Thím Hoan

Tôi và Vịnh – con trai thím Hoan sinh cùng một năm. Được hai tháng tuổi, sau trận sốt xuất huyết não, Vịnh nằm liệt giường cho đến giờ. Kể ra, nếu lành lặn Vịnh đã là một chàng trai khôi ngô. Nhiều đêm, tôi thấy thím ôm con, lặng lẽ thở dài. Thím khóc, khóc không thành tiếng, nước mắt như chảy ngược vào trong, chỉ thấy đôi vai gầy rung lên sau những tiếng thở dài.

Thím Hoan là vợ chú Hùng. Năm Vịnh lên ba tuổi, chú Hùng mất đột ngột sau một trận cảm lạnh. Từ ngày chồng mất, thím sống âm thầm, lầm lũi như cái bóng héo quắt nuôi đứa con tật nguyền.

Nhà tôi và nhà thím ở chung trên mảnh đất ông bà nội tôi để lại. Bố mẹ tôi trước kia cùng làm trong xí nghiệp cơ khí nhà nước. Tính nết hai người hoàn toàn trái ngược nhau, mẹ sôi nổi, hoạt bát, bố điềm đạm, cục mịch. “Không có mẹ nó! Hai bố con chỉ có nước chết đói!” – Các dì vẫn nói với nhau như vậy. Cũng phải! Bố chẳng biết làm gì ngoài việc tối ngày cặm cụi với máy móc và dầu mỡ. Tôi biết, bố tha thiết với nghề lắm. Hồi còn làm ở xí nghiệp, mấy lần cơ quan đề bạt ông vào vị trí lãnh đạo, ông từ chối: “Sợ không có thời gian dồn tâm sức cho việc nghiên cứu!”. – “Rõ hâm!” –  Mẹ ngán ngẩm chép miệng.

Chục năm về trước, mẹ bàn với bố xin nghỉ việc để mẹ đi lao động xuất khẩu ở Nga. Chiều mẹ, bố miễn cưỡng ký vào tờ đơn xin nghỉ hưu non. Nét chữ của bố dùng dằng như trong lòng nửa muốn nghỉ, nửa thì không. Tích cóp vay mượn anh em họ hàng, cộng với khoản tiền về một lần của mẹ, dồn vào để mẹ mang theo làm vốn. “Sang đó một thời gian, nếu thấy thuận lợi, em sẽ bỏ việc ra ngoài đi buôn!” – mẹ vừa dọn hành lý vừa thỏ thẻ giải thích với bố.

Từ ngày mẹ đi, bố ở nhà chăm sóc tôi, hương hoả cho ông bà. Nghỉ việc, bố chỉ biết quanh quẩn ở nhà chăm sóc mấy chậu cây cảnh, nuôi thêm con gà, con lợn. Đôi lúc buồn chân buồn tay ông lục lại mấy cuốn sách cũ trên giá, chậm rãi phủi lớp bụi đang ngày một dày thêm trên những cuốn sách rồi gấp vào giở ra, ánh mắt nhìn xa xăm như đang vui đùa cùng những con chữ, số liệu, bảng vẽ…

Hai bố con tôi sống bằng tiền mất sức lao động của bố, đôi khi mẹ lại gửi về cho mấy trăm đô để bố trang trải nợ nần và hai bố con sinh hoạt… Nhờ thế, cuộc sống của hai bố con tôi không đến nỗi vất vả lắm. Thím Hoan thì đầu tắt mặt tối, chẳng lúc nào rời ra khỏi Vịnh, ngày ngày quanh quẩn chăm sóc vườn rau và chăn nuôi. Mùa nào thức ấy, dưới sự chăm sóc cần mẫn của thím, những luống rau xanh mướt, lợn gà nhờ thế cũng lớn nhanh. Ngày nào thím cũng đi chợ bán rau, quả, trứng gà cho mấy bà bán buôn, mua qua quýt ít thức ăn rồi vội vã về nhà trước khi Vịnh thức giấc. Chiều đến, thím lại lúi húi ngoài vườn, chuẩn bị cho buổi chợ ngày mai.

Ngày tôi còn bé. Mỗi lần đi chợ về ngang qua nhà, thím lại gọi tôi ra ngoài hiên, hôm thì dúi vội vào tay tôi thanh kẹo lạc, có hôm thì tấm mía, chiếc bánh đa… nói chung là “đồng quà” mua ở chợ. Mặc dù tôi đã lớn, nhưng mỗi lần đi chợ về thím vẫn mua quà cho tôi.

– Thím mua cho Vịnh, nhân tiện mua luôn cho mày, kẻo hai đứa lại giành nhau!

Nói rồi thím đon đả cắp chiếc rổ vào hông, tất tưởi bước về nhà khi tiếng khóc ngằn ngặt của Vịnh cất lên. Chiếc rổ to khiến thân hình nhỏ thó của thím vẹo hẳn sang một bên, tôi nhìn khuôn mặt u ám của thím lẩn sau chiếc quai nón mốc thếch, ánh mắt sâu hút ngước lên chơi vơi của thím làm tôi nhớ đến hình ảnh mẹ trước đây vẫn đứng đợi tôi trước cổng trường sau giờ tan học. Mẹ thường đưa tôi đi học và đón tôi bằng xe đạp. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ tiếng lạch cạch đều đặn phát ra từ chiếc nón lá mẹ treo trên ghi đông xe sau mỗi guồng chân của mẹ mỗi khi xe gặp phải đoạn đường gồ ghề. Mỗi khi chiều xuống, nhìn đàn gà rục rịch về chuồng, mùi khói ngun ngún hắt ra từ bếp rơm ẩm ướt nhà thím, cảm giác nhớ mẹ lại ùa về vây quanh lấy tôi. Giờ này bên trời tây có lẽ mẹ đang thui thủi một mình trong khu chợ đông đúc, tất tưởi kiếm tiền, lận đận mưu sinh nơi đất khách. Nếu mẹ không sang Nga làm ăn, tôi cũng đã có em. “Đi mấy năm, sau này mẹ về sinh em bé cũng chưa muộn” –  Trước khi đi mẹ bàn với bố.

Hàng ngày, mỗi khi chiều xuống tôi thường sang chơi với Vịnh để thím chuẩn bị hàng cho buổi chợ ngày mai. Ngày hai chúng tôi còn bé, tôi và Vịnh thường lê la chơi đồ hàng ngoài sân nhà… khi đó, tôi đặt Vịnh nằm trên chiếu, đầu Vinh ngẹo sang một bên, miệng cười hềnh hệch, đôi mắt ngơ ngác nhìn tôi vừa là người bán, vừa làm người mua. Đôi khi thím bận công việc, tôi lại bế nựng Vịnh mỗi khi nó quấy khóc. Bây giờ tôi và Vịnh đã bước sang tuổi mười tám, tôi trở thành một thiếu nữ, Vịnh vẫn quay quắt như đứa bé lên ba. Mỗi khi bế Vịnh trên tay, tôi vẫn lẫn lộn việc mình đang bế đứa bé ba tuổi hay đang ôm người con trai cùng độ tuổi mình.

Nhà chỉ có hai bố con. Thành thử chuyện gì liên quan đến con gái tôi cũng chạy sang thím. Lần đầu tiên phát hiện ra sự đổi thay của cơ thể, tôi hoảng hốt tìm thím.

– Cháu đã trở thành thiếu nữ!

Lâu lắm rồi tôi mới thấy thím cười, nụ cười làm khuôn mặt hốc hác, héo quắt của thím như giãn ra, rạng rỡ hẳn lên. Và, nụ cười ấy vụt tắt, nét mặt đột nhiên sạm lại khi tiếng khóc ọ oẹ của Vịnh cất lên.

Mấy ngày nay trái gió trở trời, Vịnh hay quấy khóc. Những lúc như thế, nó khua khoắng chân tay loạn xạ, nước mắt nước mũi trều ra giàn dụa trên khuôn mặt bủng beo. Mỗi lần như thế, thím lại thức suốt đêm bế Vịnh đi lại quanh sân. Tôi nằm trong nhà nghe tiếng dép loẹt quẹt của thím mài xuống sân như muốn chà thêm nỗi xót xa của thím. Thím ru con, tiếng ru khúc khắc vì vấp phải tiếng khóc rấm rứt trong lòng. Nghe tiếng hát ru khắc khoải của thím, bố tôi lại chạy bế Vịnh để thím có thời gian nghỉ ngơi. Thím vào nhà, gục mặt lên gối, những giọt nước mắt cứ thế tuôn rơi.

Dạo này bố tôi hay thức khuya. Tuổi già làm ông khó ngủ, thiếu ngủ làm tóc ông lốm đốm bạc, trán nhăn nheo, mắt thờ ơ, u uất, không điểm nhìn cố định… Năm tháng, tuổi tác cùng bao nỗi lo toan thường nhật đang đè nặng lên vai ông. Kiệt sức. Gục ngã. Tôi và thím thay phiên nhau chăm sóc bố trong bệnh viện. Bố nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, ngước mắt nhìn tôi và quay sang thím, trên đôi mắt rúm ró chân chim của ông rịn ra giọt nước mắt đặc quánh, đôi môi khô khốc nứt nẻ của bố khẽ mấp máy gọi tên Vịnh. Ông thiếp đi, trong cơn mê ông khẽ cất tiếng hát ru, câu hát ông vẫn hát ru Vịnh vào mỗi đêm trái gió trở trời, tiếng hát như vọng lại từ đâu đó trong sâu thẳm cõi lòng.

Sau trận ốm sức khoẻ bố tôi sa sút hẳn, may mà có thím chăm sóc cơm nước, nếu không một mình tôi chẳng biết xoay sở ra sao. Từ ngày bố ốm, đến bữa ăn có hai mẹ con thím ăn cùng, bố ăn được nhiều hơn nên trông ông béo khoẻ hơn dạo trước. Mỗi khi ăn xong ông lại bón cơm cho Vịnh. Thím cặm cụi dọn dẹp vài thứ linh tinh. Có thím, mọi việc gọn gàng đâu ra đấy. Lúc đó tôi mới có dịp để ý khuôn mặt thím, hai gò má gày tóp thoáng đỏ hồng, đôi mắt thảng thốt như toát lên niềm khát khao yêu thương, tất cả hoà lẫn vào nhau, lắng sâu nơi khoé mắt buồn hun hút ấy. Nỗi cô đơn, trống trải cùng biết bao cay đắng tủi cực làm cơ thể thím teo tóp, nước da xám xịt lấm tấm tàn nhang, đôi môi trước kia đỏ như son nay trở nên tím ngoét như màu mận tím úng nước. Nỗi tủi hận vương lại trên khuôn mặt thím nỗi buồn phảng phất của thời gian. Có lẽ trong giây phút ấy Thím đang nghĩ về đời mình, về Vịnh! và đồng cảm với hoàn cảnh của hai bố con tôi?!

– Hẹc hẹc.

Tiếng Vịnh cười.

– Cha bố mày.

Tiếng bố mắng yêu! Thím ngước sang nhìn  bố tôi rồi vội vã quay sang nhìn Vịnh. Nụ cười hiếm hoi của thím như át được tiếng khóc rưng rưng trong lòng.

Hôm nay là ngày giỗ chú Hùng, trong lúc bố tôi đang lầm rầm khấn vái trước vong linh chú, trên tấm di ảnh chú vẫn nhìn mọi người bằng ánh mắt hiền từ, nghiêm nghị. Bức ảnh thờ được thím cắt ra rừ tấm ảnh chụp hồi chú thím cưới nhau. Bên ngoài. Thím dọn dẹp lại góc sân, là người phụ nữ nhanh nhẹn, tháo vát, mỗi lần nhà có việc là thím lại sấn vào làm những việc thông thường của người phụ nữ. Khi thì giặt giúp bố tôi bộ quần áo, khi thì quay quả quét dọn nhà cửa bếp núc, lúc lại tạt sang cắm giúp bố tôi nồi cơm khi tôi đi học về muộn… Tuy chẳng nói ra, nhưng tôi biết thím thương bố tôi cảnh gà trống nuôi con, thương tôi phải chịu cảnh xa mẹ. Sau ngày đoạn tang chú, trong làng cũng có vài đám tìm đến với thím, những mong rổ rá cạp lại đỡ đần nhau trong cuộc sống bộn bề. Mặc cho bố tôi và hàng xóm láng giềng vun vén, ai ai cũng đồng tình ủng hộ thím đi bước nữa.

– Thân thím là gái góa, thà ở vậy cho xong!

Có lần thím đã nói với tôi như vậy.

– Thím đi xem bói rồi. Thầy bảo thím cao số, tướng cô quả, lấy người nào… ngộ nhỡ làm sao thì khổ. Thôi, thà ở vậy cho hết kiếp.

Gặng hỏi mãi tím đành thú thật. Câu ‘‘thì khổ’’ như rơi ra từ cửa miệng méo xẹo của thím.

– Mà… thím ở vậy, nói dại miệng, khi nào thím chết thì cháu mặc áo trùm cho thím ấm lòng! Chứ em nó thế, chắc thím cũng chẳng nhờ được.

Thím nói thêm, rồi quây quả dọn dẹp mọi thứ đang vương vãi khắp nơi.

Trưa hè, hơi đất bốc lên hầm hập, mùi đất nồng nồng ngai ngái. Tôi háo hức về nhà sau buổi học, từ ngoài ngõ đã nghe thấy tiếng cười hềnh hệch của Vịnh vọng lại, đấy là lúc nó vui vẻ nhất. Tôi chạy xuống nhà, Vịnh nhìn tôi bằng ánh mắt tròn xoe, miệng cười toe toét. Tiếng khóc thút thít của thím làm tôi chột dạ, trong nhà thím đang gục vào vai bố, tiếng bố dỗ dành.

– Mẹ thằng Vịnh đừng khóc nữa! Nhà mình thế này, tôi cũng khó nghĩ lắm!

– Anh thương em, thương các con thì cứ nói thật cho nó biết! Anh Hùng bạc phận, sinh được thằng Vịnh thì… Cũng tại số em hẩm hiu.

Thím nức nở.

– Chỉ sợ các con còn thơ dại…

Tiếng bố ứ nghẹn.

Tôi không tin vào những gì mình vừa chứng kiến, mình vừa được nghe. Mắt tôi hoa lên. Tôi vùng chạy. Loạng choạng, ngã dấp dúi. Ánh nắng chói chang chiếu xuống mặt đường bỏng rát. Cây cối hai bên đường đứng im lìm ủ rũ. Không khí oi nồng vương vãi khắp nơi. Trong tâm trí tôi hiện lên hình ảnh mẹ bon chen, ánh mắt mẹ nhìn bố trách móc, nhìn tôi tủi hận. Nhoè nhoẹt, mờ nhạt. Rồi trời đột ngột đổ mưa, những hạt nước lộp bộp quất vào da mặt tôi ran rát. Tôi vùng chạy thục mạng như đuổi theo những hạt mưa bóng. Những bong bóng nước vỡ tan dưới chân tôi, mải miết, vô định.

Sau ngày giỗ chú Hùng thì mẹ đột ngột trở về. Khi chiếc taxi đỗ xịch ngay trước cổng, một người phụ nữ ăn mặc sang trọng bước xuống, mọi người mới biết đó là mẹ tôi. Tôi muốn chạy lại ôm chầm lấy mẹ, như sao cảm thấy như có một khoảng cách vô hình cứ ngăn những bước chạy của tôi. Khoảng cách giữa hai mẹ con tôi chỉ có khoảnh sân nhỏ mà sao chân tôi cứ líu lại. Mẹ đấy! Nhưng dáng tần tảo ngày nào vẫn thường vội vàng đạp xe qua chợ, rồi đáo qua trường học đón tôi, đến bữa lại đôn đáo chuẩn bị cơm nước cho cả nhà dường như không còn nữa. Thay vào đó là người phụ nữ ăn mặc sang trọng, xa lạ và dửng dưng.

Lần cuối cùng, gia đình tôi có mặt đông đủ trong một phiên toà xử ly hôn. Và, niềm tự hào, niềm kiêu hãnh cùng bao nhiêu  hi vọng của tôi về gia đình đã tiêu tan hết khi thẩm phán lạnh lùng tuyên bố:

– Tòa đồng ý chấp nhận thuận tình ly hôn giữa nguyên đơn và bị đơn.

Tâm trạng tôi đang căng cứng như diều gặp gió bỗng tụt xuống vực thẳm, chao lượn, lơ lủng như chiếc lá khô trôi trên không trung. Trước khi điều đó xảy ra, tôi vẫn hi vọng mong manh rằng với tài diễn thuyết của ngài thẩm phán, những giọt nước mắt đau khổ, lời cầu xin thống thiết và bộ dạng thiểu não tủi cực của tôi cùng rất nhiều những kỷ niệm vui buồn từ ngày bố mẹ tôi mới yêu nhau… sẽ làm thay đổi cục diện của phiên toà.

Nhưng không! Mẹ tôi tỉnh bơ. Thậm chí còn dùng những lời lẽ hết sức thuyết phục với một trình độ lý luận cực kỳ chặt chẽ vào mục đích cuối cùng là phản bác lại tất cả những lời lẽ, những chứng cứ không có lợi cho lý do ly hôn mà mẹ đưa ra. Mẹ tha thiết cầu xin tòa cho phép được nuôi tôi vì bà có nhiều điều kiện chăm sóc cho tôi – đứa con gái chấy rận của mẹ. Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, tôi như một cản trở pháp lý làm ảnh hưởng đến sự phán quyết công minh của tòa và làm hỏng nguyện vọng được chăm sóc tôi và làm tròn bổn phận của mẹ. Có lẽ nhận nuôi tôi là lý do duy nhất để mẹ ra sức giành giật tôi về tay mình. Tự nhiên tôi lại ước sao lúc đó mình là hiện thân của niềm hạnh phúc, dù là rất mỏng manh để mẹ tranh giành trước tòa. Giả sử điều đó xảy ra thật thì có lẽ hôm nay, họ không có mặt ở đây, trong một phiên tòa ly hôn. Cũng có thể bây giờ gia đình tôi đang quây quần bên nhau trong một không gian và một tâm trạng hoàn toàn khác cũng nên.

Dù sao thì đó cũng chỉ là điều ước!

Bãi tòa.

Bố. Mẹ…

Hai người…

Một người đàn ông, một người đàn bà bước đi theo hai ngả đường, nhìn nhau bằng ánh mắt ráo hoảnh, nói với nhau mấy câu chào hỏi xã giao lịch thiệp, vội vã, không mảy may, không có một chút gì là tiếc nuối… Như chưa hề có khoảng thời gian vui vẻ, thân mật, thậm chí là hạnh phúc bên nhau.

Tôi lê những bước chân nặng nề về nhà cùng những giọt nước mắt tràn ứa trên khuôn mặt đau khổ của mình. Đón tôi là thím, vẫn dáng vẻ tần tảo và khắc khổ cùng sự ân cần thường ngày thím ôm lấy tôi, và khóc. Tôi cảm nhận được từ những giọt nước mắt nóng hổi của thím đang thấm đẫm trên vai áo mình sự cảm thông, chia sẻ và cả nỗi xót thương. Trong vòng tay gầy guộc của thím, tôi có cảm giác ấm áp và được vỗ về an ủi của người mẹ. Từ gian nhà trong vọng lên tiếng cười hềnh hệch của Vịnh. Cả tôi và thím đều biết đó là lúc tâm trạng Vịnh thoải mái nhất.

Gia đình tôi vẫn ở trên mảnh đất ông bà tôi để lại.

Trịnh Hồng Hải


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.