Lò Dinh, một bác sĩ của bệnh viện huyện vừa hết ca trực. Anh tiễn một bệnh nhân đã khỏi căn bệnh sỏi mật được ra viện về nhà. Một niềm vui nho nhỏ xao xuyến lòng Dinh mỗi khi có người khỏi bệnh. Anh chỉ mong sao cho bà con dân bản luôn mạnh khỏe, cuộc sống bình yên để lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống nơi bản mường ngày càng tươi đẹp. Mỗi khi hoàn thành được kế hoạch công tác, làm được việc tốt anh thấy lòng thanh thản, hôm nay cũng vậy. Trước mắt Dinh vẫn là thị trấn Phong Thổ quen thuộc bỗng tươi thắm hơn. Pa So hiền hòa bên dòng suối mát, soi bóng những hàng cây trầm mặc giữa trời xanh, mây trắng hữu tình.
Bấy lâu nay bệnh dịch covid-19 đã hoành hành ở nước ta, gieo vào lòng mọi người một nỗi lo, từ người trẻ đến người già, từ người dân đến công nhân viên chức… Ai cũng thấy lo ngại. Trẻ em, người già, đặc biệt là người có bệnh nền hoặc sức đề kháng yếu càng phải cẩn trọng hơn trước sự sống còn của sinh mệnh. “Nhưng với người thầy thuốc nỗi lo còn lớn hơn!”. Dinh nghĩ như vậy. Anh bước đi chầm chậm bên bồn hoa trong khuôn viên bệnh viện mà lòng ngổn ngang trăn trở, tự đặt ra bao câu hỏi và tự trả lời…. Người thầy thuốc đâu phải chỉ lo cho bản thân mình mà lo cho mọi người, cho cộng đồng, cho xã hội. Trách nhiệm này rất lớn! Trận chiến chống dịch covid như trận chiến chống giặc. Dù gian nan cũng phải quyết thắng. Cũng như người lính xung kích không bao giờ lùi bước trước kẻ địch mạnh. Mỗi bác sĩ không chỉ hướng dẫn mọi người triệt để thực hiện nghiêm quy định 5k mà còn trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mắc covid-19, tự chăm sóc sức khỏe của bản thân để mình không ngã xuống trong lúc này. Bỗng Dinh nghe tiếng gọi:
– Anh Dinh ơi, anh có điều gì mà nghĩ ngợi thế? Nếu anh muốn đăng ký vào thành phố Hồ Chí Minh cứu trợ bệnh nhân điều trị thì xung phong đi. Em biết ở Hà Nội đồng nghiệp của ta đã vào Nam khá nhiều rồi đấy!
– Chúng ta là người trong cuộc, trực tiếp chăm sóc cho những người cách ly nên tôi thấy rất thấm thía, cô Lả à. Chỉ theo dõi qua các kênh thông tin đại chúng mà trong lòng cũng đau đớn, ăn không còn thấy ngon, ngủ không còn thấy yên khi biết bà con nước ta đang rơi vào hoàn cảnh đau xót, mất mát vì bệnh tật.
Lả hồn nhiên buột miệng:
– Nhưng mình chỉ nghĩ thôi chứ làm được gì hả anh?
– Lúc này tôi lại thấy chúng ta không thể chủ quan vì đang ở “vùng xanh” với dịch bệnh. Mọi người luôn phải trong tư thế sẵn sàng, không để bị động “nước đến chân mới nhảy”.
– Bình thường thì không sao, anh Dinh nhỉ? Khi địa phương mình có ca mắc covid-19 thật thì mọi người mới biết phải làm gì.
– Nên chúng ta luôn phải chuẩn bị cả tinh thần lẫn vật chất để chăm sóc bệnh nhân và đẩy lùi dịch bệnh.
– Anh em mình đã theo ngành y, là người thầy thuốc, đừng nghĩ covid nó không dám lên vùng cao nhé. Nó mà lên thì bản mường ta thành chiến trường cả. Chúng ta phải chặn nó, không cho nó đến, cũng có nghĩa là ta đang cùng cả nước chống lại đại dịch ác ôn này. Thành phố Hồ Chí Minh đang nóng lên từng giờ trong cuộc chiến khốc liệt này. Chúng ta chỉ là hạt bui, không thể chủ quan được. Con số thông kế về số ca mắc mới, bao nhiêu F1, bao nhiêu người khỏi bệnh, luôn nhắc nhở mọi người cần phải thực hiện tốt 5k theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Mưa rồi lại nắng, Phong Thổ hôm nay một ngày nắng đẹp, chống dịch vẫn phải sản xuất đảm bảo đời sống. Biết là khó khăn, chưa thể thích nghi ngay với quy định mới trong “mùa giãn cách”, mọi sinh hoạt ở bản mường có chút thay đổi, rồi mọi người sẽ quen thôi. Dịch bệnh ở thành phố Hồ Chí Minh là tâm điểm chú ý của cả nước. Người Phong Thổ cũng biết số ca mắc mới mỗi ngày, số người tử vong mỗi ngày… nghe mà xót thương. Chiều qua, cụ già bản Chìa Qua Hẩu bần thần nhìn theo dòng suối Nậm Cang mà ứa lệ thốt lên: “Thương người dân của đất nước mình quá”.
Dịch bệnh ở thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày như càng thôi thúc quyết tâm trong lòng Dinh. Anh đã có sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt về mặt chuyên môn. Dinh đang chờ hồi âm lá đơn anh tình nguyện đi cứu trợ chống dịch ở đây. Nhưng anh không phải chờ đợi nữa, đơn tình nguyện của anh đã được chấp nhận. Thay vì chờ trả lời, Dinh đã nhận được giấy triệu tập lên đường đi thành phố Hồ Chí Minh. Đây là đoàn chi viện đầu tiên của ngành Y tế tỉnh Lai Châu vào vùng tâm dịch. Đó cũng là vinh dự cho Dinh khi có mặt trong đoàn. Dinh phấn khởi báo tin vui cho mẹ và vợ, nhưng không thấy vợ và mẹ thắc mắc gì. Vợ Dinh nói:
– Tôi tưởng bố nó nói nhưng chưa đi, thiếu gì người trẻ tình nguyện đi trong dịp này.
– Tôi đã bàn rồi đấy, có nhiều người còn khó hơn nhà ta, họ cũng khắc phục được mà. Người xưa có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, bây giờ là lúc bạn cần mình như vợ cần chồng.
Vợ Dinh lại bảo:
– Bây giờ cũng là lúc mọi người cần đến những tấm lòng chung tay nhất đấy. Tôi lo cho mình lắm, nhưng thôi, mình cứ yên lòng mà đi.
Vợ, chồng Dinh nhìn nhau đồng cảm.
Bà mẹ Dinh bước từ dưới sàn lên, tay cầm con gà vừa mổ và nói:
– Mẹ nghe câu chuyện của hai vợ chồng rồi. Ra chợ, mẹ nghe mọi người nói ở thành phố Hồ Chí Minh ngày nào cũng có người tử vong vì dịch bệnh. Xót thương đồng bào ta lắm, mẹ nghĩ nhiều rồi, Dinh phải đi vào trong ấy hỗ trợ anh em, bao giờ hết dịch thì về. Ở nhà đã có mẹ.
HUỲNH NGUYÊN