Tiếng trống trường

Mẩy tỉnh dậy khi đàn gà tục tục gọi nhau ra khỏi chuồng. Phía sau nhà là đồi sơn tra đang mùa quả chín nên chim chóc kéo nhau về bay nhảy ríu rít tự lúc nào.

Hôm nay, trời không mưa. Mẩy cảm nhận thấy rõ ràng thời tiết qua ánh sáng len vào khe hở của vách ván gỗ, một thứ ánh sáng buổi sớm trong veo không lẫn hơi sương. Trên mái nhà, chỉ có tiếng chân của hàng trăm con chim sẻ cùng nhau ào xuống rồi lại bay vù lên. Cũng phải, cả năm chỉ có một ngày, đó là ngày hội đến trường, thế thì trời phải tạnh mưa để ngày vui ấy cho trọn vẹn chứ. Mẩy cứ nghĩ vẩn vơ trong đầu nhưng lại không muốn xuống khỏi giường cho đến khi tiếng mẹ nói vọng từ bếp lên:

– Mẩy ơi, dậy đi con. Dù sao cũng phải đi học. Nghe mẹ, dậy đi. Mẹ chuẩn bị quần áo cho con đi khai trường rồi.

Mẫy vẫn nằm im trong chăn, không trả lời mẹ nhưng trong đầu Mẩy lại đang nghĩ đến chuyện khác: Từ khi bố mất, mẹ ốm suốt, nhiều lần đưa mẹ ra viện mà trong nhà chẳng có đồng nào. Hai mẹ con sống nhờ vào suất ăn của bệnh viện dành cho bệnh nhân nghèo. Hôm nào có đoàn từ thiện phát đồ ăn thì mẹ con Mẩy không phải nhường cơm cho nhau. Năm học mới đến rồi, Mẩy cũng muốn đi học nhưng… Gọi mãi không thấy con dậy, mẹ Mẩy lên tận giường:

– Mẩy, dậy đi con. Dậy mà chuẩn bị đến trường.

Vừa nói mẹ vừa kéo chiếc chăn:

– Đời bố mẹ khổ vì mù chữ, vì thất học. Con không học thì…

Mẹ nói chưa hết câu Mẩy ngồi bật dậy vùng vằng:

– Con không học thì sao? Con không đi.

Nói xong Mẩy ra khỏi giường rồi đi thẳng xuống chỗ bếp lửa mẹ đã nhen từ lúc trời chưa sáng để đồ xôi. Nhà Mẩy vẫn thế, mẹ vẫn thường dậy sớm đồ xôi nhiều màu trong những dịp nào đó quan trọng và với mẹ ngày khai giảng năm học của Mẩy là một ngày như thế. Mẹ theo chân Mẩy xuống bếp, kéo cái ghế mây ngồi cạnh Mẩy:

– Mẹ không thể để con bỏ học. Còn một năm nữa là con học xong phổ thông, cố mà đi học con ạ. Mẹ sẽ cố gắng để con được học hành tử tế.

Mẩy nhìn đăm đăm vào bếp lửa:

– Không học hết lớp mười hai thì con vẫn làm người tốt được. Mẹ ốm đau thế này, con đi học thì lấy ai làm nương, lấy ai chăm mẹ.

Nói xong, Mẩy với cái lu cở ở góc bếp khoác lên vai, đội nón, cầm dao, chân xỏ ủng đi thẳng lên rừng thông mặc cho mẹ Mẩy gọi ở phía sau….

Rừng thông nhà Mẩy được bố mẹ trồng từ lúc nào Mẩy cũng chẳng biết nhưng Mẩy đã lớn lên cùng những cây thông to như cột nhà kia vì thế những cây thông ở tít trên đỉnh đồi như là người bạn chia sẻ buồn vui với Mẩy. Từ ngày bố mất, mẹ khỏi ốm là lấy hàng hóa ở chợ vào các bản xa để bán nên đi vắng suốt, Mẩy ở nhà đi nương một mình. Khi buồn quá Mẩy lại lên tận đỉnh đồi chơi quả thông như hồi còn bé xíu được đi cùng bố mẹ lên rừng tỉa cành cho cây nhanh lớn. Khi bố mẹ làm việc, Mẩy nhặt những quả thông rụng xếp thành vô số đồ chơi. Bố Mẩy cũng khéo tay lắm, từ những quả thông khô, bố gắn cho Mẩy những bông hoa, những con thú vô cùng lạ lẫm và đẹp mắt. Mùa đông ở Sìn Hồ lạnh cắt da cắt thịt, bếp nhà Mẩy lúc nào cũng đượm đỏ than quả thông. Mẩy thích mùi thơm dìu dịu, nhè nhẹ, mát mát từ bếp lửa ấy… Mãi nghĩ, Mẩy bị giật mình bởi tiếng trống trường đang vang lên từng hồi, từng hồi…Tiếng trống khai trường của trường mầm non ở ngay cạnh nhà Mẩy, âm thanh vang xa nghe không rõ lắm là của trường trung học cơ sở… Mẩy chạy vội lên điểm cao nhất của đồi thông, nhìn xuống ngôi trường có lá cờ đỏ sao vàng đang bay phấp phới cạnh dãy nhà ba tầng đang xây dựng dở dang. Đó là trường Mẩy. Tiếng trống khai trường đang vang kia đúng là của trường mình rồi. Mẩy tự nói với mình. Âm thanh ấy Mẩy nghe quen lắm rồi và hai năm qua Mẩy còn thực hiện theo nếp trống ấy nữa… Mẩy òa khóc nức nở. Mẩy nhớ tiếng trống trường, nhớ thầy cô, nhớ bạn bè… nhớ hết, nhớ hết những gì đã gắn bó với Mẩy. Mẩy muốn đứng xếp hàng dưới sân trường để hát quốc ca mỗi thứ hai hàng tuần, muốn được nghe bạn bè gọi tên, muốn được cô giáo chủ nhiệm nhắc nhở mỗi lần bị điểm thấp… hết! hết rồi. Mẩy cứ ôm mặt mà khóc rồi ngủ lịm dưới gốc thông từ lúc nào.

Trời bắt đầu đổ mưa. Những cơn mưa cuối mùa nhưng vẫn còn xối xả trút thẳng xuống đất. Mẩy ngồi dưới gốc thông từ sáng, từng hạt mưa lao mạnh từ trên cao xuống bị tán lá cản trở nên vỡ tung tóe thành từng hạt nhỏ rồi rơi xuống đất. Phía dưới dưới con đường là những thửa ruộng trồng đương quy. Những nhà đi đào đương quy đang chạy vội vào một gốc cây hay hốc đá nào đó trú mưa. Mẩy vẫn ngồi ở đó, để mặc cho mưa tầm tã xối vào người. Đầu tóc, quần áo đang khô cong giờ ướt nhẹp, dính bết vào da thịt. Mẩy thấy đói bụng. Đói cồn cào và mệt. Chắc là muộn lắm rồi. Hồi bé, theo bố mẹ lên rừng Mẩy vẫn thường nhìn vị trí của mặt trời để biết thời gian. Buổi sáng, khi bóng nắng trườn lên hết nhưng cây thông ở phía con suối là đã gần trưa. Khi mặt trời đậu trên ngọn cây thông Mẩy vẫn hay ngồi chơi dưới gốc là đã trưa rồi. Chiều cũng thế. Nhưng hôm nay, trời đang nắng lại kéo cơn mưa nhưng lúc trời nắng Mẩy lại ngủ quên mất nên chả biết giờ giấc gì nữa. Bất giác, Mẩy nhìn về phía trường. Khoảng sân hẹp có rất nhiều bạn đang tập trung từng nhóm ở đó. Năm ngoài, giờ này Mẩy đang cùng các bạn mượn sách giáo khoa, lao động để chuẩn bị cho buổi học đầu tiên… Trời đã tạnh, nước mưa còn đọng trên tóc Mẩy cứ nhỏ từng giọt chấm vào vai, vào lưng khiến Mẩy rùng mình vì lạnh. Mẩy định khoác lu cở để đi về thì nghe tiếng gọi dưới chân đồi:

– Mẩy ơi! Mẩy ơi! Mẩy ơi!

Tiếng gọi quen quen kia là của mẹ. Nhưng giọng nói nhẹ nhẹ, trong trong kia là của ai? Mẩy vẫn ngồi im. Tiếng gọi mỗi lúc một gần hơn, Mẩy nhận ra giọng cô giáo chủ nhiệm năm ngoái của mình. Làm sao bây giờ? Biết gặp cô thế nào đây? Chắc là sáng nay Mẩy không đi khai trường nên cô phải đến tận nhà tìm. Sao mẹ lại đưa cô lên tận trên rừng tìm Mẩy?… Có rất nhiều câu hỏi Mẩy chưa kịp trả lời thì cô và mẹ đến.

– Mẩy!

Cô cứ đứng lặng dưới gốc thông nhìn Mẩy ướt sũng. Mẹ vừa khoác lu cở cho Mẩy vừa nói:

– Mẩy, về nhà đi con. Cô giáo đến tìm con từ trưa đấy.

Rồi quay sang nói với cô giáo:

– Cô giáo cũng ướt hết rồi. Ta về nhà đã, có gì thì nói chuyện sau cô giáo nhé.

Mẹ chưa nói hết câu, Mẩy đã cúi đầu đi nhanh như chạy.  Như sợ Mẩy trốn mất, mẹ và cô giáo cũng chạy theo sau.

Căn nhà gỗ nằm gọn dưới chân đồi sơn tra là nhà Mẩy. Với Mẩy, đó từng là nơi rất vui vẻ và hạnh phúc nhưng bây giờ thì khác. Về nhà Mẩy luôn thấy trống trải vì thiếu vắng bố. Cũng vì muốn dành dụm thêm tiền để cho Mẩy đi học mà bố theo người ta lên rừng đốn gỗ rồi mới gặp tai nạn… Mẩy đang đi chợt đứng lại:

– Cô đừng mất công vì em nữa. Em không đi học đâu.

Cũng chẳng kịp để cho mẹ và cô giáo phản ứng Mẩy lại lao đầu chạy về phía trước. Trời lại mưa, mưa không to nhưng đủ để Mẩy thấy từng hạt táp vào mặt rát bỏng. Tiếng mưa, tiếng mẹ, tiếng cô giáo gọi lẫn vào nhau nhưng Mẩy nghe rõ từng tiếng một… Về đến nhà, Mẩy như chợt nhớ ra điều gì mới quay lại nhìn mẹ và cô giáo. Người cô cũng ướt không khác gì Mẩy và mẹ. Mặt cô trắng bợt vì lạnh và chạy theo Mẩy nên vừa dừng chân, Mẩy đã nghe cả tiếng thở hổn hển như đứt hơi của cô. Mẩy ấp úng:

– Cô ơi! Cô có sao không ạ? Em làm cô khổ rồi.

Mẹ Mẩy vội vào bếp vừa nhen bếp củi vừa nói:

– Cô giáo đứng vào đây cho đỡ lạnh. Mẩy ơi! Con thấy chưa? Vì con mà cô mới đến đây. Con suy nghĩ lại đi, đừng phụ công cô, công mẹ.

Mẩy đứng trân trân giữa bếp. Đúng là cô đã vì mình mới đi tìm. Cuộc sống dù khó khăn nhưng thầy cô vẫn luôn yêu thương giúp đỡ. Nếu bỏ học, chẳng phải mình đã phụ công cô thầy. Mà học cho mình cơ mà… nhưng… còn mẹ… Những lời cô nói Mẩy đều hiểu… Bao nhiêu ý nghĩ trong đầu cứ quẩn quanh khiến Mẩy chẳng biết nên làm thế nào. Trước khi về cô còn nhắc Mẩy:

– Suy nghĩ cho kỹ những điều cô vừa nói. Cô vẫn hi vọng ngày mai được đón em ở lớp. Mai là buổi học đầu tiên của năm học mới đấy. Cô về nhé!

Cơn mưa chiều đã ngớt hạt, bóng chiều đã ập xuống cô mới tạm biệt mẹ con Mẩy. Nhìn bóng cô lẫn vào không khí lạnh lẽo của buổi chiều tối Mẩy chợt thấy nhói ở trong lòng…

Mẩy đã chuẩn bị xong quần áo để đến trường. Mẹ ngồi bên bếp lửa đun nồi cám lợn nhìn Mẩy đầy hạnh phúc. Buổi học đầu tiên được bắt đầu bằng hồi trống báo nhưng Mẩy đã có mặt ở lớp. Vẫn là những con người ấy mà sao hôm nay Mẩy thấy thân thương đến thế. Ngoài sân trường, nắng sớm đã bung vàng theo bước chân của cô chủ nhiệm và các bạn đang đi về phía cửa lớp học. Bên tai Mẩy vẫn còn nguyên những lời cô giáo nói chiều hôm qua. Tiếng trống vào lớp vang lên, Mẩy đã ngồi vào vị trí, cô bước vào nhìn Mẩy rồi nở nụ cười thật tươi như nắng mùa thu đang reo ngoài cửa lớp.

Châm Võ


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.