Ngày 18/01/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) ra Chỉ thị số 20-CT/TW về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”. Vanhocnghethuatlaichau.vn đăng toàn văn Chỉ thị:
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư khoá IX, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần tổng kết thực tiễn lịch sử cách mạng qua các thời kỳ, rút ra kinh nghiệm, bài học, quy luật của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo; giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng còn có những hạn chế. Chất lượng nghiên cứu, biên soạn một số công trình lịch sử Đảng chưa cao; công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ chưa được chú trọng đúng tầm mức.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1- Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng và toàn xã hội, trước hết là của người đứng đầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Làm tốt công tác này nhằm phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang của Đảng, là cội nguồn sức mạnh, là động lực tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
2- Các cấp uỷ, trực tiếp và thường xuyên là thường trực cấp uỷ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác lịch sử Đảng. Quan tâm việc sưu tầm, khai thác tư liệu, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng có kiến thức chuyên ngành sâu rộng, có bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm cao; bảo đảm điều kiện, cơ sở vật chất, kinh phí cần thiết cho công tác quan trọng này.
3- Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tính khách quan, khoa học của các công trình lịch sử Đảng ở các cấp; chú trọng nghiên cứu, biên soạn biên niên sự kiện lịch sử Đảng, văn kiện Đảng và về quan hệ quốc tế của Đảng.
Quan tâm sưu tầm, khai thác bổ sung tư liệu lịch sử Đảng, nhất là tư liệu lịch sử Đảng ở nước ngoài và tư liệu qua phỏng vấn các nhân chứng lịch sử. Làm tốt công tác bảo quản, lưu trữ tư liệu lịch sử Đảng, đồng thời đẩy mạnh, tiến tới số hoá toàn bộ tư liệu lịch sử Đảng.
Đổi mới phương pháp nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo hướng gắn liền với nghiên cứu, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nghiên cứu lịch sử dân tộc. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, sưu tầm tư liệu lịch sử Đảng ở nước ngoài và nghiên cứu lịch sử một số đảng cầm quyền trên thế giới.
4- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong Đảng và toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ với phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; làm tốt công tác thông tin, giới thiệu lịch sử Đảng ta với bạn bè quốc tế. Chủ động đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng ta.
5- Về tổ chức thực hiện
– Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng tư tưởng, chủ trì phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
– Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với các cấp uỷ, tổ chức đảng và cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; đôn đốc, kiểm tra, tổng kết công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng.
Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chuyên môn đầu ngành có nhiệm vụ sưu tầm, quản lý tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; chỉ đạo chuyên môn, hướng dẫn nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn, thẩm định lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng các địa phương.
– Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đưa nội dung lịch sử Đảng lồng ghép vào nội dung giáo dục lịch sử dân tộc, giáo dục công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân.
– Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
– Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan giúp Ban Bí thư nắm tình hình và định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.
T/M BAN BÍ THƯ
Trần Quốc Vượng