Tôi đã ở cuộc triển lãm tranh khu vực miền núi phía Bắc được một tuần. Ngày cuối, người xem vãn hẳn, các đoàn bắt đầu rục rịch hạ tranh chuyển về. Tuy cái chân vẫn chưa hết đau bởi cú ngã xe trước khi lên đây, tôi vẫn ra giúp mấy người trong đoàn. Giờ chỉ còn một bức phía cuối dãy là tranh của tôi.
Từ nãy, tôi để ý có một gã quần áo lấm vôi vữa, đi dép tổ ong, tóc tai bờm xờm đứng trước bức tranh của mình. Thấy tôi, gã vẫn mặc kệ. Sau cùng, gã cũng mở miệng nói một hồi toàn những lý do chẳng liên quan gì đến tranh pháo, rồi bỗng nhiên chốt một câu cộc lốc:
– Có bán tranh không, bao nhiêu tiền?
Cái kiểu mua tranh của gã này đúng là có một không hai. Thấy tôi có vẻ bực mình, gã cũng chờn chợn:
– Bán bức này nhé?
Đến lúc này thì cái máu kẻ sĩ trong tôi như sủi bọt. Bị tôi trả lời thẳng thừng. Gã ném cái nhìn gườm gườm vào bức tranh, rồi dúi vào tay tôi một mẩu giấy có số điện thoại, vừa đi gã vừa nói: “Suy nghĩ đi, mai tôi lại đến!”. Nếu ở gallery tranh thì tôi đã chỉ vào mặt và tống khứ gã ngay tắp lự.
Tôi trở về thị xã bé nhỏ của mình và lại tất bật như mọi khi. Bẵng đi một thời gian, tôi đã có những đối tác trong công việc cũng như hoạt động nghệ thuật, tôi lập gia đình và chuyển hẳn về Hà Nội sinh sống. Một sáng chủ nhật, hai vợ chồng tôi vào viện viện K thăm vợ Khánh – một anh bạn thân cùng học mỹ thuật với tôi. Tôi vốn không hững thú với nơi này lắm. Hai bà vợ thì hàn huyên đủ chuyện, Khánh đang chạy về nhà lấy thêm đồ dùng nên tôi có thì giờ quay ra quan sát những bệnh nhân khác. Chợt một anh thanh niên hớt hải chạy vào phòng đến chiếc giường bên cạnh lục tìm thứ gì đó. Bỗng tôi sững lại, cái mặt, điệu bộ này thì đúng anh ta rồi, cái gã có một không hai hỏi mua tranh của tôi. Chưa kịp phản ứng gì, anh lại tất tả chạy đi ngay.
Thứ mà gã vừa mang đi là một cuốn tạp chí. Đúng hơn là trang bìa tạp chí có in bức tranh năm nào của tôi. Điều làm tôi ngạc nhiên là trang bìa ấy được bo dán khá cầu kỳ lên tấm cát tông cứng, kiểu như người ta lồng vào khung tranh. Từ hôm ở viện về, tôi hay suy nghĩ vẩn vẩn. Chẳng nhẽ cái gã xù xì ấy mê tranh của mình thật, nhưng dẫu đam mê cũng không thể chấp nhận được cách hỏi mua của gã. Ở thành phố sầm uất này tôi đâu thiếu những người hâm mộ tài nghệ của mình. Chưa nói đến chuyện, đó còn là bức tranh gắn với những kỷ niệm của tôi ngày nào.
Sau cuộc triển lãm năm ấy, tác phẩm ấy trở nên nổi tiếng với bút pháp phóng khoáng, chính nó đã đưa tên tuổi tôi thăng hoa trong giới hội họa. Bức tranh là một câu chuyện dài…
***
Thường thì, cánh sinh viên mỹ thuật chúng tôi sau khi ra trường cứ phải lông bông một thời gian dài. Tuổi trẻ thường thích đi đó, đi đây, khám phá và trải nghiệm. Ra trường, tôi có cộng tác với một trung tâm mỹ thuật, công việc nhiều, phần lớn anh em phải chia đi các ngả theo những hợp đồng. Tôi nhận lệnh một mình lên trang trí cho một trường điểm ở vùng cao của Lai Châu. Thoạt nghe, việc trang trí cả một điểm trường trung tâm có vẻ khá nặng nhọc, nhưng thực tế lại đơn giản với người có nghề như chúng tôi
Tới thành phố Lai Châu, tôi mới biết để lên được đó, chỉ có duy nhất một chuyến xe vào buổi sáng hôm sau. Tôi đành ngủ trọ lại một đêm ở bến xe khách. Sáng hôm sau, chiếc xe ì ạch ngược đèo. Sương mù đặc quánh, cảm giác như bốc được từng vốc. Xe càng lên cao sương mù càng nhiều, đường phía trước mù mịt được xé dọc bởi các tia màu vàng cam của loại đèn phá sương, mọi người im lặng chỉ có chiếc cần gạt nước miệt mài theo nhịp điệu. Phía bên tay phải tôi lờ mờ màu nâu đục tà luy dương, còn tà luy âm thì trắng toát như một biển mây.
Hè chưa hết nên giáo viên vẫn còn ở quê, sau khi thống nhât ý tưởng, nội dung với cô hiệu trưởng, tôi nhanh chóng bắt tay vào công việc. Để đẩy nhanh tiến độ chuột rút, tôi tranh thủ vẽ cả tối rồi ngủ lại phòng bảo vệ với Hoàng. Có đêm tôi vẽ say sưa đến hai giờ sáng, cứ tưởng Hoàng đã được một giấc no mắt nhưng hóa ra anh vẫn chăm chú từng nét vẽ, cách pha màu trên palet. Xong việc hai anh em thu dọn đồ và xì xụp mì tôm.
Công trình cũng đến ngày hoàn thành thì một đợt mưa lớn kéo dài mấy ngày liên làm đường sát lở phải mấy hôm nữa mới có thể thông tuyến.
– Đi chơi họa sĩ ơi! Hoàng cưỡi con Min bành bành khựng ngay giữa sân trường.
Tôi theo Hoàng đến nhà dì của cậu chơi. Điều mà tôi bất ngờ là những bức tranh vẽ bằng chì khá tỉ mỉ theo lối thâm diễn được treo ngăn ngắn trên tường. Đang định hỏi Hoàng về những tác phẩm tự họa, thì có tiếng gọi từ nhà dưới: “Anh Hoàng đến chơi à, xuống giúp em một tay nào”, tôi theo Hoàng đi xuống, trước mắt tôi là một căn phòng đầy hoa. Những bình hoa bằng đá pha lê trong suốt, hoa đủ màu sắc, với nhiều chất liệu từ đá, đất nặn, sáp thơm. Thú vị nhất là những dáng cây được tạo bằng dây thép ly bọc vải. Phía cuối căn phòng trật trội ấy là một cô gái bên cây chì và ngổn ngang những phác thảo, các dáng thế hoa được họa lên bìa đúp lếch. Hoàng lấy kìm và cắt từng đoạn theo kích thước đã ghi. Cô gái nhìn tôi mắt tròn xoe, không nói, gương mặt thanh tú. Tay em thoăn thoắt tạo dáng, nặn những cánh hoa, bện cạnh là khay pha màu và những cây cọ đủ số. Tôi rảo đến lấy ghế ngồi bên cạnh:
– Nào để anh giúp!
Em chỉ “dạ” rất nhẹ có vẻ ngại. Được tôi giúp sức, những cây hoa đào, hoa mai, thủy tiên, thược dược, tỷ muội nhanh chóng khoe sắc. Dường như công việc và câu chuyện về vẽ tranh, màu sắc, tạo dáng… đã làm em mạnh dạn, tự nhiên hơn.
Đường đã thông, trung tâm giục gọi về nhưng tôi vẫn quyết định nán lại mấy hôm để đi thăm thú cái cao nguyên này. Phía sau nhà em là những thửa ruộng bậc thang trải dài tít tắp ăn đến chân suối Hoàng Hồ, dòng suối chảy qua bản người Dao Khâu. Mỗi khi thời tiết thay đổi, dòng suối lại ửng lên một sắc hồng như máu.
Giờ đã là cuối thu, trên đồng chỉ còn trơ lại những chân rạ, người dân ở đây vẫn duy trì lối canh tác một vụ. Những cơn mưa làm hoai mục các thứ phân hữu cơ còn sót lại, đất đai nương rẫy chuyển sang một màu tươi mới. Một màu trắng, rồi tím nhạt, ban đầu xuất hiện những cánh li ti thật dịu mắt. Chính những đốm li ti ấy nó sẽ nở thành hoa là thứ hoa được nhú lên từ mày lúa, mày ngô, còn gọi là mạch, thân nhỏ giống hình tam giác nên bà con nơi đây gọi là hoa tam giác mạch.
Người vùng này có món rau luộc bằng thứ hoa từ đất khá ngon. Có cả rượu cất từ hạt của loài hoa này thật đặc biệt, bởi khi hoa đã thành hạt, người ta đem về xay ra bột, rồi đem trộn với ngô hạt, sau đó chưng cách thủy thành một thứ rượu nồng đặc rất độc đáo.
Bên tôi, em vô tư hồn nhiên giữa thảo nguyên bao la, mắt em mơ màng, bàn tay hứng những giọt mưa cuối thu trong veo của đất trời. Còn gì kích thích ghê gớm hơn cái khoảnh khắc thiên thần ấy.
Em đến phòng trọ của tôi từ khi nào, còn tôi đang say sưa với những chấm phá của chất liệu sơn dầu, cái chất liệu mà dân trong nghề chúng tôi thường dùng để diễn tả những cung bậc cảm xúc. Một cánh đồng tam giác mạch bất tận được phô bày trên nền toan bằng một tông màu lạnh chủ đạo, và hình ảnh cô gái miền sơn cước đắm mình trong không gian ấy là điểm nhấn của tác phẩm.
– Tặng em đó.
Em sung sướng nhìn tôi:
– Chắc anh sẽ không trở lại miền đất này nữa chứ gì.
Em vẫn hồn nhiên như thế. Tôi quả quyết:
– Tháng sau anh lên, cùng với tác phẩm hoàn thành, chờ anh nhé.
Tôi muốn nó phải được lồng trong một cái khung xứng tầm, loại khung này chỉ có ở Hà Nội, nhất định là như thế.
Nhiều khi ngẫm lại, tôi thấy mình cũng như người thợ săn khi tìm ra cánh rừng có nhiều muông thú và chỉ muốn sở hữu cho riêng mình. Dự định triển lãm xong, tôi sẽ mang tranh lên tặng em nhưng rồi công việc cuốn đi, tôi bù đầu vào dự án, vào sáng tác.
Một lần tôi gọi cho Hoàng, giọng Hoàng lè nhè giữa những tiếng cười nói ồn ào quán xá. Hoàng bảo đã vào Nam làm cho cơ sở kinh doanh của một người bà con. Cứ thế, tôi lại mải miết với những hợp đồng, những món tiền công hậu hĩnh.
***
Một sáng, vừa bật máy tính lên để xem tin tức, trên dòng thời gian facebook tôi thấy Khánh vừa bình luận một tấm ảnh vợ anh hôm mới nhập viên. Chắc hôm đó là ngày sinh nhật của nàng nên có thêm bó hoa, nhìn cô vợ cười rất tươi. Nhưng, kìa, ở góc của tấm hình, nơi chiếc giường bên cạnh là một khuôn mặt làm tôi sững sờ. Em… vậy thì gã hỏi mua tranh? tôi lao đến viện K.
Sau này, khi tôi đã cắm ba nén hương trên ngôi mộ, Hoàng mới lặng lẽ đứng bên cạnh kể cho tôi nghe: Bố em mất sớm. Người mẹ lúc khỏe thì bán hàng khô ngoài chợ huyện, mọi công việc xốc vác là nhờ vào anh cả làm nghề thợ hồ. Ước mơ của em sau này trở thành một họa sĩ thiết kế. Ngày được nghỉ, em lại về nhà hoàn thiện các sản phẩm về hoa. Nhưng một ngày kia, trong giờ thể dục bỗng dưng em bị đau ở lưng và không thể gượng dậy được, bạn bè thầy cô đưa em vào viện. Các bác sĩ ở đây cũng chưa chuẩn đoán ra bệnh của em. Gia đình đưa em hết bệnh viện Bạch Mai sang Việt Đức, viện K, viện Huyết học Trung ương rồi đến cả Viện Y học Cổ truyền… nghe đâu có thuốc hay, thầy giỏi, mẹ và anh lại cõng em đi. Nhưng rồi, tất cả đều lắc đầu. Em bị ung thư tủy.
Chiếc xe khách rời cao nguyên. Tôi lại lao đi tìm gã thợ hồ từng đòi mua tranh của mình.
Hà Minh Hưng