Thơ song ngữ góp phần bảo tồn văn hóa các dân tộc

Lai Châu có hai mươi dân tộc sinh sống với vốn văn hóa dân gian các dân tộc đồ sộ, phong phú. Nỗ lực bảo tồn văn hóa dân gian, nhiều nghệ nhân đã truyền miệng, tham gia viết sách về tri thức bản địa dân tộc. Sáng tác thơ song ngữ là một trong những hoạt động gìn giữ tinh hoa văn hóa các dân tộc bởi chỉ có ở thơ song ngữ, góc nhìn, cách nghĩ của các dân tộc mới hiển hiện rõ nét nhất. Thơ song ngữ mang đậm chất trữ tình và độc đáo.

Những năm qua, Tạp chí Văn nghệ Lai Châu (Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh) duy trì chuyên mục “Thơ song ngữ” nhằm khuyến khích các nghệ nhân sáng tác, bảo tồn văn hóa dân tộc mình. Chuyên mục có sự đóng góp của nhiều dân tộc: Giáy, Thái, Dao, Mông… khiến tạp chí thêm đa dạng, tạo dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Thơ song ngữ gồm hai phần: thơ tiếng dân tộc và dịch nghĩa giúp thế hệ trẻ tiếp cận văn hóa nguồn cội. Thơ song ngữ bắt nguồn từ chính đời sống đa diện của dân tộc thiểu số nên nội dung khai thác vẻ đẹp ngay ở bản làng cũng như con người, ruộng đồng, sông núi…

Tác giả Lò Thị Phào – bản Thèn Nưa, thị trấn Phong Thổ (bên phải) trao đổi về việc sáng tác thơ song ngữ.

Chúng tôi có dịp trò chuyện với bà Lò Thị Phào – bản Thèn Nưa, thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ). Bà Phào chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ). Từ nhỏ, tôi được nghe ông bà nội, ngoại hát dân ca nói về lao động sản xuất, đi cấy cày. Đặc biệt là mẹ tôi (bà Màng Thị Chiên) biết chữ Thái và dạy lại cho tôi. Năm 1972, tôi học bổ túc sư phạm tại huyện Tuần Giáo rồi ra trường và trở về quê hương dạy học sinh các dân tộc: Mông, Thái, Dao… Năm 2006, tôi nghỉ hưu, con cái phương trưởng, tôi bắt đầu sáng tác thơ song ngữ. Cũng trong giai đoạn này, tôi được cố nghệ nhân đàn tính Nông Văn Nhay (huyện Phong Thổ) giới thiệu trở thành hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh. Tôi đã gửi đăng hàng chục bài thơ song ngữ trên Tạp chí Văn nghệ Lai Châu, nội dung về lao động sản xuất, tâm tư của dân tộc mình”. Trong các tác phẩm thơ song ngữ của bà Phào, chúng tôi ấn tượng với bài “Dòng sông Nậm Na” với những câu thơ đậm chất trữ tình về một miền quê sông nước: Dòng sông Nậm Na/ Đàn cò trắng đã bay về đậu/ Hạt phù sa lặn xuống hóa trắng vàng/ Đàn cá lượn xuôi nguồn tìm nơi trú/ Cứ mùa hạ sang ta tắm mát nỗi niềm/ Cánh đồng ngát hương từ đôi bờ bồi lở/ Hạt thóc nảy mầm qua những đêm đông”. Còn trong bài “Yêu nhau cho nên đôi” lại là hình tượng nghệ thuật, biểu hiện về tình yêu rất riêng của người miền núi: “Yêu nhau nằm đệm vỏ cây cám cũng xong… Không chê áo khâu múi chỉ dài/ Không chê bai chỉ nối/ Không chê ngồi lán bên khe”. Đọc thơ song ngữ của bà Phào, người đọc hiểu góc nhìn sâu sắc về cuộc sống hàng ngày, về tình cảm của bà con địa phương. Từ cách ví von lạ, ngôn từ độc đáo cho thấy tầng văn hóa phong phú của dân tộc.

Cũng trong câu chuyện với tác giả thơ song ngữ Lò Thị Phào, chúng tôi hiểu thêm rằng sáng tác thơ song ngữ không đơn thuần như sáng tác thơ bình thường – chỉ xuất phát từ cảm xúc của tác giả. Thơ song ngữ đòi hỏi phải có thời gian tìm hiểu, chuyển tải tiếng dân tộc sang tiếng Việt sao cho sát nghĩa. Mỗi bài thơ cần nghiên cứu nhiều ngày, tham khảo thêm ý kiến của những người cao tuổi, nghệ nhân am hiểu về dân tộc ở địa phương. Vất vả làm vậy nhưng việc được trân trọng đăng tải trên các tạp chí đối với các tác giả là niềm vui cống hiến trong việc lưu giữ vốn liếng văn hóa dân tộc mình. Họ như “cầu nối” bảo tồn tiếng, ý nghĩa ngôn ngữ của dân tộc.

Nhắc đến thơ song ngữ Thái, không thể không kể đến ông Hoàng Ngọc Sứu (xã Mường So, huyện Phong Thổ). Trong bài “Xây dựng nông thôn mới”, với vấn đề thời sự được cơ sở quan tâm, cũng có những câu thơ song ngữ dễ hiểu với bà con: “Bản ta chưa đẹp ta giúp nhau xây/ Đường ta chưa rộng ta giúp nhau mở”. Hay như ông Điêu Văn Thuyển (huyện Phong Thổ), trong bài “Người Thái tin theo Đảng”. Từ hình ảnh năm xưa “Váy mẹ bạc vì đào củ mài mùa đói/ Áo cóm em nhuộm củ nâu bạc màu” đến ngày nay “Sàn lát ván, lợp ngói trắng tôn màu/ Bào nhẵn từng thanh gỗ/ Chau chuốt từng núi lạt”. Trong bài “Hát đưa dâu” lại là hình ảnh “Yêu chồng như đôi cá, lội ngàn vũng không rời/ Như đôi gà, vào ngàn chuồng không lạc”. Thơ song ngữ hay bởi sự biểu đạt ấn tượng. Các tác phẩm sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ có lối nói, cách suy nghĩ riêng biệt bảo lưu văn hóa gốc.

Tác giả Lò Văn Chiến (dân tộc Giáy phường Đông Phong, thành phố Lai Châu) thường xuyên cộng tác với chuyên mục “Thơ song ngữ” và từng xuất bản tập thơ song ngữ riêng. Một trong những bài thơ song ngữ tiêu biểu của ông phải kể đến bài “Bản ta” với những câu tả hình tượng: “Bản ta có ba mươi nóc nhà/ Cùng ăn chung một con suối… Khi mặt trời mọc cả bản ra đồng”. Bài “Xuống chợ” ngôn ngữ gần gũi với bà con: Hôm nay ta xuống chợ/ Cùng vợ tìm cuốc, dao/ Qua bên nồi thắng cố/ Gặp người quen mời chào”. Hình ảnh vùng cao hiện lên rõ nét: “Kèn lá vang trên môi”, “Nhạc ngựa vọng chân núi”.

Đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng, các dân tộc cũng đều có thể loại thơ này. Trong bài “Đếm trăng, đếm sao” của tác giả Điêu Văn Thuyển sử dụng nghệ thuật điệp từ, liệt kê: “Một ông trăng/ Hai ông sao/ Ba sao bé… Con ong đốt/ Châu chấu nhảy/ Con dế gáy/ Muồm muỗm kêu”, cho thấy đồng dao các dân tộc có đặc điểm dễ nhớ, dễ thuộc, trẻ em thường vừa chơi trò chơi vừa đọc vang lên. Tác giả Tẩn Kim Phu – thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ) cũng sáng tác thơ song ngữ với bài hát đồng dao của trẻ em dân tộc Dao. Bài “quay quay đu đưa” có những câu giản dị: “Quay quay đu đưa/ Đánh vòng cho bé đeo vào/ Đi đến nơi rộng lớn… Gà trống giã/ Gà mái sẩy/ Gà con quây quần nhặt gạo rơi”.

Lai Châu là mảnh đất đa sắc màu văn hóa. Những người am hiểu văn hóa các dân tộc thời gian qua đã dành thời gian tìm hiểu, bảo tồn vốn văn hóa đáng quý ấy. Có thể khẳng định rằng, sáng tác thơ bằng tiếng dân tộc là cách truyền tải văn hóa dân tộc đến bạn đọc độc đáo, phù hợp, góp phần làm cho văn học Lai Châu thêm đa dạng, đặc sắc. Bởi tri thức, cách nghĩ, góc nhìn của dân tộc chỉ được hiện lên rõ nhất, giữ được “hồn thơ” khi sáng tác bằng chính tiếng mẹ đẻ. Tin rằng thơ song ngữ khi không còn truyền miệng mà được ghi chép, in ấn sẽ còn sức sống mãi đến mai sau, góp phần xây dựng văn hóa Lai Châu đậm đà bản sắc dân tộc.

Vũ Nguyên

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.