Thuyền độc mộc với cuộc sống của dân tộc Thái

Chuyện kể rằng: nhà chuột cách cánh đồng một khe suối nhỏ, rộng ba bốn sải tay và sâu ngập đầu người. Đoạn nào nông nhất cũng ngang đầu gối. Hàng ngày người nông dân đi làm cũng chỉ lội sang chứ không muốn bắc cầu, bởi họ nghĩ rằng nếu bắc cầu thì chuột ông, chuột bà, chuột cha mẹ rồi đến con cháu của chuột sẽ kéo nhau từng đàn sang ăn lúa.

Vài năm đầu, mỗi mùa lúa chín vàng nhất là giống khẩu lương fửng “lúa vàng sáp ong” vừa thơm vừa dẻo, dẻo đến nỗi khi mới đồ chín người ta nắm thật chặt xong ném vào cửa dính bệt vào đó luôn. Nên thường có câu:

Khẩu má khương, khẩu lương fửng

Chẳm nặm canh bấu khẩu cuông

Dịch là:

Cơm xôi lúa sáp ong

Dúng vào nước canh mà chẳng thấm

Xưa kia, loại lúa vỏ trấu vàng là loại đặc sản ở khu Tây Bắc, có thể so với độ thơm và dẻo như giống lúa nếp cái hoa vàng ở miền xuôi hay trồng. Một hôm, vợ chồng bác nông dân đi thăm ruộng lúa chín thì ngạc nhiên khi thấy lác đác có từng dúm vỏ trấu. Rồi càng ngày càng nhiều, lan khắp cả cánh đồng. Nhưng họ cũng chưa đoán ra chuột sang bằng cách nào, nhảy thì không qua, lội càng không được, lạ thật. Người nông dân quyết tâm tìm ra thủ phạm. Họ ngồi nấp kín trên bờ những đoạn suối rộng và sâu nhất thì bắt gặp một con chuột to hai chân trước ôm chặt lấy dóng cây sậy “Mạy ỏ” loại cây bên trong rỗng có đốt mấu từng dóng một giống như cây nứa. Hai chân sau chuột cứ bơi bơi, cố mãi rồi cũng sang được bờ lên cánh đồng, thì ra trí khôn của chuột là như vậy.

Từ đó người Thái sống ven sông, suối nghĩ ra cách làm làm con thuyền. Với địa hình con suối rất phức tạp, chỗ thì quanh co, đá gầm, đá nổi nhất là những thác ghềnh hiểm nguy, nhỡ tay là thuyền đâm vào đá hoặc bị sóng to đắm thuyền, mất hàng. Vì vậy nhất thiết phải làm thuyền độc mộc.

Chọn gỗ để làm thuyền độc mộc: Gỗ làm con thuyền phải đảm bảo hai mặt, một mặt vừa chắc, vừa có độ nổi nước như: “mạy cha” (gỗ xâng), “mạy củ” (gỗ sấu), “mạy dum” (gỗ lát). Cây gỗ thẳng, chừng ba người dang tay ra ôm, độ dài bốn sải tay người lớn. Sau khi làm xong đáy, bên trong con thuyền rộng bốn gang tay, chiều ngang miệng rộng năm gang.

Dụng cụ chế tác thuyền phù hợp với địa hình, suối nước: Một là “khan xeo” (cái rìu) để hạ cây và chặt ngọn. Hai là “khan bo” (búa bổ) để chặt từng khúc và bổ phần khối đặc lòng máng ra. Ba là “khan chóp” (cuốc) lưỡi cuốc gỗ hẹp chừng năm phân khác với lưỡi cuốc đất. Bốn là “xiêm chọn” (thuổng), lưỡi thuổng để đẽo phần mềm lòng thuyền cho nhẵn, khác với thuổng đào hố đất. Năm là “thui pảo” (cái bào gỗ) dùng để bào bên ngoài cho nhẵn. Tất cả năm thứ dụng cụ này thứ nào cũng quan trọng, từ khi bắt đầu khởi công cho đến khi hoàn thành cứ mỗi ngày hai lần mài cho thật sắc.

Công năng con thuyền độc mộc đối với người Thái ở ven các con sông, con suối nói chung và người Thái ở Mường So nói riêng, kể cả thời bình lẫn thời chiến thì con thuyền là một phương tiện giải phóng đôi chân, đôi vai cho người Thái. Bình thường người Thái Mường So dùng con thuyền chở mọi thứ từ nơi này sang nơi khác như chở thóc từ cánh đồng về nhà. Chở vật liệu, gianh, tre, nứa với quãng đường nước dài hàng chục cây số để làm nhà. Chở đá từ nơi xa về xếp đập “phai hợn háng”, dẫn nước lên cánh đồng nơi mà ngày nay tổ chức lễ hội “Kin Lẩu Khẩu Mẩu”, rồi dùng con thuyền quăng chài kéo lưới. Bài ca trao rể có câu:

Lụ tso pay tang pó ao

Tso pay keo cánh pay lạo tang po ó

Tso dú hô hợ tọt he đải

Dú tài hợ tọt he dóng mọng may

Bun đi đáy nạy đanh khẻ vá

Bun chốp đảy pa nọi pa ón lai pựng

Pa tô đi hẩu me ý pánh hệt xủm

Pa tô nọi giảng tsá khạ cơ…

Dịch là:

Con xin đi mường xa thay ông chú

Đi mường Kinh và mường Lào thay bố vợ

Xin đứng đầu thuyền quăng chài dây tơ

Đứng đuôi thuyền quăng chài dây gai

Gặp may quăng được cá chiên, cá trắm

May hơn lại quăng được cá đàn

Cá to để mẹ thái ướp chua

Cá nhỏ để mẹ sấy khô ăn dần…

Đó chỉ là vài công việc đơn giản trong cuộc sống đời thường. Nhưng trong kháng chiến chống Pháp, nhất là chiến dịch Điên Biên Phủ, đoàn dân công của xã Mường So đã dùng con thuyền của mình chở lương thực, thực phẩm từ cửa khẩu Ma Lù Thàng đến tận Mường Lay tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ. Mặc dù chặng đường sông dài 100 cây số, qua nhiều thác ghềnh hiểm nguy, trên không bị máy bay địch uy hiếp, bắn phá hòng cắt công việc tiếp tế đường sông,  nhưng với tinh thần trách nhiệm cao cùng với sự khéo léo, đoàn dân công quyết tâm vượt qua mọi gian khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình lặp lại ở miền Bắc nước ta, nhưng hồi đó chưa có giao thông đường bộ, nhất là từ tỉnh Lào Cai đến Mường Lay, công việc vận chuyển hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn. Để đáp ứng kịp thời phục vụ cho người dân vùng sâu vùng xa, cấp trên lại vận động lớp thanh niên, trung niên Mường So tiếp tục dùng con thuyền độc mộc chở lương thực, lâm thổ sản và chở cán bộ từ Phong Thổ đến Mường Lay, chở hàng bách hóa từ Mường Lay về Phong Thổ. Nhà nước trả công cước vận chuyển mỗi chuyến đi về bình quân mỗi người được từ 70 đến 80 đồng, còn cao hơn lương tháng cán bộ, công nhân viên Nhà nước lúc bấy giờ. Công việc vận tải đường sông được diễn ra hàng chục năm, sau đó khai thông đường bộ từ Lào Cai đến Mường Lay (năm 1956 – 1966) mới thôi. Từ năm 1965 cho đến năm 1972, tuy có máy bay giặc Mỹ đến oanh tạc nhưng dân Mường So vẫn dùng con thuyền này chở trẻ em, người già đi vào các hang, động ven suối an toàn.

Ngày nay con thuyền vẫn là bạn đồng hành của dân tộc Thái ở Mường So khi đi quăng chài, thả lưới bắt tôm, cá. Vài năm gần đây, huyện Phong Thổ đã tổ chức lễ hội “Đua thuyền” tại ngã ba sông “Pa So Na”. Xưa kia có bài hát chèo thuyền:

Nhùm nhùm bảng hợ bó khửn khung

Ngúm nhúm bảng hợ luông khửn khái

Khửn khái hế bạn hơi

Hô hợ pắc bó đải cheo dơ

Tai hợ pắc bó mạ cheo dơ

Khái nì khái bó pục đang mả

Khái nề khái bó mạ đang ban

Khái nì xí xíp sao coọng thả

Hả xíp báo hăn chẹo dơ

Chèo khửn khái nhà lung

Chèo khửn khung nhà lẳng

Dịch là:

Hò dô chiếc thuyền hoa lên khung

Hò dô chiếc thuyền to lên khái

Lên khái nào bạn ơi

Đầu thuyền cắm hoa đải

Đuôi thuyền cắm hoa vàng anh

Khái này khái hoa bưởi đang nhú

Khái này khái hoa vàng anh đang nở

Khái này bốn mưới cô gái sắc đang chờ

Năm mươi trai tài chèo nhanh lên

Chèo lên khái đừng nhầm

Chèo lên khung đừng nản bạn ơi…

Từ xưa tới nay, con thuyền độc mộc vẫn là bạn đồng hành, gắn bó với cuộc sống của Thái. Hàng năm, mùa mưa nước lũ, thuyền được ông chủ kéo lên bờ gác khô. Sau tết, chủ thuyền chọn ngày lành kéo ra suối, tiếp tục sử dụng như mọi khi.

Ngày nay, tuy hiếm gỗ to, gỗ thích hợp, nhưng người Thái Mường So vẫn chọn cây gỗ tạp để làm con thuyền hoặc xẻ ván để làm thuyền ghép, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

NÔNG VĂN NẢO


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.