Thương nhớ Sìn Hồ

Khi chưa đến nơi đây, huyện Sìn Hồ đối với tôi là một miền đất xa lạ, bởi lẽ, chỉ nghe cái tên thôi đã gợi lên trong tôi biết bao điều về một xứ sở xa xôi, có vẻ hoang vu và bí hiểm. Nhưng khi đến rồi, dù chỉ một lần, miền đất ấy không hiểu sao cứ vương vất trong cảm nhận và nỗi nhớ của tâm hồn vẻ quyến rũ đầy mê hoặc…

Nhận lời mời lên thăm Sìn Hồ từ một anh bạn thân đang dạy học ở đây gần mười năm năm, tôi rong ruổi theo những cung đường uốn lượn quanh những triền núi cao sừng sững để thỏa lòng chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng của những địa danh, những vùng đất và cả tình người vùng cao. Ngồi trên xe, tôi được một cư dân bản địa kể cái tên Sìn Hồ theo tiếng của cư dân bản địa thì có nghĩa là “nơi có nhiều con suối”. Sìn Hồ hiện ra trước mắt tôi là một miền đất bốn mùa mây phủ, dọc con đường đi vào thung lũng, tôi đã quan sát được những cánh rừng nguyên sinh bình yên đến thơ mộng.

Để đến được vùng đất Sìn Hồ, chúng tôi vượt qua cung đường dài, uốn lượn theo những cánh rừng già đầy bí hiểm của Mường Lay. Cảnh sắc nơi đây thật thi vị và không làm cho con người nản lòng khi phải đi qua những cung đường uốn lượn đến chóng mặt, dốc núi gập ghềnh. Phía dưới con đường là dòng sông Đà xanh thẳm cuộn chảy, nắng chiều chiếu xuống mặt nước khiến màu xanh ngọc bích của nước sông Đà càng như lóe lên màu sắc bóng bảy của nó… Càng đi, chúng tôi càng thấy cung đường choán ngợp bởi rừng, mây mù và cảnh sắc thiên nhiên. Băng qua những cánh rừng quanh năm mây phủ, màu xanh bạt ngàn của cây lá hòa quyện với những đám mây bồng bềnh lưng núi, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thanh sơ của vùng đất này. Chưa đến nơi nhưng tôi thấy lòng mình nhẹ tênh, tâm hồn sảng khoái và khuôn mặt hớn hở lạ thường. Anh bạn ngồi cùng xe đoán biết ngay vì sao tôi vui như thế, là vì từ lâu, tôi vẫn bị mọi người gọi cái biệt danh là “người ăn mây mù”. Hẳn thế, cứ thấy đâu có mây mù, rừng rú, bản làng là tôi lại nở hoa đôi chân và cứ thế rong ruổi khắp chốn.

Ấn tượng trong tôi về Sìn Hồ là những bản làng của người Mông nằm sâu trong những triền núi. Những tên làng, tên bản đối với tôi vừa xa lạ, vừa thân thương: nào bản Pú Đao, nào Tà Ghềnh, Hoàng Hồ, rồi bản Tả Phìn, Phăng Sô Lin… nhiều bản, nhiều làng, không sao nhớ hết. Nơi đây có những ngôi nhà gỗ xinh xắn, vững chãi với những nét văn hóa bản địa vô cùng đặc sắc của những con người ăn đời ở kiếp với xứ sở. Thật nhẹ nhõm và thư thái khi dạo bước đi trên những con đường nhỏ xinh, quanh những con suối trong mát, con người như lạc vào miền cổ tích giữa đại ngàn xa thẳm. Bao nhiêu bụi bặm, ưu phiền xua đi tự lúc nào. Chỉ có con người đang hòa vào dáng núi, hòa vào cỏ cây, những thanh âm của núi rừng như đang xuyên thấm vào các giác quan để tâm hồn cất lên một nhạc điệu say mê. Chỉ có núi rừng mới chưng cất thành chất men say như thế!

Thật thú vị khi đứng trên mỏm núi cao chiêm ngưỡng phố núi Sìn Hồ. Thung lũng Sìn Hồ nằm giữa các triền núi cao sừng sững, uốn lượn tạo thành những vòng cung nhấp nhô. Phía trên là rừng đại ngàn với những vạt cây sa mu thẳng tắp gợi thế vững chãi bao bọc lấy phố núi. Phía dưới là những ngôi nhà cao tầng nhiều màu sắc gợi lên sức sống đang trào dâng. Điều đặc biệt là trên triền núi, đồng bào vùng cao làm ruộng bậc thang để cấy lúa nên xung quanh phố núi là những đường viền lượn sóng đẹp đến nao lòng của những thửa ruộng bậc thang. Phố sá tấp nập, nhà cao tầng sơn đủ loại màu nhưng phố núi vẫn thật đẹp, thật hiền hòa và thơ mộng. Con người, nhà cửa nơi đây như hòa vào mây trời, cây rừng, dáng núi để giữa lòng phố thị vẫn cảm nhận được những sợi mây vương vất quanh mình, vẫn nghe tiếng suối chảy, thác đổ và hương vị thơm của lúa, của ngô.

Tiết trời Sìn Hồ mát mẻ quanh năm. Trên đường vào thung lũng, tôi đã cảm nhận được cái se sắt của giá buốt xâm lấn khắp không gian. Và bên ven đường, sườn núi, nương ngô, thỉnh thoảng có những bếp lửa khói lên nghi ngút của bọn trẻ chăn trâu hay người đi nương đốt lên sưởi ấm. Mỗi khi chiều về, thật kỳ thú khi đứng lặng mà chiêm ngưỡng những áng mây trắng tựa bông vương vất quanh những triền núi, hòa vào từng cánh rừng. Mây sà xuống thung lũng Sìn Hồ khiến không gian tựa như một biển mây bồng bềnh, hư ảo. Anh bạn tôi kể rằng, vào mùa, hoa ban, hoa đào, hoa mận nở khắp nơi, đẹp lắm, tinh khiết và trong trẻo. Nghe thấy vậy mà đôi chân và tâm hồn như muốn ở lại, chẳng muốn rời xa. Tôi mường tượng, mùa xuân Sìn Hồ bung nở hoa mận bung ở những cánh rừng, ven đường rồi hoa đào chúm chím khoe sắc.

Mỗi khi đến vùng cao Tây Bắc, dù thế nào, tôi không thể bỏ lỡ cơ hội với chợ phiên. Đến Sìn Hồ cũng vậy, dù tiết trời giá buốt, màn sương đặc sánh vẫn đang choàng lên khắp không gian nhưng tôi vẫn trở dậy để kịp xuống chợ phiên. Mới sáng sớm, sường giăng chưa rõ mặt người, tiếng chân ngựa lóc cóc trên đường nhựa, tiếng cười nói của người đi chợ đông vui, tấp nập. Chỉ đứng mà nhìn thôi đã cảm nhận được niềm vui của đồng bào vùng cao trong ngày xuống chợ phiên. Chợ phiên Sìn Hồ có sắc màu, thanh âm, hương vị của phiên chợ vùng cao Tây Bắc. Trong cái se sắt lạnh của những ngày cuối năm, những cái bắt tay của người trên bản, nụ cười tỏa làn sương núi như xua tan giá lạnh. Và đâu đó, ở góc ẩm thực, những nồi nước phở bốc lên nghi ngút, hương rượu ngô thơm nồng như đang chưng cất cái tình người nơi chợ phiên. Chợ Sìn Hồ thật nhiều sản vật núi rừng được đồng bào nơi đây bày bán như: măng rừng, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong, dưa núi… cùng với các đặc sản: thịt trâu gác bếp, thịt lợn hun khói, các loại bánh, rượu ngô thơm nức. Người bán ở đây tuy mới gặp lần đầu mà ngỡ như quen tự thuở nào vậy. Chưa bán đã nở nụ cười tỏa rạng vẻ hoang hoải xứ núi, chưa bán đã cất lên những lời chào thân mật. Đồng bào ở đây là thế, mến khách, dân dã và chan hòa.

Dời chợ phiên, chuẩn bị lên xe về xuôi, phía sau tôi vẫn là những thanh âm quen thuộc của phiên chợ vùng cao. Anh bạn giáo viên của tôi hỏi rằng, đến đây đã biết thế nào là “nơi có nhiều con suối” chưa? Thực tình, tôi nào đã đi đến được những con suối và đếm được Sìn Hồ có bao nhiêu con suối chảy về, chảy qua. Chỉ biết rằng, đất và người nơi đây trong sự cảm nhận của người xa xứ như tôi đang tạo nên dòng suối chảy trong tâm hồn con người, làm nên tình yêu về một vùng đất giữa xứ sở Tây Bắc. Để rồi, khi chia xa, điều đọng lại là nỗi thương nhớ và biết đâu, tâm hồn lại cất lên lời hẹn hò, rằng mùa xuân trở lại Sìn Hồ!

Nguyễn Thế Lượng


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.