Tết truyền thống dân tộc Mông Lai Châu

Người Mông ở  Lai Châu ăn tết cổ truyền sớm hơn một tháng so với tết Nguyên đán của dân tộc Kinh.Theo quan niệm của người Mông, ngày tết cổ truyền là ngày vui, là ngày xum họp của các thành viên trong gia đình, tết còn là dịp để mọi người, kể cả vật nuôi hay các dụng cụ lao động đều được nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái sau một năm lao động vất vả… Vào dịp tế, người Mông cũng gói bánh chưng, giã bánh dày, mổ lợn, sấy thịt.

Người Mông dán giấy bản lên những công cụ lao động, thể hiện chúng cũng được “ăn tết”. 

Ngày tết, chủ các gia đình phải thay nhà mới cho tổ tiên, đó là việc chuẩn bị giấy bản mới và lông gà mới đem dán vào giấy bản rồi để vào đúng vị trí thờ tổ tiên. Ngoài ra, người Mông còn cắt dán các giấy bản hoặc giấy tiền vàng dán ở cột chính, xà ngang, cửa nhà, bếp lò, các dụng cụ lao động như: cày, bừa, cuốc, xẻng, dao phát… với ý nghĩa thông báo năm mới đến rồi, con người và mọi vật đã làm việc vất vả cần được nghỉ ngơi vui chơi, ăn tết…Người Mông quan niệm thần nhà là biểu tượng cho sự đầy đủ, giàu sang nên ngày tất niên, họ trang trọng làm lễ cúng thần nhà, để tỏ rõ sự biết ơn và cầu xin thần nhà phù hộ cho một năm mới tốt đẹp.

Các cô gái đang chuẩn bị những bộ váy áo sặc sỡ để đi chơi tết. Trang phục truyền thống mặc trong ngày tết của người con gái Mông là váy xòe, váy được dệt thủ công, sau đó thêu chỉ màu với các hình họa tiết khác nhau, màu sắc càng sặc sỡ càng hấp dẫn bạn tình và điều đó cho thấy người con gái ấy sẽ là người vợ giỏi dang.

Trong những ngày Tết, cộng đồng người Mông thường tổ chức đua ngựa, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, hội Gầu tào, ném pao…Thanh niên nam nữ ăn mặc đẹp, rủ nhau đi chơi, thổi kèn lá, kèn môi, ném pao, hát đúm. Ngày tết còn có ý nghĩa là ngày hội giao duyên của các đôi trai gái.

Kéo vợ là phong tục của người Mông vào mùa xuân

Tết năm mới có ý nghĩa cầu năm mới mọi sự như ý, bản làng bình yên, người dân có cuộc sống tốt đẹp, yên ổn, cầu phúc, cầu lộc… Đây còn là thời gian cộng đồng người Mông tổ chức các hội hè, sinh hoạt văn hóa mang tính gắn kết cộng đồng như Lễ hội Gầu tào, Gầu tào cha, là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu, giao lưu, vui các trò chơi dân gian, hát giao duyên, đánh quay, ném pao, đi khà kheo, hát ống… . Sau tết, người dân bắt tay vào công việc lao động sản xuất. Đây là nét văn hóa đẹp cần được gìn giữ và phát huy.


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.