Tín ngưỡng Kin Pang Then CỦA NGƯỜI THÁI TRẮNG Ở LAI CHÂU

 

 

Kin Pang Then là tên gọi một lễ lớn trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái Trắng tỉnh Lai Châu, nghĩa tiếng phổ thông là “Lễ mừng mệnh Then”

Nhập Then (bị vua Then bắt phải làm Then – bắt Then) hay truyền Then đều không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Đó bị vua Then bắt phải làm Then thì có chối cũng không được. Ông (bà) Then muốn truyền cho ai đó mà vua Then không cho (nghĩa là do người đó không có căn không được vua Then chọn) thì cũng không được.

Điều này khẳng định ý nghĩa của gốc Then có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Then nào đó trong cộng đồng. Chỉ có Then gốc khi hành lễ mới được tâu bảo với vua và các vị thần trên trời. Đó là Then gốc, việc truyền Then cho đời sau thường là truyền cho con đẻ.

“Êm bó lụ nhinh

Ải bó lụ trai”

Me (Then bà) truyền cho con gái

Cha (Then ông) thì truyền cho con trai

Nhưng trên thực tế, con cháu của nhiều Then không có căn nên không nhập Then và truyền Then được. Cũng có trường hợp, con trai có căn nhưng từ chối thì nếu vợ của người con trai đó có căn thì Then truyền Then cho người vợ của người con trai đó. Trường hợp truyền Then cho người ngoài họ là rất ít. Trong trường hợp như vậy, người được truyền phải có căn cao và được Then Cả (Cang Mường) tin tưởng như Then Ín. Còn người không có gốc Then bỗng dưng bị nhập Then (bắt Then) thì chỉ làm Then đỉn giàng cai (Then chơi) và không có bàn thờ Then.

Phân loại theo địa bàn cư trú thì có hai loại Then.

Then Mường: Then Mường là những ông (bà) Then thuộc trung tâm Mường. Thời phong kiến trung tâm Mường gọi là Chiềng. Địa giới Mường So xưa bao gồm: huyện Phong Thổ, thị xã Lai Châu, huyện Tam Đường, Mường Than (huyện Than Uyên), Văn Bàn, Mường Hum, Bát Xát (tỉnh Lào Cai), Pa Tần (huyện Sìn Hồ), một số xã và trung tâm huyện Sìn Hồ.

Then Kha bản: Các Then ở các bản ngoài Chiềng thì gọi là Then Kha bản. Then kha bản là gì? Kha trong trường hợp này được hiểu là nhánh, cành. Mường như một cây cổ thụ. Trung tâm Mường là gốc rễ, các bản là cành cây.

Phân loại theo năng lực thì có các Then được đấng tối cao (pô phà, pô Then) ban cho. Theo cách phân loại này thì có hai loại Then:

Then cả: là Then được ban quyền pháp lớn. Cả ở đây không phải là người đứng đầu như anh cả, chị cả, bác cả. Trong tiếng Thái, cả là hàm chứa một sức mạnh ghê gớm. Nếu gọi một vị tướng nào đó là Tướng mả cả han thì có nghĩa là vị tướng đó oai phong lẫm liệt, bách chiến bách thắng.

Then nọi: là từ dùng để chỉ (để gọi) những Then có quyền pháp thấp hơn, chỉ thực hiện được các lễ cho những người ốm đau, tai nạn nhẹ. Vì loại Then này không được phép lên trời vậy nên không có khả năng lên trời để tìm, gọi được hồn người của người ốm đau, cõi vô hình trên đó rủ lên.

Việc phân chia này không bị ảnh hưởng, không phụ thuộc vào việc phân chia theo địa bàn cư trú. Ở chiềng cũng có Then nọi, ở bản vẫn có Then cả. Nhưng để phân biệt thì Then cả ở Chiềng được gọi là: Then cả cang mường – Then lớn ở giữa trung tâm. Còn Then cả ở bản thì được gọi là Then cả và thêm tên bản mà Then đó đang cư trú vào. Chẳng hạn như: Then cả bản Mứn; Then cả bản Phiêng đanh…

Phân loại Then theo ngành thì Then bị nhập (bị bắt) làm Then. Việc phân loại này căn cứ vào nghi thức, nghi lễ hành lễ chữa bệnh hoặc vui chơi của Then; căn cứ vào nội dung, hình thức (làn điệu) hát, lời khấn, kể mà Then thể hiện.

Nhà thờ và bàn thờ cúng Then

Then nào cũng phải có nhà thờ Then – Hợn  Then

Theo lý của Then thì ngựa thần mà vua Then, vua trời, các vị quan tạo, tướng lĩnh nhà trời “cưỡi” xuống trần gian không “ăn” cỏ mà ăn khói hương, ăn hương hoa. Vì vậy, khi chọn đất làm Hợn Then bao giờ các Then cũng phải chọn nơi thoáng rộng và có nhiều loài hoa dại đang mọc ở đó.

Hợn Then do các ông (bà) Then tự làm. Tuỳ điều kiện kinh tế và số lượng con nuôi – con hương mà Then làm Hợn Then to hay nhỏ. Bởi Hợn Then là nơi hành lễ nên phải đủ rộng. Nếu không có điều kiện làm Hợn Then rộng thì trước cửa Hợn Then phải có một khoảng sân rộng đó bày các mâm lễ, để sao chạu múa, hát và các con hương quan khách ngồi…  Hợn Then thường là 2 – 3 gian nếu Hợn Then làm hẹp chỉ đủ diện tích bày các mâm lễ và để Then và Me Đa hành lễ thì trước cửa Hợn Then phải có một khoảng sân rộng để sao chạu, báo khá múa hát chào đón và chúc mừng vua trời Pô phạ, vua Then Pô Then và chúc mừng các vị thần linh, Then bua và các Then trên trời.

Các Then kể rằng ngày xưa, người chưa đông, đất bản còn rộng. Diện tích đất ở của một nhà rộng gấp ba bốn lần bây giờ nên việc chọn một chỗ đất của gia đình làm Hợn Then không khó. Hợn Then thường làm cột gỗ lợp gianh, vách đan phên tre hoặc nứa để thưa. Nhà có điều kiện và con nuôi – con hương đông thì làm 2 gian, 2 trái, rộng chừng 3m, dài từ 5 đến 8m được lát được bằng ván gỗ hoặc dải bằng giát tre đập dập. Một chái Hợn Then bao giờ vách cũng bưng kín chứ không đó vách thưa như diện tích còn lại. Chái này kê một cái phản gỗ hoặc chõng tre. Trên đó đặt một cái bem (hòm mây) đó Then đựng khăn, mũ, áo và đồ lễ. Chõng này cũng để Then ngủ tròn các đêm phải lên hương như: đêm 14/3 trước lễ hội Kin Pang Then, đêm 30/7 trước lễ cúng Chiêng Phi Then (tết ma Then). Ngày 14/7 là ngày tết của Phi Then.

Hỉnh Then – bàn thờ Then

Hỉnh Then được đặt trong Hợn Then, có nhiều tầng (pan – hỉnh); nhiều ngăn (ho). Vì vậy, trong lời kể Then (khoạm Then) hay trong lời hát Then, khi nói đến bàn thờ của Pụ phà (vua Trời), Pụ Then (vua Then) trên trời thì cũng là Vua ngự ở Hỉnh nhiều tầng, ho nhiều ngăn trên trời ấy chính là ngai của vua Then. Ngai được dát vàng, dát bạc.

Còn ở trần gian bàn thờ Then được làm bằng tre già. Khung bàn thờ là những đoạn tre già. Mặt bàn thờ làm bằng tre đập dập dàn thành dát, hoặc bằng thanh tre đan phên hoặc ván gỗ buộc lẹp chắc vào khung bàn thờ. Ngoài phần khung chính thì 3 mặt bàn thờ: mặt áp vào vách, hai mặt hai bên buộc thanh ngang bằng nứa tép (mạy hệ nọi) để treo: Quả còn, bók én (hoa én) hình nhân…

Trên mặt bàn thờ ở giữa, giáp vách đặt chố hơng – lô hương, số lô hương đặt ở đây tuỳ theo số đời kế tự làm Then của Then hiện tại. Ví dụ: Then Lò Thị A là đời thứ 3 làm Then thì có 3 lô hương. Trên mặt Hỉnh Then, ở hai bên bày các con giống đan bằng lạt giang rồi dán giấy ra ngoài, gồm con noộc én – chim én, menh ngạng, ý liếng – ve sầu, tô cóng – con dế, noộc co ke – bồ câu…

Mép ngoài, phía dưới mặt bàn thờ treo khoảng từ 15 – 20 quả còn. Xen kẽ là những chùm treo bók én (hoa đuôi én). Trên bók én đó có dán những con bướm được cắt bằng giấy khác màu chủ yếu là màu vàng, trắng, hồng và vài hạt kim sa óng ánh. Từ mép ngoài phía dưới mặt bàn thờ này có hai đoạn mạy hệ nọi – nứa tép đua ra để vắt các dải khăn, thắt lưng lụa, treo túi, mũ của xao chạu; treo khăn, mũ, đàn bầu của Báo Khá.

Xung quanh ba mặt: Mặt trong và hai bên bàn thờ Then được treo hoặc dán 12 xuổng sở Tạo báo nọi (quần áo của Then nhỏ) bằng giấy màu xanh, đỏ. Tương truyền tạo báo nọi có 12 đoàn (nhóm). Đây là những bộ quần áo dành cho tạo báo nọi ở trên trời. Tạo báo nọi là những người được vua Then cử xuống cùng với Nang ỏ – Nang eng để bảo vệ và hộ tống Then trong suốt hành trình lên trời. Ngoài quần áo, khi hành lễ Then còn phải treo – Xoong thung Tạo Báo – 2 cái túi của Tạo Báo ở hai đầu bàn thờ Then.

Một năm, ngoài những ngày hành lễ cầu phúc, chữa bệnh cho dân bản… thì bất kỳ ông (bà) Then nào cũng phải sắm lễ dâng hương cúng bàn thờ Then vào các ngày mồng ba tháng giêng, rằm tháng ba âm, mười bốn tháng bảy âm, rằm tháng tám âm. Theo quan niệm của nhà Then đây là những ngày các Then trên trời xuống trần gian chơi vì vậy các Then ở trần gian phải thắp hương đặt lễ lên Hỉnh Then – bàn thờ Then để chào đón không được vì bất kỳ lý do nào mà để Hỉnh Then trống lạnh.

ĐỖ TẤC


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.