Ngày còn bé, tôi thường xuyên được mẹ kể cho nghe những chuyện về quê hương. Trong ý thức non nớt của tôi thì quê tôi đẹp vô vàn với ruộng lúa thẳng cánh cò bay, những con đường uốn lượn như dải lụa đào, những địa danh và các vị anh tài đi vào lịch sử như bản hùng ca của dân tộc. Quê hương tôi – mảnh đất Hà Tây có hình ảnh “cô gái suối Hai, chàng trai cầu Rẽ” (Nhật Lai). Trong những câu chuyện mẹ kể về quê, đâu đó có hình bóng người Hà Nội thanh lịch tao nhã. Hai tiếng Hà Nội là niềm mơ ước của tôi từ thuở ấu thơ.
Mẹ nói, năm tôi lên ba, toàn bộ lãnh thổ quê tôi được sáp nhập vào Hà Nội. Lúc ấy, mặc dù còn rất nhỏ nhưng trong tôi đã có một niềm tự hào lớn bởi quê nhà đã là thủ đô của cả nước. Giờ đây bất kể ai hỏi tôi: Quê bạn ở đâu? Tôi đều tự tin trả lời: Hà Nội là quê hương của tớ! Hai tiếng Hà Nội với gia đình tôi trở nên thân thiết như máu thịt ruột già của mình.
Cùng gia đình nhỏ của mình sinh sống trên mảnh đất biên viễn xa xôi của Tổ quốc, mỗi năm một đôi chuyến cả gia đình tôi về thăm quê. Trong mỗi chuyến hành trình từ Lai Châu trở về quê, gia đình tôi đều được đặt chân trên đất Hà Nội trước. Bến xe Mỹ Đình ồn ào náo nhiệt, sôi động bởi sự mưu sinh cả ngày lẫn đêm. Những chiếc xe cần mẫn chở khách, chở hàng đi và về từ khắp các tỉnh thành. Xe khách Lai Châu cũng vậy, xe đi xuyên đêm đến khoảng bốn giờ sáng thì về đến bến. Mặc dù trời còn rất sớm nhưng ở bến cứ vài phút lại có một chiếc xe từ các tỉnh thành phía Bắc về. Khi xe đã đỗ đúng vị trí quy định, bác lái mở cánh cửa xe và gọi hành khách dậy. Mấy chục khách cùng hàng hóa cồng kềnh đổ xuống sân. Tiếng gọi nhau, tiếng mời chào của những người làm nghề grab, taxi, bốc vác rộn rã quanh xe. Mẹ sợ con gái lạc trong đám đông nên dù có nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh bên người mẹ vẫn không buông tay tôi cho đến khi cả gia đình chúng tôi an vị trên một chiếc taxi thì mẹ mới an tâm.
Dù phải chen chúc đi lại khó khăn nhưng lần nào về quê tôi cũng rất hào hứng, bởi mỗi lần về quê là một lần tôi được mẹ tặng cho những chuyến đi tham quan trên đất nội thành Hà Nội. Mỗi chuyến đi ấy đều là phần thưởng mẹ dành cho con gái sau mỗi kì đạt kết quả cao trong học tập. Thường thì hè mẹ sẽ cho tôi thăm Lăng Bác Hồ, thăm Quảng trường Ba Đình lịch sử, thăm gò Đống Đa, cầu Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò… Còn ngày tết, mẹ đưa tôi đến thăm Văn Miếu Quốc Tử giám, hoàng thành Thăng Long, Hồ Gươm… Ở mỗi nơi mẹ đều cho tôi thưởng thức những món ngon, đặc sản của Hà Nội như bún riêu cua, phở, bánh mì pate, kem Tràng Tiền… Đến mỗi địa danh hay ăn một món ngon nào đó mẹ lại kể những câu chuyện lịch sử của địa danh hay sự tao nhã, thanh cao trong từng món ăn của người Hà Nội. Trên mảnh đất Hà Nội, mẹ là một hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho cô con gái nhỏ là tôi. Không biết từ lúc nào, Hà Nội đã rất thân thuộc với tôi và cũng không biết tự khi nào tôi có một niềm ước góp một phần công sức nho nhỏ của mình để xây dựng quê hương Hà Nội thêm giàu đẹp, văn minh. Mẹ bảo, mẹ rất thích câu nói của ai đó: “Không có ước mơ nào trở thành hiện thực nếu ta không trở dậy và làm việc”. Câu nói này đã theo mẹ suốt cả thời thanh xuân tươi đẹp cho đến bây giờ và có lẽ sẽ theo mẹ mãi đến cuối con đường. Mẹ khuyên tôi nuôi dưỡng ước mơ thành hiện thực bằng việc học tập siêng năng. Vâng, thưa mẹ kính yêu! Con gái bé nhỏ của mẹ sẽ phấn đấu để mẹ không phải thất vọng.
Trở về quê hương thứ hai là vùng đất biên viễn xa xôi của Tổ quốc sau mỗi kỳ nghỉ, tôi mang theo khát khao chinh phục chính mình. Sau mười hai năm đèn sách, giờ đây tôi đã trở thành tân sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Tôi còn nhớ rất rõ, cách đây vài tháng, sau khi kết thúc những bài thi mặc dù khá tự tin nhưng tôi vẫn rất hồi hộp, thấp thỏm trông chờ kết quả. Ngày báo điểm, tôi rưng rưng nước mắt với niềm mơ ước – nguyện vọng số một, của tôi thành hiện thực. Những bước chân đầu tiên của tôi trên giảng đường đại học Hà Nội có đầy đủ các thành viên trong gia đình bé nhỏ cùng song hành. Bố mẹ nghỉ phép đưa tôi về nhập học, anh trai tôi vốn là cựu sinh viên của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, hiện đang là kỹ sư xây dựng, anh làm việc cho một công ty trên đất hà thành cũng nghỉ phép đưa tôi đi nhập học. Cả gia đình dành cho tôi những tình cảm quý báu nhất để tôi hiểu: Từ đây, mỗi bước chân của tôi trên mảnh đất hà thành có thêm những giọt mồ hôi không chỉ của tôi chong đèn mà còn có cả những giọt mồ hôi của bố mẹ từ vùng biên viễn xa xôi.
Trên giảng đường Đại học, tôi được tiếp xúc với các thầy cô là giảng viên của trường, được các thầy cô chỉ dạy kho tàng kiến thức chuyên sâu; được tiếp cận với các bạn bè từ khắp các tỉnh thành trên cả miền bắc Việt Nam.
Cũng trên mảnh đất hà thành nơi tôi đang học tập, mỗi thầy cô, mỗi người bạn, mỗi con đường, góc phố đều để lại trong tôi những cảm xúc là một kho kiến thức về cuộc sống giúp tôi học tập. Ngày chủ nhật, tôi thường dành một buổi tự học, một buổi còn lại tôi lên xe buýt thăm lại những địa danh mẹ đã dắt tôi đi qua mỗi kỳ nghỉ thời thơ ấu vừa để ôn lại kỷ niệm xưa vừa để khắc sâu hơn nữa trong tim hình bóng quê hương.
Tôi đến trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của Thành phố Hà Nội, là trung tâm nội đô lịch sử của đất nước Việt Nam – quận Hoàn Kiếm. Dạo quanh bờ hồ Tả Vọng, ngắm con nước phẳng lặng trong màn sương thu bàng bạc, lắng nghe âm vang tiếng khua chèo nhè nhẹ trên hồ từ mấy trăm năm trước vọng về, tiếng cụ rùa rẽ sóng nước bơi cùng thuyền rồng và nhô cao cái đầu trước mũi thuyền. Vua Lê Lợi cúi mình cung kính trả gươm cho thần rùa.
Tôi dạo trong Văn Miếu Quốc Tử giám. Tôi đi lại nơi này rất nhiều lần. Mỗi lần dạo bước trong Văn Miếu là một lần tôi hiểu kỹ hơn về sự nghiệp Giáo dục của nước nhà từ thời nhà Lý. Tìm hiểu, tham quan các công trình kiến trúc trong Văn Miếu tôi càng hiểu rõ hơn vì sao ngày tôi thơ bé, mỗi dịp Tết Nguyên đán dù bận rộn đến đâu mẹ vẫn sắp xếp thời gian một ngày dẫn anh em chúng tôi đi tham quan và “xin chữ” các thầy đồ ở đây.
Tôi đi Hoàng thành Thăng Long để được chiêm ngưỡng một di sản văn hóa thế giới với tư cách là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt vùng châu thổ sông Hồng.
Tôi đi trên cánh đồng bát ngát hương lúa. Nhìn dòng sông Hồng nơi dòng chảy con sông Đà hùng vĩ trên mảnh đất vùng biên viễn Lai Châu đổ về. Dòng sông ngàn năm lịch sử âm thầm bồi đắp phù sa cho lúa, khoai hoa màu tươi tốt, nuôi lớn bao người con miền Bắc Việt.
Lang thang trên các làng quê, cánh đồng, phố xá nhớ núi đồi vùng phên dậu Tổ quốc. Tôi chợt nhận ra một điều giản dị: hai miền quê yêu dấu đã và đang vun đắp thanh xuân và những ước mơ tôi.
GIANG TÂM
>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu