Thăm lại miền thiêng trong veo

L.T.S: Tác giả Hà Mạnh Phong (bút danh Hà Phong) – Chi hội Văn học Nghệ thuật thành phố Lai Châu được bạn đọc biết tới qua các tập sách: “Bàng bạc mưa rừng” (tập tản văn), “Chim tăng ló kêu tiếng buồn” (tập truyện ngắn), “Vượt qua dãy Hoàng Liên” (tiểu thuyết)… Những tác phẩm Hà Phong sáng tác có nội dung nhân văn, ngôn ngữ sánh đặc chất miền núi, giàu hình ảnh, tính nhạc. Tạp chí Văn nghệ Lai Châu giới thiệu “Chương 18 – Thăm lại miền thiêng trong veo” trong tự truyện “Mong manh như sương” của nhà văn Hà Phong. Bút pháp nghệ thuật đa dạng giúp cho tự truyện vượt qua lối phản ánh hiện thực thông thường, tái hiện ký ức của tác giả trong tính chân thực, sinh động và toàn vẹn.

Đã rất lâu rồi, từ khi mắc bệnh, tôi không về thăm Mường So nơi tôi sống trọn cả thời tuổi nhỏ ở đấy. Người thân khuyên tôi nên về thăm để ôn lại những ký ức tuổi nhỏ và để thấy nó đã thay đổi đến mức nào. Chỉ cách có hơn ba mươi cây số thôi, đừng ngại. Rốt cuộc thì tôi cũng nghe theo những lời khuyên đó. Em gái tôi hẹn nhờ cậu Thành đánh xe đưa tôi đi. Cậu Thành là em họ, con chú ruột của mẹ tôi.

Theo đúng hẹn, cậu Thành lái chiếc xe hơi năm chỗ đến đón tôi từ sáng sớm. Sương phủ dãy núi Nùng Nàng ở phía sau nhà tôi vẫn chưa tan hết. Có em Minh Châu và cháu Đức Anh đi cùng để giúp đỡ tôi. Vừa ngồi lên xe, tâm trạng tôi đã thấy có cái gì đó nao nao xốn xang. Tôi đang trở về nơi tuổi nhỏ tôi hằng sống. Tôi đang trở về với miền thiêng trong veo của tuổi thơ mình.

Đường về Mường So nay đã hoàn toàn được rải nhựa át-phan nhẵn mịn. Xe hơi gầm thấp leo đèo Lả Nhì Thàng vẫn có thể dễ dàng chạy nhanh, chạy êm ru. Tôi liếc nhìn chiếc đồng hồ báo tốc độ. Kim chỉ tốc nhúc nhích quanh vạch con số 60km/h. Tốc độ xe chạy trên đường đèo như thế là nhanh. Muốn được ngắm kỹ hơn cảnh núi non ven đường, tôi bảo cậu Thành cho xe chạy chậm lại một chút. Cậu Thành chiều theo ý tôi ngay. Tốc độ xe giảm xuống chỉ còn 40km/h. Tôi đã có thể nhìn phong cảnh hai bên đường kỹ hơn như ý muốn. Những đỉnh núi lô xô, những dãy núi thẫm xanh lươn lướt qua trước mắt tôi.

Chẳng mấy chốc xe đã chạy đến chỗ cua Hoa Ban. Chỗ này mọc nhiều cây ban nên mới được đặt tên như vậy. Ôi, sao giờ nhìn mỏi mắt mà chẳng thấy cây ban nào mọc gần đường. Thời học sinh cấp II, cấp III tôi vẫn thường xuyên đạp xe tới đây lấy củi hoặc chặt chuối rừng về nấu cám lợn. Thân cây ban xốp mềm, chỉ chắc hơn thân cây vông một tí, cháy kém nên dân bản không thích chặt làm củi. Ban cứ thế mọc hoang dại tốt tươi đợi đến mùa xuân là bừng nở hoa. Hoa ban có màu trắng điểm một chút màu phớt tím nhìn rất đẹp. Hoa ban để nguyên cả chùm, cả cây nhìn càng đẹp.

Hoa ban đẹp. Thiếu nữ Thái cũng đẹp. Cả hai biểu tượng đẹp của miền rừng này đã được thi sĩ Trần Mạnh Hảo nén gọn lại trong một câu thơ thần tình tuyệt mỹ: “Hoa ban nở thành người con gái Thái”. Không chỉ riêng thơ của thi sĩ Trần Mạnh Hảo, mà còn có rất nhiều áng văn, áng thơ khác nhắc tới vẻ đẹp mê mụ của hoa ban. Tây Bắc tự hào có hoa ban.

Hoa ban đẹp vậy đấy, nhưng hồi đó chúng tôi đâu có để ý đến sắc đẹp của hoa ban. Chúng tôi chỉ chú ý đến việc lấy củi hoặc chặt chuối. Nếu có tiện tay thì chỉ hái một vài nhành hoa đem về để mẹ làm nộm cỏi. Món nộm cỏi hoa ban mẹ làm rất ngon.

Đoạn đèo chỗ cua Hoa Ban này rất nguy hiểm. Độ dốc cao. Phía taluy âm là vực đá tai mèo sâu xuống hun hút. Ai bị tai nạn rơi xuống đấy chắc chắn là vong mạng. Giờ nhớ lại thấy kinh sợ. Đang đổ đèo, xe đạp mà bị đứt phanh thì người ngồi trên coi như cầm chắc cái chết. Song thật may mắn, hồi đó tôi và các bạn đi những chiếc xe đạp cũ thồ chuối, thồ củi đổ đèo mà không một đứa nào bị sao. Chắc là ông trời đã phù hộ chúng tôi, những đứa trẻ biết chịu thương chịu khó lao động giúp đỡ gia đình.

Xe đã leo đến đỉnh đèo Lả Nhì Thàng. Đỉnh đèo vẫn cũ kỹ như từ thuở trái đất trồi sụt tạo núi sinh biển. Cỏ bụi mọc lúp xúp ven đường. Nhiều bụi cây xấu hổ đang ra đầy hoa tím. Đỉnh đèo Lả Nhì Thàng không có mấy đổi thay so với trước đây tôi đã thấy.

Xe bắt đầu đổ đèo. Cậu Thành vẫn điều khiển xe chạy chậm. Những thửa ruộng bậc thang thấp thoáng trước mắt tôi. Nó gợi tôi nhớ tới khu ruộng Nà Tỉ do ông ngoại tôi khai phá và để lại cho cháu con sau này. Hiện tại, cậu Man, em trai út của mẹ cùng gia đình đang canh tác trên khu ruộng đó. Vào vụ mùa bao giờ cậu Man cũng dành ra vài thửa ruộng nhỏ để cấy lúa nếp. Đợi khi bông lúa nếp bắt đầu đỏ đuôi hạt là gia đình cậu ra tỉa ngắt đem về làm cốm. Năm nào cậu Man cũng cho con trai thứ là Thương đem cốm từ bản xuống biếu gia đình tôi.

Tôi từng nghe mẹ kể:

Khu ruộng bậc thang Nà Tỉ xưa kia chỉ là rừng hoang vu. Ở gần đó có một mỏ nước muối gọi là Bó Cơ. Các con thú ăn cỏ tìm đến uống nước muối Bó Cơ, kéo theo cả bầy beo về rình săn mồi. Có nhiều mồi để săn nên beo chưa bao giờ vồ người. Vậy nhưng dân bản vẫn sợ, không ai dám liều tới phát nương khai ruộng ở đấy. Ông ngoại tôi là một người vừa liều lĩnh vừa cực kỳ gan dạ. Một mình ông đến tận nơi thăm dò thấy đất đai mầu mỡ, lại sẵn nguồn nước nên đã quyết tâm bỏ công sức khai phá ruộng. Biết chuyện, dân trong bản có nhiều người gàn ông đừng đánh cược tính mạng. Ông cười khà khà nói rằng mình đã sẵn sàng đương đầu với beo nếu như gặp phải chúng. Con người có trí khôn. Beo chỉ có bản năng. Vậy nên beo sợ người hơn người sợ beo.

Mỗi khi đi làm, ngoài cuốc, xẻng, dao phát ông ngoại tôi còn mang theo giáo bên người để đề phòng beo. Ông sẽ dùng giáo chống trả lại nếu gặp nó. Ông cứ thế lầm lũi một mình khai phá ruộng mà không cần ai giúp. Dân bản phải nể phục ông, họ không còn dám nói này nói nọ về ông nữa. Họ đặt cho ông cái tên Thảu Tai Lọ, nghĩa là ông già có khả năng hồi sinh, chẳng sợ cái chết. Mưa, nắng, gió, sương hun đúc khiến làn da ông đỏ au màu đồng, các cơ bắp của ông thì cuồn cuộn săn chắc. Kiên trì suốt bốn năm, không sợ beo, không sợ khổ, môt mình ông khai phá xong khu ruộng bậc thang Nà Tỉ. Lúa cấy ở ruộng Nà Tỉ tốt bời bời, cho bông to gấp rưỡi, gấp đôi lúa cấy ở các khu ruộng khác.

Ông ngoại tôi là một nông dân không biết chữ, nhưng bằng mồ hôi công sức của mình, ông đã để lại cho con cháu đời sau thừa kế cả khu ruộng bậc thang màu mỡ nhất Bản Mấn. Có ruộng tốt lại đủ nước để cấy trồng, cộng thêm cần cù chăm chỉ thì không bao giờ sợ đói. Lúa cấy ở khu ruộng Nà Tỉ năm nào cũng cho hạt mẩy bông nặng trĩu cong như đuôi con thằn lằn, con chuột.

Tôi không có được may mắn biết mặt ông ngoại. Ông đã mất từ lâu, từ khi tôi chưa có mặt trên đời. Ông không mất vì hùm beo, hay vì bệnh tật, mà vì bị lính Tây bắt và tra khảo cho tới chết. Biệt danh Thảu Tai Lọ đã không giúp ông sống lại. Tôi tự hào vì có người ông ngoại can đảm và bản lĩnh như thế. Ông là tấm gương dạy tôi bài học: Đã làm gì thì nên kiên trì đến cùng để gặt hái được thành quả.

Xe chúng tôi bắt đầu đi qua cua Ba Chồng. Chỗ này cua tay áo liên tục ba lần nên được gọi là Ba Chồng. Cua này chồng gấp lên cua kia. Xuống đèo nhưng cậu Thành vẫn cho xe chạy từ từ để tôi ngắm cảnh. Ùa vào mắt tôi là những vạt lau xanh um tốt tươi. Cũng tại chỗ này đây, tôi từng theo bố mẹ đến mấy lần vào dịp tháng Một, tháng Chạp để cắt những nhành hoa lau chín. Không cần ẩn giấu mình, hoa lau chín cứ thế vươn kiêu hãnh chọc thẳng lên trời ở cả hai bên taluy đường cái. Phía taluy âm thì nhiều lau hơn. Những nhành hoa lau chín vừa to vừa dài nhìn lờm xờm chẳng khác gì bờm ngựa trắng hoang.

Hoa lau chín cắt về được mẹ lấy lá chuối bọc ủ lại khoảng một tuần cho rời nùn, sau đó mới bỏ ra đập lấy nùn đem phơi khô. Rồi chỗ nùn lau khô ấy sẽ được đem nhồi đệm, nhồi gối. Nếu hoa lau chín hái về không được bọc ủ thì nùn dai lắm, xé vừa đau tay vừa lâu. Gần như là một việc bất khả thi. Mỗi khi Mẹ phơi nùn lau là phải lấy vải màn cũ đậy lại, nếu không gió sẽ khùa tay tung vạn vạn tơ lau bay tán loạn lên không trung.

Quả thật, đã quá lâu rồi tôi không ra khỏi nhà nên trên dọc đường đi nhìn vào bất kể chỗ nào cũng gợi nhớ lại chuyện quá vãng. Tâm trạng tôi vì vậy mà bồi hồi khó tả. Ký ức tôi đang chiếu lại những thước phim quá khứ. Có cả tươi đẹp lẫn nhọc nhằn.

***

Đi thăm nhà họ hàng, tiện thể chúng tôi ghé thăm chợ Mường So. Chẳng còn lại chút nào dấu tích của khu chợ cũ trước đây. Tất cả đều đã hoàn toàn được xây mới, tô quét màu sơn mới. Những cây bàng già cội từng che tán lên chợ cũ đều đã bị chặt bỏ hết để tận dụng lấy đất xây dựng các ki-ốt vừa bán hàng vừa ở. Cây đại xum xuê nơi góc chợ cũ cũng chịu chung số phận bị chặt bỏ.

Tôi còn nhớ rất kỹ, chỗ bên trái chợ xưa kia là cửa hàng ăn uống, nơi duy nhất có bán phở Mậu dịch. Đứng cản phía trước cửa hàng là mấy cây bàng già. Vòm lá bàng xanh dày hằng ngày phập phồng thở theo nhịp thổi của gió rừng.

Phở Mậu dịch ngày ấy được chế biến cực kỳ đơn giản, dân dã tới mức suồng sã. Bánh phở được tráng từ hỗn hợp sáu phần bột ngô, bốn phần bột gạo; hoặc bảy phần bột ngô, ba phần bột gạo. Lượng bột ngô nhiều hơn nên còn được gọi là phở ngô. Nước dùng chan phở được ninh trong chảo gang to, ở trong chảo được bỏ một số xương lợn, hoặc xương trâu, xương ngựa. Nhân tra vào bát phở ngô là những lát đậu phụ rán, thái mỏng. Vậy nên, phở Mậu dịch miền biên tái vùng cao ngoài cái tên phở ngô thì còn được gọi là phở đậu phụ.

Chế biến đơn giản, dân dã vậy thôi, nhưng ở thời ấy phở Mậu dịch vẫn được coi là món ăn sang trọng, bởi… ngon, bởi không phải chỗ nào cũng có bán. Đắn đo mãi mới dám đãi nhau bát phở. Cảm giác bát phở ngon lành phần nhiều là nhờ vị ngọt của mì chính. Ngày ấy, mì chính là thứ gia vị khan hiếm. Bát canh trong bữa ăn của mọi gia đình chủ yếu tra muối. Gia đình nào có tí chút mì chính thì chỉ dám nhúng ướt đầu đũa, chấm dính mì chính cho vào canh mà thôi. Bởi vậy, húp nước canh phở cảm thấy ngọt ngon hơn hẳn bát canh vẫn chan trong bữa cơm hàng ngày. Vị mì chính đã hóa bùa phép đánh lừa miệng.

Ngày thường, khách đến ăn phở Mậu dịch không nhiều, nhưng vào chợ phiên Chủ nhật thì quầy phở đông nghịt khách. Phải đứng xếp hàng mới mua được. Chen vai nhau mà xếp hàng. Trước tiên là mua tích-kê trước rồi đem tích-kê đi lấy phở. Tích-kê là một miếng kẽm hình chữ nhật trên mặt có dập số tiền.

Dân bản xuống chợ phiên ai cũng thích ăn phở. Phở là món ăn được dân bản xếp vào hạng mỹ vị. Chưa được ăn phở coi như là chưa xuống chợ. Song đều cùng cảnh nghèo, nên có khi mấy người rủ nhau góp tiền lại mua chung bát phở, rồi khẩn khoản xin mậu dịch viên cho thêm ít nước dùng. Và sau đó, bát phở được đặt giữa, cơm nắm mang theo được giở ra, mấy người mua chung cùng nhau ăn. Họ vừa véo cơm nắm nhai vừa sì sụp húp nước phở một cách ngon lành.

Vào mùa mưa cũng tức là mùa măng, nhân bát phở Mậu dịch không chỉ được tra đậu phụ mà còn có thêm măng nứa. Cánh rừng Huổi Luông ngày ấy mọc bạt ngàn nứa. Cứ đến mùa là măng nứa giục nhau mọc tua tủa. Dân bản quanh khu vực Huổi Luông hái măng nứa mang ra chợ bán rẻ như cho. Nhân viên cửa hàng Mậu dịch ra thu mua măng tươi về, đem luộc kỹ rồi xé nhỏ thành sợi để tra vào phở cùng đậu phụ. Lát đậu phụ thì mềm, còn sợi măng nứa thì nhai sần sật.

Dù chỉ là thứ phở ngô tra đậu phụ, măng nứa, song mỗi khi được mẹ đưa đi ăn phở, tôi vẫn háo hức vô cùng. Nhất là vào ngày Quốc tế thiếu nhi mùng 1/6, tôi thấp tha thấp thỏm đợi từ sớm. Bởi vào ngày ấy, mọi đứa trẻ đều được ưu tiên mua bát phở đặc biệt: Phở thịt lợn. Dẫu chỉ lèo tèo mấy lát thịt lợn ba chỉ thái mỏng rắc lên bát phở thôi nhưng chao ôi vẫn quá là ngon, nước dùng trong bát phở được tôi thèm thuồng húp cạn sạch đến giọt cuối cùng. Ăn hết bát phở rồi mà vẫn liếm mép vì thèm, và ao ước cả đời ngày nào cũng được ăn phở.

Sau này lớn lên, đọc sách báo kể về phở “không người lái”, là thứ phở Mậu dịch không có thịt ở miền xuôi thời bao cấp, tôi thầm so sánh: Phở đậu phụ, măng nứa ở thị trấn miền rừng, miền biên viễn heo hút này có lẽ còn khá hơn phở “không người lái” dưới miền xuôi.

Tôi thoáng tự hỏi, không biết lớp trước còn được mấy người nhớ về phở Mậu dịch vùng cao thời kham khó? Tôi thì mãi nhớ ám ảnh, không nhằm để thỉnh thoảng ôn nghèo kể khổ, mà để nhắc nhủ mình biết trân quý những ngọt bùi hiện tại đang được hưởng.

Nay, khách vào chợ mới Mường So chắc không ai biết, chỗ mình đang đứng, xưa kia từng có một cửa hàng Mậu dịch bán phở ngô nhân đậu phụ, măng nứa. Một thứ phở khi được kể lại nghe như câu chuyện bịa.

***

          Thăm thú chợ xong, chúng tôi bắt đầu rời Mường So.

Trên đường về, lúc qua cầu Phiêng Đanh tôi đề nghị cậu Thành dừng xe để tôi được ngắm kỹ lại đoạn suối này. Xe dừng lại tại đầu cầu phía tả, phía bản Nậm Phé. Tôi được cháu Đức Anh và em gái giúp xuống xe và ngồi vào xe lăn.

Không gian xung quanh thật thoáng đãng. Tôi phóng tầm mắt ra phía trước mặt. Mắt tôi nhìn chăm chăm. Kia là vũng suối nơi thuở nhỏ tôi và em gái cùng Bố thường tới mò ốc vặn. Những con ốc màu đen xám ẩn mình trong hốc đá. Ốc bắt về được Mẹ chặt bỏ phần chót đuôi rồi xào cùng tía tô, lá lốt, mùi tàu, thêm một chút mẻ để làm món ốc mút. Nếu là bố tôi nấu thì thể nào cũng xắt sợi củ chuối non cho thêm vào. Đến bữa, bố ăn chủ yếu là củ chuối còn ốc thì nhường anh em tôi.

Phía trên vũng suối chúng tôi thường bắt ốc một đoạn là chỗ Nậm So chia đôi dòng. Năm nào vào mùa cạn, dân hai bản Phiêng Đanh và Nậm Phé cũng ra đó cùng hợp sức chặn nước bắt cá. Mỗi lần như vậy chẳng khác gì mở hội. Người Thái gọi chặn nước bắt cá là “háp nặm”. Mọi người cùng nhau lấy đá xếp thành tường, rồi dùng đất sét với bẹ chuối già giã nát bịt vào các khe rỗng để ngăn nước chảy.

Tuy đã bị chặn dòng chảy nhưng nhiều chỗ nước vẫn đọng thành vũng sâu. Mà chỗ vũng đọng đó thường có cá to. Dân bản phải lấy lá cơi thật giã nát đem thả xuống vũng để duốc cá. Cây cơi được người Thái gọi là “co xum”, mọc rất nhiều ở ven suối. Cá bị say lá cơi lờ đờ nổi lên chỉ việc bắt.

Không chỉ bắt cá mà dân bản còn lật đá lên để tìm bắt tô vạp. Đấy là một loài sâu bướm, chúng sinh trưởng ở dưới nước, con to bằng cỡ ngón tay út, nhìn đen sì. Sâu trên cạn ăn lá cây còn vạp thì ăn rêu đá. Giống như loài sâu cạn, vạp rồi sẽ cũng chuyển hóa thành nhộng, đủ thời gian thì bò lên bờ lột xác để hóa thành bướm đen. Tôi đã vài lần được tận mắt chứng kiến cảnh tượng nhộng vạp bò lên bờ lột xác hóa bướm.

Thời tuổi nhỏ, mỗi khi dân bản “háp nặm” không bao giờ tôi bỏ lõ cơ hội ra đấy bắt hôi. Song, nhìn thấy tô vạp bò lổm ngổm như con sâu lớn là tôi sợ không dám bắt. Tôi chỉ bắt hôi bống suối.

Nhiều người Thái thích ăn tô vạp bởi nó bùi và giàu dưỡng chất, cũng chẳng khác gì có nhiều người Kinh thích ăn tằm. Nhưng nhìn tô vạp gớm ghiếc hơn tằm nhiều, chúng đen sì sì và to gấp đôi, gấp ba con tằm. Vạp bắt về có thể rán giòn chấm nước dầm quả mák có hoặc xào với món măng chua đặc trưng của miền rừng. Tôi, bắt vạp thì sợ nhưng ăn vạp thì được…

Gió từ mặt suối thổi hắt lên dìu dịu. Tôi ngửa mặt đón gió và cố hít thở thật sâu để tận hưởng thứ gió trong lành thoáng đãng. Thật sảng khoái, thật dễ chịu khi được đón những làn gió tươi lướt lên từ mặt suối. Nếu cứ nép mình ngồi như tự kỷ ở trong nhà thì tôi sẽ chẳng bao giờ được hưởng thứ gió tươi mát như thế này.

Tôi tiếp tục phóng tầm mắt nhìn xa hơn ra phía trước. Những bãi sỏi cuội trắng đen. Những doi cát nâu cát vàng. Những cây ổi hoang. Những khóm chanh yên. Những bụi hoa bók bẻ[1]. Những khóm mạy chạy[2] xanh mướt mọc đầy ven suối. Nhìn chúng, tôi nao nhớ về thuở nhi đồng từng theo bác ruột và các anh ra đây giăng lưới bắt cá. Lúc đó còn nhỏ nên tôi lon ton đi theo chỉ để đứng trên bờ trông quần áo cho mọi người. Việc giăng lưới bắt cá là của bác và các anh. Mọi người kéo lưới đi tới đâu là tôi cầm quần áo đi theo tới đấy.

Bác tôi sinh được năm người con trai, tuổi hơn kém nhau không là mấy. Nhờ có bác dạy mà các anh ấy đều khéo đan chài, đan lưới và đặc biệt là bơi lặn giỏi như con rái cá, có thể bơi dưới nước cả tiếng đồng hồ vẫn chưa thấm mệt. Xưa nay, tập quán sinh sống của người Thái bao giờ cũng “ăn theo nước”[3], luôn chọn lập bản sống cạnh ven suối nên việc các anh ấy bơi giỏi là điều đương nhiên.

Đi giăng lưới bắt cá, ra tới suối, mọi người cởi bỏ quần áo cho tôi trông rồi xuống nước, vừa bơi nghiêng vừa rải lưới ra. Lưới được dàn thế trận giăng chắn ngang mặt suối. Rải lưới xong, các anh ném đá ùm ùm về phía dưới dòng để xua cá. Bị đánh động, cá sợ sẽ lao ngược đâm đầu vào lưới. Theo dõi thấy chỗ nào phao lưới bị giật chìm xuống nước là biết có cá đang mắc ở chỗ đó. Các anh sẽ bơi đến, lặn xuống bắt và dùng sợi lạt xâu qua mang cá để đem vào bờ.

Lưới sẽ được từ từ kéo xuôi theo dòng nước. Hồi đó, suối Nậm So có rất nhiều cá chứ không như bây giờ, đã ra suối kéo lưới là được cá, chỉ là nhiều hoặc ít, chứ chẳng bao giờ phải về tay không. Cá giăng lưới bắt được thường là pa khính, pa đo và pa mí. Trong số vừa kể tên thì pa khính là loại ăn ngon nhất. Buổi nào mà bắt được cá pa tết thì vui tưng bừng. Hôm đó thể nào cả nhà cũng được thưởng thức món cỏi cá pa tết.

Kéo lưới được chừng hai tiếng đồng hồ thì mọi người tạm nghỉ mệt. Bữa tiệc nướng cá ngay tại bờ suối được bắt đầu. Một bữa tiệc nướng hoang dã giữa cảnh núi xanh suối biếc. Mọi người cùng nhau tản ra kiếm củi để nổi lửa lấy than nướng cá. Củi khô mắc lại sau mùa lũ ở ven suối có khá nhiều. Chỉ cần bỏ công kiếm vài phút là đủ củi để đốt.

Mọi người chỉ chọn lấy cá pa khính để nướng. Cá tươi đang còn giãy đành đạch không cần phải mổ, không cần phải đánh vảy. Cứ thế lấy cành mạy chạy làm que xiên cá rồi đặt nướng trên than đỏ. Muối ớt bao giờ cũng được mang sẵn theo để chấm cá nướng.

Than đỏ chỉ vừa mới làm sém vảy cá là mũi người đã thấy thơm nhức. Nước bọt tứa ra vì thèm thuồng. Muốn ngăn cản cũng chẳng được. Mà việc gì phải ngăn cản, hãy cứ để nước bọt tự do tứa ra.

Nướng lật qua lật lại thêm một chút nữa là cá chín thơm phức. Mọi người hò giục nhau ăn. Cầm xiên cá nướng còn nóng hổi lên tay, chỉ chọn gỡ lấy nạc lườn cá để mà ngấu nghiến. Mùi cá tươi nướng chay thơm ngầy ngậy, kích thích khứu giác phấn khích, khiến cho tì vị quay cuồng. Tôi ăn đến no nê binh bích bụng mới chịu dừng. Cá giăng lưới bắt được nhiều ăn không cần phải dè sẻn.

Thường, mỗi chuyến đi kéo lưới như vậy bác và các anh bắt được từ một cho đến hai yến cá, mang về ăn không hết ngay thì sẽ đem sấy khô hoặc ướp chua làm món pa boong…

Chao ơi! Những bữa tiệc cá nướng bên suối thời nhi đồng sẽ không bao giờ quay trở lại. Tôi chỉ còn có thể giữ những mảnh ký ức tuyệt vời đó bên mình.

Tôi tiếp tục căng mắt săm soi đôi bờ Nậm So. Thật đáng tiếc, tôi không hề nhìn thấy một bóng chim bói cá. Thời tôi tuổi nhỏ, ven suối chỗ nào cũng có nhiều chim bói cá. Lần nào ra suối tôi cũng đều gặp chim bói cá. Có khi cả đàn chứ không chỉ riêng lẻ một con. Khi theo đàn chúng cũng a dua nhau nô đùa thật huyên náo như loài chim khác. Chỉ khi nào đợi rình chộp cá thì chúng mới đậu im phắc, dáng trầm tư như một triết gia đang chìm trong suy tưởng. Chim bói cá như là phần trang điểm không thể thiếu của gương mặt suối. Nay tại sao suối lại vắng bóng bói cá, những chú chim triết gia khoác trên lưng và trên đôi cánh bộ lông biếc óng ánh? Chắc tại giờ đây suối còn rất ít cá nên bắt buộc bói cá phải bỏ đi nơi khác. Vậy chúng đã rủ nhau bay dạt đi đâu?

Trong những phút ngắm suối và hồi tưởng, tôi ao ước được thỏa thích vẫy vùng bơi lội dưới dòng suối kia. Tôi muốn được dùng bàn tay té sóng nước vào một ai đấy rồi cười vui nắc nẻ. Hoặc thú vị hơn nữa là tạt nước thành màn bụi tơ dưới nắng để xuất hiện sắc cầu vồng in lên đó. Nhưng thực tế là tôi không thể thực hiện được những điều đang ước, dù những điều ước ấy thật vô cùng đơn giản.

Thế rồi đôi mắt tôi bỗng chợt nhòa. Ôi, thân thương biết bao! Con suối tuổi thơ tôi từng cùng bạn bè bơi lội và câu cá bống. Con suối từng êm ái, dịu dàng vỗ về lên da thịt mỗi lần tôi xuống tắm. Con suối mà nhiều đêm vẫn hiện về trong giấc mơ tôi. Cả một miền thiêng trong veo của tôi. Một miền thiêng tưởng như đã xa lắc mà thật gần.

Nậm So ơi! Tôi thầm thảng thốt kêu lên. Đứng trước suối tôi như được gặp lại cả thời tuổi nhỏ đã xa diệu vợi tít tắp. Suối chảy như ngàn năm vẫn chảy. Chỉ sau một cái chớp mắt thôi là dòng chảy của suối đã kịp thay bao lượt nước mới. Bởi vậy, dù tuổi của suối có là ngàn năm, triệu năm đi nữa thì suối vẫn mãi trẻ như buổi đầu mới được khởi tạo. Suối quen thuộc và cần thiết đối với dân mường bản. Tôi là đứa con của bản nên không bao giờ tôi quên được suối. Đang chảy dồn dập trước mắt tôi là triệu tỉ lượt nước mới xô đuổi nhau cuộn trôi ra sông Nậm Na, rồi xuôi đến sông Đà mà dân mường quê tôi gọi là Nậm Tẹ, rồi hợp lưu tại ngã ba Bạch Hạc đất Việt Trì, rồi hòa vào mênh mang biển rộng. Tại biển, những giọt nước cũ sẽ bốc hơi thành mây, rồi trĩu nặng thành mưa. Những cơn mưa biển. Những cơn mưa rừng. Và những cơn mưa nguồn. Không biết rồi có giọt mưa nào may mắn được rơi trở về đúng nơi thượng nguồn suối Nậm So đã sinh ra nó, để rồi sau đó lại tiếp tục khởi sinh một chu trình tuần hoàn mới.

Cứ thế, tôi xao lòng ngắm suối Nậm So, rồi đưa mắt dõi nhìn xa khắp xung quanh. Tâm hồn tôi đang có những khoảnh khắc lâng lâng đồng điệu cùng suối. Tôi đang đứng trên miền thiêng trong veo tuổi nhỏ. Quê mường tôi thật đẹp, thật quyến rũ. Mùa xuân trắng tím hoa ban. Mùa hạ đắng đụt măng vầu. Mùa thu thơm hương xôi cốm già. Mùa đông ấm bát canh rêu nấu gừng. Cả bốn mùa đều gây thương nhớ cho những ai đang sống xa quê. Vậy cớ gì tôi lại giam mình ngồi lì một chỗ trong nhà mà không ra ngoài thưởng ngoạn bốn mùa trên quê mường? Ừ có lẽ, thỉnh thoảng tôi nên nhờ người thân đưa ra nơi không gian thoáng rộng để được hít thở khí tươi, để được tận mắt chiêm ngắm mọi thứ, để rồi khao khát sống.

[1] Bók bẻ: Loại cây bụi, hoa thành chùm trắng muốt. Quả non của cây bók bẻ trắng màu sữa, khi chín thì chuyển sang màu tím đen.

[2] Mạy chạy: Một loại cây mọc nhiều ven bờ suối, có thân và lá nhìn khá giống cây doi.

[3] “Ăn theo nước”: Thành ngữ Thái. Nguyên văn phiên âm là “Tsả kin xeo phạy/ Tạy kin xeo nặm”.


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.