“Tình Tây Bắc” – tình đất, tình người Tân Uyên

Đầu xuân Kỷ Hợi, tôi được mời tham dự lễ ra mắt tập thơ “Tình Tây Bắc” của Câu lạc bộ (CLB) thơ Hoa Ban ở thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên).  CLB thơ Hoa Ban thành lập từ năm 2004 đến nay có 23 hội viên phần lớn là những cựu giáo chức, cán bộ nghỉ hưu.“Tình Tây Bắc” là tập thơ thứ 8 của CLB thơ Hoa Ban có 111 bài thơ của 10 tác giả. Tập thơ do Nhà Xuất bản Văn học xuất bản tháng 01/2019.

Tập thơ giới thiệu đến đọc giả những gương mặt thân quen của đất Tân Uyên. Nhà thơ – nhà giáo Đinh Công Ninh với 6 bài thơ là những chắt chiu, nhớ thương một thời trong những tháng năm còn là một thầy giáo, không quản gian khó mang tri thức đến với con em vùng cao với những lắng đọng nhất, hoài cảm về cuộc sống, cuộc đời. Ở đó có những nỗi đau khi ông chứng kiến cảnh mất hai người em trong nạn đói năm 1945: “Ta ôm nỗi nhớ bồn chồn/ Hai em đi để bóng hồn còn đây” – (Nỗi nhớ).

Và tác giả đau thương trước cảnh 5 người dân bị cuốn trôi ở Nghĩa Lộ trong cơn bão số 10, năm 2017:

  Một chiều Nghĩa Lộ đau thương

          Cầu Thia gẫy nhịp mất đường ta qua

          Hai bờ gần bỗng hóa xa

          Những linh hồn bỗng lìa cuộc đời.

          Tác giả Lê Bá Tăng lại có những đặc tả chân thực về quê hương thứ hai của mình:

          Mỗi độ xuân về quê tôi vang khúc hát

           Mưa đầu mùa, xanh ngút ngát Hoàng Liên

          Chè Tuyết Shan trải triền đồi mơn mởn

          Búp non tơ mùa nẩy nộc đâm chồi.

(Tân Uyên quê tôi)

Từ những mạch nguồn của nhà giáo vùng cao, nhưng tác giả Nguyễn Thị Long lại vẽ lên một Lai Châu bằng những gam màu tươi sáng của thành phố trẻ:

  Anh có về Tây Bắc với em không

          Ở nơi đó Lai Châu thành phố mới

          Nơi biên cương trập trùng mây núi

          Bát ngát nương chè, đồng ruộng lúa vàng bông…

(Anh có về Tây Bắc)

Một điều dễ nhận ra trong “Tình Tây Bắc”, đó là những ghi nhận sự phát triển của một vùng đất “nơi cuối trời Tât Bắc” đang từng ngày đổi thay: “Nông thôn đổi mới từng ngày/ Quê hương giầu mạnh tràn đầy niềm tin” (Xây dựng nông thôn mới – Đỗ Doãn Hải).

Vũ Thanh Phương – Chi hội phó Chi hội Văn học – Nghệ thuật huyện Tân Uyên, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam là người gắn bó với Tây Bắc gần trọn cuộc đời. Vốn am hiểu nhiều loại hình nghệ thuật như: văn thơ, âm nhạc, kịch… thể loại nào ông cũng tâm huyết và khá thành công. Ông là một trong những người chịu trách nhiệm chính trong việc biên soạn tập thơ chung. Đọc thơ Vũ Thanh Phương, bạn đọc mới cảm được sự gắn bó, tình yêu ông dành cho Tây Bắc như thế nào:

Phải biết quen muỗi rừng vắt núi

          Lũ ống mùa hè sương muối mùa đông…

          Xuôi ngược ấm nồng, tay nắm bàn tay

          Tình Tây Bắc đắm say tình xuân mới!

(Tình Tây Bắc)

Không chỉ dành tình cảm cho Tây Bắc mà mỗi vùng đất Vũ Thanh Phương qua đều để lại những trân quý: “Ôi quê hương anh dũng xứ dừa/Nơi mỗi người dân đều là chiến sĩ/ Mấy chục năm trường đấu tranh bền bỉ/ Oai hùng những tháng ngày xanh…” – (Xin gửi Bến Tre).

Với nhiều bài thơ viết về đất và người Tây Bắc như: “Nhớ Tây Bắc”, “Nậm Nhùn mộng mơ”, “Tình khúc Nậm Chăng”…, tác giả Đới Xuân Cường đã thành công trong bút pháp sử dụng điệp từ điệp ngữ khi đặc tả phong cảnh nơi đây:

  Nhớ thảo nguyên xanh, nhớ suối rừng giăng lũ

          Nhớ cối nước cần cù kẽo kẹt canh khuya

          Nhớ tay em gửi tình yêu khung cửu

          Nhớ bếp nhà sàn khói ấm tình quê…

(Nhớ Tây Bắc)

Phần lớn các giả trong “Tình Tây Bắc” là những nhà giáo đã nghỉ hưu, họ đã dành cả tuổi xuân cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, nay mới có chút thanh thơi để nhìn lại những chặng đường đã qua. Phải chăng thơ của họ là những tâm tình, sự tri ân về tình đất tình người Tân Uyên – Tây Bắc mà thế hệ của họ đã một thời dựng xây? Cùng với đó là những trăn trở cuộc sống, sự cảm nhận về những đổi thay trong công cuộc đổi mới trên miền đất Tây Bắc xưa trong đó có huyện Tân Uyên.

“Tình Tây Bắc” còn nhiều bài thơ giàu xúc cảm viết về tình thầy trò, quê hương đất nước với các tác giả: Đặng Thị Tầm, Nguyễn Thị Chách, Phạm Văn Nghĩa, Hồ Hữu Thức… tất cả như những cánh hoa tô thắm cho bông hoa đẹp “Tình Tây Bắc”.

           Hà Minh Hưng


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.