Ấm tình Mường Tè

Hai mươi năm về trước, tôi có dịp cùng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và phụ nữ các huyện dự Đại hội thí điểm tại huyện Mường Tè 2 ngày. Những ngày làm việc khẩn trương cuốn tôi bận bịu đến nỗi không có thời gian đi thăm các xã, thị trấn và tìm hiểu nhiều về nơi đây mà chỉ ấn tượng tính cách nhiệt tình, làm việc cần mẫn của mọi người. Tuyến đường xa xôi khiến một người hay say xe như tôi cảm thấy thật sự đồng cảm với nhân dân nơi đây vì nỗi khó khăn, cách trở đi lại.

Ấn tượng vẻ đẹp hùng vĩ

Thời gian thoăn thoắt thoi đưa, hôm nay tôi lại có dịp đến huyện Mường Tè một tuần. Tuy gọi là quay trở lại nơi mình từng đi qua, nhưng với tôi vẫn là cảm giác lạ lẫm của ngày đầu đến đây với những cung đường mới và các xã xa, bản gần vẫy gọi. Khoảng thời gian ở lại khá lâu với nhiệm vụ chủ yếu tìm hiểu, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật nên tôi có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn về một Mường Tè vốn như lạ mà như quen. So với trước đây, con đường này cũng đã ngắn đi gần một nửa. Thêm vào đó, tâm trạng tò mò, háo hức lạ thường của tôi khiến con đường như thu hẹp lại. Dẫu trận mưa lũ kéo dài từ tháng sáu đến những trận mưa kế tiếp theo vẫn khiến cho nhiều đoạn đường từ xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ) vào huyện Mường Tè sạt lở tà luy âm, xe ben phải đổ đất liên tục cho hành khách có thể đi lại được, càng về gần đến huyện con đường càng đẹp đến bất ngờ. Ngần ấy thời gian đủ làm thay da đổi thịt một vùng đất khó.

Một góc thị trấn Mường Tè. Ảnh: Lò Văn Chiến.

Khi bình minh lên, từ trên cao nhìn xuống, thị trấn Mường Tè đắm chìm trong một biển mây trắng nõn nà, nhẹ nhõm như bông và mượt mà, dịu êm như lụa. Cảnh sơn thủy hữu tình thì rất nhiều nơi có, nhưng Mường Tè lại được thiên nhiên ưu ái ban cho nét vẻ riêng, lạ lẫm và độc đáo. Hai dãy núi song song cố ngẩng cao đầu, dang hai tay tranh nhau ôm ấp dòng sông Đà trong xanh êm đềm. Điểm xuyết cho cảnh sắc thiên nhiên thêm phần thơ mộng, cân đối, người ta mở hai con đường song song chạy qua lưng chừng núi như hai dòng kẻ vừa vững chãi vừa mềm mại…

Vào đến vòng xuyến là đến trung tâm huyện, nơi có con đường đôi vừa dài vừa thẳng như đôi chân mỹ nhân khổng lồ trong huyền thoại xa xưa. Vòng xuyến đây rồi mà sao người và xe qua lại thưa thớt thế! Người ta bảo: “Mường Tè đất rộng, người thưa” quả không sai. Không có vẻ đẹp trù phú của những cánh đồng mênh mông đẹp bậc nhất miền Tây Bắc như huyện Than Uyên; cũng không mang vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú với những thắng cảnh nổi tiếng như huyện: Tam Đường, Sìn Hồ; không có đỉnh núi cao đứng thứ hai Việt Nam như đỉnh Pu Ta Leng (huyện Phong Thổ) cũng không có nhiều làng nghề truyền thống của người dân bản địa như Tân Uyên; Mường Tè hấp dẫn du khách bởi sự yên tĩnh, êm đềm, nên thơ của một vùng núi non, sông nước gợi cảm. Ngọn núi Pu Si Lung của huyện Mường Tè được xếp đứng thứ ba trong top núi cao nhất ở Việt Nam cũng có sức gọi mời những du khách ưa khám phá, mạo hiểm. Ngoài ra còn có những mùa vàng đẹp như trong mơ ở xã Thu Lũm, các mốc biên giới quan trọng đánh dấu nơi đầu nguồn sông Đà ở: Kẻng Mô, Ka Lăng… Thị trấn Mường Tè không có nhiều nhà xây cao tầng. Cư dân dọc hai bên đường phố phần lớn xây nhà một tầng lợp tôn xanh mát mắt. Các khu dân cư quần tụ xung quanh các hồ  lớn hồ bé lại ở trong những ngôi nhà cấp bốn lợp tôn màu đỏ tươi. Những chiếc cầu vững chãi bắc qua sông, từng hàng cây xum xuê hoa trái duyên dáng soi mình ven hồ dậy lên trong lòng du khách niềm say mê thích thú như vừa được tận hưởng không khí trong lành của làng quê, vừa mang vẻ đẹp trẻ trung, hiện đại đô thị. Mường Tè đẹp dung dị, bình yên và độc đáo.

Đặc sắc văn hóa dân tộc

Chi hội trưởng Chi hội Văn học Nghệ thuật, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Mường Tè Trịnh Tuấn Anh cho chúng tôi biết: Huyện Mường Tè luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Ngay từ năm 1994, Trung ương đã lấy Mường Tè làm huyện thí điểm xóa đói giảm nghèo trong cả nước. Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia được khởi công xây dựng năm 2011 tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè. Hiện nay, Đảng và Nhà nước lại quan tâm đầu tư mở các tuyến đường từ xã xa xôi về thị trấn, xóa nhòa khoảng cách.

Sắc màu dân tộc trong ngày hội. Ảnh: Văn Thắng.

Mường Tè còn mang nét khác biệt riêng so với các huyện khác trong tỉnh Lai Châu vì có 2 dân tộc ít người chỉ duy nhất có ở đây là dân tộc Si La, La Hủ. Dân tộc La Hủ tập trung ở hai xã: Pa Ủ và Pa Vệ Sủ – những địa danh nghe tên đã xa ngai ngái nhưng khiến chúng tôi háo hức tìm hiểu vốn văn hóa đặc sắc. Tôi đặc biệt ấn tượng với nghệ thuật tạo hình trong trang phục người phụ nữ La Hủ, từng nét hoa văn tỉ mỉ thể hiện rõ nét thẩm mỹ tinh tế. Các tập tục lâu đời của dân tộc cũng rất thú vị như tục: nhuộm trứng đỏ, lễ cúng bản… Còn dân tộc Si La nổi tiếng với những điệu dân vũ thì có nghệ nhân Hù Cố Xuân – Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh được bạn đọc biết đến với niềm say mê gìn giữ vốn văn hóa dân gian.

Lần này chúng tôi có dịp trải nghiệm cung đường từ thị trấn đến xã Can Hồ thăm nghệ nhân Hù Cố Xuân. Trên đường đi, chúng tôi dừng lại ngắm bản Seo Hai xưa đã ngập chìm hầu hết trong biển nước, chỉ còn vài ba nóc nhà trơ trọi nhô lên trên doi đất cao nhất, lòng bâng khuâng nuối tiếc một không gian văn hóa phi vật thể của dân tộc Si La – nơi bà Hù Cố Xuân sinh ra, lớn lên, dạy học và mày mò sưu tầm những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Bản Seo Hai mới hôm nay của đồng bào Si La được xây dựng quy củ, khang trang, sạch đẹp hơn xưa, lại có đường cho xe ô tô đi vào tận ngõ. Trường học, trạm y tế, Trụ sở UBND xã đều tập trung một mối, cuộc sống của người Si La ngày càng khấm khá.

Ngoài 60 tuổi nhưng nghệ nhân Hù Cố Xuân vẫn miệt mài sưu tầm văn hóa của dân tộc. Gặp chúng tôi, chị cảm động lắm! Sau khi rót nước mời khách, chị đem ra mấy tập vở chép tay cho đoàn xem. Từ ngày nghỉ hưu (năm 2007), chị dành mọi thời gian tâm huyết cho việc sưu tầm giữ gìn  bản sắc văn hóa dân tộc mình và được chồng ủng hộ nhiệt tình. Năm 2012, anh mất, các con đã có gia đình riêng, chị lại một mình cặm cụi ngày đêm sưu tầm, ghi chép những làn điệu, lời hát của người Si La từ bao đời truyền lại. Chị cũng đang sưu tầm, ghi chép lại những phong tục, tập quán, nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Nhìn mái đầu điểm nhiều sợi bạc của chị, tôi ái ngại bảo chị:

– Chị làm gì thì làm cũng phải nghỉ ngơi giữ gìn sức khỏe chứ!

Chị cười thật hiền: “Em ơi, không chịu khó, không viết, sợ người già lần lượt qua đời, mình không kịp làm thì mất hết.”

Được biết tháng 4/2018, chị Hù Cố Xuân vinh dự là một trong hơn một trăm đại biểu, nghệ nhân trong cả nước tham dự Hội nghị Tổng kết 10 năm “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” mang tâm nguyện của đồng bào Si La phát biểu trước hội nghị ở Thủ đô.

Độc đáo sản vật Mường Tè

Tìm hiểu thêm về huyện Mường Tè, chúng tôi biết rằng bà con các dân tộc trong huyện đang tiếp tục chăm sóc nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: mắc ca, thảo quả, sa nhân, tam thất… Huyện có nhiều trang trại chăn nuôi gà, lợn công nghệ khép kín đảm bảo nguồn cung cấp cho nhân dân ổn định. Đặc biệt, tận dụng lợi thế sông Đà, đã có hơn 100 lồng cá đầu tư nuôi trên bè, được đánh giá sinh sôi, phát triển nhanh chóng.

Người Mường Tè lưu truyền câu ca: “Mường Tè tam thất, mật ong/ Nấm hương, mộc nhĩ ăn không muốn về” để nói về những đặc sản quê mình một cách rất đỗi tự hào. Tam thất đen Mường Tè là vị thuốc quý hiếm, có dược tính cao do được khai thác tự nhiên trong khu rừng già. Vị tam thất đắng hơn nhiều so với củ tam thất bắc, nhưng ngậm kỹ thấy ngòn ngọt. Mật ong Mường Tè được lấy từ loài ong rừng xây tổ và làm mật tự nhiên từ đầu tháng 2 cho đến hết tháng 6. Tùy loại hoa rừng mà mật có màu vàng nhạt hoặc đen sẫm, mùi thơm ngát tự nhiên, khác biệt rõ rệt hẳn các loại mật ong khác. Tôi còn được biết nấm hương ngon nhất ở Lai Châu chỉ có ở huyện Mường Tè, mà ở huyện Mường Tè nấm hương ngon nhất chỉ có ở xã Pa Ủ. Chợ Mường Tè không thiếu sản vật rừng và cũng bán nhiều mộc nhĩ đen lấy từ trong rừng về.

Ngoài ra, huyện Mường Tè còn có loại khoai sọ đặc biệt được trồng ở hai xã Kan Hồ và Nậm Khoai, khi nấu chín, khoai dẻo quánh và tỏa hương thơm ngào ngạt. Mường Tè cũng có một loại măng đắng có một không hai: gọi là măng đắng đấy nhưng ăn vào không thấy đắng chút nào, được nhiều người xem là món khoái khẩu. Nói đến các món ngon đặc sản nơi đây, tôi lại nhớ đến đĩa rau xào nóng hổi, xanh rờn và thơm lừng được huyện chiêu đãi đoàn trong buổi gặp mặt đầu tiên mà họ gọi là món lá ngón xào tỏi. Tôi giật mình: Tại sao lại là rau ngón? Ai cũng biết lá ngón là loại cây cực độc, có thể gây chết người nếu ăn phải dù chỉ vài ba lá. Thấy tôi thắc mắc, mọi người cho biết loại lá ngón ăn được giống lá trầu không, mọc trên thân cây to, có nhiều vào dịp tháng ba tháng tư, đến giờ thì khá khan hiếm. Ai đã từng thưởng thức món lá ngón nấu cà đắng xào tỏi, đắng nhằng nhặng, bùi bùi và thơm đặc biệt một lần thì sẽ nhớ mãi dư vị món ăn độc đáo này.

Để tích lũy kiến thức sáng tác, trong chuyến thực tế này, tôi còn tìm hiểu thêm về hai di tích lịch sử là đồn Hua Bum và đồn Mường Tè từ thời Thực dân Pháp chiếm đóng. Trải qua những biến thiên của thời gian, đồn giờ đã tan hoang, chỉ còn lại cổng đồn ghi dấu tháng ngày nhân dân chịu ách thống trị. Với đường biên giới dài bằng nửa đường biên giới trong toàn tỉnh, Mường Tè được tỉnh quan tâm đặc biệt đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia miền biên ải… Ai lên đến Mường Tè cũng mong muốn một lần đến thăm các xã xa xôi diệu vợi như: Ka Lăng – Thu Lũm – nơi đánh dấu mốc chủ quyền biên giới của Việt Nam. Cung đường đến với miền xa giờ đã được mở rộng rãi, đi lại đỡ vất vả hơn xưa nhiều nhưng cũng không ít gian nan khi phải trải qua những ki lô mét đá hộc, dốc cao, đường đất nối nhau tung bụi mù mịt. Đây cũng được coi là con đường tìm về nguồn sông Đà dữ đội hung hăng trong thi ca Việt Nam; nơi ghé thăm cột mốc 17, cột mốc 19 – những cột mốc biên giới đã nổi tiếng thế giới về sự xê dịch; rồi thì thăm cửa khẩu U Ma Tu Khoòng với những chuyến hàng nhộn nhịp hôm nay, thăm Hòn Đá Trắng – linh vật của người Hà Nhì. ..

Còn rất nhiều nét lạ lẫm, độc đáo chỉ có ở huyện Mường Tè hấp dẫn trí tò mò, óc khám phá của du khách khi đặt chân lên mảnh đất phên dậu của Tổ quốc. Tôi ấn tượng mạnh với những điểm độc, lạ đó nhưng điều tôi tâm đắc nhất khi trở lại Mường Tè sau gần hai mươi năm xa cách lại là những nét đẹp quen thuộc của con người Mường Tè: Chân thật, giản dị, hết mình lao động chân tay và lao động trí óc, đặc biệt là rất mến khách… Đó cũng là nét đẹp chung của Người Lai Châu quê tôi.

Bùi Thị Sơn


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.