“Thằng Thức chết rồi đấy, mày có về viếng thì về luôn đi nhé”. Sau chuyến công tác dài ngày ở Hà Nội trở về, cuộc điện thoại của người chị họ khiến tôi choáng ngợp với muôn vàn câu hỏi. Mới hôm nọ về quê, tôi nghe nói nó bị bắt vì ăn trộm và còn đánh bị thương một chiến sĩ công an, vậy mà giờ nó đã chết. Với một thằng nghiện ma túy lâu năm như nó thì có thể nói đây là hậu quả không đến sớm thì cũng đến muộn. Thế nhưng nghĩ về những kỷ niệm từ thuở ấu thơ có nó, tôi lại thấy ngậm ngùi xót xa cho số phận nghiệt ngã của con người, tiếc thương cho sự lựa chọn sai lầm của tuổi trẻ.
Tôi chẳng suy nghĩ nhiều, quyết định quay về quê một chuyến. Dù chẳng phải bạn bè thân thiết gì, nhưng nếu đã có duyên quen biết nhau, lớn lên cùng nhau, thì tôi cũng muốn tiễn nó ở đoạn đường cuối cùng.
Tôi lựa nhanh hai bộ quần áo vào ba lô nhỏ rồi gọi điện báo cho chồng và mẹ chồng việc đi vắng đột xuất trước khi bắt chuyến xe sớm nhất để về quê ngoại.
Phải mất hai tiếng đồng hồ để chiếc xe khách đưa tôi ra khỏi thành phố về nhà mẹ đẻ. Ngồi tựa cửa sổ ngắm nhìn núi non trùng điệp lần lượt xuất hiện rồi vụt xa khỏi tầm mắt, tôi cảm nhận con đường mà tôi đã hàng trăm lần đi qua hôm nay thật khác. Tôi sinh ra và lớn lên trong bản Thái, cũng nhiều lần lên nương, vào rừng hái măng cùng chúng bạn. Tuổi thơ tôi thật đẹp khi có gia đình, bè bạn ở bên, phải chăng cuộc sống cứ mãi êm đềm tiếp nối thì ngày hôm nay tất cả chúng tôi đều được sống hạnh phúc.
Nhớ lại khoảng thời gian cách đây hơn hai mươi năm, gia đình tôi còn ở trong ngôi nhà cũ, ngôi nhà sàn nhỏ giữa mảnh đất rộng bao la cây cối. Gần cổng, ngay giữa ngã ba đường quốc lộ giao với đường vào bản, bố mẹ tôi dựng lên một căn chòi nhỏ bán những đồ thiết yếu cho bà con chòm xóm. Hồi ấy, bản tôi vẫn còn thưa thớt người lắm. Nhà gần nhất cũng cách nhà tôi khoảng ba trăm mét, ban đêm nhìn sang chỉ thấy ánh đèn leo lắt lúc ẩn lúc hiện sau những rặng cây. Là một cô bé tám tuổi, tôi chẳng dám bước ra ngoài một mình sau giờ cơm tối. Lúc đó gian quán nhỏ của mẹ tôi mang đúng nghĩa độc quyền thị trường đồ tạp hóa trong bản và mấy bản lân cận.
Gian hàng nhỏ chỉ rộng chừng bốn mét vuông là mấy cột gỗ được dựng lên, lợp mái ngói, bên trong có một cái tủ nhỏ hai tầng và tấm phản để mẹ tôi bày hàng hóa. Sau mỗi buổi đi làm đồng về, dân bản sẽ ghé qua đây mua lạc, cá khô, muối hay mấy gói bim bim. Căn chòi của mẹ tôi trở thành một khu chợ thu nhỏ nhưng vào những đêm trăng, đây lại là điểm hò hẹn lý tưởng của đám trẻ con chúng tôi.
Tôi và anh trai có chung một đám bạn. Chúng tôi gồm hơn chục đứa từ cả hai, ba bản khác nhau quy tụ lại. Những đêm trăng sáng vằng vặc, thật nhiều đom đóm bay với ánh sáng lập lòe, bọn trẻ con chúng tôi lại hò nhau tụ tập ở căn chòi chơi trò trốn tìm. Đám chúng tôi đông đúc nhưng đứa nào cũng nhanh nhẹn, tinh nghịch, chỉ sau mười tiếng đếm đã biến mất không một dấu tích. Đứa thì nép mình dưới những bụi cây, đứa lại ngồi co cụm ở góc chòi, lấy chiếc áo đen phủ lên… Cảm giác tìm được một gương mặt thân quen trong bóng đen bí ẩn có chút gì đó hồi hộp, kinh dị nhưng cũng thật cuốn hút. Bọn con gái thường nhút nhát không dám trốn xa nên dễ bị tìm thấy, còn bọn con trai gan lì không ngại trốn vào những chỗ cây cối hiểm hóc nên thường trốn được lâu hơn. Đặc biệt, đám bạn của tôi có một đứa được mệnh danh là cao thủ trò trốn tìm, luôn là người được tìm thấy sau cùng, đó chính là thằng Thức.
Thằng Thức bằng tuổi anh trai tôi, tức là hơn tôi ba tuổi, người nó cao lêu nghêu nhưng lại mỏng như lá lúa. Trong cuộc chơi, nó thường chọn nóc căn chòi làm vị trí ẩn trốn. Khi kẻ bịt mắt bắt đầu đếm ngược từ con số mười, nó còn ung dung đứng xem mọi người chạy trốn. Nó khoanh hai tay, gật gù cái đầu và nhếch mép cười khẩy ra vẻ chẳng cần phải vội. Đến khi chỉ còn năm nhịp đếm, nó chạy tót một phát vào căn chòi, nhảy lên hai tay đu lấy sà ngang trên đầu rồi vụt đôi chân lên cao, móc lấy tầng sà ngang cao hơn. Hai chân nó kẹp chặt thanh sà rồi lại đu người lên trở lại, nhanh như một con vượn. Chỉ chốc lát, thân hình của nó đã ăn nhập vào một trong nhiều thanh sà kia, nó trở thành người tàng hình. Kể cả khi biết chắc thằng Thức đang ở trốn trên chòi, kẻ đi tìm cũng khó chỉ đích danh vì nó luôn linh hoạt di chuyển, thay đổi vị trí mà không lộ mình dưới ánh sáng và để lại bất cứ tiếng động gì. Chúng tôi nhiều lần ngưỡng một trước tài năng leo trèo và ẩn mình thiên bẩm của nó.
Đám trẻ chúng tôi chơi rất thân với nhau, ban ngày gặp nhau ở lớp, khi không đến lớp thì cùng nhau giúp cha mẹ làm đồng, làm vườn. Nghỉ hè, bản tôi gặt lúa, bọn tôi gọi nhau tụ tập lại gặt giúp từng nhà. Thằng Thức cùng đám anh trai tôi thường gặt nhanh hơn cả, còn trong đám con gái, tôi là đứa gặt chậm nhất nhưng trong không khí thi đua của đám bạn thì luôn cố gắng đi ngang hàng với mọi người. Chỉ cần nghe được tiếng ai đó nói vọng khen: “Bọn nhỏ này nghịch ngợm nhưng cũng được nhờ phết ấy chứ’’ là chúng tôi lại vui sướng trong lòng và cứ thế cắm đầu vào làm chẳng biết mệt.
Cách bản tôi tầm nửa cây số có một con suối lớn, nước chảy xuống từ một ngọn thác, quanh năm trong xanh, mát lạnh. Dọc theo con suối có nhiều vũng rộng, nước chảy hiền hòa là nơi già trẻ, gái trai các bản xung quanh tìm đến tắm gội, vui đùa. Nhưng mỗi khi mưa hè dầm dề xuất hiện, dòng suối liền trở nên hung dữ, nước đục ngầu, cuồn cuộn sóng tràn cả lên bờ và lục bục tiếng những tảng đá lớn va vào nhau. Những ngày mưa to, đêm tạnh ráo cũng chẳng nghe thấy tiếng xe tiếng người, chỉ có tiếng nước lũ gầm gào không thôi khiến ai nấy đều không dám ngủ say vì lo sợ. Ấy thế mà thằng Thức lại dám đầu têu rủ đám con trai đi vượt suối đêm mùa lũ.
Đêm ấy, nó rủ cả đám vượt suối sang bản bên chơi, đến khi quay về thì trời đổ mưa, nước lại dâng lên, cả đám định đi vòng qua cầu treo nhưng bị thằng Thức ngăn lại, bắt đi theo nó lội nước về. Nghe kể có thằng bị trôi đi xa mãi mới vào được bờ, bị uống nhiều nước nên chúng nó sợ lắm, về bị bố mẹ hỏi, không ai dám chối một lời. Sau trận mắng um trời của cả bản cho đám trẻ con, tất cả chúng tôi đều bị cha mẹ cấm chơi với thằng Thức, rằng chơi với nó sẽ có ngày không chột thì què vì toàn làm trò dại dột. Chúng tôi tiu nghỉu nhìn nhau nhưng dường như đối với thằng Thức thì thiếu vắng bọn tôi cũng chẳng phải việc gì đáng buồn, thi thoảng qua quán mẹ, tôi vẫn thấy nó rảo bước với nụ cười nhếch mép vênh váo quen thuộc.
Chiếc xe khách xuống đèo, nhập vào vùng thung lũng xanh rờn những vườn mía tươi rói mọng nước, tôi nhận ra đặc sản quê hương mình.
Đây là nơi mà đám con gái bản chúng tôi thường rủ nhau đi lấy rau má những ngày nghỉ học. Chỗ này cách bản tôi gần mười cây số, thế mà bọn tôi vẫn rủ nhau đi bằng được mới tài. Khi những gia đình người Dao Đỏ dắt trâu ra bừa ruộng chuẩn bị làm vụ mùa, đám trẻ con bản Thái tíu tít dắt nhau lên. Con gái thì nhặt rau má ở những thửa ruộng chưa bừa đến, con trai chạy sau lưng trâu bắt những con dế mèn béo núc bỏ vào chai thủy tinh. Trưa đến, chúng tôi tìm chỗ râm mát ngồi lại, mang ra phần cơm gói lá dong cất trong túi thổ cẩm vừa ăn vừa vui đùa, đợi hết nắng gắt lại tiếp tục công việc.
Nhìn xuống cánh đồng mía xanh ngắt đang vào vụ thu hoạch, chúng tôi nuốt nước miếng bảo nhau: “Ước gì có được một cây to bẻ ăn chung nhau thì đã phải biết chúng mày nhỉ”. Bỗng từ đằng sau chúng tôi vọng ra một giọng nói quen thuộc: “Thích ăn mía thì theo tao, có gì mà phải ước”. Chúng tôi ngoái nhìn lại, là thằng Thức với nụ cười nhếch mép đáng ghét. Quần áo nó ướt sũng nước bùn, vai đeo túi thổ cẩm đựng ba chai dế mèn đầy ắp. Đúng là cao thủ, trong khi bọn con trai mới bắt được mỗi người một chai mà nó đã có tận ba chai đầy dế mèn. Đang miên man suy nghĩ trong đầu, bà chị họ tôi hỏi nó:
- Mía của nhà mày à mà muốn lấy thì lấy?
- Không phải của tao nhưng chẳng có ai thấy thì là của tao.
- Thế thì là ăn trộm còn gì?
- Mày hỏi nhiều làm gì, tao cũng đang khát sắp chết đây, đứa nào muốn ăn mía thì đi theo tao.
Thằng Thức nói xong rồi vụt bước đi, chẳng cần đợi chúng tôi nói thêm gì. Mấy đứa chúng tôi nhìn nhau một hồi rụt rè, ai cũng sợ sẽ bị bắt gặp và sợ bị bố mẹ biết lại nghe theo lời thằng Thức, thế nhưng sự thật thì ai cũng khát và thèm thứ nước mát lành, ngọt dịu đó. Thằng Hùng ở đằng sau nhà tôi thường ngày ít nói, giờ lại cho ý kiến:
- Giờ đang trưa chắc cũng không có ai thật, mình ào vào một cái rồi chạy ra đây, chắc không ai biết đâu, thằng Thức nó nhanh lắm.
Câu nói của thằng Hùng như tiếp thêm động lực cho suy nghĩ sai lệch trong đầu mỗi đứa, chúng tôi đứng dậy chạy theo bóng thằng Thức vào cánh đồng mía.
Sau một hồi do thám nhanh gọn, thằng Thức cười tươi: “Đã bảo không có ai mà lại. Chúng mày đâu, xông lên!”. Câu lệnh của thằng Thức như mở cờ dẫn lối cho đám trẻ dại dột cùng chạy ập vào đồng mía. Như một tia chớp, thằng Thức vừa chạy vừa giậm những bước mạnh vào những gốc mía to cho chúng đổ rạp. Chúng tôi vừa gặm mía vừa vui sướng nói cười vì được thỏa mãn cơn thèm khát. Khi ấy, trong mắt chúng tôi, thằng Thức giống như một thủ lĩnh hùng mạnh.
Đang say sưa cười nói, chúng tôi nghe thoảng trong gió có tiếng người gọi ời ời. Thằng Thức dướn cái cổ cao như cổ hươu của nó lên nhìn, chẳng có ai. “Ui dào, họ gọi nhau đi chăn trâu ấy mà” nó trấn an. Thế nhưng không phải vậy, tiếng bước chân uỳnh uỵch mỗi ngày một lớn, từ đằng giữa đồng mía chạy ra, một người đàn ông to béo, chân đi ủng, đầu đội mũ cối, khuôn mặt đen sì dữ tợn. Lão lao đến phía chúng tôi với một hòn đá lớn trên tay, quát tiếng như sấm rền:
- Ranh con nào bẻ trộm mía của ông, ông cho chúng mày chết!
Chúng tôi đứng chết trân không một cử động, chân tay bủn rủn không còn thả nổi khúc mía xuống đất.
- Chúng mày ở bản nào mà dám vào đây, nói mau!
Trong khi cả đám mặt cắt không còn một giọt máu, tôi nghe tiếng thằng Thức vứt khúc mía xuống, miệng nhanh nhảu:
- Bác ơi cháu không biết, cháu đi bắt dế mèn ở đây thì thằng này bảo đây là nương mía nhà nó, nó rủ vào ăn ạ!
Thằng Thức vừa nói vừa chỉ tay vào thằng Hùng, khuôn mặt làm ra vẻ oan ức, sợ sệt rõ thương. Người đàn ông nghe vậy mặt đỏ phừng phừng, lão thở dốc rồi nhổ một bãi nước bọt xuống dưới chân:
- Á à, ranh con, hóa ra chính mày bẻ trộm mía nhà ông cả tuần nay đúng không? Ông rình mày cả ngày lẫn đêm đến mất ngủ, mày chán sống rồi hả ranh con!
Cả đám sợ sệt chỉ nghe câu nói liến thoáng qua tai, chẳng ai để ý thằng Thức vừa đổ tội cho người khác, mà có biết thì cũng chẳng còn dũng khí phản bác lại câu nào. Sự im lặng của chúng tôi không làm người đàn ông hạ hỏa, lão quát lớn:
- Có ba cái tuổi ranh mà học đòi làm trộm cướp hả ranh con!
Dứt câu, lão ném thẳng hòn đá về phía thằng Hùng, nó hốt hoảng cúi người, ôm đầu hét lên. Hòn đá trượt khỏi đầu thằng Hùng, rơi cái bụp vào chiếc lu cở mà tôi đeo chéo trên vai làm tôi ngã dúi dụi. Tôi sợ hãi quá chỉ biết khóc thật to.
- Chúng mày khôn hồn thì cút. Lần sau tao còn gặp là tao đánh chết nghe chưa!
Biết mình được tha, cả đám mới đỡ tôi dậy và chạy biến, mong muốn thoát khỏi nỗi sợ hãi này càng xa càng tốt. Trên đường về, chỉ có tôi khóc mãi không thôi, còn lại chẳng ai nói câu nào. Sau này, chẳng ai bảo ai chúng tôi không còn dám đi theo lời rủ rê của thằng Thức nữa.
Chiếc xe khách dừng lại ở đường quốc lộ mới, buộc tôi phải đi bộ một đoạn mới vào được bản. Gọi là bản nhưng gần hai mươi năm nay, quê hương tôi đã trở thành một trong những khu phố đông đúc của thị trấn. Đường bản được rải bê tông, không còn sỏi đá, đất bụi, những ngôi nhà sàn đơn sơ đã được thay thế bởi những ngôi nhà xây vững chãi san sát nhau với khoảng sân và vỉa hè được chăm chút sạch sẽ, khang trang, số nhà được đề rõ ràng, đều tăm tắp. Từ khi tỉnh mới được chia tách, xã tôi trở thành huyện, bản tôi thay đổi rất nhiều bởi đô thị hóa. Nhờ có tiền đền bù mặt bằng, nhiều gia đình bỗng chốc giàu lên sau một đêm. Nhưng chắc cũng chỉ vì chưa bao giờ được cầm số tiền lớn đến vậy mà nhiều người cũng không biết tiêu sao cho phải. Họ bắt đầu vung tiền vào ăn chơi, hưởng thụ, sa đà vào tệ nạn rượu chè, cờ bạc, ma túy.
Đó là khi chúng tôi lên học cấp ba còn thằng Thức thì đã nghỉ học được vài năm. Gần như cả bản tôi thi nhau xây nhà và mua xe máy mới. Bố mẹ tôi có một ít tiền đền bù cùng với số tiền tích cóp nhiều năm cũng đã xây được một ngôi nhà cấp bốn vững chãi, trong đó dành một gian làm thành một cửa hàng tạp hóa nhỏ thay cho căn chòi cũ. Nhà thằng Thức ở xóm trên, vốn được mệnh danh là xóm lười lao động của bản, nay tự dưng có một đống tiền thì chẳng còn nghĩ đến việc làm gì để kiếm ra tiền nữa. Bố mẹ Thức cùng với mấy nhà gần đó nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng, hết nhà này đến nhà kia, ngày thường cũng rộn ràng như ngày tết. Chẳng bao lâu sau, bố mẹ nó đều nghiện rượu, ba anh em nhà nó sa vào ma túy. Không còn tiền để tiếp tục ăn chơi, thằng Thức cùng anh nó gây ra biết bao vụ trộm cắp trong thị trấn. Lúc thì trộm gà trên trang trại, lúc thì câu chó ở ngoài phố. Đỉnh điểm là có một đêm anh em nó dám đột nhập vào cướp tiệm vàng ở trung tâm thị trấn nhưng bị bắt vì có camera. Sau vụ đó, anh em nó vào tù mấy năm. Ngẫm lại thì người lớn nói chẳng sai bao giờ, hay làm trò dại dột như thằng Thức thì sau này kiểu gì cũng gặp chuyện.
Đám bạn của tôi nhờ chuyên tâm học hành mà lần lượt đỗ vào những trường đại học, cao đẳng theo đúng nguyện vọng của mình. Lúc chúng tôi đang học ở xuôi thì bố mẹ thằng Thức mất vì ngộ độc rượu, thằng Thức ra tù và lấy vợ, sang ở với vợ bên Lào Cai. Dù lâu rồi chẳng gặp gỡ, liên lạc gì, song tôi cũng thấy mừng cho nó đã tỉnh ngộ, quay về làm lại cuộc đời.
Thực tế thì nó cũng không phụ lòng mong mỏi của chúng tôi được chừng ba năm. Ở quê vợ, vợ chồng nó đẻ liền ba năm hai đứa con, nó theo làm ở tiệm mộc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Sau này, thi thoảng tôi về ngoại cũng gặp nó đưa vợ con về, trông người đã có da có thịt hơn trước, cứ ngỡ đã hoàn lương, ấy thế mà…
- Con về viếng thằng Thức đấy à, vẫn kịp đấy, sáng mai họ đưa đi rồi.
Tiếng mẹ tôi hỏi kéo tôi trở về với thực tại. Tôi vội hỏi ngay:
– Nó làm sao mà chết thế hả mẹ? Mới tuần trước mẹ bảo nó bị bắt cơ mà?
- Thì mẹ đâu biết hả con, sáng hôm qua thấy dì nó chạy từ ngoài đồng về vừa đi vừa khóc nức nở, miệng nói lu loa “chết rồi, chết rồi”, mẹ còn tưởng là chồng nó đánh, trưa về nghe xóm trên kể mới biết. Thằng Thức ở Lào Cai nghiện lại lâu rồi, tiếp tục đi trộm cắp. Nó cạy ngói tum để vào nhà người ta, vơ hết đồ giá trị mang bán, thoát được hai lần, đến lần thứ ba khi nó mở cửa chính đi ra thì bị rượt đuổi. Mà thằng này nó nhanh thật, cả một nhóm công an đuổi theo mà vẫn suýt không bắt được nó. Cuối cùng nó bị tóm cách hiện trường năm cây số. Nghe bảo mấy hôm trốn công an là nó ở nghĩa địa. Đúng là cái thằng, từ bé đến ma nó cũng chẳng sợ thì chẳng phải vừa con ạ.
- Thế nó chết trong nhà giam hay sao hả mẹ?
- Họ nói vậy, lúc cán bộ phát hiện ra, nó đã cứng đờ, nghe bảo nó bị AIDS lâu rồi.
Hỏi han xong thì cũng đã bốn giờ chiều, tôi bước vội chân về hướng cuối bản. Nghe thấy tiếng kèn trống ai oán, bước chân tôi như chững lại nặng nề. Lâu rồi tôi cũng chẳng có việc gì mà quay lại xóm trên. Khác với cảnh cỗ bàn phủ phê của nhiều năm trước, những dãy nhà xây mái bằng theo mốt của những năm hai nghìn không một lần được tu sửa như bị bỏ hoang, cỏ dại mọc quanh dù vẫn còn người ở. Xóm chẳng còn thanh niên, người chết vì ma túy, người thì ra tù vào tội liên miên, kẻ đàng hoàng lại muốn thoát khỏi nơi này càng xa càng tốt. Chỉ khổ cho những người già chẳng còn con cái phụng dưỡng, hàng ngày chỉ dựa vào đan lát để kiếm mấy đồng mua gạo sống qua ngày.
Tôi dừng lại ở ngôi nhà xây cấp bốn đang có những người quàng khăn trắng trên đầu vào ra. Giữa gian nhà trống vắng không còn đồ vật gì giá trị, đám tang của thằng Thức được vợ và các anh chị nó nó tổ chức sơ sài, thiếu thốn. Cuộc đời nó có thiếu gì đâu, có cha mẹ, tiền bạc, được vợ con, họ hàng dang tay đón nhận dù bao lần lầm lỡ, vậy mà cuối cùng vẫn không thể vượt qua dục vọng của bản thân, để rồi cái giá phải trả là cả mạng sống. Nhìn hai đứa trẻ ngơ ngác trông mẹ khóc thương bố, tôi càng thấy đau xót cho số phận con người. Có một người cha nghiện ngập thật bất hạnh cho hai đứa trẻ vì khi sống, cha chúng chẳng giúp được gì, khi chết, thì chẳng còn ai nuôi dưỡng, dạy bảo chúng nữa. Những đứa trẻ còn quá nhỏ để có thể chịu được nỗi đau này. Tất cả cũng chỉ vì cám dỗ của cuộc đời quá lớn còn bản lĩnh của con người lại quá nhỏ. Đến bao giờ người ta mới bỏ được thói chỉ muốn hưởng thụ mà không lao động, đến bao giờ người ta mới hết tham lam để thôi làm giàu nhanh từ ma túy, bất chấp nó đem lại khổ đau cho bao nhiêu con người… Tôi dúi vào tay người đàn bà góa chồng một số tiền để dành dù biết vật chất lúc này chẳng thể làm vơi bớt nỗi đau của ba mẹ con họ, nhưng tôi cũng chẳng làm được gì hơn. Tôi bước ra về khi trời đã tối hẳn.
Đêm trăng lặng gió, đường phố vẫn còn đông người dạo bước.
VÀNG LY