TÌM HIỂU VỀ CÁCH ĐẶT TÊN LÀNG BẢN CỦA NGƯỜI DAO

Người Dao từ lâu đã có tập quán sống thành cộng đồng nhỏ gọi là bản, tiếng Dao Đỏ gọi là “lang” hoặc “lổng”, người Dao Đầu Bằng gọi là “Giẳng”. Người Dao quan niệm một bản phải có ít nhất từ 3 nóc nhà trở lên (không phân biệt cùng họ hay khác họ). Trong một bản phải gồm có nguồn nước, có đất đai canh tác, có rừng cúng, có khu chăn thả gia súc, có bãi đất chôn người chết, có đường làng…Người Dao cho rằng các thành viên trong cộng đồng phải có ý thức trách nhiệm giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau để tránh bị thú dữ ăn thịt. Điều này, thể hiện tính đoàn kết của người Dao khá cao.

Bản của người Dao Đầu Bằng gọi là (giẳng), mỗi làng có địa vực cư trú, canh tác riêng. Bản có trưởng bản (giẳng châu), người này là người trưởng họ trong dòng họ lớn nhất, có uy tín, giỏi làm ăn, biết thông thạo chữ Nôm Dao và đạo lý của người Dao, đồng thời còn phải là thầy cúng cao tay, có khả năng chỉ đạo dân bản. Bên cạnh trưởng bản là già làng (giẳng cô). Già làng là người am hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng, có uy tín cao trong gia đình, dòng họ và cả cộng đồng. Những khi thực hiện các công việc quan trọng, trưởng bản đều phải hỏi ý kiến của già làng. Mỗi bản người Dao Đầu Bằng đều có chung một vị thần cai quản gọi là “giằng man”. Mỗi bản đều có một miếu thờ riêng- nơi thực hành các nghi lễ chung của dân bản.

Lễ hội Tủ Cải của người Dao.

Mỗi bản người Dao đều có một tên gọi riêng, các tên gọi này đều gọi theo địa danh, ví dụ như thôn Khèo Thầu (tiếng Quan hỏa) có nghĩa là Đầu suối (Khèo Thầu gọi là bản đầu suối), hay như Nậm Tàng là suối Nậm Tàng, người Dao Đỏ ở bản Tắc Tình tên gọi theo con thác Tắc Tình. Mỗi bản người Dao đều có ý nghĩa riêng, tên các bản của người Dao Đầu Bằng xã Hồ Thầu có ý nghĩa.   Trước kia bản Chù Lìn là khu rừng vầu, sau đó người Dao về khai phá lập bản Chù Lìn nên gọi là bản Chù Lìn (bản cây vầu); bản Gia Câu có nghĩa là bản “mương nước”; Hồ Thầu có nghĩa là “đầu nguồn”, đây là bản có thác nước chảy với nguồn nước trong suốt; Bản Pho có nghĩa là “sườn núi”; Tả Chải là tên của một bản của người Dao Đầu Bằng ở bên Trung Quốc, khi họ di cư sang Việt Nam nhóm người này đã lấy tên bản cũ của mình để đặt tên cho bản mới; Sín Chải có nghĩa là “bản mới”, đây là một bản mới được thành lập được mấy năm nay; Rừng Ổi là bản mà trước kia có cả một khu rừng Ổi rộng lớn; Khèo Thầu tức là “Bản đầu cầu”, bản này có cây cầu bắc qua con suối; Bản Sinh Câu tức là “Kê suối sâu”; Nhiều Sang tức là “bãi thả trâu”, trước kia đây là một khu đất rộng dành cho việc chăn thả trâu bò; Si Tâu Chải có nghĩa là “bãi có nhiều đá”; Tề Suối Ngài có nghĩa là bản “Thác nước”; Đội 4, đây là nơi mà đội công nhân cầu đường đội 4 đã ở khi làm đường, người dân đã quen gọi là khu đội 4.

Hiện tượng đổi mới tên bản cũng đã xảy ra, cụ thể như thôn Huổi Ke thuộc xã Bình Lư nay đổi tên gọi là bản Hô Bó 2, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường. Song thực tế, tên bản mới thường được sử dụng nhiều trong văn bản mang tính chất hành chính, còn nội bộ làng thì tên cũ vẫn tồn tại, là dấu ấn khó phai trong tâm trí người Dao.

Cũng có nhiều trường hợp người Dao quyết định bỏ bản cũ, chuyển sang bản mới sinh sống. Nguyên nhân chuyển nhiều chỗ là do tập quán canh tác nương rẫy, vì người Dao là người rừng sống ở trong rừng, có thói quen phát nương làm rẫy, khi mảnh nương bạc màu (3-4 năm) thì lại chuyển tìm chỗ mảnh nương mới phát trồng lúa, phát đồi được 10-13 năm lại chuyển. Người Dao thường chọn chỗ có khe nước mới đi, phát nương ở gần đó. Sau này ổn định rồi, có ruộng nước rồi thì cuộc sống của người Dao cũng ổn định hơn, và muốn đi cũng không thể đi đâu được, chuyển cũng không có chỗ chuyển.

Số lượng dân cư trong bản của người Dao thường biến động theo từng thời kỳ, thời gian. Trước năm 1950, người Dao phần lớn sống du canh du cư, cuộc sống không ổn định, quy mô của làng thường chỉ có 5 – 7 nhà, mỗi nhà ở một quả đồi gần khe nước, dân cư thưa thớt để tiện làm ăn tăng gia sản xuất. Từ khi, chính sách của Đảng và Nhà nước thực hiện vận động định canh định cư, bản làng người Dao tương đối ổn định, cuộc sống người dân ngày càng tốt đẹp hơn. Số lượng dân cư trong mỗi bản ngày một đông, quy mô của làng ngày càng tăng, trung bình,  có 20 hộ với hàng trăm nhân khẩu trở lên.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn có một số làng thuần người Dao (100% là người Dao) cư trú ở thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên và một sỗ bản người Dao thuộc xã Phúc Than, huyện Than Uyên và xã Hồ Thầu, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường.

Làng bản của người Dao bao gồm nhiều yếu tố cấu thành, có rừng già, rừng cấm và các loại rừng khác, có nguồn nước (nước sinh hoạt và sản xuất), đất đai canh tác sản xuất, có đường làng bản, ruộng, nương, bãi chăn thả gia súc, vườn và nhà cửa… Làng bản được quản lý chung bởi các hộ gia đình thành viên trong cộng đồng bằng luật tục, hương ước, quy ước do chính người dân đề ra.


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.