Tam Đường thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống  

 

          Thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao năng lực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn.

Khôi phục giá trị truyền thống trở thành thế mạnh địa phương

          Trong tâm thức nhiều người Tây Bắc chỉ Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) mới là vùng đất của đua ngựa. Ngày hội văn hóa dân tộc Mông huyện Tam Đường năm 2023; Phòng Văn hóa Thể thao và Thông tin huyện Tam Đường phối hợp với xã Tả Lèng tổ chức cuộc thi đua ngựa thu hút đông đảo người dân và du khách. Đó là cuộc đua ngựa thồ của những người nông dân trên rẻo cao xã Tả Lèng. Với người nông dân Tam Đường, ngựa là con vật có vai trò rất quan trọng trong đời sống của bà con. Ngựa không chỉ cùng bà con đi nương thồ hàng, chở nông sản xuống chợ phiên, ngựa là “người bạn” đồng hành trong cuộc mưu sinh đầy gian khó và cũng là niềm kiêu hãnh chiến thắng trên đường đua cùng chủ nhân.  Gần 20 nài ngựa đại diện cho bà con người Mông của 12 xã của huyện Tam Đường tham gia trổ tài đã mang đến những phút giây sảng khoái cho khán giả và du khách. Sức hút của ngày hội nằm ngoài dự tính của ban tổ chức, đã có nhiều du khách quay xuôi vì tắc đường, nuối tiếc không được tham dự cuộc đua thú vị này. Có dịp trao đổi với những người cao tuổi đến dự hội, chúng tôi mới biết, phong trào đua ngựa của đồng bào Mông các xã: Tả Lèng, Giang Ma, Khun Há, Nùng Nàng đã cách đây hàng chục năm, nhưng gián đoạn một thời gian, nay mới khôi phục trở lại.

Khung cảnh nên thơ của Cọn nước Nà Khương (xã Bản Bo, huyện Tam Đường) thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan.

Đầu xuân Giáp Thìn 2024, huyện Tam Đường tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc, tiêu biểu như lễ hội Gầu Tào Cha tại bản Thèn Pả, xã Tả Lèng; lễ hội Xòe Chiêng của đồng bào người Thái, người Lào tổ chức tại điểm du lịch nổi tiếng guồng nước Nà Khương, xã Bản Bo… Không gian lễ hội ngoài tái hiện tục lễ xưa còn hấp dẫn du và nhân dân bởi các trò chơi dân gian như: ném còn, đánh tù lu, và trải nghiệm các nét văn hóa tiêu biểu dân tộc Thái, Lào như tục hát đối, múa xòe chiêng, se lanh, dệt vải nhuộm răng đen…

Chủ tế Lễ Xòe Chiêng Lường Văn Âu cho biết: Với người Thái ở Bản Bo, chiêng, trống được coi là vật linh thiêng và được dùng trong các sự kiện của cộng đồng. Sau mùa lễ hội “linh vật” này sẽ được già làng, trưởng bản và những người có uy tín nhất trong bản có trách nhiệm giữ gìn và trông coi trong suốt cả năm. Sau khi thực hiện lễ rửa chiêng, cầu cho dân bản một năm mạnh khỏe, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cũng là nhịp chiêng, trong vang lên, mọi người tay nắm tay hòa trong bài ca đại đoàn kết, tạo thành một vòng xòe bất tận

Tiếp nối, trao truyền di sản văn hóa truyền thống tới thế hệ kế cận -hướng đi bền vững

Cứ đều đặn, cứ vào thứ tư hằng tuần, các em học sinh trên địa bàn xã Hồ Thầu lại khoác trên mình những bộ trang phục truyền thống và tập luyện diễn xướng những trích đoạn truyền thống như nghi thức trong Lễ Tủ cải, Lễ cưới, tục Nhảy lửa, những bài hát, vũ điệu, sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình…
Thầy giáo Nguyễn Đình Diên – Hiệu trưởng trường TH&THCS xã Hồ Thầu cho biết: Năm học 2023 -2024, trường TH&THCS Hồ Thầu, có 531 học sinh, dân tộc Dao chiếm 99%. Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, những năm gần đây, nhà trường đã lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc địa phương vào các tiết học và các hoạt động ngoại khóa. Qua đó, nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025, Tỉnh ủy Lai Châu cùng các cấp cơ sở đã cụ thể hóa nhiều chỉ thị, Nghị quyết nhằm nâng cao năng lực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS. Cụ thể như Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt là Nghị quyết 59/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu về chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, mỗi CLB được hỗ trợ thành lập 41 triệu 500 nghìn đồng, đối với phục dựng lễ hội được hỗ trợ 80 triệu đồng/1 lễ hội.

Thực hiện Nghị quyết số 03 – NQ/HU, ngày 10/9/2020 của BCH Đảng bộ huyện Tam Đường về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Xã Bản Bo đã thành lập 13/13 đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên luyện tập các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra, xã thành lập được 03 câu lạc bộ sử dụng và trình diễn nhạc cụ dân tộc Lào, dân tộc Thái, dân tộc Mông…; phục dựng và duy trì 01 lễ hội truyền thống (Lễ hội Xòe chiêng).

Đến nay, huyện Tam Đường có 128 đội văn nghệ quần chúng, 44 nghệ nhân tâm huyết trong việc truyền dạy, trao truyền văn hóa truyền thống. Thành lập 9 CLB, trong đó CLB khèn Mông là 4 thuộc các xã (Tả Lèng, Thèn Sin, Nùng Nàng, Giang Ma) 01 CLB đàn tính xã Bản Bo, 3 CLB văn nghệ dân gian dân tộc Lào xã Nà Tăm và 01 CLB dân gian dân tộc Lự xã Bản Hon). Kinh phí hỗ trợ kinh phí hỗ trợ các đội văn nghệ là 3 triệu đồng/đội, nguồn kinh phí theo Kết luận số 224/KL/TU ngày 18/10/2021 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh. Trong lĩnh vực di sản văn hóa, xã Bản Bo đã phối hợp với Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh tổ chức 02 buổi truyền dạy đánh chiêng, thổi sáo cho 15 thành viên. Cùng với đó hỗ trợ các nghệ nhân trong việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Tổ chức 01 lớp truyền dạy dân ca dân vũ tại bản Nà Cang cho 10 thành viên của  CLB Dân ca múa dân tộc Lào

Ông Đỗ Trọng Thi – Trưởng Phòng Văn hóa, Thể thao và Thông tin huyện khẳng định: “Xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, những năm qua, huyện Tam Đường đã tập trung nỗ lực triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Với những kết quả ban đầu đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ…”.

HÀ MINH HƯNG

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.