy kịch, đang nằm trong phòng truyền nước thải độc. Lài vừa khóc thương con vừa cảm ơn Nhình rối rít.
Chiều tháng bảy, trời đổ mưa tầm tã. Nhất đã được ra viện. Lài chuẩn bị quà cáp, đưa con đến cảm ơn Nhình. Vừa đến chân cầu thang ngôi nhà sàn cổ, Lài đã nghe tiếng Pử chửi bới vợ con. Chất giọng khê nồng mùi rượu của Pử không lẫn vào đâu được. Nhình khóc thút thít ôm hai đứa con nép vào góc nhà vì sợ Pử sẽ đánh chúng. Lài vội chạy lên nhà can ngăn. Thấy có người đến, Pử ôm chai rượu bỏ đi. Lài đỡ ba mẹ con Nhình dậy. Nhìn cảnh thống khổ của ân nhân, những giọt nước mắt ân hận muộn màng của Lài chực rơi. Giá như lài nghe lời thỉnh cầu của Nhình thì đâu có cảnh này. Lài biếu quà để cảm ơn Nhình đã kịp thời cứu mạng con trai cô và hứa sẽ dạy cho Pử một bài học.
Sáng hôm sau Pử thức dậy đã không còn ai ở nhà. Hai đứa con đang được nghỉ hè cũng theo mẹ lên nương từ sáng sớm. Pử cầm cái chai quen thuộc tu được một ngụm thì hết sạch. Gã dốc ngược đít chai lên để liếm từng giọt cuối cùng đang rỉ xuống. Trời bất chợt đổ mưa như trút nước khiến Pử ái ngại. Ô và áo mưa mẹ con Nhình đã mang theo lên nương. Pử cố vớt vát mùi men bằng cách rót nửa cốc nước lọc vào chai rồi xóc lên để tráng lấy chút hơi rượu còn bám lại. Gã vội vàng ngửa cổ tu trong cơn thèm khát. Trời không mưa thì lúc này gã đã được đắm trong hơi men bềnh bồng say ngất. Vừa nuốt đến ngụm thứ hai thì Pử nhổ toẹt thứ nước lờ lợ trong mồm ra. Cơn thèm khát kéo đến khiến Pử không còn ý thức. Gã cầm chai đội mưa chạy đến quán Lài mua rượu. Nhìn thấy bộ dạng ướt như chuột lột của Pử, Lài giận giữ. Cô mắng Pử té tát hơn cả nước mưa ngoài kia: “Trời mưa tầm tã thế này mà cũng mò đến tìm rượu à, anh định làm khổ vợ con đến bao giờ. Về đi. Từ giờ tôi không bán rượu cho anh nữa”. Pử nài nỉ Lài như kẻ hành khất mấy ngày chưa có gì vào bụng. “Cô làm ơn bán cho tôi một chai thôi. Cả cái bản Hin này mỗi nhà cô bán rượu. Cô không bán, tôi biết mua ở đâu, không có rượu, tôi chết mất”. Nghe Pử nài nỉ. Lài chợt lóe ra một ý nghĩ. Cô bảo: “Thôi được. Tôi sẽ bán cho anh lần cuối. Đứng chờ ở đây tôi vào lấy”. Pử nghe thế thì cặp mắt đang ủ rũ bỗng sáng như sao. Lài vào bếp lấy một nắm ớt thóc giã ra rồi lọc lấy nửa chén nước. Cô đổ nước ớt hoà vào chai rượu rồi mang ra cho Pử. Đón chai rượu từ tay Lài, Pử vội vàng tu như con thú sắp chết đói gặm mồi. Gã ngửa cổ tu một hớp thật to rồi nuốt ực. Bỗng gã thét lên thảm thiết: “cay quá!”. Cái chai trên tay gã rơi xuống đất vỡ tan. Lài nhìn Pử đay nghiến: “Biết cay rồi phải không? Có đắng cay bằng vợ anh không? Lúc hành hạ vợ con sao không cay đi? Giờ thì anh cút khỏi quán cho tôi còn đón khách”. Pử ngậm cay đội mưa đi về. Lết lên hết bậc cầu thang, Pử thấy đói, lần đầu tiên gã thấy đói sau những ngày say khướt.
Pử run rẩy dò từng bước xuống gian bếp lục lọi, chẳng còn gì ăn ngoài mấy gói mì. Gã nhóm lửa đun siêu nước sôi rồi pha chế. Trong vài phút chờ đợi, Pử lơ mơ nhìn ra phía hiên nhà, mưa vẫn ầm ầm ào trắng xoá cả không gian. Tô mì nóng hổi đang bốc hơi nghi ngút, gã ăn một cách ngon lành. Đây là bữa ăn ngon nhất của Pử sau nhiều ngày tháng chìm trong men say. Gã chợt thấy người tỉnh táo đến lạ thường. Đưa đôi mắt nhìn xung quanh căn nhà từ đời ông để lại, gã thấy trống trải vô cùng. Tự dưng Pử buồn.
Pử bước ra trước cửa định châm thuốc hút, mưa vẫn xối ràn rạt xuống mái ngói âm dương. Người xưa vẫn nói, mưa ngâu tháng bảy là nước mắt của Ngưu lang, Chức nữ rơi xuống nhân gian mừng đoàn tụ. Gã chợt nhìn về phía cây mơ, nơi có tổ chim sẻ đá, con chim bố đang xoè cánh để che chở cho chim mẹ và những đứa con đỏ hỏn không bị ướt mưa. Nhìn gia đình chim gồng mình trong mưa, gã bật khóc. Gã cũng là một người đàn ông, một người chồng, một người cha mà không bằng con chim sẻ đá kia sao? Gã hận. Hận bản thân mình, hận thứ nước cất đã mê hoặc gã. Nước mắt gã trào ra ầm ào như những cơn mưa ngoài trời.
Gần đến trưa thì mưa tạnh. Pử lấy chiếc mũ cối đội lên đầu, đeo con dao phát nương vào bên hông rồi ôm cái chai thủy tinh còn lại, khoá cửa nhà, rời đi. Hình ảnh con chim sẻ đá dang cánh che mưa cho cả gia đình khiến Pử rờn rợn. Gã đưa cái chai thuỷ tinh lên ngắm nghía, gương mặt hiện lên trong lớp kính thuỷ tinh xanh lét. Đây là lần đầu Pử nhìn thấy bộ dạng của mình sau nhiều ngày say khướt. Gã phải dụi mắt mấy lần mới dám tin kẻ trong gương kia chính là mình. Một khuôn mặt xanh lè, bạc phếch, hốc mắt sâu hoắm như cái hang, còn tóc tai bù xù như con vượn, râu ria tua tủa như đám cỏ nương chưa được cuốc xới. Pử thẫn thờ ôm cái chai vào lòng, gã lững thững bước đi. Con đường đến đám nương quen thuộc sao hôm nay xa thế. Xa là đúng rồi, Pử không nhớ đã bao lâu chưa lên nương. Từ khi nghỉ làm phu vàng về, gã chỉ quanh quẩn ở nhà và chìm trong men rượu. Pử đi mãi, đi mãi cũng thấy đám nương hiện ra. Cái lều nương lâu không có bàn tay đàn ông sửa sang đã xơ xác lắm!
Thấy Pử xuất hiện. Ba mẹ con Nhình như không tin vào mắt mình. Pử chạy lại ôm lấy họ như muốn nói muôn vàn lời xin lỗi, dù môi gã vẫn ngậm chặt, chỉ nước mắt lăn dài.
Chôn cái chai thủy tinh đựng rượu xuống góc nương, Pử đã chôn vùi chính những lỗi lầm do con ma men gây ra. Anh nhìn vợ con với ánh mắt ân cần, âu yếm. Bữa cơm trưa trên nương hôm ấy chỉ có cá khô và rau rừng, nhưng nó là bữa cơm ngon lành, bình yên nhất của gia đình Pử suốt thời gian qua .

NGÔ BÁ HÒA


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.