Tản văn Lai Châu trong dòng chảy tản văn hiện đại

Thế kỉ XXI được coi là “thời của tản văn” khi số lượng các tác phẩm, đầu sách thể loại tản văn tăng lên nhanh chóng. Trong đó có nhiều tản văn hay, chất lượng. Nhiều báo, tạp chí luôn có chuyên trang dành cho tản văn. Trong dòng chảy đó, tản văn ở Lai Châu cũng có những chuyển động mới mẻ. Mặc dù thành tựu về tản văn ở Lai Châu chưa dày, nhưng sự phát triển của thể loại đã góp phần làm phong phú hơn nội hàm của văn nghệ địa phương. Đến nay, Lai Châu có một số tập tản văn như: Bàng bạc mưa rừng (Hà Mạnh Phong, gồm 32 tản văn Nxb Văn hoá dân tộc, 2010), Quê tôi vùng Tây Bắc (Phùng Hải Yến, Nxb Hội nhà văn, 2020, gồm 48 tản văn), Lạc giữa mùa bông (Lê Thuỳ Giang, Nxb Sân khấu, 2020, gồm 21 tản văn)… Bên cạnh đó, Tạp chí Văn nghệ Lai Châu hàng tháng cũng đăng tải thường xuyên nhiều tản văn của các tác giả gạo cội như: Thanh Luận, Bùi Thị Sơn, Thanh Phương,.. Tiếp nối là nhiều tản văn được sáng tác bởi các tác giả trẻ đầy tiềm năng và nội lực như: Châm Võ, Phạm Đào, Nguyễn Chanh, Đinh Hồng Nhung, Hồng Nguyễn…

Tản văn (dịch từ tiếng Anh là free-style writing), được hiểu là phong cách viết tự do. Chính vì vậy, tản văn không bó buộc hình thức cũng như đề tài đối với người viết. Kết cấu tác phẩm hoàn toàn linh hoạt, tự do, thậm chí không cần logic. Trong tản văn, người viết có thể lồng ghép các phương thức biểu đạt như tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận… Cho nên, có ý kiến cho rằng: tản văn là thể loại vừa có yếu tố trữ tình, vừa tự sự. Ngoài ra, khi có tính thời sự cao thì tản văn lại có thể mang “chất” báo chí… Từ những điều này, cho nên tản văn được cho rằng có tính chất “hỗn hợp”, “phi thể loại”, “vượt qua những ranh giới của thể loại”… (Huỳnh Như Phương).

Nhà nghiên cứu PGS.TS Bùi Thanh Truyền cho rằng tản văn bao gồm nhiều thể loại: ký, tuỳ bút, tiểu phẩm, tạp văn, ngụ ngôn, chân dung văn học. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi lựa chọn hiểu theo Từ điển thuật ngữ văn học: Tản văn là một thể loại văn xuôi ngắn gọn, tự do và rộng rãi về đề tài và phương thức phản ánh, chú trọng bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ của tác giả. Cho nên, nếu viết ký, tuỳ bút, tiểu phẩm, tạp văn… mà không thể hiện được sâu sắc tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ của người viết thì chưa được gọi là tản văn. Tản văn không chấp nhận hư cấu như thể loại văn xuôi khác như truyện ngắn, tiểu thuyết. Tản văn hay là tản văn xuất phát từ tình cảm thực sự của người viết và gây được rung cảm thẩm mĩ đến tâm hồn người đọc. Nói như Nguyễn Ngọc Tư là “những cảm xúc ngột ngạt bị đẩy đến tận cùng, đến ngộp thở… Chữ bật ra từ những nỗi đau”.

Tản văn không giới hạn đề tài. Người viết tự do lựa chọn đề tài, cùng với cảm xúc của mình. Nhưng cũng như các thể loại khác, tản văn giá trị là phải thể hiện được các yếu tố của mĩ học, có thể thể hiện “cái bi”, “cái hài”, “cái đẹp”, “cái cao cả” và hướng người đọc đến “chân, thiện, mĩ”. Chỉ những tác phẩm giàu tính nhân văn mới có thể tác động sâu sắc vào tâm hồn người đọc, làm nảy nở trong lòng họ những tình cảm, suy nghĩ, hành động tốt đẹp. Cho nên, dù tản văn không cần những kĩ thuật phức tạp như viết tiểu thuyết, truyện ngắn, nhưng để viết được một tản văn hay, không trôi qua trong lòng người đọc thì không dễ. Viết tản văn cũng là sáng tạo nghệ thuật và đúng như nhà thơ Đỗ Trung Quân nói “tản văn không thấp kém hơn các thể loại khác”.

Nếu đọc truyện, độc giả cuốn vào những câu chuyện giàu kịch tính, thì dường như tản văn lại mang đến một cảm giác rất nhẹ nhàng. Cho nên, tản văn khá hợp với thị hiếu của các độc giả hướng nội, thích giao tiếp với những tiếng nói truyền cảm, tự bên trong, yêu thích sự tĩnh lặng, chầm chậm, hoặc đôi khi là để chữa lành tâm hồn…

Nếu chỉ thể hiện những hỉ, nộ, ái, ố thường tình mang tính cá nhân của mỗi người mà ít tính tư tưởng thì có lẽ tản văn sẽ chỉ tồn tại trong giới hạn nhất định. Nhưng khi tản văn mang trong mình vẻ đẹp rất riêng của người viết, tương đồng với cảm xúc của số đông thì tản văn dễ dàng lan toả. Như thể, nhà văn thay mình nói những điều mình biết, mình nghĩ mà không thể diễn đạt thành lời.

Tản văn Lai Châu chú trọng khai thác các đề tài về đất và người Lai Châu, bao gồm thiên nhiên, cảnh vật, lịch sử, văn hoá, sản vật, con người…. Với ưu thế thể loại, tản văn đi vào đời sống từ những chi tiết rất nhỏ.

Qua tản văn, người đọc có thể thấy một phần lịch sử của dân tộc, của Lai Châu cùng những biến đổi của theo thời đại, thời gian. Thế hệ cha anh, người chứng kiến, đi qua bao cuộc chiến, luôn thấy tự hào, linh thiêng hai tiếng Việt Nam: “Ngày vui của nước mắt tuôn trào này ta lại nghĩ về mẹ. Đó là mẹ Tổ quốc Việt Nam, đất nước của những con người trái tim, tình yêu cuộc sống, khát khao hòa bình như cơm ăn, nước uống, không khí thở hàng ngày. Đó là mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ của những người chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng(Ngày 30 tháng 4 ta lại nghĩ về mẹ – Thanh Luận). Lịch sử oai hùng của Lai Châu cũng tái hiện trong một số tản văn như Ký ức cầu Hang Tôm (Thuỳ Giang), Ngược dòng Nậm Na (Châm Võ)… Các cây bút thường hoài niệm về quá khứ. Có người hoài niệm một vùng quê cũ, làng bản về những gì tốt đẹp đã mất đi, về thời thơ ấu. Hoài niệm chính là bởi sự bất toàn hoặc là sự mất mát của một giá trị tốt đẹp nào đó ở thời hiện tại.

Qua nhiều tản văn Lai Châu, người đọc có thể hình dung được và bị hấp dẫn bởi quang cảnh, vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, lãng mạn của miền đất này: Những con đèo, Mùa xuân mở cửa bướm và hoa (Hà Phong), Quê tôi vùng Tây Bắc, Xuân xứ lạnh (Phùng Hải Yến), Tháng giêng xứ núi, Đi giữa mùa vàng Sin Suối Hồ (Thuỳ Giang), Mênh mang Tả Phìn (Châm Võ), Những mùa mây Ka Lăng, Mường Than tôi yêu (Đinh Hồng Nhung), Tà Mung mùa xuân đã về (Phạm Đào)…

Có những bản làng bồng bềnh trong sương mây buổi sáng như một giấc mơ: “Bản mường tôi, sáng sớm đất thở. Sáng sớm suối, khe thở. Hơi thở kết thành mây. Có khi thung lũng đong đầy mây như hồ tuyết” (Tháng Hai mùa hoa – Đỗ Thị Tấc), hoặc trên cao vút như Tà Mung: “Để đến được với Tà Mung chỉ có lên dốc, dốc quanh co và thẳng đứng và khi xuống, chỉ có xuống dốc mà thôi” (Tà Mung mùa xuân đã về – Phạm Đào), như Tả Phìn “gác tay ngủ ở lưng chừng núi nên đường về cũng phải qua đôi ba khúc cua uốn lượn quanh co đèo dốc, gập ghềnh suối xa” (Mênh mang Tả Phìn – Châm Võ). Tản văn cho ta nhớ những bản làng ngày xưa bình yên trong thung lũng, bên cạnh một bến suối mát dịu: Bến suối làm mặt gương soi bóng núi nghiêng lả dáng thuyền, soi bóng cây rủ lả dáng cành, dáng ngọn; một bến suối yên ả lững lờ chảy mà tan vỡ nắng (Bến suối – Hà Phong), xa xa kia là những bãi cỏ xanh, xa hơn nữa là những rặng núi: Núi đã muôn năm già mà không cũ, vẫn bồng bềnh mây trôi lưng núi, vẫn áo cỏ non tươi mới như ngày nào. Ở lưng chừng núi là Những chân ruộng bậc thang xinh xắn, những nương ngô thoai thoải sườn non, con trâu nghiêng nghiêng cùng người xiết mũi cày liếm vào chân đá… Thật trữ tình và thơ mộng lắm thay.

Nếu như tản văn của các tác giả đến từ các thành phố lớn thường viết về sự tiếc nuối của những quang cảnh tự nhiên đã bị mất đi, về sự “chấn thương sinh thái” thì dường như ở Lai Châu, cảnh vật tự nhiên, vẻ đẹp thiên nhiên vẫn còn được bảo tồn. Cảm xúc thường thấy ở nhiều tản văn là sự ngợi ca, đắm say tha thiết trước khung cảnh đó. “Phải lang thang ở Mường Than, ngắm đàn cò bay thong thả và bầy trâu gặm cỏ tung tăng mới thấy yêu Mường Than đến nhường nào… Mường Than làm tôi say mê, yêu quý. Nơi này là cội nguồn tâm hồn khi tôi cạn kiệt sức lực lại muốn trở về… Mường Than đã chuốc rượu ai chưa, mà sao ta say mãi một đời?” (Mường Than tôi yêu – Đinh Hồng Nhung); “Phố đêm Lai Châu lại càng đẹp, đẹp như một bức tĩnh vật được bố cục chặt chẽ không tì vết; mà tranh tĩnh vật thì đơn giản, thân quen đến cũ kĩ nhưng chưa bao giờ nhàm chán cả” (Lai Châu trong tôi – Thùy Duyên)

Tản văn bằng cách riêng, cũng chấm phá, phác hoạ được văn hoá, lối sống sinh hoạt của các dân tộc thiểu số Lai Châu: Những quang cảnh chợ phiên quen thuộc: “Người ở đâu túa ra mà đông đến thế? Có đủ cả đàn ông đàn bà, người già người trẻ nhưng Ái Lâm thích nhất là được ngắm những cô gái Thái, những cô gái Mông trẻ  măng tụm năm tụm ba cười nói, dắt díu nhau đi chơi chợ, nom cô nào má cũng ửng hồng như quả đào, đẹp như văn công ấy! Hình như họ đi chợ chỉ để chơi thôi chứ không thấy ai mua bán gì cả. (Đi chợ phố núi – Bùi Thị Sơn). Những văn hoá, tâm thức tộc người cũng được khắc hoạ “Bếp lửa không chỉ mang hơi ấm đến gian nhà, còn là nơi giữ ngọn lửa sự sống qua từng thế hệ và cũng ở nơi này, các thế hệ miệt mài truyền lửa cho nhau” qua những câu chuyện cổ, những câu chuyện đời. (Bếp lửa vùng cao – Phùng Hải Yến)… Tết đến là khi lúa ngô đã ngủ im trong bồ nơi góc nhà, là khi củi khô đã chất đầy hai bên chái bếp. Thế rồi Tết đến thật thảnh thơi, thật yên bình. Như cái cách mà những người đàn ông núi ngồi uống với nhau bát rượu ngô gần đống lửa. Như cái cách những người đàn bà Mông, Dao… kiên nhẫn thêu từng mũi chỉ cho tấm thổ cẩm dài như năm tháng!” (Khúc xuânThuỳ Giang)

Những tản văn về ẩm thực của người Thái Trắng Lai Châu dường như làm sống dậy cả hương, cả vị, khiến nhiều người đọc xong mà mong muốn sẽ có lần được thưởng thức. Hà Phong – một nhà văn chính gốc dân tộc Thái, am hiểu và thấm đẫm ở trong mình văn hoá dân tộc. Anh tự hào về văn hoá ẩm thực Thái. Anh viết về các món ăn dân dã của người Thái Trắng với tất cả sự nâng niu, không xô bồ, phàm tục. Món nào anh cũng kể từ sự chuẩn bị kĩ lưỡng; rồi tả tỉ mỉ cách làm món ăn; thành quả món ăn có hương, vị, màu sắc như thế nào; ăn kèm với gia vị gì, cách thưởng thức ra sao… Mọi cái đều rất đẹp, rất chậm, rất khiến cho người đọc vừa khát thèm vừa trân trọng. Anh xa thương nhớ các món quê rừng: canh cà đắng thoảng hương gừng, măng đắng ăn ghém với lá phắc mạ; rau sắn trộn quả cà dại; ốc thu suối mường xào; hoa bí xào tỏi; xôi đồ lá nếp; bánh chưng đen núc nác; các món rong rêu… Bao nhiêu tên gọi là bấy nhiêu tình yêu của nhà văn. Chúng được tả cùng với tình yêu, cảm xúc háo hức, thương mến do mẹ hay người thân chế biến…

Tản văn Lai Châu còn phác hoạ nhịp sống kinh tế mới, những thuỷ điện mới: Ngược dòng Nậm Na (Châm Võ), của việc hiến đất làm những con đường mới trong vùng nông thôn mới: Thương nhớ dâu tằm (Thuỳ Giang), phát triển nghề thủ công truyền thồng: Nghề đan ghế mây (Phùng Hải Yến)…

Và đặc biệt là qua tản văn, người đọc nhận thấy vẻ đẹp của tâm hồn, khí chất người miền núi. Đó là những con người tình cảm, đầy tình yêu thương với những người thân yêu. Tác giả Thanh Phương viết những lời đầy cảm động về bà ngoại tôi – một người Giao Chỉ, không thể lẫn với ai được bởi đặc điểm của hai bàn chân: Dù bà đã xa nhưng “Những ngày sau đó, …tôi cứ ngỡ vẫn thấy cái dáng thân thương của bà lúi húi bên gốc nhãn cổ thụ hay đang ngồi đun bếp bằng đám lá khô tí tách. Vẫn thèm câu mắng yêu quen thuộc… Nhưng tất cả đã thành kỷ niệm… Cũng rất tự nhiên, những khi ấy, nhớ đến bà, sống mũi tôi lại cay cay thương cảm! (Thân thương dáng hình bà ngoại). Nguyễn Chanh viết từ trái tim những cảm xúc đầy yêu thương chân thành với người thân yêu: Đôi bàn tay thô ráp, Thư gửi bố... Chị yêu kính bố chồng người Dao: “Bố không ở bên chúng con nhưng Bố tạo cho chúng con một mái ấm, để chúng con cảm nhận được sự vững chãi của nó giống như cái bóng của Bố, sẽ chở che cho chúng con cả cuộc đời này” (Thư gửi bố). Cũng như Châm Võ day dứt mãi về hình ảnh người cha “Suốt bao năm ông vừa làm mẹ, vừa làm cha, vừa làm bạn song hành cùng tôi trên chặng đường đời. Để tôi trưởng thành, ông như chôn chặt nỗi đau, nỗi nhớ mẹ tôi trong lòng. Chỉ mỗi đêm quỳnh nở, ngồi thưởng quỳnh, tôi mới thấy cha như được sống cho mình” (Dạ quỳnh). Nguyễn Hồng còn nhớ mãi hương bồ kết: “Mùi hương ấy còn chất chứa cả tình yêu thương của mẹ, là mùi mang lại cảm giác bình yên quê nhà. Mùi hương ấy nuôi lớn tuổi thơ cô, đánh thức tình yêu quê hương, yêu gia đình từ thẳm sâu trong trái tim. Mùi hương cô gọi là mùi hương mẹ” (Mùi nước gội đầu của mẹ)

Con người trong tản văn Lai Châu còn đặc trưng cho khí chất của người miền núi: mang trong mình sức sống mãnh liệt trước những khó khăn, biến cố của thiên nhiên, của cuộc đời “như khóm ngải tàn, khóm ngải lại lên xanh”. Hà Phong mượn hình ảnh “bộ rễ” để ví với đôi bàn chân với ý chí kiên cường của người miền núi. Họ chỉ có bàn chân trần thôi, nhưng bám chặt lấy đất quê như bộ rễ biết đi, với niềm tin sắt son rằng: khắc đi, khắc đến. Bộ rễ kiên trì bám vào nương dốc: sẽ có ngô ra bắp, kết hạt; bám vào ruộng bậc thang: sẽ có lúa lên; chạm vào đá cứng: đá cứng hoá mềm… Họ nhọc nhằn bám vào đất đá để mưu sinh nhưng không ai nản, vẫn luôn bước với những bước chân mạnh mẽ, vô tư  khà khà cười rung lá rừng, và tin rằng rồi đây sẽ tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. (Bàn chân trần với niềm tin: khắc đi, khắc đến). Người ta vẫn ví: hoa ban nở thành người con gái Thái. Vẻ đẹp của hoa ban cũng chính là vẻ đẹp của người Tây Bắc: “Những bông hoa trắng trong tinh khiết bừng lên sức sống diệu kì, mãnh liệt, kiên cường, dù trong khó khăn, khắc nghiệt vẫn trong trẻo, tinh khôi, tỏa hương dịu nhẹ” (Xuyến xao những cánh hoa ban – Thanh Tám). Bao đời nay, người núi vẫn giữ nếp sống nhân văn, tự tại: “Tình người nơi chợ phiên phố núi thì vẫn mãi ấm nồng qua từng lời đổi trao thân tình, qua ánh mắt, nụ cười thân thương, trìu mến… (Đi chợ phố núi – tản văn Bùi Thị Sơn); “Con người bản ta an nhiên tự tại, chan hoà, nhân ái cũng tại bởi cái mùi hương này. Ai muốn nổi nóng chỉ cần hít một hơi thật sâu hoặc nhìn vào một nhành hoa là thấy lòng dịu lại” (Tháng Hai mùa hoaĐỗ Thị Tấc)

Duy cảm về tình yêu, tình người, về thân phận người phụ nữ, về khát khao hạnh phúc từ góc nhìn của giới nữ xuất hiện trong khá nhiều tản văn Lai Châu như: Bà ngoại, mẹ và con gái, Khi tay trong tay (Bùi Thị Sơn), Chị hai, Nắm cơm của mẹ (Thùy Tiên), Cõi riêng (Nguyễn Chanh), Mùa chim én về (Châm Võ), Người phụ nữ bên giàn hoa giấy, Xuân về cho vừa kịp tết (Nguyễn Hồng), Tháng năm với miền ký ức, Vàng nắng tháng mười (Phạm Đào). Thật giản dị mà sâu lắng trong chiêm nghiệm của người phụ nữ gắn bó với miền núi, lấy “trai rừng”, làm “gái núi”: “Hạnh phúc của đời người là được cho đi và nhận lại. Con đã nhận được biết bao tình cảm thiêng liêng cao quý của mọi người từ những cái nắm tay, những cái bắt tay chân tình, giản dị” (Khi tay trong tay – Bùi Thị Sơn). Tất cả những nghĩ suy này, dẫu có bộn bề về cuộc sống, về tình đời, đều là biểu hiện của chất nữ tính trong tản văn Lai Châu.

Sự hấp dẫn của tản văn, ngoài tình cảm sâu sắc của tác giả, còn là vẻ đẹp của ngôn từ, của những liên tưởng, so sánh sinh động, bất ngờ, mang đầy dấu ấn cá nhân. Bên cạnh đó là vẻ đẹp của nhịp điệu trong câu văn của tản văn. Câu văn mà như thơ. Bởi khi đọc lên, người ta thấy có âm điệu, nhịp điệu. Tản văn là thể loại nhẹ nhàng, dễ mang đến cho người đọc cảm giác thư giãn, dễ chịu.

Nói chung, tản văn Lai Châu đã miêu tả, biểu cảm những vẻ đẹp của đất và người Lai Châu một cách chi tiết, chân thực, đầy rung động. Điều đó chỉ có thể toát ra từ những tình cảm gắn bó sâu sắc thật sự, yêu thương, tự hào cùng với tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, và tài năng ngôn ngữ của tác giả. Không có trải nghiệm thực tế, không phải là cảm xúc thật sự tự đáy lòng, rất khó để sáng tạo được tản văn hay. Mặc dù, tản văn Lai Châu chưa có bề dày nhưng là “sản phẩm” nội sinh của vùng đất và của chính những cây bút nơi đây. Có thể nói, tản văn nói chung, tản văn Lai Châu nói riêng ngày càng khẳng định được giá trị của mình. Tản văn không còn là “những chuyện tản mạn”, “những chuyện vụn vặt”, là “thể loại nhỏ” mà là một tiếng nói, một thông điệp của nhà văn, là một lao động nghệ thuật nghiêm túc, góp phần làm cho bức tranh văn học thêm đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng được thị hiếu của nhiều kiểu độc giả. Hi vọng trong thời gian tới, tản văn Lai Châu tiếp tục phát triển với những “suy ngẫm rất sâu”, “tình yêu cực độ” với mảnh đất miền biên viễn vốn đầy ắp những điều bí ẩn và thân thương này.

THÙY GIANG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.