TẾT CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI SI LA

 

Hàng năm, cứ đến khi hoa “à né à vẹ” (hoa chó đẻ), hoa “kỳ khà vẹ” (hoa đào) nở rộ trên khắp các triền núi[1], người Si La lại tưng bừng đón cái Tết cổ truyền của dân tộc mình, tiếng Si La gọi là “cô tô cơ ồ xị”. Đây cũng là thời điểm các gia đình đã hoàn thành việc thu hoạch, thóc trên các mảnh nương đã được cất vào kho.

Người Si La ăn Tết theo dòng họ. Ngày đầu tiên của Tết phải là ngày không trùng vào ngày chết (ngày hạ huyệt) của tổ tiên một đời (bố mẹ) của bất kỳ gia dình nào trong dòng họ, cũng không trùng với các ngày con hổ (nhì nhi), ngày con khỉ (so nhi). Tốt nhất là ngày con rồng (si nhi). Do đó, Tết của các dòng họ có thể được “ăn” không trùng nhau. Tuy nhiên, khi đã ăn Tết thì dòng họ nào cũng ăn Tết trong 3 ngày. Ngày thứ nhất được gọi là “vạ sị nhi” (ngày mổ lợn), ngày thứ hai gọi là “chí xi tố nhi” (ngày uống rượu) và ngày thứ ba gọi là “chè chớ nhi” (ngày kết thúc).

Người Si La đón Tết bằng lợn đực (vạ tồ) nuôi đủ 3 năm. Những gia đình có điều kiện còn mổ nghé (pồ dề) để ăn Tết. Trước Tết khoảng một tháng, các gia đình nấu rượu đón Tết. Trong dịp này, ngoài rượu ngô (lọ po xí phù), rượu sắn (mừ chứ xí phù), các gia đình còn rủ nhau đi lấy lõi cây móc (ồ xé) về nấu rượu móc (ồ xé xí phù) để dâng cúng tổ tiên và để có được những chum rượu ngon đón khách trong những ngày Tết.

Ngày đi lấy bột móc là không khí của một ngày hội. Các thành viên trong bản, bất kể già trẻ, gái trai, người đeo gùi, người mang túi, người vác rìu vào rừng đốn móc. Người Si La thường lấy bột lõi móc từ những cây móc trưởng thành, đường kính gốc khoảng 50 – 60 cm, cây cao khoảng 20 – 30 m. Mỗi cây như thế sau khi chặt hạ xuống, cả bản đi lấy bột phải 2 năm mới hết. Đàn ông con trai lấy rìu để chặt khúc, bóc vỏ, bổ vỡ từng tảng lõi móc; đàn bà con gái thì rồng rắn cõng những gùi bột móc nặng trĩu về nhà. Thường mỗi gùi như thế có 2 khúc bột móc, mỗi khúc dài khoảng nửa sải, đường kính 20 cm, đồ được 2 mẻ rượu, cho 50 lít rượu thành phẩm.

Bột móc được chị em Si La băm nhỏ, giã nhuyễn, đồ chín cùng với trấu thóc (phừ khạ) rồi đổ ra tãi cho nguội, sau đó đổ men rượu vào bóp cho đều rồi cho vào sọt to có lót lá chuối đỏ để nơi góc bếp khoảng 5 – 6 ngày cho ngấm men mới nấu.

Để làm men rượu (tè xì), người Si La trộn gạo tẻ lẫn với gạo nếp rồi ngâm nước 1 – 2 giờ đồng hồ cho mềm; sau đó được đem giã lẫn với gừng củ, giềng củ, ớt quả, lá đắng rồi nặn thành từng bánh dẹt, to bằng khoảng nửa bàn tay. Bánh men được xếp vào mẹt, ủ trấu thóc cho khô thì đem phơi dưới nắng vừa. Thời gian phơi càng lâu, men càng để được dài ngày.

Dụng cụ chư­ng cất r­ượu của Si La không khác của các dân tộc khác, gồm có chảo gang để đun r­ượu (the cô), chõ (mẹ pồ), đồ đựng nư­ớc lạnh đặt trên chõ, tai voi đặt trên chõ để hứng rư­ợu dẫn ra ngoài.

Lò chư­ng cất rư­ợu sử dụng nhiên liệu đốt là củi, chõ đ­ược đặt chìm hẳn vào chảo r­ượu, xung quanh đư­ợc chèn bằng vải cho kín. Trong khi cất r­ượu phải thay nư­ớc trên mặt chõ liên tục. Theo kinh nghiệm của ngư­ời Si La, cứ khi nào nhúng tay vào thấy nóng là phải thay nư­ớc trên mặt. Như­ vậy rượu sẽ ra nhiều, nhanh và ít bị khê.

Trong các món dâng cúng tổ tiên ngày Tết của người Si La không thể thiếu bánh dày (bà bạ) và mật mía (xí xạ). Mật mía được chuẩn bị trước Tết 2 – 3 tuần. Mía (phồ xí) được dóc bỏ vỏ, thái thành từng lát mỏng rồi cho vào cối giã nát; sau đó cho cả nước và bã vào chõ đồ cho nước mật chảy xuống chảo cho đến khi nếm thấy bã mía nhạt là được. Nước mật sau đó được đem cô đặc lại, gạt bỏ cặn bã là được mật mía.

Ngày trước Tết được người Si La gọi là “cù phạ há nhi” (ngày chuẩn bị rau). Mọi người dọn dẹp nhà cửa, rửa sạch dụng cụ nấu nướng và chuẩn bị đồ ăn thức uống mấy hôm Tết. Phụ nữ trong nhà tranh thủ đi kiếm cua, cá và chuẩn bị một nhành lúa nếp để cúng tổ tiên.

Ngày Tết, các gia đình dậy từ gà gáy canh một. Ông chủ nhà mang súng kíp ra cửa bắn một phát chỉ thiên báo hiệu đã đến Tết. Phụ nữ các gia đình giã vừng, đồ cơm nếp. Đến khoảng 4 giờ sáng, vừng đã giã nhuyễn, cơm nếp đồ đã tãi nguội là lúc tiếng giã bánh dày (ồ thồ thồ ệ) vang dội từ khắp các gia đình.

Người Si La giã bánh dày bằng cối giã tay (thồ xí). Chày giã bánh dày để cúng tổ tiên phải là những cây măng đắng (ồ thô té lồ) dài hơn một sải. Việc giã bánh dày thường do 3 người đàn ông khỏe mạnh thực hiện. Khi giã bánh dày, bao giờ người ta cũng phải giã thật kỹ vì người Si La tin rằng nếu nhà nào giã bánh dày dối thì năm đó các mảnh nương của gia đình nhà đó sẽ nhiều cỏ.

Khi mặt trời ló dạng đằng đông là lúc các dòng họ mổ lợn ăn Tết. Theo phong tục, gia đình trưởng họ sẽ khởi sự mổ lợn trước rồi các gia đình trong dòng họ mới được mổ lợn ở nhà mình. Đó cũng là lúc cả bản sôi động bởi tiếng lợn kêu, tiếng dao thớt và tiếng cười đùa của các nhà trong dòng họ hò reo thi thố xem nhà nào mổ lợn xong sớm hơn.

Sau khi nhà trưởng họ mổ lợn xong, ông trưởng họ lấy một miếng thịt thăn sống và ít gan lợn bỏ vào một miếng lá chuối đỏ đặt lên ban thờ dâng cúng tổ tiên.

Sáng hôm ấy, các gia đình ăn uống vui vầy tại gia. Đến xế chiều, đại diện các gia đình mang 1 gói cơm, 2 con sóc, 2 con chim và 2 con cá (các con vật đều phải là thú vật hoang dã và đều đã được sấy khô) cùng 1 nhành lúa nếp, 1 – 2 cái bánh dày đến nhà trưởng họ để cúng tổ tiên. Các lễ vật được nấu chín rồi dọn bày lên một cái mâm đan mắt cáo đặt giữa nhà – phía trước ban thờ tổ tiên. Đại diện các gia đìng trong dòng họ ngồi quây quần sau lưng trưởng họ. Trưởng họ ngồi ghế mây trước mâm cúng khấn tổ tiên:

A pu xi chi ơ!

A nư à xì to la o

Chè cồ tố chớ mà nứ

Nư xị mà mừ ê chú phố lạ

Nư lý mà mừ no phị xạ ê

Dự chị khe

Nhứ chị khe

Lá ê nê pu chị dề chị khe

Chè mà kho

Tố mà kho

Phề lê mà mừ dú phố

Nư lý mà mừ nồ phị xạ ọ”.

Tạm dịch là:

Ông bà tổ tiên ơi!

Năm mới đến rồi

Con cháu không ăn một mình

Năm cũ không tốt đổi sang năm mới

Năm cũ không tốt cho ra khỏi

Anh em đông đủ

Chị em đông đủ

Bố con đông đủ rồi

Ăn không hết

Uống không cạn

Cột kèo không tốt đổi cái mới

Năm cũ không tốt bỏ qua đi rồi.

Sau lễ cúng, đại diện các gia đình cùng tham dự bữa ăn cộng cảm tại nhà trưởng họ. Sau bữa ăn, trưởng họ sẽ truyền dạy lại cho những chủ gia đình trẻ mới tách hộ về gia phả và những quy định riêng của dòng họ. Cũng trong dịp này, các gia đình sẽ bàn bạc với nhau về việc làm ăn trong năm. Những người giàu kinh nghiệm sẽ truyền đạt kinh nghiệm làm ăn cho các thành viên khác. Họ chỉ cho nhau những sản vật có thể khai thác để mong các gia đình trong dòng họ đều khấm khá, phát triển trong năm mới.

Ngày thứ hai là ngày uống rượu (chí xi tố nhi), các cặp vợ chồng mang theo một chai rượu và một con sóc khô sang nhà bố mẹ vợ chúc Tết, thăm hỏi và ăn uống cả ngày ở bên ngoại.

Ngày thứ ba là ngày kết thúc Tết (chè chớ nhi). Sáng hôm ấy, các gia đình gói bánh chưng (ồ phụ). Bánh chưng của người Si La là bánh chưng đôi – mỗi chiếc bánh là một cặp đôi gói nhỏ, hình trụ. Khi bánh đã luộc chín, chủ nhà chọn 1 – 2 cái dâng lên ban thờ để cúng tổ tiên và báo với tổ tiên rằng Tết đã hết.

Trong ba ngày Tết, ngoài việc thực hiện các nghi thức truyền thống và uống rượu chúc tụng nhau trong năm mới, các gia đình người Si La còn chơi các trò chơi dân gian như đánh cầu lông gà (xuế thuế quê luê), chơi bắn quả “lé” (té bi li), chơi đánh quay (sừ luy li ê).

Bùi Quốc Khánh

 

 

[1]. Lịch ăn Tết của người Si La trước kia giống lịch ăn Tết sớm của người Mông, cũng vào khoảng tháng 11, tháng Chạp âm lịch.


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.