Thư gửi bố

Chẳng bao giờ con nghĩ rằng có một ngày mình gọi một người không phải là bố mình là Bố!

Nhớ lần đầu tiên khi con gọi Bố, từ Bố thiêng liêng con cất giữ lâu rồi. Ấy là khi cuộc điện thoại đầu tiên sau hôn nhân, con đã hốt hoảng khi có tiếng alô, rồi thay vì xưng con, con chuyển sang xưng cháu, tiếng Bố tắc nghẹn rồi con gọi là bác thay cho từ ba. Bố ân cần nhỏ nhẹ: “Không sao, do con chưa quen, giờ con gọi là Bố dần cho quen”. Lời xin lỗi với con sao khó nói, dặn lòng rằng “Giờ bố đã là bố của con”. Một khoảng lặng chen vào giữa hôn nhân, và bố của anh giờ chung là Bố. Bố anh rồi, ấy là Bố của con!

Bố – đối với con đó là một từ rất thiêng liêng, bởi đã mấy năm con mới lại dùng đến nó. Bố con mất khi con đang đi học. Đó là nỗi mất mát lớn với con vì bố con là người bạn lớn của con suốt thời thơ ấu. Ngay cả giờ đây, khi đang viết những dòng này, điều con ân hận nhất đời vẫn là khi con đã trưởng thành cũng là lúc con không được tự tay mình chăm sóc cho người đã có công sinh thành, dưỡng dục.

Kỷ niệm lại ùa về nguyên vẹn trong con. Tuổi thơ con là ngập tràn những niềm vui, có Bố ở bên ngày nào với con cũng là ngày hạnh phúc. Người đã cho con biết thế nào là thiên nhiên, là những ngày hè ý nghĩa. Chỉ là những điều rất giản đơn từ cuộc sống, người đã dạy con biết trân trọng, yêu thương những gì con đang có. Người nói với con rằng: Chính con mới là người có thể thay đổi được cuộc sống của chính mình nhờ sự nỗ lực của bản thân.

Những vất vả của tuổi thơ con cũng từng nếm trải. Những đắng cay xen lẫn với ngọt bùi. Hạnh phúc của con là những chiều rong ruổi, bố kiệu trên vai, con hát nghêu ngao. Là que kem giữa tiết trời oi ả, bố nhường con tránh cơn khát trưa hè. Là gióng mía ngọt lùi bố mang ở chợ quê, trao cho con với mồ hôi ướt đầm lưng áo.

Con chưa bao giờ tưởng tượng có một ngày mình sẽ phải vĩnh viễn mất đi người bạn lớn ấy. Bởi vậy con đã bị hụt hẫng như mất đi chính mình khi điều đó xảy ra.

Lòng con đã khép lại một từ “Bố” kể từ giây phút ấy!

Rồi con phải tập, cũng đã khó khăn khi từ đầu tiên được thốt ra. Vì với con, đó là một từ vô cùng thiêng liêng, trân trọng.

Khi đã gọi từ ấy, tức là sẽ có một mối dây ràng buộc. Đó không phải là sợi dây đơn thuần, là sợi dây tình cảm, phải giữ gìn, trân trọng và nâng niu.

Hạnh phúc rất mong manh nếu mình không nắm giữ. Con đã may mắn nhiều khi quen gọi Bố mà ngỡ đã quên

Giờ con đã quen giống như thói quen mỗi ngày con uống nước. Người ta có thể nhịn ăn nhưng không thể nhịn khát bao giờ. Con thấy vui khi mỗi người con trưởng thành, hạnh phúc nhân đôi khi có 2 người Bố. Niềm hạnh phúc của con ngỡ đã mất đi, giờ lại được đong đầy khi con có Bố.

Con không biết từ khi nào cái khoảng cách bố chồng – nàng dâu trong con bị xóa bỏ. Có thể do con đã mất Bố, nên cái khát khao có một người Bố để được nũng nịu, để được thương yêu đã cho con tình cảm đong đầy.

Những rào cản về ngôn ngữ của 2 dân tộc Kinh – Dao, sự ngăn cách về những nét văn hóa, về không gian sinh hoạt… đã mất dần. Con thấy bình yên khi có Bố ở bên. Con thấy vui khi thấy bố cười. Và thắt lòng khi nhận ra Bố đã già đi, đã yếu hơn hơn trước, hơn rất nhiều so với cái ngày con bước chân vào ngôi nhà giờ đã trở nên quen.

Bố không sinh thành ra con nhưng Bố đã sinh thành ra người sẽ đi cùng con trên con đường đời phía trước.

Bố không cho con cuộc đời nhưng Bố đã cho con gái con cả một người Bố vĩ đại, để sau này khi con gái con lớn lên, cháu sẽ tự hào về Bố của cháu như con đang tự hào về những người Bố của mình.

Bố không ở bên chúng con nhưng Bố tạo cho chúng con một mái ấm, để chúng con cảm nhận được sự vững chãi của nó giống như cái bóng của Bố, sẽ chở che cho chúng con cả cuộc đời này.

Con cũng không bao giờ quên câu chuyện Bố kể cho bạn Bố “Chúng nó lấy nhau như một thiên tình sử”. Bố đã cho chúng con sự tự hào về tình yêu của mình, để từ đó chúng con trân trọng nhau, sống vì nhau và vì tất cả những gì mà Bố đã giành cho chúng con.

Khoảng thời gian phía trước sẽ không dài khi mỗi ngày mỗi tuổi. Con gái của chúng con, cháu gái của ông – Cái tên Nhật Hồng mang ý nghĩa vì cháu sinh đúng ngày ông mừng thọ bảy mươi. Khi cháu lớn lên nhất định con sẽ kể về ý nghĩa của cái tên do ông nội đặt. Con tin cháu sẽ tự hào khi với cái tên ấy, và sẽ nói rằng: ngày con sinh ra – là ngày của Ông!

Con xót lòng khi nhận ra những bước đi vững chãi của ngày xưa giờ không còn nữa, tóc đã bạc màu thành những sợi thời gian. Giọng nói chậm hơn, bàn tay run và mắt giảm sự tinh anh đi phân nửa. Mỗi khi trái gió trở trời… Bố mệt và ho…

Con chỉ mong những ngày bình yên cứ kéo dài ra mãi. Con sợ ngày mai, khi chúng con vẫn chưa làm được điều gì, Bố vẫn canh cánh nỗi lo chúng con “cây non chưa vững”. Con chỉ ước, ước được chia sẻ bớt những canh cánh trong lòng, để Bố của con được một ngày ngơi nghỉ.

Gần năm năm sau ngày con gọi Bố. 5 năm đủ để làm một lễ kỷ niệm “gốm” – mong sự bình yên. Và con mãi mong “Bình yên, an lành luôn ngự trị trong đại gia đình của chúng ta”.

Nguyễn Chanh


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.