Tập quán sinh đẻ của phụ nữ dân tộc Thái

Người Thái là tộc người có nền văn minh khá phát triển, nhiều phong tục tập quán mang tính nhân văn sâu sắc, trong đó có tập tục sinh đẻ. Điểm khác biệt lớn nhất trong tập tục này so với các dân tộc anh em là sản phụ đẻ ngồi, uống nước thuốc, làm cơm lam, ngồi hơ lửa,… và một số kiêng khem khác. Hiện nay, vì một số lý do mà ở nhiều nơi phụ nữ dân tộc Thái không còn sinh đẻ theo đúng phong tục truyền thống. Tùy điều kiện hoàn cảnh mà người ta sẽ có cách chăm sóc và kiêng khem phù hợp để tốt cho sức khoẻ của mẹ và bé. Trong đó, tắm nước lá, uống nước thuốc sau sinh thì dù ở nông thôn hay thành thị vẫn được duy trì.

Sau đây là quá trình sinh đẻ của phụ nữ Thái theo tập quán truyền thống.

Chuẩn bị trước khi sinh

Trong suốt thời gian mang thai, phụ nữ dân tộc Thái vẫn lao động bình thường, chỉ tránh làm những công việc nặng nhọc, quá sức và tránh sát sinh. Đồng thời, chuẩn bị những thứ cần thiết cho em bé như: tã lót, chăn nhỏ, quần áo sơ sinh… vỏ chăn, ga cũ được tận dụng làm tã; áo cũ của bố mẹ thì may áo quần cho con. Theo tín ngưỡng của người Thái thì phần hồn của mỗi người luôn trú ngụ trong chiếc áo của chủ nhân, nên việc tận dụng áo cũ của bố mẹ làm quần áo cho con có ý nghĩa rằng hồn (vía) của bố mẹ sẽ luôn bao bọc, bảo vệ con, do đó con sẽ không bị ma trêu hay vía độc ám. Ngoài ra người ta cũng gửi gắm ước mong đứa trẻ và bố mẹ sẽ hợp nhau, đứa trẻ sau này sẽ là một người con có hiếu. Nhưng xét theo góc độ khoa học thì da của trẻ sơ sinh còn rất mỏng và nhạy cảm, việc sử dụng vải cũ mềm sẽ không làm tổn thương da của bé.

Bên cạnh việc chuẩn bị cho bé thì người ta cũng tích trữ củi và các loại thực phẩm như: cá sấy, thịt khô, gạo nếp để sản phụ bồi bổ sức khoẻ. Đến tháng cuối của thai kì, người nhà chuẩn bị thêm các loại thuốc nam hái trên núi, người Thái gọi là “dà hền nả” (thuốc dành cho sản phụ). Mỗi người, mỗi địa phương sẽ có bài thuốc khác nhau, nhưng nhìn chung đều có tác dụng bổ máu, lợi sữa, mát gan,… Thuốc sau khi hái hoặc đào về sẽ được rửa sạch, thái lát hoặc băm nhỏ rồi phơi khô và cất kĩ. Vị chung nhất của các loại thuốc dành cho bà đẻ là đều có vị chát đắng, nước màu đỏ hoặc nâu đậm.

Quá trình sinh

Trước đây (khoảng những năm 90, thế kỉ XX trở về trước), hệ thống y tế và giao thông chưa phát triển. Do đó, hầu hết người Thái ở vùng sâu, vùng xa đều sinh con tại nhà. Khi sản phụ bắt đầu có hiện tượng sắp sinh thì người nhà sẽ dùng chiếu hoặc tấm vải quây một góc sàn nhà làm chỗ sinh. Vị trí thường ở “cốc xí”(1) hoặc “cốc chan”(2), nếu mùa đông lạnh thì có thể sinh ngay tại “tả tin”(3). Bà đỡ thường là những người có kinh nghiệm trong gia đình hoặc trong bản nhưng phải là người có uy tín. Khi sản phụ bắt đầu xuất hiện những cơn đau, thì người nhà chất bếp củi và đặt nồi nước đun lá thuốc để lau rửa sau sinh.

Khi các cơn đau chuyển dạ dồn dập thì người nhà dìu sản phụ đến chỗ đã chuẩn bị sẵn. Điểm khác biệt lớn nhất trong tập quán sinh đẻ của người Thái so với các tộc người khác là tư thế đẻ ngồi. Cách ngồi như sau: sản phụ ngồi chống 2 đầu gối xuống sàn nhà, hơi choãi sang 2 bên, mũi bàn chân làm trụ, 2 gót chân tì vào hai bên mông, người nhà đứng cạnh giúp đỡ hai bên nách. Khi sản phụ xuất hiện các cơn đau dữ dội và dồn dập đồng thời có cảm giác buồn rặn thì sẽ đổi tư thế ngồi, một chân dạng sang bên, gót chân còn lại tì vào hậu môn(4), lấy hơi thật sâu, nín thở, miệng ngậm chặt dồn hết sức để rặn sinh. Việc tì một bên chân chặn vào hậu môn có tác dụng dồn toàn bộ hơi và áp lực sang bên đường sinh, thai nhi sẽ được đẩy ra qua âm đạo của người mẹ và chào đời. Thời kì đó, phụ nữ sinh đẻ đa phần chỉ dựa vào kinh nghiệm của người lớn tuổi, rất ít khi có sự can thiệp của y bác sĩ. Vậy nên đối với những người đẻ con so sẽ rất khó khăn, lúng túng. Vì điều kiện sinh sơ sài, vì bà đỡ không có chuyên môn nên tỷ lệ tử vong của phụ nữ sinh con thời đó khá cao. Điều này được đúc kết trong câu tục ngữ: “Pé bẳng lượt khoèn co/ Ók báu đảy pa tài” (Tựa ống máu treo cổ/ Sinh không được, thành ma). Tục ngữ Kinh cũng nói: “Người chửa, cửa mả”. Cả hai câu tục ngữ đều phản ánh về nguy cơ rủi ro rất lớn trong việc sinh con. Ngày nay, khoa học và đời sống phát triển, sức khỏe của mẹ và bé được thăm khám, tư vấn thường xuyên nên việc sinh con cũng không còn là nỗi khiếp sợ của người phụ nữ.

Chăm sóc sau sinh

Chăm sóc bé

Sau khi chào đời, em bé được cắt rốn và tắm rửa sạch sẽ bằng nước thuốc ấm rồi cuốn tã (phả tủm), chăn (phả nọi) cho vào một cái mẹt đặt cạnh bếp lửa. Để thêm 1 cái chài bên cạnh, đồng thời đan “ta leo”(5) cắm hoặc buộc ở hai đầu cầu thang lên nhà (có giắt thêm nhành gai). Đối với người Thái thì chài và “ta leo” đều là vật kiêng cấm của cõi tâm linh, khi nhìn thấy hai vật này thì ma quỷ phải tránh xa không dám làm hại. Riêng chài, ngoài ý nghĩa kiêng kị còn có ý nghĩa cầu mong đứa trẻ sau này sẽ giỏi giang sông nước, giỏi đánh bắt cá (nếu là con trai). Còn chiếc “ta leo” ở cầu thang ngoài ý nghĩa xua đuổi tà ma còn là dấu hiệu thông báo nhà đang có việc kiêng kị, khi có dấu hiệu này thì người lạ không được tự tiện lên nhà. Nếu có việc cần thiết thì phải gọi từ dưới sân, chủ nhà đồng ý thì mới được lên. Người Thái quan niệm rằng người lạ tới nhà thì tính cách cuộc sống và của họ sẽ vận vào đứa trẻ mới sinh. Nếu trót lên rồi, người ta sẽ chúc em bé khỏe mạnh, mau ăn chóng lớn, đặt vào tay em bé một ít tiền hay vật gì đó để lấy may. Việc kiêng kị này duy trì trong suốt tháng đầu mới sinh.

Về nhau thai, có hai cách xử lý: Nếu nhà ở gần suối hoặc gần sông thì người ta đem thả trôi. Người Thái quan niệm rằng nhau thai thả trôi theo dòng nước thì đứa trẻ sau này sẽ “chàư song” nghĩa là thông minh. Nếu nhà xa suối (sông) thì nhau thai sẽ được chôn dưới gốc cây to hoặc cạnh tảng đá lớn, khi chôn người ta luôn đặt 1 hòn đá lên trên, để hở một khoảng trống, chứ không chôn chặt. Người ta cho rằng, nếu lèn chặt thì đứa trẻ sẽ “chàư tằn” nghĩa là sẽ kém thông minh.

Chăm sóc mẹ

Sau cuộc vượt cạn, người mẹ được lau rửa, thay váy áo rồi dìu đến cạnh bếp lửa đã rải đệm sẵn để nghỉ ngơi, sinh hoạt tại đó trong suốt 3 ngày đầu. Trên xà nhà người ta ròng một sợi dây được gọi là “xài choi heng”(6) để sản phụ vịn, người Thái ví phụ nữ sau sinh “Pé tồ ngu lọ chạp” (tựa rắn vừa lột xác), vì cơ thể phụ nữ sau sau vô cùng yếu nên luôn cần có điểm tựa. Phần bụng dưới được buộc một dải khăn dài nhằm tránh cảm giác nhẹ bỗng, chống chếng sau sinh đồng thời có tác dụng định hình lại cơ thể. Bếp dành cho sản phụ được cơi riêng, chứ không chung với bếp nấu ăn của cả nhà.

Sản phụ người Thái sau sinh có cách kiêng khem khá độc đáo, vừa dân dã lại vừa rất khoa học: Tại sao họ không về chỗ ngủ hằng ngày mà ngủ tại bếp? Vì họ quan niệm rằng sau sinh cơ thể không được sạch sẽ nhưng lý do thiết thực nhất là để tiện cho việc chăm sóc và phục hồi sức khỏe. Trong suốt tuần đầu, sản phụ được bố trí ngồi “tau lướt” (gio nóng). Cách thức ngồi như sau: trên sàn nhà người ta lót nhiều lớp lá chuối tươi, sau đó xúc gio nóng lên trên (có lẫn ít than đỏ), rồi đặt chiếc ghế mây lên. Trên mặt ghế lót lá đài bi hoặc ngải cứu tươi để sản phụ ngồi. Tư thế ngồi phải thẳng lưng, tay vịn lên “xài choi heng”, quay mặt ra ngoài. Cách ngồi này có tác dụng giúp ấm cơ thể đồng thời cửa mình, dạ con, xương chậu,… được tiếp nhận một nguồn năng lượng mới do đó sẽ nhanh chóng phục hồi. Riêng ngồi “xàng đằng, xàng eo” (hơ lưng bên bếp lửa) thì người ta ngồi cả tháng, thậm chí mấy tháng sau (hễ đau mỏi người là tranh thủ ngồi).

Thực phẩm của sản phụ người Thái sau sinh cũng khá đặc biệt: Ăn cơm lam, uống nước thuốc (uống nóng, luôn đặt cạnh bếp), ăn cá sấy hoặc thịt lợn, riêng thịt gà thì phải chục ngày sau mới được ăn. Rau cỏ gồm: búp sung, búp vả, bồ công anh, cỏ mần trầu… Nói chung là các loại rau lành tính, có vị chát hoặc ngọt thanh. Cách chế biến cũng đơn giản: luộc, đồ xôi hoặc ăn sống chấm “cưa pho”(6) (muối nướng). Mặc dù khẩu phần của sản phụ người Thái hầu hết là đồ khô nhưng sữa vẫn về nhiều vì cơm lam rất giàu dinh dưỡng, thức ăn đều là những loại lợi sữa. Khi ăn, nước thuốc nóng được thay canh… Vậy nên sản phụ người Thái rất ít trường hợp thiếu sữa. Ngày nay xã hội phát triển, cách chăm sóc phụ nữ sau sinh cũng khác trước, chẳng hạn: ngoài thực đơn như đã liệt kê thì người ta cũng tần gà, hầm chân giò cho sản phụ.

Kiêng kị của người thân dành cho mẹ và bé

Ngay sau khi gia đình được đón thành viên mới thì người nhà sẽ vào rừng chặt ống nứa tươi về làm cơm lam cho sản phụ, ngoài ra còn để mời anh em, họ hàng, làng xóm đến chung vui. Trong 3 ngày đầu “căm bườn” (ba ngày kiêng), người thân, họ hàng, xóm giềng đến thăm hỏi và có thể ngủ lại. Mỗi người đến thường  đem biếu gạo nếp để góp làm cơm lam (khảu ten khảu lam), người thân gần gũi có thể mừng thêm cho em bé “phải, pe” (vải vóc, thổ cẩm – trường hợp sinh con gái), ngoài ra cũng mừng em bé tiền bạc, quần áo, tã,…

Trong suốt ba ngày đầu mới sinh, người bố cũng phải túc trực cùng “căm bườn” phục vụ 2 mẹ con, tiếp khách khứa và phải tuyệt đối không được tới nhà người khác, dù là người thân hay họ hàng(7). Ngoài ra người bố cũng kiêng làm một số công việc như “báu đảy có hụm, xụm pà. Báu đảy tản căn na, tó đắc hụa…” (không được bẫy cá, không được đắp be bờ, không được chôn cọc rào,…)(8). Riêng cơm lam ngoài là thực phẩm chính cho sản phụ còn là thức quà mời khách khi họ đến chung vui. Điều đặc biệt, toàn bộ vỏ ống, lá lót sẽ được gom lại cẩn thận. Sau 3 ngày “nhá bườn phay” (hết kiêng) người nhà sẽ bỏ toàn bộ vào 1 cái sọt đan mới, miệng sọt được buộc “phải ta đành” (vải đỏ) hoặc vải hoa cầu chúc cho đứa trẻ sau này sẽ  “nen hung, nen hưa”(9) (được nhiều người để ý, yêu quý).  Bố đứa trẻ hoặc ông nội (ông ngoại) sẽ đi tìm chỗ để treo cái sọt đó. Khi treo người ta khấn, chẳng hạn:

“Ải xáo đảy bón đì miện pứa khảu căm bườn lụk. Nháu sùng ộ nơ. Pi nọng đảy thàm hà, lung tà đảy thàm kháo. vả chết chặn thàm kháo lơng lơng nơ!”

Tạm dịch là:

“Bố tìm được vị trí đẹp để treo gửi vỏ ống cơm lam. Cầu chúc cho con luôn khoẻ mạnh, lớn nhanh, trưởng thành. Là một người có ích, làm rạng danh họ tộc nhé”.

Hoặc cũng có thể khấn những lời nói nôm na thông thường với nội dung cầu xin mọi điều may mắn, tốt đẹp đến với bé. Vị trí treo sọt vỏ ống cơm lam thường là ở ngã ba, ven đường cái hoặc gần trường học,… với ý mong muốn đứa trẻ sẽ học hỏi được nhiều điều hay, lẽ phải và lớn khôn thành tài. Nếu là con gái thì sọt sẽ treo bên ta luy âm (cỏng tang), là con trai thì sọt được treo bên ta luy dương (tênh tang). Ngày nay, cuộc sống hiện đại trở nên bận rộn, nhiều nơi không còn giữ tục làm cơm lam cho sản phụ và treo vỏ ống cơm lam như trước nữa. Nhưng ở vùng sâu vùng xa nơi quê bản vẫn còn nguyên truyền thống văn hoá tốt đẹp này.

HOÀNG BẮC

(1) Cốc xí: Sàn ngoài phía cuối nhà, chỗ để nước, nơi rửa ráy trên một ngôi nhà sàn truyền thống.

(2) Cốc chan: Sàn ngoài phía cuối nhà, nhưng vẫn nằm trong mái hiên, là khoảnh sàn tính từ đầu cầu thang cho đến bậc cửa ra vào.

(3) Tả tin: Phía cuối giường ngủ

(4) Theo kinh nghiệm dân gian, việc tỳ gót chân chặn hậu môn khi rặn đẻ có tác dụng dồn toàn bộ sức đẩy thai nhi qua đường sinh ra khỏi âm đạo của người mẹ, đồng thời sẽ hạn chế hiện tượng bị trĩ sau sinh ở phụ nữ.

(5) Ta leo: Tấm đan bằng nan tre hoặc nứa, đan kiểu hình mắt cáo, đường kính khoảng từ 20 – 30cm.

(6) Xài choi heng (dây hỗ trợ sức): thường làm bằng dây địu, khăn piêu hoặc dây lưng (xai eo), không làm bằng dây thừng vì người ta quan niệm “xai choi heng” bằng dây thừng thì đứa trẻ sau này sẽ học dốt.

(6) Muối pho: Muối được gói bằng lá chuối tươi, sau đó vùi vào than gio nướng để nó khô hết nước, sau đó bỏ ra cho sản phụ dùng.

(7) Người Thái tối kị những người đang chửa và những người vừa mới đẻ, kể cả người chồng của họ.

(8) Người Thái quan niệm nếu người bố làm những công việc này thì đứa trẻ sẽ bị ốm, thậm chí kém ăn khó lớn.

(9) Nen: là số mệnh, “nen hung nen hưa” là nhiều duyên, được nhiều người để ý, yêu quý, ghi nhận những điều mình làm được.


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.